Thay đổi mối quan hệ độc hại: Đâu là điều nên làm?
Tiếp nối phần "6 Điều độc hại trong mối quan hệ mà bạn coi là bình thường", dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "6 Signs You’re in a Toxic Relationship" được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Hãy nhớ rằng một mối quan hệ độc hại là mối quan hệ mà tình yêu được đề cao hơn tất cả những giá trị khác bao gồm sự tôn trọng, niềm tin và thiện ý.
Tình yêu không nên là thứ giữ chân bạn trong một mối quan hệ, bởi vì nó làm lu mờ óc phán đoán của chúng ta trước những khía cạnh quan trọng khác.
Nếu đề cao tình yêu hơn sự tôn trọng trong mối quan hệ, bạn chấp nhận việc bị đối xử không ra gì. Nếu đề cao tình yêu hơn niềm tin, bạn chịu đựng việc bị lừa dối. Nếu đề cao tình yêu hơn thiện ý, bạn bỏ qua thái độ lạnh nhạt và xa cách của nửa kia.
Chúng ta chịu đựng mối quan hệ tồi tệ bởi nhiều lý do - có thể do chúng ta không có đủ sự tôn trọng cho bản thân, có thể chúng ta không có đủ nhận thức để biết được điều gì đang diễn ra, có thể chúng ta không giải quyết được cảm xúc của chính mình, vân vân,... Những điều này sẽ là tiền đề của một mối quan hệ hời hợt, độc hại và lạm dụng.
Làm thế nào để khiến mối quan hệ độc hại trở nên lành mạnh?
Mối quan hệ độc hại không chỉ là sóng gió nhất thời, mà còn là những hành vi xấu lặp đi lặp lại, kéo dài ở một hoặc cả hai phía. Vậy làm thế nào để bạn thay đổi những thói quen này trong mối quan hệ?
Con đường từ mối quan hệ độc hại sang lành mạnh không hề dễ dàng. Tôi thành thật nhé: phần lớn mọi người chẳng thể làm được. NHƯNG - mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Nếu có thể làm ba điều sau, bạn vẫn có cơ hội:
1. Cả hai người phải sẵn sàng để thay đổi
Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng chỉ cần một trong hai người không nghiêm túc trong việc khiến mối quan hệ trở nên tốt hơn, thì bạn có câu trả lời rồi đấy. Chỉ khi cả hai bộc lộ thái độ sẵn lòng để tìm ra giải pháp, bạn mới có thể đến bước tiếp theo…
2. Cả hai người nhận ra sự thiếu hụt thiện ý/lòng tin/tôn trọng và sẵn lòng đối mặt với nó
Cho dù cả hai muốn mọi thứ trở nên tốt hơn, bạn vẫn phải thừa nhận sự tồn tại của vấn đề và đồng lòng về những gì cần làm để sửa sai. Điều này nói thì dễ hơn làm.
Một người có thể cảm giác họ không nhận được sự tin tưởng và nghĩ rằng đó là điều mà cả hai cần cải thiện. Mặt khác, người kia thiếu đi niềm tin bởi vì mối quan hệ không hề có thiện ý. Hoặc một người không hoàn toàn thành thật về việc vấn đề ở đây là gì - họ không muốn phải nói rằng mình không tin tưởng nửa kia. Dù đó là gì đi chăng nữa, bạn cần phải rõ ràng và chân thật về điều đã khiến mối quan hệ trở nên độc hại.
3. Cả hai người cần giao tiếp một cách lành mạnh mà không đổ lỗi hoặc phán xét
Bạn có thể sẵn sàng để thay đổi, thậm chí cả hai người còn đồng ý với nhau về những vấn đề đang tồn tại, nhưng nếu một hoặc cả hai lại đổ lỗi cho người kia mọi thứ sẽ chẳng đi đến đâu cả.
Lỗi của ai thì nào có quan trọng khi mục tiêu là khiến mối quan hệ trở nên tốt hơn. Điều này nghĩa là cả hai cần coi trọng mối quan hệ hơn những khao khát ích kỷ trong việc trở thành kẻ đúng đắn hoặc thắng cuộc.
Cải thiện mối quan hệ độc hại chẳng hề dễ dàng nhưng những điều đáng trân trọng trong cuộc sống đều thế. Bạn có thể quyết định kết thúc cuộc tình tại một thời điểm nào đó và điều đó chẳng sao cả. Nhưng nếu cả hai sẵn sàng thay đổi, thì mọi cố gắng, những cuộc trò chuyện khó xử và cả nỗi đau đều xứng đáng.