The Substance: Kinh dị hình thể về gánh nặng hình thể

Chủ nhân giải Kịch bản xuất sắc tại LHP Cannes là một câu chuyện ngụ ngôn kinh tởm về sự khao khát và lòng căm ghét bản thân, về sức hủy hoại ghê rợn của tiêu chuẩn sắc đẹp.
Tuấn Anh
Nguồn: MUBI

Nguồn: MUBI

Đối với người phụ nữ, những gánh nặng về ngoại hình, về tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra cho định nghĩa sắc đẹp không còn mới. Chúng luôn tồn tại trong dòng chảy lịch sử - một trong những ví dụ sớm nhất là bức tượng Vệ nữ Willendorf có niên đại từ hơn 20.000 năm TCN - và giày vò hằng hà sa số thế hệ những người phụ nữ. Chúng đã được khai thác vô vàn lần qua những tác phẩm nghệ thuật.

Vậy nhưng, trong thời đại của phẫu thuật thẩm mỹ và những bài thuốc giảm cân mờ ám, The Substance của đạo diễn Coralie Fargeat - tác phẩm đã giành giải Kịch bản xuất sắc tại LHP Cannes và sẽ ra rạp tại Việt Nam từ ngày 1/11 - vẫn đem đến một góc nhìn mới mẻ qua lăng kính của thể loại kinh dị hình thể.

Ngập tràn trong máu và huyết thanh, phảng phất những sắc điệu của tiểu thuyết Dr. Jekyll and Mr. HydeThe Picture of Dorian Gray, của các tác phẩm tới từ “cây đại thụ dòng phim kinh dị” David Cronenberg, và của truyền thuyết về Suối nguồn Bất tử, The Substance là một câu chuyện ngụ ngôn kinh tởm về sự khao khát và lòng căm ghét bản thân, về sức tàn phá ghê rợn của tiêu chuẩn sắc đẹp.

Từng là một minh tinh màn bạc, chủ nhân của tượng vàng Oscar, song cũng giống như ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng của mình, sự nghiệp của Elisabeth Sparkle (Demi Moore) đã không còn rạng rỡ như xưa. Cô có một chương trình thể dục nhịp điệu trên sóng truyền hình, nhưng ngay vào ngày sinh nhật tuổi 50, Elisabeth bị sa thải bởi gã giám đốc thô lỗ Harvey (Dennis Quaid) để tìm kiếm một gương mặt trẻ trung hơn.

Đặt trong bất cứ tiêu chuẩn nào, Elisabeth vẫn là một người phụ nữ đẹp. Nhưng những lời lẽ khiếm nhã từ Harvey, kèm theo việc cô luôn bị bao quanh bởi những bức ảnh của bản thân đầy đặn collagen hơn, dần khiến nữ diễn viên tuyệt vọng.

Đó là cho tới khi cô được một người lạ mặt giới thiệu The Substance, thứ thuốc có thể trao trả lại “một phiên bản tốt đẹp hơn của bản thân”. Chỉ với một liều tiêm, từ chiếc lưng bị xé toang của Elisabeth lộ diện một người phụ nữ trẻ mang tên Sue (Margaret Qualley) - hiện thân của vẻ trẻ đẹp mà Elisabeth hằng mong ước.

Nhưng như mọi câu chuyện theo mô-típ khế ước với quỷ dữ, The Substance đi kèm theo những yêu cầu hết sức khắt khe - Elisabeth và Sue chỉ có một tuần trong mỗi cơ thể, và phải chuyển chỗ cho người còn lại mà không được phép “ăn bớt” một giây. “Hãy tôn trọng sự cân bằng” - giọng nói nặc danh đằng sau công ty bí ẩn sản xuất ra The Substance liên tục nhấn mạnh với Elisabeth.

Nhưng, hãy thành thật đi, nếu một ngày bạn tỉnh dậy trong một thân hình hoàn hảo mà mình mơ ước, bạn có dám chắc sẽ không lạm dụng nó không? Và cứ mỗi lần Sue nán lại trong thân hình của mình, cơ thể của Elisabeth sẽ phải hứng chịu hệ quả đầy ghê rợn.

Đầy ắp những phân cảnh ghê tởm tới muốn tuôn trào hết lục phủ ngũ tạng, khi khác lại hài hước một cách mỉa mai, song The Substance thực chất là câu chuyện đượm buồn về cách những người phụ nữ, dưới áp lực phi lý của xã hội, sẵn sàng tự hủy hoại bản thân để theo đuổi thứ “tiêu chuẩn sắc đẹp” mơ hồ.

Giống như hai tác phẩm trước đó là Reality+Revenge, đạo diễn kiêm biên kịch Coralie Fargeat xây dựng nên một câu chuyện tối giản, gần như không có những tình tiết phụ. Nhà làm phim người Pháp dành toàn bộ sự tập trung - và sự đồng cảm - cho hai nhân vật chính.

The Substance, do vậy, cũng không bỏ ra nhiều công sức để phủ lên thông điệp của mình những lớp vỏ bọc của sự tế nhị và kín đáo. Phản diện của bộ phim, gã giám đốc khinh bỉ phụ nữ, được đặt tên là Harvey - một phép-ẩn-dụ-mà-ai-cũng-hiểu về Harvey Weinstein - “ông trùm” Hollywood một thời giờ trở thành tội phạm khi bị phanh phui chuyện tấn công tình dục.

Qua nhân vật này, The Substance khắc họa sự bất công đến nực cười trong cách xã hội đánh giá giá trị của người phụ nữ chỉ qua ngoại hình, và một khi người phụ nữ bước qua một mốc tuổi nhất định, “giá trị” đó sẽ lập tức bị hạ xuống.

Nhưng không có nghĩa rằng bộ phim không khéo léo trong cách khiến khán giả phải tự vấn. Qua những góc quay của đạo diễn hình Benjamin Kracun, The Substance “vũ trang hóa” ánh nhìn male gaze, tập trung đặc tả những bộ phận cơ thể của Sue với cường độ “điên đảo”, như thể đang bắt khán giả ngắm nhìn cô qua ánh mắt của Harvey và những tên giám đốc gàn dở, để hiểu được điều đó kinh tởm đến mức nào.

Và cũng qua ống kính của Kracun, Los Angeles - nơi câu chuyện của The Substance diễn ra - sừng sững mọc lên như một sự kết hợp kỳ ảo của chủ nghĩa thô mộc và tân biểu hiện. Từng bối cảnh của bộ phim như thể được “mượn” từ các set quay của Stanley Kubric, tạo cho khán giả một cảm giác bất an kể cả trong những phân cảnh “đỡ” kinh dị nhất.

Kết hợp điều này với những giai điệu đầy hưng phấn của nhà soạn nhạc Raffertie cùng công sức trang điểm và hóa trang của Pierre-Olivier Persin để tạo nên sinh vật gớm ghiếc trong một trường đoạn cao trào có thể sánh ngang (về độ kinh tởm) với những The Fly hay Akira,The Substance trở thành một hiện thực tồn tại đâu đó giữa kỳ ảo và ác mộng, với mỗi phân cảnh dường như được thiết kế một cách cụ thể để gây ra những phản ứng khó chịu nhất từ người xem.

Song, The Substance có lẽ sẽ chỉ dừng lại ở một tác phẩm kinh dị gây sốc và thiếu mất sự đồng cảm cần thiết nếu không được thổi hồn bởi màn trình diễn của những ngôi sao. Trong vai Harvey, Dennis hóa thân thành bức tranh biếm họa đáng khinh bỉ nhất của những gã đàn ông gàn dở, khinh thường phụ nữ. Trong vai Sue, Margaret Qualley tận dụng vẻ đẹp hồn nhiên để trở thành thứ bản năng độc hại, chỉ quan tâm tới sự thỏa mãn những nhu cầu của bản thân.

Nhưng sau cùng, đây vẫn là “show diễn” của Demi Moore. Nữ diễn viên từng ba lần được đề cử Quả cầu vàng đem tới một màn trình diễn dũng cảm và chứa đầy nội lực của một người phụ nữ vật lộn với lòng căm thù bản thân và những tiêu chuẩn bất công từ xã hội - một trong những vai diễn thử thách nhất cô từng thực hiện.

Dường như toàn bộ sự nghiệp của Demi Moore đã đưa cô tới The Substance. Như Elisabeth, Moore đã từng một thời đứng trên đỉnh cao nhất của danh vọng (cô là nữ diễn viên có thù lao cao nhất mọi thời đại vào năm 1995). Và vì vậy, trong suốt 40 năm hoạt động nghệ thuật, Moore chắc hẳn đã không còn lạ lùng với sự soi mói, với những ánh nhìn đầy đánh giá từ công chúng. Nhìn vào sự nảy lửa trong màn hóa thân thành Elisabeth, không phải một phỏng đoán quá xa vời khi nói rằng The Substance là cách để Demi Moore lên tiếng và giải tỏa những ấm ức đã cất giữ suốt nhiều năm qua.

Phân đoạn Elisabeth đứng trước gương, chuẩn bị cho một buổi hẹn, để rồi liên tục trang điểm lại bởi sự không thỏa mãn với những gì cô đang nhìn thấy, là những giây phút thành thật nhất của bộ phim. Đó là thứ nghi thức không còn xa lạ với nhiều người, tuyệt vọng thêm thắt mọi thứ để tìm được sự thoải mái có thể không thực sự tồn tại trong thân thể của chúng ta.

The Substance không phải một lời mời đầy lịch sử để các khán giả tự nhìn nhận lại vấn đề. Bộ phim là một màn cao trào không ngừng nghỉ, liên tục gây sốc và tạo ra mọi tình huống khó chịu nhất có thể cho tới khi nó gây sang chấn cho tất cả mọi người xem phim. Khi đó, đạo diễn Coralie Fargeat mới có thể chắc chắn rằng khán giả đã thực sự hiểu thông điệp bộ phim muốn truyền tải.

Đây chắc chắn không phải là một bộ phim mà tất cả mọi người sẽ tung hô, không phải một tác phẩm chúng ta có thể rủ gia đình đi xem cùng. Nó kén chọn khán giả, chỉ dành những ai có độ khoan dung nhất định đối với thể loại kinh dị hình thể và sẵn sàng bị “công kích” bởi bộ phim. Nếu có thể chấp nhận được, bạn sẽ được đền đáp với một trong những tác phẩm kinh dị đáng xem nhất của năm 2024.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục