Thời trang bền vững - Phần 3: Những ứng dụng thực tiễn từ Metiseko
Sự thay đổi rõ rệt trong hành vi của người tiêu dùng khiến cho các doanh nghiệp ngày càng phải tăng tốc trong việc đưa ra các giải pháp “xanh", cả về sản phẩm lẫn quy trình sản xuất. Cùng chúng tôi tìm hiểu về những ứng dụng thực tiễn đến từ thương hiệu thời trang bền vững Metiseko.
Một khảo sát của Nielsen Việt Nam (2017) cho thấy có khoảng 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn lòng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có nguyên liệu thân thiện với môi trường. Con số ấn tượng này cho thấy người Việt hiện đang dẫn đầu toàn khu vực Đông Nam Á về tốc độ thay đổi nhận thức và hành vi trong văn hóa tiêu dùng. Và như một lẽ tất yếu, sự xê dịch của thị trường dẫn đến việc các doanh nghiệp cũng phải tăng tốc trong việc đưa ra các giải pháp “xanh” cả về sản phẩm lẫn quy trình sản xuất, đặc biệt là thời trang – một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hàng đầu thế giới.
“Vậy cụ thể, làm thế nào để có thể vận hành một chuỗi cung ứng xanh?” – Đó là câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra cho những người sáng lập Metiseko, một trong những thương hiệu thời trang bền vững đầu tiên của Việt Nam.
Năm 2011, cặp đôi Erwan Perzo và Florence Mussou bắt đầu xây dựng thương hiệu “thời trang chậm” Metiseko, đặt trụ sở tại phố cổ Hội An. Cái tên Metiseko là sự kết hợp giữa từ “métis”, hay “métisser”, trong tiếng Pháp có nghĩa là lai hóa, thường được sử dụng để miêu tả những sự kết hợp tinh hoa giữa hai nền văn hóa và “eko” là viết tắt của ecology (hệ sinh thái). Điều đó cho thấy rằng, ngay từ những ngày đầu tiên, bộ đôi sáng tạo này đã xác định một hướng đi rất “xanh” cho thương hiệu thời trang, phụ kiện và đồ dùng gia đình của mình.
Nhân dịp Erwan và Florence có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu bộ sưu tập mới nhất mang tên “Cội”, chúng tôi đã tranh thủ tìm đến để được trò chuyện trực tiếp với cả hai. Cùng Vietcetera tìm hiểu thêm về một thương hiệu thời trang bền vững vừa tròn 7 tuổi qua bài viết dưới đây.
https://vimeo.com/290434735
Anh chị có thể giới thiệu đôi nét về thương hiệu Metiseko được không?
Erwan: Metiseko là một thương hiệu thời trang sử dụng các chất liệu cao cấp của Việt Nam kết hợp với phương pháp thiết kế, và sản xuất của Pháp. Xuyên suốt quá trình sáng tạo, sản xuất và phân phối, chúng tôi luôn giám sát chặt chẽ để có thể đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của mình không gây ra những tác động tiêu cực cho môi trường và cộng đồng.
Florence: Nguồn cảm hứng của Metiseko thường đến từ sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên cũng như nét đẹp văn hóa của các quốc gia Châu Á, nơi mà chúng tôi từng có dịp đi qua. Sau đó sẽ được truyền tải qua những họa tiết in đậm chất truyền thống trên nền kiểu dáng hiện đại và phù hợp với xu hướng.
Tại sao thời trang bền vững quan trọng?
Erwan: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà chiếc áo thun sản xuất tại Bangladesh được bán ở Pháp với cái giá chỉ từ 3-5 Đô la. Tuy nhiên, chẳng ai thấy cái giá đó là một sự bất thường. Có thể là do họ không biết một sự thật là, để làm ra những chiếc áo như vậy thì những người phụ nữ hoặc thậm chí là trẻ em ở Bangladesh đang phải lao động hơn 70 tiếng mỗi tuần, với mức lương tối thiểu và môi trường làm việc vô cùng tồi tệ.
Đó là chưa kể đến tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất và canh tác bông (cotton), các chất hóa học sử dụng trong quá trình in và nhuộm vải – tất cả chúng đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, môi trường và sức khỏe con người. Chúng tôi yêu thời trang, và khao khát được mang sự sáng tạo của mình đến để làm đẹp cho mọi người. Nhưng cái đẹp phải song hành với trách nhiệm giảm thiểu tác hại tiêu cực đến môi trường và con người. Đó là một điều hiển nhiên, một điều cấp thiết.
Florence: Thời trang là một thứ ngôn ngữ mà bạn dùng để biểu lộ cá tính của mình. Nó không chỉ toát ra từ thiết kế, thương hiệu mà còn về cả chất liệu vải, nguồn gốc xuất xứ và cách mà chúng được làm ra. Với tôi, thời trang mà không bền vững thì cũng chỉ là vô nghĩa.
Vậy theo anh chị, một thương hiệu thời trang bền vững phải hội đủ những yếu tố gì?
Erwan: Theo tôi, bền vững là khi chúng ta làm được được ít nhất một trong các yêu cầu sau: chuỗi cung ứng (supply chain) thân thiện với môi trường, những đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng đó đều được hưởng lợi ích tích cực và sản phẩm làm ra phải có chất lượng tốt. Sự minh bạch là cần thiết để tiến đến một nền thời trang bền vững.
Hãy bàn về chất liệu vải của Metiseko…
Erwan: Bước vào cửa hàng của Metiseko, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy chúng tôi có hai chất liệu chủ đạo: lụa và cotton.
Chất liệu mà chúng tôi sử dụng từ những ngày đầu là cotton. Nhưng rất khó để có thể tìm được cotton sạch tại Việt Nam, vì thế chúng tôi chọn nhập khẩu cotton đã được chứng nhận hữu cơ toàn cầu GOTS (Global Organic Textile Standards) từ Ấn Độ.
Quá trình dệt thường mất khoảng 3 tháng và tùy theo cách đan, dệt và độ nặng nhẹ mà vải cotton có nhiều tên gọi khác nhau, Metiseko thường sử dụng vải cotton poplin, voile và drill. Sau đó, vải sẽ được chuyển về Bình Dương để giặt, nhuộm và in rồi mới chuyển đến xưởng may tại Hội An. Quá trình này kéo dài khoảng 2 tháng.
Còn đối với lụa, chúng tôi tận dụng nguồn lụa dồi dào từ Bảo Lộc, Lâm Đồng. Lụa Bảo Lộc rất đa dạng, bao gồm Habutai, Crepe, Satin, Shantung, và Twill. Hơn nữa, các nghệ nhân ở đây rất giỏi trong việc nhuộm và in thủ công khổ lớn trên lụa. Thông thường, mất khoảng hai tháng để có thể sở hữu một đơn hàng lụa.
Vậy Metiseko thường xử lý vải thừa như thế nào?
Erwan: Chúng tôi gần như không có vải thừa (cười). Đối với sản phẩm lụa, chúng tôi áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình Just-in-time (JIT), tức là “sản xuất đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết”. Cứ bán được một sản phẩm thì chúng tôi lại sản xuất thêm một, nên tình trạng tồn đọng rất hiếm khi xảy ra. Khi số lượng sản phẩm bán ra gần hết, chúng tôi sẽ bắt đầu đơn hàng lụa mới, thường chỉ ở mức 50-100 mét cho một mẫu in hoặc vải trơn.
Còn với cotton, chúng tôi sẽ đặt một số lượng lớn để dự trữ và sản xuất cho đến khi hết. Các mảnh vải thừa trong sản xuất sẽ được tái sản xuất thành phụ kiện và khăn. Đối với các sản phẩm tồn ở cửa hàng, chúng tôi sẽ gom về cửa hàng outlet tại Hội An để bán với giá gốc hoặc quyên góp cho đồng bào dân tộc Cơ Tu tại miền Trung.
Bao lâu thì anh chị lại cho ra mắt một bộ sưu tập mới?
Florence: Giữ đúng tinh thần “slow fashion” (thời trang chậm), mỗi năm chúng tôi ra mắt 3 bộ sưu tập. Trong đó gồm 1 bộ sưu tập chính trải dài suốt năm và 2 bộ sưu tập Capsule được làm bằng lụa (gồm khoảng 12-15 trang phục, chủ yếu là trang phục cơ bản). Đối với bộ sưu tập chính, nếu như năm nay lụa là chất liệu chủ đạo thì năm sau sẽ là cotton, và cứ thế luân phiên thay đổi.
Những thách thức khi vận hành một chuỗi cung ứng thời trang đạo đức và bền vững là gì?
Erwan: Vì vận hành theo mô hình tự sản xuất và thực hiện phân phối nên có thể nói chúng tôi gặp khá nhiều thử thách. Đầu tiên là phải tìm được nguồn cung cấp vải cotton có chứng nhận hữu cơ toàn cầu, theo sát số lượng nhập vào, bán ra của chất liệu lụa để duy trì mô hình JIT. Hiện xưởng của Metiseko có 46 thợ may. Nhằm giúp thợ may có dịp nâng cao tay nghề nên chúng tôi để mỗi người đảm nhận may hoàn thiện một sản phẩm thay vì chuyền may như các xưởng khác. Thế nên việc tổ chức bộ máy sản xuất sao cho hợp lý nhất, vận dụng tối đa nguồn lực, hoàn thành kịp tiến độ mà không gây tác động xấu đến môi trường và cộng đồng cũng là một thử thách lớn.
Trong tương lai, anh chị có những dự định gì để phát triển thương hiệu của mình?
Erwan: Từ trước đến nay, chúng tôi chưa nói nhiều về các giá trị bền vững vì muốn khách hàng có thời gian cảm nhận giá trị sản phẩm, thiết kế đến từ thương hiệu trước. Hiện tại, chúng ta đang tìm cách truyền tải thông điệp bền vững đến khách hàng sao cho tinh tế và gần gũi nhất.
Xem thêm:
[Bài viết] Thời trang bền vững – Phần 1: Những tiềm năng cần phát triển
[Bài viết] Thời trang bền vững – Phần 2: Những tiếng cười ở xưởng thời trang Evolution3