Tính "thiền" trong điện ảnh
Tính thiền trong điện ảnh có để định nghĩa nhiều cách; nó có thể là những cảnh quay gợi cho người xem sự chiêm nghiệm, nhận thức về hiện tại. Nó có thể sự ghép nối các tình tiết tạo thành một dòng chảy mà sau khi xem xong ta có thể cảm giác một sự thanh thản nhất định, như vừa đi xong một một chuyến đi dài vào thiên nhiên, ở cả nghĩa đen và bóng. Hay đơn giản là những tư tưởng về thiền triết được lồng ghép qua các cuộc thoại và hình ảnh ở trong phim, qua các hồi, để cung cấp cho người xem những gì cần và đủ để hướng vào bản thân, đồng thời bày tỏ thế giới quan của nhà biên kịch.
Cảnh tĩnh của Ozu
Khó có thể nào nhắc đến điện ảnh áp dụng tính thiền mà không nhắc đến cố đạo diễn Ozu Yasujirō. Kết hợp với nữ diễn viên Hara Setsuko, Ozu đã cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh từ thập niên 1920 cho đến khi qua đời vào năm 1963. Ozu đã được đánh giá bởi nhiều các tên tuổi lớn trong điện ảnh như cố nhà phê bình Ebert là đột phá, song không phải là theo cách hiểu thông thường trong các phim điện ảnh Hollywood, càng không giống cách mà những Godard hay Truffaut làm trong các tác phẩm French New Wave.
Sự phá cách của Ozu trong từng cảnh quay rất khó để nhận thấy. Ông là một trong người tiên phong trong trường phái đặt máy quay ở vị trí cố định, cách mặt đất 70cm, không di chuyển, phá đi những quy chuẩn thường thấy kể từ khi điện ảnh ra đời vào cuối thế kỷ XIX.
Chủ đề trong phim của Ozu thông thường là về tuổi già và sự khác biệt giữa góc nhìn của thế hệ này với thế hệ khác và dùng lại các diễn viên nhất định. Để dung hòa và truyền tải kỹ thuật và nội dung này một cách tốt nhất, tiết tấu trong các phim của Ozu, đơn cử như Tokyo monogatori (Câu chuyện Tokyo) hay Banshun (Xuân muộn) được làm từ tốn và nhẹ nhàng, ngay cả trong các xung đột giữa các nhân vật với nhau.
Ở trong các cảnh tĩnh (still shot) xuyên suốt sự nghiệp của cố đạo diễn Ozu, luôn có một chiếc ấm màu đỏ đâu đó trong bộ phim. Không rõ là vì lý do gì, nhưng chúng luôn ở đó, theo chủ đích của Ozu. Việc lựa chọn màu sắc, nhất là những màu mạnh mẽ như màu đỏ rất quan trọng trong việc ảnh hưởng lên tâm lý của người xem. Trên thực tế, màu đỏ đã được chứng minh trong khoa học là tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ cho giác quan, một sự tương phản đối lập với cái bình thản trong từng thước phim của ông.
Sự cân bằng (yin-yang) này là một running-theme trong các phim của Ozu, từ Bakushu cho đến Tokyo monogatari và nó cũng phản ánh qua cách mà Ozu miêu tả khoảng cách thế hệ trong các phim của mình. Có lẽ cũng chẳng phải tình cờ, mà trên tấm mộ đá của Ozu có khắc một chữ 無 (vô).
Xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân
Tiện nhắc về điện ảnh châu Á, một trong những đạo diễn nổi bật nhất của thế kỷ XXI là cố đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki-duk. Tác phẩm Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (Xuân, Hạ, Thu, Đông...rồi lại Xuân) của ông sản xuất năm 2003 là minh chứng rõ cho sự kết hợp giữa triết lý Á Đông và tính chất phá cách, mới mẻ của những đạo diễn phương Tây.
Được chia làm bốn hồi khác nhau: Xuân, hạ, thu và đông, mỗi hồi cách nhau một giai đoạn trong cuộc sống của một nhà sư và cậu học trò dưới một mái chùa cổ. Năng lượng chính của phim đến từ sự tĩnh lặng, thể hiện trong các cảnh tĩnh. Phim đề cập đến ít nhiều các vấn đề nhân sinh, như nghiệp quả (karma), các vòng lặp của tự nhiên, về những bài học mà ta học trong một kiếp người.
Ở trong phim cũng không thiếu những cảnh quay tĩnh, như một lời tri ân đến các đạo diễn như Ozu hay Kore-eda Hirokazu. Kim Ki-duk mang hơi thở của phương Đông vào các phim của mình mà không nhất thiết phụ thuộc quá nhiều vào những lời thoại dông dài (như bản chất của câu nói "show, don't tell").
"Dòng chảy" của Richard Linklater
Đạo diễn Richard Linklater, tính thiền, hay chính xác hơn là dòng chảy (flow) ở phim của ông nằm trong các khoảng lặng. Ở trilogy Before (gồm ba phần phim Before Sunrise, Before Sunset và Before Midnight), được quay cách nhau 9 năm mỗi phần, với hai nhân vật chính do Ethan Hawke và Julie Delpy thủ vai xuyên suốt cả ba phần. Một cặp đôi nói chuyện với nhau liên tục xuyên suốt cả phim về trải nghiệm của bản thân.
Có tính "thiền" nhất định trong format dialogue-driven (plot được phát triển bởi lời thoại) này - dường như Linklater đã nắm chặt được cách viết một kịch bản cuốn hút nhờ 1. flow của chính kịch bản, 2. flow của kịch bản phim và 3. flow, hay chính xác hơn là chemistry (sự đồng điệu) của các diễn viên trong lúc thể hiện vai diễn. Trong trilogy Before, những cảnh tracking shot và continuous shot được sử dụng nhiều để tạo một sự liền mạch cho góc nhìn của người xem.
Hay trong dự án Boyhood được quay kéo dài 12 năm từ 2002 cho đến năm 2014, là tổng hợp những cảnh quay có phần chậm rãi những sự kiện xảy ra trong cuộc đời của cậu bé Mason (thủ vai bởi Ellar Coltrane) từ thời niên thiếu cho đến khi trưởng thành. Bộ phim không drama hóa các tình tiết của plot mà tập trung vào việc kể một câu chuyện với pacing đều đặn từ đầu đến cuối, từ nhân vật này đến nhân vật khác mà cậu gặp.
Các lời thoại của phim được làm tự nhiên nhất có thể và có cả những trường đoạn được ứng biến bởi chính các diễn viên, thay vì cố gắng bám sát vào kịch bản gốc. Ở cuối phim, nhân vật Mason đã nói một câu như sau với người bạn của mình, và đồng thời cũng phá vỡ bức tường thứ tư khi nhìn thẳng vào ống máy quay:
“Khoảnh khắc nắm lấy chúng ta” (The moment seizes you)
Có lẽ bản chất thực sự của cuốn phim cuộc sống, chỉ là sự tổng hợp những nhận thức ở từng khoảnh khắc, không có mấy khác biệt giữa trạng thái "thiền" lúc ta đang bị cuốn vào một bộ phim hay trong trạng thái ngồi xuống để chiêm nghiệm lại suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Nhận thức là sự bắt đầu của thay đổi, và chỉ khi nào nhận thức đủ, đi kèm với sự giúp đỡ ngoại cảnh, nội tại của ta mới có thể tìm thấy được điều mà ta luôn trông đợi ở tầng tiềm thức - sự bình an (inner-peace).