Tràng pháo tay dài 9 phút ở tuổi 80 của Martin Scorsese
Ở tuổi 80, thêm một lần nữa Martin Scorsese khuấy đảo cả làng điện ảnh. Bộ phim mới nhất của ông - Killers of The Flower Moon vừa nhận tràng pháo tay kéo dài 9 phút cũng như số điểm “trên mây” tại Liên hoan phim Cannes gần đây. Tác phẩm này cũng được xem là ứng cử viên sáng giá cho mùa Oscar năm sau.
Martin Scorsese bắt đầu hoạt động từ thập niên 1960. Trong 6 thập kỷ tham gia điện ảnh, ông đã giành được rất nhiều giải thưởng. Scorsese là vị đạo diễn đang sống có được số lượng đề cử Oscar nhiều nhất. Ông cũng chiến thắng 1 giải Oscar, 3 giải Quả cầu vàng, 1 giải Cành cọ vàng cũng như rất nhiều đề cử tại BAFTA, Emmy và các giải thưởng điện ảnh danh giá khác.
Vì sao ông lại vươn đến được thành công đó, cũng như điều gì đã kéo ông lại hơn nửa đời người sống với điện ảnh?
Tìm ra đam mê trong việc ta làm dù thích hay không
Hơn nửa đời người, Martin Scorsese đã cống hiến hàng loạt bộ phim xuất sắc, nhiều trong số đó đã được công nhận là những kiệt tác của điện ảnh đương đại. Có thể kể đến như Taxi Driver (1975), Raging Bull (1980), Goodfellas (1992), TheWolf of Wall Street (2013) và The Irishman (2019). Sự nghiệp của ông cũng gắn liền với rất nhiều tên tuổi, hai trong số đó là Robert De Niro và Leonardo DiCaprio.
Được xếp vào hàng cũng những đạo diễn danh tiếng như Francis Ford Coppola, Steven Spielberg, Roman Polanski… Scorsese nổi tiếng với các dòng phim hướng về băng đảng đường phố, thiên về bạo lực. Thế nhưng ông cũng không ngừng mở rộng phạm vi, thực hiện nhiều phim tài liệu cũng như tác phẩm art-house mang tính thử nghiệm. Trong một lần phỏng vấn, ông đã nói rằng:
Người ta phải có niềm đam mê với mọi dự án mà mình đang làm, và nếu không có nó, ta sẽ phải tìm cho ra một cách nhanh nhất. Tôi đã thực hiện các dự án không phải do tôi hoặc người mà tôi nhất thiết tin tưởng, nhưng việc biến công việc này thành niềm đam mê, thì tôi đã vượt qua được.
Và đam mê ấy bắt nguồn từ khi ông còn rất nhỏ. Cũng giống như Spielberg trong The Fablemans đã tái hiện lại trường hợp của bản thân mình, Scorsese cũng được đi xem những phim kinh điển ở rạp địa phương, từ đó ông thấy thích thú và phân tích chúng. Với vóc dáng nhỏ bé và bị hen suyễn khi từ rất nhỏ, điện ảnh cũng mở cho ông một con đường khác, khi thấy mình được hòa nhập cũng như đến với thế giới rộng lớn.
Do đó chủ đề về các gia đình người Mỹ gốc Ý, băng đảng, tội phạm và sự cứu chuộc vẫn luôn hiển hiện trong các tác phẩm của ông. Từ thuở thiếu thời ông cũng được hướng để tham gia vào giáo hội Công giáo, nhưng vì một sự “sảy tay” của chính số phận mà Scorsese cuối cùng cũng đã đến với điện ảnh. Thế nhưng niềm tin thì vẫn còn đó, dẫn đến sự ra đời của The Silence – tác phẩm được ông coi như là tinh hoa nhất của bản thân mình.
Nói riêng về niềm đam mê với phim băng đảng, Scorsese cũng chia sẻ rằng chúng đã sống cùng với ông một thời gian dài theo kiểu thụ động. Chào đời và dành phần lớn tuổi thơ chính tại New York với các tầng lớp xã hội tương đối phức tạp, ông đã chứng kiến cũng như tham gia vào một băng đảng đường phố ở khu người Ý. Quãng này cũng là thời gian mà ông làm việc tại chính hãng phim của công ty cha mình, nơi ông có những chạm ngõ đối với điện ảnh.
Năm 2007, ông giành giải Oscar cho bộ phim The Departed ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, và được cải biên lại dựa trên phim gốc là Vô Gian Đạo đến từ Hongkong. Bộ phim này cũng đánh dấu điểm khởi đầu cho sự hợp tác rồi sẽ dài lâu với nam tài tử Leonardo DiCaprio của Scorsese, dẫn đến hàng loạt các phim ấn tượng như The Aviator, The Wolf of Wall Street…
Đến nay, các bộ phim của Scorsese đã thu hút được lượng lớn khán giả, thành công về cả mặt thương mại lẫn phê bình. Trong hơn 60 hành nghề, ông đã đạo diễn 25 bộ phim điện ảnh, 17 tác phẩm tài liệu, cũng như thu về khoảng gần 1,9 tỷ USD doanh thu phòng vé toàn cầu.
“Thế giới đã mở lòng hơn, nhưng quá muộn rồi.”
Chia sẻ về tác phẩm mới nhất Killers of The Flower Moon, Scorsese đã nói gần đây trên tờ Deadline: “Tôi ước gì mình có thể nghỉ ngơi 8 tuần, và làm thêm 1 bộ phim cũng trong chừng đó thời gian. Thế giới này đã mở lòng với tôi hơn, nhưng quá muộn rồi. Tôi đã già. Tôi đọc nhiều. Tôi thấy nhiều hơn. Tôi muốn kể nhiều hơn, nhưng không còn thời gian nữa.”
Ông cũng so sánh chính trải nghiệm này với một trong những thần tượng của mình – nhà làm phim huyền thoại Akira Kurosawa. Scorsese nói rằng khi Kurosawa được trao cho giải Oscar ở tuổi 83, ông không hiểu được câu nói của nhà làm phim Nhật Bản: “Giờ tôi mới thấy những tiềm năng mà điện ảnh có thể mang lại, nhưng muộn quá rồi”. Nhưng theo thời gian, dường như ông đã hiểu được chính xác điều mà Akira Kurosawa nói là gì.
Với Scorsese, quyền năng của điện ảnh đã mở ra nhiều cuộc đời cũng như nhãn quan khác nhau. Nó có thể đánh thức cậu bé Martin chỉ mới 8 tuổi với bệnh hen suyễn mơ về thế giới lớn hơn, cũng như giúp cho những người chìm đắm dưới đáy xã hội được thấy ánh sáng và thay đổi mình…
“Những bộ phim chạm đến trái tim và đánh thức tầm nhìn của chúng ta, đồng thời thay đổi cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ. Chúng đưa ta đến những nơi khác biệt, mở cửa tâm trí. Điện ảnh chính là kỷ niệm trong đời chúng ta, và ta cần nó để mà tồn tại”.
Martin Scorsese cũng không ngừng nghỉ trong việc đóng góp vào việc bảo quản phim ảnh cũng như hỗ trợ những tài năng trẻ. Năm 1990, ông đã thành lập The Film Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo quản phim. Tiếp theo vào năm 2007, ông cũng thành lập Quỹ Điện ảnh Thế giới (World Cinema Foundation) để các tác phẩm kinh điển một thời không chìm vào trong quá vãng.
Với danh tiếng cũng như ảnh hưởng của mình, ông cũng có những tiếng nói để tác động đến xã hội rộng lớn, cũng như không ngại dấn thân vào các vấn đề gây ra tranh cãi. Ông cũng đã hiện thực hóa điều này bằng cách tạo ra các bộ phim tài liệu hoặc sản xuất phim có các chủ đề liên quan trực tiếp đến các phong trào chính trị và thay đổi xã hội.
Hai năm trước, ông cũng từng gây ra những luồng tranh cãi về phim siêu anh hùng của Marvel cũng như chỉ trích các nền tảng streaming với thuật toán tìm kiếm nội dung, khi ông cho rằng đây chính là các yếu tố làm mờ nhạt đi vai trò của rạp chiếu phim – “thánh đường” của ngành điện ảnh, và biến nó thành “công viên giải trí” không hơn không kém.
Với niềm đam mê cũng như tình yêu bất tận dành cho điện ảnh, Martin Scorsese có tầm nhìn xa và rất chính xác về những gì ông mong muốn đạt được, không chỉ trong các bộ phim của bản thân mình, mà còn là với điện ảnh nói chung. Để rồi từ đó tạo ra những sự thay đổi dành cho xã hội theo hướng cần thiết, đáp ứng được chính ý nghĩ nghệ thuật tạo ra.