Trông đợi điều gì ở GPT-4 - bản nâng cấp của ChatGPT?
1. Chuyện gì đang xảy ra?
“GPT-4 là hệ thống tân tiến nhất của OpenAI, đưa ra những phản hồi an toàn hơn và có ích hơn.” Đó là thông báo trên website của công ty OpenAI khi ra mắt GPT-4 - bản nâng cấp tiếp theo của GPT-3, tức công nghệ vận hành ChatGPT.
Sau khi khiến cả thế giới trầm trồ và mê hoặc với ChatGPT vào cuối năm ngoái, đội ngũ OpenAI đã tiếp nhận rất nhiều dữ liệu và phản hồi của người dùng. GPT-4 là kết quả của việc cập nhật những dữ liệu mới và những ý kiến của người dùng, cùng với đó là việc nâng cấp một số tính năng cũ và bổ sung thêm những khả năng mới cho ứng dụng.
2. Có gì mới ở GPT-4?
Điểm mới đầu tiên và dễ nhận thấy nhất ở GPT-4 là khả năng nhận diện hình ảnh. Giờ đây, ứng dụng có thể tiếp nhận hình ảnh như dữ liệu đầu vào, tức là người dùng có thể đặt câu hỏi bằng hoặc với hình ảnh. Phản hồi của GPT-4 vẫn sẽ là dạng văn bản, nhưng khả năng nhận diện hình ảnh của ứng dụng là rất ấn tượng.
Bên cạnh đó, OpenAI đã cung cấp thêm dữ liệu cho GPT-4. Theo đại diện công ty này, GPT-4 đã cập nhật thêm nhiều thông tin và kiến thức tương ứng với tháng 8 năm ngoái nếu so với thời gian thực của con người. Điều này sẽ giúp ứng dụng phản hồi chính xác hơn với phần lớn các yêu cầu của người dùng.
Điểm mới tiếp theo là việc đơn vị sản xuất đã nâng cấp và cài đặt thêm những lớp bảo mật mới, giúp GPT-4 có khả năng lọc thông tin tốt hơn để tránh đưa ra những phản hồi có nội dung không lành mạnh, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ liên quan tới vấn đề bảo mật.
Như vậy, chúng ta sẽ khó có thể “lừa” GPT-4 nói những thứ mà nó đã được “dạy” là không được phép nói ra, ví dụ như ngôn từ thù hận hay những phát ngôn nặng thiên kiến phân biệt.
4. GPT-4 vượt trội hơn ở những tính năng nào?
Xem xét một cách toàn diện thì GPT-4 là bản nâng cấp hoàn chỉnh của ChatGPT với GPT-3 (và cả GPT-3.5). Ngoài những điểm mới, tất cả các khả năng khác của ứng dụng đều vượt trội, chính xác, và sắc bén hơn.
Theo lời giới thiệu trên trang web OpenAI, “GPT-4 có thể giải quyết các vấn đề khó với độ chính xác lớn hơn do [GPT-4] có kiến thức thường thức rộng hơn và khả năng giải quyết vấn đề (general knowledge) tốt hơn.”
Theo đó, bên cạnh việc “là một công cụ sáng tạo hơn và tương thích hơn [với người dùng],” GPT-4 có thể cùng con người thực hiện các đầu việc mang tính sáng tạo hay các công việc viết lách đòi hỏi nhiều kỹ thuật như soạn nhạc, viết kịch bản, hay học phong cách hành văn của người dùng.
Để minh họa cho sự mở rộng về nền kiến thức của GPT-4, hãy xem cách mà trí tuệ nhân tạo này giải quyết các bài thi chuẩn hóa. Theo The New York Times, GPT-4 có thể đạt 1300/1600 điểm SAT, 5/5 điểm AP (một hệ thống kiểm tra dành cho cấp 3 tại Mỹ) các môn sinh học, đại số, kinh tế vĩ mô, tâm lý học, thống kê, và lịch sử; đồng thời đạt số điểm nằm trong top 10% cao nhất đối với Uniform Bar Examination - bài kiểm tra dành cho luật sư có hiệu lực ở 41 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khả năng xử lí ngôn ngữ cũng là một điểm ưu việt mới khi so sánh với các phiên bản GPT trước đây. Phiên bản mới có thể tiếp nhận và phản hồi bằng những văn bản rất dài với số lượng từ nhiều hơn ChatGPT 8 lần.
Ngoài ra, GPT-4 có thể tóm tắt chính xác một văn bản, và giả như bạn thêm một câu vào đoạn tóm tắt của GPT-4, nó sẽ nhận ra câu bạn đã thêm và trực tiếp chỉ ra nó thông qua khả năng so sánh văn bản mới được cập nhật.
Một tính năng khác cũng được nâng cấp là khả năng lập luận với lý lẽ, tuy nhiên tính năng này vẫn gặp những giới hạn về mặt kỹ thuật. Theo ông Sam Altman - Giám đốc Điều hành của OpenAI, thì GPT-4 có thể ít nhiều đưa ra lập luận với lý lẽ riêng, nhưng khả năng này tùy thuộc vào từng tình huống và câu hỏi khác nhau.
Cuối cùng, GPT-4 có khả năng xử lí các ngôn ngữ không-phải-tiếng Anh tốt hơn rất nhiều. Theo OpenAI, ứng dụng hiện có thể làm việc với 26 ngôn ngữ ở cấp độ ngang ngửa với tiếng Anh.
Tuy nhiên, hầu hết các loại ngôn ngữ ấy là những thứ tiếng “bà con” của tiếng Anh, và chắc là người dùng Việt sẽ phải đợi tới GPT-5, thậm chí GPT-6 để có một phiên bản tương thích với tiếng Việt.
4. Thế còn những giới hạn của GPT-4?
Theo báo cáo của OpenAI, GPT-4 có những giới hạn và rủi ro tương tự như các phiên bản GPT trước, nhưng ít xảy ra hơn. Vấn đề lớn nhất của GPT-4 là việc ứng dụng đôi khi vẫn đưa thông tin sai lệch, lập luận không chính xác, và đưa ra phản hồi mang thiên kiến.
Ngoài ra, thông tin mà GPT-4 được học dừng lại ở hết tháng 8 năm ngoái, tức là sẽ có những mảng thông tin mà trí tuệ nhân tạo này chưa cập nhật.
Bên cạnh đó, OpenAI không giấu sự lo ngại rằng GPT-4 sẽ đưa ra những phản hồi có hại (harmful advice). Điều này có nghĩa là nó có thể tiếp tay cho người dùng thực hiện các hành vi xấu, ví dụ như chế tạo chất nổ, điều chế chất độc hóa học, hay lừa đảo. Đội ngũ OpenAI đã rất tập trung vào vấn đề này và huấn luyện cho GPT-4 nhận ra và từ chối những yêu cầu nhạy cảm.
5. Nếu có thể, ta nên cộng tác với GPT-4 thế nào?
Ta có thể thấy rằng GPT-4 là phiên bản nâng cấp toàn diện so với các phiên bản trước đó. Các tính năng cũ phát triển hơn, các tính năng mới được bổ sung, và kèm theo đó là ít giới hạn và rủi ro hơn (nhưng vẫn có giới hạn và rủi ro).
Điều này có thể khiến những ai đã lo sợ và có thái độ tiêu cực với ChatGPT có thêm lí do để lo lắng cho loài người, ở cả khía cạnh công việc lẫn khía cạnh nhân văn về mối quan hệ giữa người với máy.
Thay vì lo lắng về chuyện mất việc và bị máy móc đô hộ, có lẽ chúng ta nên nghĩ về những phương thức để sống chung với máy, tận dụng GPT-4 để cuộc sống thuận tiện hơn. Một hướng ứng dụng mà OpenAI gợi ý là sử dụng GPT-4 vào việc học tập và giảng dạy. Với những khả năng và tính năng mới, GPT-4 hoàn toàn có thể đưa ra những bài giảng ở nhiều môn khác nhau theo những cách riêng, phù hợp với từng học viên.
OpenAI đã cẩn thận đưa ra ví dụ cho việc áp dụng này. Theo đó, GPT-4 có khả năng đưa ra những câu trả lời dựa theo định hướng của người dùng. Ví dụ, bạn muốn GPT-4 dạy toán cho em trai mình, nhưng lại không muốn ứng dụng cung cấp luôn đáp án. Khi ấy, bạn có thể yêu cầu ứng dụng giảng giải vấn đề theo cách cho-cần-câu chứ không cho-con-cá.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể định hướng cả kiểu nội dung câu trả lời mà GPT-4 có thể đưa ra. Ví dụ, nếu bạn lo sợ rằng một bài toán giải hệ phương trình là quá khó hiểu, thì bạn có thể bảo trí tuệ nhân tạo cùng giảng giải vấn đề với người học theo kiểu “vừa gà vừa chó.”