"Từ lạ thành thân" với 36 câu hỏi thiết kế bởi tâm lý học
Quá trình xây dựng tình cảm từ lạ thành thân thường không đơn giản. Việc này yêu cầu nhiều thời gian kiên nhẫn, thấu hiểu và lắng nghe. Sau quá trình gian nan đó, không ít người đã gắn mác tình cảm là “phức tạp”, “mù quáng”, “đau khổ”, “bất ngờ”.
Một phạm trù rắc rối như vậy, liệu có thể đơn giản hóa bằng “công thức” được không?
Giáo sư tâm lý Arthur Aron tại Đại học Stony Brook đã chứng minh điều này hoàn toàn có thể. “36 câu hỏi đến gần nhau hơn” chính là đáp án của giáo sư và các cộng sự.
Theo nghiên cứu này, để gắn kết hai người xa lạ, tất cả những gì bạn cần là ngồi đối diện người mình muốn xây dựng mối quan hệ (người thân, bạn bè, crush,...), 36 câu hỏi và 4 phút tập trung nhìn vào mắt nhau.
Nguồn gốc và sự nổi tiếng
Vào năm 1967, trong ngành tâm lý học xã hội tồn tại một văn hoá nghiên cứu đặc biệt, đó là đào sâu vào những chủ đề mà mọi người thường cho rằng khoa học không thể lý giải được.
Khi ấy, chủ đề tình yêu chưa được tìm hiểu nhiều. Cùng sự thúc đẩy từ tình cảm khăng khít với người bạn đời kiêm cộng sự là Elaine Aron, giáo sư Arthur Aron đã quyết định chọn tình yêu làm chủ đề cho bài nghiên cứu để đời của mình.
Ba mươi năm sau, cả hai công bố nghiên cứu về “quy trình tạo dựng sự gần gũi", cũng chính là 36 câu hỏi giúp kết nối tình cảm mà hiện nay mọi người thường gọi. Tuy nhiên, đến năm 2015 khi 36 câu hỏi này được nhắc tên trong mục Modern Love của tờ New York Times, nghiên cứu của họ mới thật sự trở nên nổi tiếng.
Những câu hỏi này giúp kéo mọi người lại gần nhau hơn bằng cách nào?
– Các câu hỏi đều mang tính chất khám phá bản thân với mức độ riêng tư tăng tiến, từ đó khuyến khích hai bên thoải mái mở lòng với nhau hơn.
– Bản thân hành động hỏi đã là một cách thể hiện sự quan tâm đến người khác.
– Việc đặt câu hỏi mở, khai thác chiều sâu tâm hồn yêu cầu người trả lời phải suy nghĩ và tự phản chiếu chính mình. Câu trả lời đưa ra chính là những điều mà họ thực sự muốn người khác thấu hiểu.
Tóm lại, bộ câu hỏi tập trung vào củng cố sự quan tâm, thấu hiểu và sự thân thiết. Đây chính là ba yếu tố nền tảng phát triển một mối quan hệ.
36 câu hỏi đó là:
Vòng 1
1. Nếu bạn được rủ bất cứ ai trên thế giới đi ăn tối, người đó sẽ là ai?
2. Bạn có thích trở nên nổi tiếng không? Và bạn thích nổi tiếng bằng cách nào?
3. Trước khi gọi điện cho ai đó, bạn có nhẩm lại nội dung mình sẽ nói không? Tại sao?
4. Yếu tố nào tạo nên một ngày tuyệt hảo đối với bạn?
5. Lần gần nhất bạn ngân nga với chính mình là khi nào? Lần gần nhất hát cho người khác nghe?
6. Giả sử bạn có thể sống đến 90 tuổi. Trong 60 năm còn lại của cuộc đời, bạn sẽ chọn duy trì ngoại hình năm 30 hay trí tuệ năm 30?
7. Bạn có linh cảm bí mật nào về cái chết của mình không?
8. Liệt kê 3 điều có vẻ như là điểm chung giữa bạn và đối tượng của bạn.
9. Bạn cảm thấy biết ơn điều gì nhất trong cuộc sống?
10. Nếu có thể thay đổi cách mình được nuôi dạy từ nhỏ, bạn sẽ thay đổi thế nào?
11. Dành ra khoảng 4 phút kể về câu chuyện cuộc đời bạn, càng chi tiết càng tốt.
12. Nếu sáng mai thức dậy bạn được ban cho một tính cách hay khả năng, đó sẽ là gì?
Vòng 2
13. Nếu có một quả cầu pha lê cho bạn biết sự thật về bản thân, cuộc sống, tương lai, hoặc bất cứ gì khác, bạn sẽ muốn biết điều gì?
14. Bạn có mơ ước được thực hiện điều gì từ lâu rồi không? Tại sao bạn vẫn chưa thực hiện việc đó?
15. Thành tựu lớn nhất của cuộc đời bạn là gì?
16. Bạn coi trọng điều gì nhất trong tình bạn?
17. Kỷ niệm quý giá nhất của bạn là gì?
18. Còn ký ức tồi tệ nhất của bạn thì sao?
19. Nếu bạn biết trong vòng một năm tới bạn sẽ ra đi đột ngột, liệu bạn có thay đổi bất cứ điều gì trong nhịp sống hiện tại của mình không? Tại sao?
20. Tình bạn có ý nghĩa như thế nào với bạn?
21. Vai trò của tình yêu nói riêng và tình cảm nói chung trong cuộc sống của bạn?
22. Lần lượt chia sẻ 5 khía cạnh tích cực của nhau theo suy nghĩ và cảm nhận của mỗi bên.
23. Gia đình bạn thân thiết và ấm cúng tới mức nào? Bạn có cảm thấy tuổi thơ của mình hạnh phúc hơn người khác không?
24. Bạn cảm thấy mối quan hệ của mình với mẹ bạn như thế nào?
Vòng 3
25. Đặt 3 câu trần thuật một sự thật với chủ thể là “chúng ta”. Ví dụ: “Chúng ta đều đang ở trong căn phòng này và cảm thấy…”
26. Hoàn thành câu sau: “Tôi ước có một người mà mình có thể chia sẻ…”
27. Nếu bạn có ý định trở thành bạn thân của đối phương, hãy chia sẻ điều quan trọng mà anh ấy/cô ấy cần biết.
28. Nói với đối phương điều bạn thích ở họ; hãy thành thật nhất có thể – những điều bạn thường không nói với một người mới gặp.
29. Chia sẻ với đối phương một kỷ niệm xấu hổ trong cuộc đời bạn.
30. Lần gần nhất bạn khóc trước mặt người khác là khi nào? Còn khi bạn khóc một mình thì sao?
31. Nói với đối phương về một điểm mà bạn mến ở họ.
32. Xét tất cả các vấn đề, bạn thấy vấn đề nào nghiêm trọng đến mức không thể đem ra đùa cợt được?
33. Nếu tối nay bạn phải từ giã cõi đời nhưng không có cơ hội nào để liên lạc với bất kì ai, điều gì chưa nói làm bạn hối tiếc nhất? Tại sao trước đây bạn vẫn chưa nói điều đó ra?
34. Ngôi nhà với tất cả đồ đạc bạn sở hữu chìm trong hỏa hoạn. Sau khi cứu hết người thân và thú cưng, bạn còn đủ thời gian vào nhà cứu thêm một món đồ nữa. Bạn sẽ cứu món đồ nào? Tại sao?
35. Trong tất cả thành viên gia đình của bạn, sự ra đi của ai làm bạn bứt rứt nhất? Tại sao?
36. Chia sẻ một vấn đề cá nhân và hỏi ý kiến đối phương nên giải quyết vấn đề đó như thế nào. Ngoài ra, nhờ đối phương phản hồi cảm nhận của họ về thái độ/cảm xúc của bạn đối với vấn đề mà bạn lựa chọn.
Cuối cùng
Cả hai người hãy dành khoảng 4 phút không lời và nhìn vào mắt nhau.
Bạn có thể vào trang web để trải nghiệm giao diện giúp tương tác thuận lợi hơn.
Hiệu quả của những câu hỏi này là lâu dài hay chỉ tạm thời?
36 câu hỏi này trở thành một hiện tượng, các dân cư mạng tại Mỹ bàn tán về kết quả mỹ mãn của nó khắp nơi, từ chuyên mục trên New York Times, các bài thảo luận trên Reddit, thậm chí là những bài báo và video trải nghiệm trên YouTube.
“Vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả lâu dài của nó. Sau khi hoàn thành cả quy trình, những người thử nghiệm đều cho biết họ cảm thấy thân thiết hơn hẳn với đối phương, nhưng điều này có kéo dài hay không thì chúng tôi vẫn chưa biết.” — Giáo sư Arthur Aron chia sẻ.
Cũng theo giáo sư, có 4 yếu tố chính khiến một mối quan hệ căng thẳng: tình trạng sức khỏe xấu đi của một trong hai người, sự căng thẳng khi có biến cố cuộc sống (chẳng hạn như mất con), mối quan hệ với người thân và bạn bè không như ý, và thiếu kỹ năng giao tiếp giữa hai người. Giữ cân bằng những yếu tố này là cách giúp mối quan hệ bền vững hơn.
Ngoài ra, còn một số cách khác bạn có thể thử để kéo dài mối quan hệ. Chẳng hạn như thường xuyên thực hiện những điều thú vị, mới mẻ với người bạn đời để giữ tình yêu đam mê (passionate love) giữa cả hai.
Một điều quan trọng nữa là sự sẻ chia. Ở bên người yêu hoặc bạn đời khi họ gặp khó khăn đương nhiên rất quan trọng, nhưng cùng chia vui với họ cũng cần thiết không kém để giúp mối quan hệ lâu dài và lành mạnh.