Vietcetera search icon

Tử Mộc Trà: Người phiên dịch giữa lời và nét

Trong những chuyến thực địa ngắn ngày, Tử Mộc Trà ghi chép cảm hứng ở thế giới bằng con chữ, và "dịch" chúng thành hình hoạ.
Long Vũ
Tác phẩm Lặp | Nguồn: Tử Mộc Trà

Tác phẩm Lặp | Nguồn: Tử Mộc Trà

Tử Mộc Trà, hay còn được bạn bè gọi là Lem, tên thật là Phạm Thuỳ Dương. Nghệ sĩ 9x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội từng tham gia nhiều triển lãm trong nước và được biết tới qua tác phẩm Lặp - đạt giải thưởng Đồ họa tại Festival Mỹ Thuật Trẻ 2022.

Về cách tiếp cận và sáng tác, cô dành nhiều thời gian ở một địa điểm để khai thác câu chuyện, ký hoạ và chụp lại tư liệu. Sau đó, cô chuyển tải những gì mình có lên mặt giấy và hoàn thiện bản ký hoạ qua Procreate.

Quen thuộc với tranh đơn sắc, Tử Mộc Trà giới hạn phần màu nhưng đầu tư kỹ lưỡng về đường nét, chất liệu, và sự đồ sộ nếu đó là tác phẩm sắp đặt.

Đa dạng hơn so với việc sử dụng bản in khi ở trong trường, các tác phẩm của cô khi đã tốt nghiệp đều đan xen cả những chi tiết thủ công như nhuộm, thêu, đáp vải. Ngoài truyền tải câu chuyện qua nét khắc ra, thì cô vẫn luôn muốn áp dụng các kỹ thuật thực tế mà cô được trải nghiệm tại nơi xuất phát ý tưởng đó.

httpsimgvietceteracomuploadsimages17mar2023chandungmin1jpg

1. Đâu là địa danh bạn muốn tới thăm nhiều lần?

Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang) và chợ Bắc Hà (Lào Cai) là hai địa điểm mình muốn quay lại. Đó là những nơi chưa bị khai thác du lịch quá nhiều.

Sủng Là ngoài nhiều loại hoa đẹp như hoa mận, hoa đào thì tới tháng 9 còn có nhiều loại hoa dại khác nữa. Mình tới đây để tìm đồ thủ công của đồng bào các dân tộc.

Mình lên Bắc Hà vào phiên chợ Tết. Ở đó mình bị choáng ngợp bởi sự giao lưu văn hoá giữa nhiều cộng đồng.

Ở cả hai nơi, mình đều tìm thấy cảm hứng từ những người phụ nữ đang se sợi và thêu thùa cần mẫn. Mọi người có thể thấy nguồn cảm hứng đó trong các tác phẩm của mình.

2. Bạn nghe nhạc gì khi đang làm việc?

Mình nghe nhạc của chị Lê Cát Trọng Lý và Ngọt. Nhìn chung là thích indie pop vì khi mở Spotify mình được ứng dụng gợi ý.

Mình cũng thích bài hát Tầng thượng 102 của Cá Hồi Hoang, vì lần tự lái xe đi núi, mình mở nghe trên đường. Mỗi lần nghe là một lần cảm giác thấy từng cơn gió Tây Bắc tạt vào mặt.

3. Điều gì khiến bạn khó chịu nhất về công việc của mình?

Mình làm tranh đồ hoạ, tức là "vẽ" thông qua một trung gian, như bản mộc. Tranh hội họa phải rửa bút, rửa cọ, còn làm đồ hoạ thì phải rửa nhiều thứ hơn như vậy nhiều (ví dụ như lô, bản kẽm, palette, v.v.) lại còn phải rửa bằng dầu ăn và nước rửa bát do mực gốc dầu. Cụ thể hơn, bản in càng nhiều màu thì càng lích kích. Đó là lý do mình không quá thích việc dọn dẹp này cho lắm.

4. Đâu là những hoạ sĩ có ảnh hưởng nhất đến bạn?

Người đầu tiên là thầy Vũ Đình Tuấn. Mình chịu ảnh hưởng nhiều bởi phong cách của thầy vì thầy vừa làm đồ họa khắc gỗ, vừa vẽ lụa và cả vẽ minh họa nữa.

Người thứ hai là anh Thành Phong. Anh ấy có nét vẽ vừa truyền thống, vừa có bút pháp riêng. Cả hai yếu tố đó hoà được vào nhau khiến mình khá khâm phục.

5. Nếu có một cuốn hồi ký về cuộc đời bạn, nó sẽ tên là gì?

"Vô thường." Vì cuộc đời mình không có gì ổn định, cố định cả. Mình thích ngao du, không thích sự ổn định. Khi ra trường rồi thì mọi thứ mình làm thậm chí còn bất định. Mình không lên kế hoạch gì dài hơn 1 năm bao giờ cả.

6. Bạn chọn máy ảnh phim hay máy ảnh số?

Chắc chắn là máy phim rồi. Ngày xưa mình cũng chụp phim một đợt. Mình thích máy phim vì nó không cần dùng pin, và ảnh chụp ra có màu đẹp. Mình đặc biệt thích cái viền ảnh sau khi đã được tráng và scan ra.

Thêm một yếu tố nữa là mình thấy rửa ảnh và kỹ thuật in kẽm mình được học có rất nhiều điểm chung.

7. Nếu chỉ được giữ một trong năm giác quan, bạn sẽ giữ giác quan gì?

Chắc chắn là mắt, vì mình làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Nhưng câu hỏi này cũng khiến mình tò mò ở chuyện thế giới của những người mù màu sẽ trông như thế nào nhỉ?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục