Từ xã hội không tiền mặt nhớ lại thời “1 nghìn một chiếc cu đơ”

“2 nghìn hai chiếc cu đơ 1 nghìn” nhưng không còn tiền lẻ để mua…
Sơn Hoàng
Nguồn: Journal de Montreal

Nguồn: Journal de Montreal

Chỉ còn gần 8 tháng nữa tính từ hôm nay, từ ngày 24/03/2023, Thuỵ Điển sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới (suýt) không còn tiền mặt. Một điều luật cụ thể của nước này quy định tiền mặt sẽ không còn được công nhận như một công cụ thanh toán. Thực tế thì hiện nay, một cuộn giấy vệ sinh cũng đã có thể được thanh toán điện tử tại đất nước này thông qua ứng dụng Swish.

Tất nhiên, Thuỵ Điển mất 362 năm để giới thiệu tiền giấy như một công cụ giao dịch và xoá bỏ nó. Vì thế, sống ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, chúng ta không phải quá lo lắng chuyện cầm tiền mặt mua gói xôi đầu ngõ hay mua điếu thuốc của bà hàng xén. Xu hướng cashless cũng đã len lỏi vào đời sống, đến nỗi nhiều người trong số dân văn phòng chúng ta phải xin bà và mẹ tiền lẻ để gửi xe hàng ngày.

Có nhiều suy đoán về lợi ích và nguy cơ khi sống trong một xã hội không tiền giấy. Nhưng điều này thì có thể chắc chắn: một ngày nào đó, tiền giấy sẽ chết. Những tờ giấy bạc ố vàng và trải nghiệm xếp tiền theo mệnh giá trong ví sẽ vĩnh viễn biến thành di sản hồi ức.

Nhìn lại di sản văn hoá của tiền mặt

Ai cũng biết tiền không chỉ là một tờ giấy, nhưng ta cứ mãi đau đầu với giá trị của mảnh giấy ấy mà không nhận ra rằng xung quanh tờ bạc in hình Bác Hồ còn nhiều câu chuyện thú vị khác. Tờ tiền, vì thế, có nhiều thứ để kể hơn là con số mệnh giá in trên đó.

Chúng ta đã quen thuộc với 9 tờ tiền khác nhau, tương ứng với 9 mệnh giá tiền từ 1 ngàn đồng cho tới 500 ngàn đồng. Thế nhưng không nhiều bạn trẻ ngày nay biết rằng bên dưới tờ 1 ngàn còn có ba mệnh giá tiền nhỏ hơn, lần lượt là 500 đồng, 200 đồng, và 100 đồng. Những tờ tiền này sẽ xoay quanh mấy câu chuyện dở khóc dở cười như bị chê ky bo khi chờ thối dưới 1000 đồng chẳng hạn.

1000 đồng đã là quá đáng, vậy dưới 500 đồng thì mua bán cái gì nhỉ? Thời nay, ba mệnh giá tiền 500đ, 200đ và 100đ quá bé để có thể tiến hành giao dịch. Vì thế, dù chúng vẫn nằm trong hệ thống tiền tệ chính thức của Việt Nam, ta gần như không bao giờ nhìn thấy chúng trong đời sống hàng ngày. Dù vẫn được lưu thông, song khi cầm chúng trên tay, ta thường liên tưởng tới một ngày xưa đã qua từ lâu rồi.

Dù hiếm thấy trong đời sống thường nhật, những đồng tiền này vẫn được in ra, vì chúng vẫn có ích đối với một bộ phận nhỏ trong xã hội. Một vài năm trước, tờ 500đ vẫn được lưu thông tại các quầy tạp hoá nhỏ, quán nước vỉa hè, và trong chợ cóc. Nơi đây, 500đ quyết định người buôn bán lãi hay lỗ. Trong khi đó tờ 200đ và 100đ đã gần như biến mất, vì thế người bán hoặc hạn chế niêm yết giá lẻ, hoặc thay tiền cotton bằng những viên kẹo.

Tiền mệnh giá nhỏ còn hay được các gia đình có tang lễ đổi để rải tiền cúng cô hồn, làm lộ phí đưa tang khi đưa người thân quá cố từ nhà tang lễ tới nghĩa trang. Tục lệ này xuất phát từ quan niệm rằng nơi ngã ba, ngã tư đường thường có vong chưa siêu thoát, đói khát vì không được thờ cúng, vì thế ta rải tiền để bố thí họ. Lưu ý, hành vi rải tiền thật không được khuyến khích, vì có thể bị khép vào hành vi huỷ hoại tiền, là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh tiền giấy, tiền xu cũng từng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành từ năm 2003 đến 2006. Loại tiền này được kỳ vọng là giúp ứng dụng các loại máy bán hàng tự động vào thị trường Việt Nam. Áp dụng công nghệ vào quá trình giao dịch hàng hoá là xu hướng đại diện cho quá trình mở cửa thị trường ở Việt Nam đầu 2000.

Nhưng do chất lượng tiền kém, dễ bị đánh rơi, cùng với hiện tượng lạm phát nên các loại tiền mệnh giá thấp khó lưu thông. Vào năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã phải tiêu huỷ và đấu giá 601 tấn phế liệu tiền kim loại.

Những đồng tiền từng lưu hành Gen Z chưa bao giờ nhìn thấy

Chưa cần phải đào quá sâu vào dòng lịch sử, hình ảnh tờ tiền giấy 10000đ, 20000đ, 50000đ và 100000đ được phát hành vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20 là thứ gì đó hoặc xa lạ, hoặc nằm trong dòng ký ức rất xa đối với thế hệ Z ngày nay. Bước vào thế kỷ mới, những tờ tiền cotton cũ này bị dừng lưu hành và thay thế bằng tiền polimer.

Ngày nay, dù không còn được coi như công cụ giao dịch hàng hoá, nhưng những tờ tiền cotton cũ, được bảo quản tốt từ ngày xưa, vẫn còn giá trị sưu tầm vì tính thẩm mỹ của nó và không những thế còn có thể làm quà biếu trong dịp tết. Trên các sàn thương mại điện tử, một tờ tiền cotton cũ có giá dao động từ 150000 đồng lên tới 500000 đồng, tuỳ theo mệnh giá, chất lượng bảo quản, và số series đẹp.

Mất đi nhiệm vụ quy ước giá trị không có nghĩa là mất hoàn toàn giá trị. Rồi một ngày, khi tiền số lên ngôi, những tờ giấy bạc cũ sẽ được đối xử như một loại hàng hoá đặc thù, giống như tem giấy hay tranh ảnh treo tường.

Tạm kết

Sự lỗi thời của tiền giấy và sự phổ biến của giao dịch trực tuyến thực tế là có lợi hơn cho xã hội, dù hiện tượng này kích thích ta tiêu dùng nhiều hơn là tiết kiệm. Khi mọi thu nhập và chi tiêu được quản lý bằng công nghệ, cơ quan hành chính sẽ thực hiện nhiệm vụ thu thuế dễ dàng hơn.

Sự biến mất của đồng tiền có thể sờ được, nắm được, và trao qua đổi lại giữa những bàn tay ấm, khiến tôi nhớ quá khứ đôi chút. Cảm giác dành dụm từng đồng, cất vào một chiếc bao lì xì và giấu nó vào góc tủ khiến tôi trân trọng hơn lao động của bản thân và của người khác. Những bạc lẻ ấy quý giá vì chúng là thành quả của nhiều ngày làm lụng quên thân.

Nhưng ta cũng cần nhìn nhận rằng, tiền giấy khó có thể được quản lý một cách minh bạch, và chỉ còn phù hợp với nền kinh tế chợ truyền thống, cũng như được ưa chuộng ở các bãi gửi xe. Nếu giao dịch số có thể đáp ứng lời hứa chống trốn thuế và tiền bẩn trong xã hội, thì tôi rất sẵn lòng từ bỏ việc ngoái đầu về quá khứ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục