Tuổi tác có cản đường sáng tạo? 6 phương pháp tạo ý tưởng mới

Bạn có đang bí? Hãy tham khảo ngay 6 phương pháp tạo ý tưởng sau.

Hoàng Nguyễn
.

"Cách tốt nhất để có ý tưởng hay là hãy có thật nhiều ý tưởng." - Linus Pauling

Có 1 nỗi sợ được truyền miệng rằng, tuổi 30 sẽ là giới hạn của những người làm công việc sáng tạo. Họ chỉ có thể nghĩ ra những ý tưởng hay ho khi còn trẻ, bước qua 30 khả năng này giảm dần và sau đó không thể sáng tạo được nữa.

Bây giờ khi đã 33 tuổi, mình có thể nói tuổi tác không giới hạn sáng tạo của chúng ta, tư duy mới chính là thứ đang che mờ ý tưởng. 

Có 2 loại tư duy:

  • Tư duy "Tôi là người khám phá"
  • Tư duy "Tôi là chuyên gia"

Trong khi tâm thế của "người khám phá" luôn cởi mở, tôi không biết tôi đang tìm kiếm thứ gì, nhưng rồi tôi sẽ biết. Thì "người chuyên gia" lại đi tìm kiếm những thứ mình đã "hiểu", hoặc đã biết cách làm, vì nếu không mình không xứng là chuyên gia.

Và con số 30 có lẽ là khi người ta bắt đầu trở thành một "chuyên gia", và cũng là khi cánh cửa tư duy dễ bị khép lại.

Nhưng tin mình đi, tuổi tác hoàn toàn không liên quan gì tới khả năng sáng tạo của mỗi người. Nếu bây giờ bạn đang bế tắc trong việc tìm kiếm ý tưởng cho dự án đang thực hiện, thì đừng lo, hãy tham khảo 6 phương pháp đây và biết đâu nó sẽ giúp được bạn.

Việc đầu tiên để bắt đầu mọi thứ, là bắt đầu sao cho đúng cách.

Nếu sáng tạo là tìm sự kết nối giữa các "điểm" như Steve Jobs từng nói, vậy chúng ta hãy bắt đầu với việc thu thập các "điểm".

Khi bạn cần tìm ý tưởng cho một thứ, hãy:

  • Bắt đầu tìm đọc những kiến thức hoặc sách báo về điều đó, bất kể thể loại nào. Việc đọc và nghiên cứu sẽ giúp bạn có thêm nhiều góc nhìn khác nhau.
  • Bắt đầu suy nghĩ về nó khi ở ngoài đường, lúc trên xe buýt, trong phòng tắm, hay đang nằm dài trên sofa.
  • Bắt đầu bằng việc thoát khỏi tư duy "Tôi là chuyên gia", quay trở lại suy nghĩ như một người mới, và những ý tưởng mới lạ sẽ theo sau.
  • Tiếp cận chủ đề với niềm vui. Sự hào hứng sẽ tạo ra tò mò và tò mò sẽ dẫn chúng ta tới những điều mới mẻ.

Mình cho rằng đây là phương pháp dễ áp dụng và lại khá hiệu quả.

Trước tiên, hãy viết ra vấn đề bạn muốn giải quyết, ví dụ:

- Làm sao để dậy sớm?

Đảo ngược vấn đề:

- Làm sao để dậy trễ?

Giải pháp:

  • Không đặt báo thức
  • Thức khuya xem phim, lướt facebook
  • Kéo rèm cửa thật tối để không bị ánh nắng chiếu vào

Bây giờ bạn đã có 1 vài giải pháp cho vấn đề của bạn. Có thể thấy, để tạo ra thứ gì đó thường khó hơn là phá hủy nó.

Tư duy nghịch đảo còn có thể giúp chúng ta tìm ra những tạo hình mới thú vị hơn cho 1 sự vật, sự việc đã vốn quen thuộc như:

  • Một con cá không biết bơi sẽ có hình dạng gì?
  • Một con khỉ không thể leo cây sẽ trông ra sao?
  • Một chiếc ghế không dùng để ngồi nên được thiết kế như thế nào?

Có 2 cách để sử dụng tư duy liên kết này:

1. Liên kết những thứ ngẫu nhiên với nhau:

Bạn còn nhớ bài: Pen Pineapple Apple Pen chứ? Ý tưởng kết hợp cây bút với quả táo, quả dứa rồi lại tiếp tục kết hợp chúng với nhau rất thú vị, cộng với nụ cười và phong thái biểu diễn làm bài hát trở nên cực kỳ thu hút.

Thông thường, phương pháp này sẽ giúp chúng ta cải tiến một đối tượng sẵn có bằng các bước:

  • Chọn đối tượng tiêu biểu cần cải tiến
  • Chọn 3, 4 đối tượng ngẫu nhiên
  • Liệt kê 1 vài đặc điểm về đối tượng đã chọn
  • Kết hợp các đặc điểm này với đối tượng tiêu biểu
  • Chọn lọc sự kết hợp khả thi từ bước trên.

Ví dụ chúng ta đang muốn cải tiến cái bàn ủi:

- 3 đối tượng ngẫu nhiên: Hoa hồng, Con mèo, Điện thoại

- Vài đặc điểm:

  • Hoa hồng: hương thơm, màu sắc, có gai, đẹp mắt.
  • Con mèo: mềm mại, kêu meo meo, dễ thương.
  • Điện thoại: kết nối wifi, chạy pin, nghe gọi.

- Kết hợp với bàn ủi:

  • Bàn ủi có hương thơm, kêu meo meo, chạy pin
  • Bàn ủi có nhiều màu sắc, mềm mại, nghe gọi được (?!)
  • Bàn ủi có gai, dễ thương, kết nối wifi
  • Bàn ủi có hương thơm, tai mèo dễ thương, chạy pin

Sự kết hợp cuối cùng có vẻ là khả thi nhất, và chắc sẽ chiếm được nhiều sự chú ý từ người thích nuôi mèo như mình.

2. Liên tưởng với thứ gần giống với cái đang suy nghĩ:

Giả sử bạn đang làm logo cho công ty chuyên sản xuất khinh khí cầu, hiển nhiên hình ảnh mà bạn luôn tập trung thể hiện chính là cái khinh khí cầu. Hãy thử kết hợp nó với 1 vài yếu tố khác gần giống như:

  • Bóng đèn
  • Bóng bay
  • Múi cam
  • Cây ghim bản đồ
  • Hoa bồ công anh

Phương pháp này sẽ giúp tạo hình của bạn có thể trở nên phong phú, đa dạng và truyền tải được nhiều ý nghĩa hơn.

Nhìn chung, 2 lối tư duy này khá giống nhau khi sử dụng một thứ để đại diện cho một thứ khác có tính tương đồng. Lối diễn đạt không theo nghĩa đen sẽ khiến cho thiết kế trở nên thú vị hơn, kích thích trí tưởng tượng của người xem.

Việc sử dụng Ẩn dụ và Hoán dụ rất phổ biến vì cách áp dụng khá đơn giản, nhưng chính vì thế nó lại là con dao 2 lưỡi khi chúng ta quá lạm dụng. Hãy lưu ý:

  • Xem xét tính tổng thể: đừng quá sa đà vào chi tiết ẩn dụ mà quên đi tổng thể cả thiết kế, bởi vì 1 thiết kế tốt là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.
  • Tránh tối nghĩa: nếu sự ẩn dụ của bạn chỉ có thiên tài mới hiểu nổi thì giống như nói đùa xong phải giải thích vì sao nó buồn cười vậy. Hãy thử hỏi nhanh vài người bạn xem thủ pháp của bạn có dễ hiểu không.

Đây là phương pháp dựa trên khả năng đồng cảm của chúng ta:

  • 1 đứa trẻ 5 tuổi sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
  • Bill Gates sẽ làm điều đó như thế nào?
  • Nếu anh ấy xem thiết kế này, anh ấy sẽ nghĩ tới điều gì?

Để bắt đầu nhập vai, bạn cần phải tạo ra một bộ ba tình huống - mục tiêu - cản trở.

Ví dụ: Bạn đóng vai người dùng, sử dụng sản phẩm thiết kế cho việc đàm phán với đối tác. Mục tiêu là hoàn tất thỏa thuận cho 1 dự án phức tạp. Sự cản trở có thể là đối tác không có nhiều hơn 15 phút để nghe bạn trình bày toàn bộ nội dung.

Ý tưởng có thể là sản phẩm thiết kế có chức năng hiển thị bản rút gọn, và khi cần, có thể hiển thị bản đầy đủ nếu đối tác quyết định dành nhiều thời gian hơn cho bạn.

Nhìn chung, nhược điểm của phương pháp này là có thể mất thời gian và chưa chắc tìm ra được giải pháp nếu sự đồng cảm không đủ. Nhưng chúng ta có thể nhận được nhiều ý tưởng hơn hơn khi có nhiều người cùng tham gia góp ý.

Trong bài Ted Talks của Jinsop Lee về "Thiết kế cho các giác quan", ông cho rằng thiết kế tốt là thiết kế có thể chạm tới nhiều giác quan nhất có thể bao gồm:

  • Thị giác
  • Thính giác
  • Vị giác
  • Xúc giác
  • Khứu giác

Với ví dụ một chiếc đồng hồ báo thức sẽ tuyệt vời hơn khi nó không chỉ đẹp mắt (thị giác), bề mặt trơn nhẵn (xúc giác), phát ra tiếng kêu (thính giác) mà còn phát ra mùi (khứu giác) khó chịu để đánh thức người dậy.

Và mình nghĩ, ngoài 5 giác quan trên kia còn 1 giác quan khác nữa đó là "Tính giác". Tính giác có thể ám chỉ về hành vi, thói quen, tích cách của đối tượng sẽ sử dụng ý tưởng, sản phẩm thiết kế của chúng ta. Đây là "giác quan" mà những người làm công việc UX Design sẽ phải dành nhiều sự chú ý hơn cả.

Kết

Đây là phương pháp mình cảm thấy hiệu quả, nhưng nó chỉ là một trong rất nhiều phương pháp tìm ý tưởng khác như: Mind Mapping, The Thinking Hats, The 5W + H,...

Hy vọng, bài viết này đã cung cấp thêm 1 vài thông tin hiệu quả cho việc tìm kiếm ý tưởng của bạn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục