Tưởng như Trái Đất ngừng quay khi Facebook và nhiều ứng dụng "mất điện"

"Lag tí thôi gì căng" - Mark Zuckerberg không nói vậy.
Sơn Hoàng
Nguồn: CNBC

Nguồn: CNBC

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào khoảng 22:30 ngày 5/3 (giờ Việt Nam), nhiều tài khoản Facebook tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu bất ngờ tự đăng xuất ở tất cả các thiết bị. Người dùng không thể truy cập vào tài khoản, thậm chí cả khi đã cố đặt lại mật khẩu.

Cùng thời điểm đó, các nền tảng khác của Meta như Instagram, Messenger, Threads, Whatsapp và ứng dụng Workplace đồng loạt ngưng hoạt động. Mạng giao tiếp nội bộ của những nhân viên Meta cũng không thể truy cập, khiến một số người của đơn vị này tưởng rằng Meta đã… sa thải họ.

Sau khoảng gần một giờ đồng hồ, Meta đã khắc phục vấn đề và các nền tảng đã hoạt động trở lại bình thường, dù cho một số tính năng hay công cụ như Ads Manager, Facebook Shops và Instagram Shops vẫn còn gián đoạn.

2. Meta lý giải sao?

Không lâu sau khi phát hiện vấn đề, đại diện Meta là ông Andy Stone - Giám đốc Truyền thông của Meta - đã lên tiếng trấn an và thông báo rằng Meta đang khắc phục vấn đề. Sau đó, cũng chính ông đã gửi lời xin lỗi tới những người dùng bị ảnh hưởng và giải thích rằng sự cố gây ra bởi vấn đề kỹ thuật.

Nhà thiết kế ứng dụng Nikita Bier cho biết, lần gần đây nhất mà Facebook tự đăng xuất tài khoản là khi nền tảng này bị hack. Những người dùng có tài khoản phải đăng xuất cũng đã chia sẻ lo ngại về một cuộc tấn công mạng.

Tuy nhiên, trả lời trang tin công nghệ TechCrunch, một đại diện của Google nói rằng họ không tìm thấy bằng chứng nào củng cố cho luận điểm này.

3. Không chỉ nền tảng Meta trục trặc?

Cùng thời điểm của vụ “mất điện” trực tuyến từ Meta, một số người dùng của YouTube cho biết họ đang gặp gián đoạn khi sử dụng nền tảng này. YouTube cũng đã đưa ra thông báo ghi nhận vấn đề và nhanh chóng khắc phục sau đó.

Bên cạnh YouTube, một số ít người dùng cũng cho biết họ không thể đăng nhập vào tài khoản Google. Ngoài ra, dường như TikTok cũng đã gặp vấn đề tại một số khu vực.

Hai ứng dụng giao tiếp khác là Snapchat và Discord cũng không thể truy cập, hoặc nếu có thì không thể nhắn tin một cách bình thường. Tất cả những ứng dụng trên đều đã hoạt động trở lại sau một thời gian ngắn.

4. Chuỗi phản ứng sau khi Meta “mất điện?”

Hoảng hốt là cảm giác của hàng trăm ngàn người trên toàn cầu đang sử dụng các ứng dụng của Meta. Nỗi lo về việc mất dữ liệu, lộ thông tin cá nhân, hay mất một kho lưu trữ kỷ niệm khiến người dùng đổ sang những ứng dụng còn “sáng đèn” để kiểm tra tình hình cũng như trấn an bản thân và những người khác.

Tại Việt Nam, số lượng người truy cập Zalo trong giai đoạn các ứng dụng kể trên gặp vấn đề đã tăng vọt. Lượng người dùng lớn tới mức, ở một thời điểm, chính Zalo cũng bắt đầu ghi nhận vấn đề về đường truyền, cũng như việc gửi tin nhắn chậm.

Với người dùng quốc tế, nền tảng X của Elon Musk là nơi họ tập trung để kiểm chứng thông tin và… chế giễu Mark Zuckerberg hay Meta. Chính Elon Musk là người hào hứng và “mạnh mồm” nhất trong việc châm chọc người đồng nghiệp của mình.

Tới sáng ngày 6/3, dữ liệu trực tuyến của Forbes cho biết khối tài sản ròng của Mark Zuckerberg đã giảm nhẹ. Nhóm cổ phiếu công nghệ, với những đại diện nổi bật như Meta, Amazon, Netflix, Alphabet, hay Google cũng giảm nhẹ giá trị từ khoảng 1% tới 3%.

Ở Việt Nam, sự cố diễn ra vào buổi đêm nên gần như không ảnh hưởng tới công việc của mọi người. Nhóm chịu thiệt hại nhiều nhất có lẽ là những người kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội. Thời điểm vụ mất điện xảy ra, có người vẫn đang… chốt đơn trên livestream.

5. Không phải lần đầu Facebook gặp vấn đề thế này?

Lần gần đây nhất Facebook gặp vấn đề là vào tháng 10/2021. Sự việc diễn ra gần như tương tự, người dùng nhận thông báo mất kết nối và sau đó không thể vào lại ứng dụng được nữa. Messenger, Instagram, và Whatsapp khi ấy cũng gặp vấn đề.

Khác với vụ việc mới xảy ra, sự kiện Facebook sập nguồn vào 2021 kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ trên toàn cầu. Phản ứng của mọi người khi ấy cũng giống như lần này: lên X (khi đó vẫn là Twitter) để than phiền và kiểm tra thông tin.

Theo thông tin mà VnExpress trích từ chuyên gia bảo mật Brian Krebs thì sự việc năm 2021 "không liên quan tới tấn công mã độc, mà xuất phát từ một bản cập nhật BGS định kỳ bị lỗi, nên xóa sạch thông tin định tuyến DNS mà Facebook cần để các mạng có thể tìm thấy các trang web của nó."


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục