“Vạch trần” 5 truyền thuyết về tình yêu và sức khỏe tinh thần
Từ nhỏ chúng ta đã được nghe nhiều “truyền thuyết” như nuốt hạt là mọc cây trong bụng, hay đi vào phòng tối là sẽ có ông kẹ chờ sẵn. Với một đứa trẻ chưa nhiều kinh nghiệm sống, ta khó có thể kiểm chứng độ chính xác của chúng, thành ra ta luôn nơm nớp sợ hãi mỗi khi trót nuốt hạt hay phải ngủ một mình.
Trong các mối quan hệ cũng vậy. Chúng ta nghe không ít lời khuyên rằng yêu nhau là phải biết thỏa hiệp để tránh mâu thuẫn, rằng luôn có “nửa kia” phù hợp đang chờ bạn tìm kiếm. Chúng ta vô thức dùng chúng định hướng chuyện yêu đương của mình, và rồi không hiểu sao mình luôn mắc kẹt trong những mối quan hệ kém lành mạnh.
Sau đây là 5 “truyền thuyết” tiêu biểu về tình yêu thường được lan truyền rộng rãi, và đều có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Cùng ngồi lại bóc tách cả 5 điều này, xem chúng thực sự “đúng” đến đâu.
Truyền thuyết 1: Người có vấn đề sức khỏe tinh thần thì không thể có tình yêu lành mạnh
Theo chuyên gia tâm lý April Eldemire, một số bệnh lý như rối loạn lưỡng cực, lo âu xã hội hay trầm cảm quả thực có thể gây trở ngại cho mối quan hệ lành mạnh. Nhiều người mắc các bệnh này cũng thấy tội lỗi nếu hẹn hò và để đối phương phải “chịu trận” cùng mình. Đây là một nguyên nhân khiến họ mang tâm lý chung, là không xứng đáng yêu và được yêu.
Bên cạnh đó, với một số người bệnh, việc sinh hoạt theo thời gian biểu cố định giúp họ “vận hành” cuộc sống dễ dàng hơn. Khi bắt đầu một mối quan hệ mới, lịch trình hàng ngày của họ ít nhiều sẽ có xáo trộn. Điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần họ. Hệ quả là không ít người tự cô lập bản thân, không muốn xây dựng những mối quan hệ mới.
Nhưng chuyên gia Eldemire cũng cho biết, sự kết nối là yếu tố quan trọng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Việc thiếu đi các kết nối ý nghĩa sẽ khiến bệnh trạng ngày một tệ hơn.
Vì vậy dù tinh thần không lý tưởng, bạn cũng không nên đóng cửa trái tim với việc hẹn hò. Bởi đây có thể là cơ hội giúp bạn tìm được người thật sự đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ.
Điều quan trọng là bạn chủ động điều trị theo hướng dẫn của chuyên gia trị liệu (nếu có thể, nên thảo luận với chuyên gia trước khi bắt đầu hẹn hò). Để duy trì mối quan hệ lành mạnh, bạn cũng lưu ý giao tiếp rõ ràng với đối phương về bệnh trạng và nhu cầu của mình, và theo dõi chặt chẽ các thay đổi nếu có.
Còn nếu bệnh trạng của bạn vẫn gây nhiều cản trở, thì nên ưu tiên điều trị trước. Trong thời gian đó, bạn có thể tập trung vào các kết nối ý nghĩa khác với gia đình, bạn bè hay bất kỳ ai bạn yêu quý. Như vậy bạn vừa có thể xây dựng hệ thống hỗ trợ phù hợp, vừa rèn luyện khả năng giao tiếp cởi mở, sẵn sàng cho một tình yêu lành mạnh sau này.
Truyền thuyết 2: Muốn có mối quan hệ lành mạnh, phải biết thỏa hiệp
“Thỏa hiệp” là khi bạn phải từ bỏ điều bạn không muốn từ bỏ, và người ấy cũng vậy - tất cả chỉ để “hợp tác” tốt với nhau. Chiến lược này có thể là đường tắt giúp hai bạn giải quyết một mâu thuẫn tức thời, nhưng về lâu dài sẽ lợi bất cập hại.
Thay vào đó, bạn nên nói rõ nhu cầu, và lắng nghe ý kiến của đối phương. Sau khi có được bức tranh toàn cảnh về tình huống, hai bạn tiến tới tìm ra phương án tối ưu phù hợp với cả hai.
Chẳng hạn bạn muốn học lớp yoga để cải thiện sức khỏe tinh thần, nhưng nó trùng với thời gian bạn làm việc nhà. Bạn giấu đối phương về việc này, từ bỏ lớp yoga để họ yên tâm đi làm. Dù làm được việc nhà, nhưng bạn chịu hệ quả là tinh thần ngày một đi xuống, dẫn đến cả hai cãi nhau nhiều hơn.
Trường hợp này bạn nên nói rõ rằng bạn cảm thấy học yoga sẽ giúp tinh thần tốt hơn, và mong muốn được người ấy thấu hiểu. Một khi đối phương nhận thấy tầm quan trọng của việc này, cả hai bạn có thể phân công việc nhà linh hoạt hơn, hoặc bố trí lại vào khung giờ khác.
Truyền thuyết 3: Phải biết thể hiện tình cảm mới có mối quan hệ lành mạnh
Chúng ta đều biết đến 5 “ngôn ngữ tình yêu” phổ biến: lời yêu (những câu chữ ngọt ngào), thời gian bên nhau (cùng “đưa nhau đi trốn”), quà tặng, cử chỉ chu đáo (san sẻ việc nhà, giúp đỡ nhau) và những cái chạm (ôm, hôn hoặc làm tình). Chúng đóng vai trò quan trọng giúp bạn “giữ lửa” tình yêu; song bạn cần nhớ rằng, tình yêu còn có những cách thể hiện khác.
Đôi khi “yêu thương” có nghĩa là đặt ra những ranh giới lành mạnh. Chẳng hạn người yêu muốn gọi cho bạn để “xả” cảm xúc, nhưng bạn chưa sẵn sàng để nghe, thế là họ dỗi và cố gắng guilt trip bạn. Bạn ghi nhận sự buồn bực của họ lúc đó, nhưng bạn không có trách nhiệm hứng toàn bộ cảm xúc tiêu cực của họ, và sẽ không làm vậy chỉ để hài lòng họ.
Cũng có những khi “yêu thương” là để cho người ấy có thời gian tĩnh lặng. Khi người đó tức giận hay mất bình tĩnh, thay vì cố tìm cách xoa dịu họ, bạn để họ một mình để họ bình tĩnh lại, phản tư cảm xúc của chính mình.
Vì vậy, thấu cảm là chìa khóa giúp cặp đôi duy trì tình yêu lành mạnh dù sống chung với vấn đề tâm lý. Bạn có thể thực hành thấu cảm bằng các cách sau:
- Xác nhận cảm xúc của đối phương, song không chịu trách nhiệm “sửa chữa” nó.
- Tìm hiểu về các triệu chứng bệnh lý của đối phương, từ đó ngừng coi chúng là sự tấn công cá nhân.
- Tìm hiểu về các biện pháp điều trị và chia sẻ cùng đối phương, song không ép họ phải làm theo.
Ngoài ra bạn cũng nên xây dựng một hệ thống hỗ trợ vững chãi (gia đình, bạn bè, chuyên gia trị liệu…). Bởi khi những người xung quanh hiểu và thông cảm cho vấn đề của bạn (hoặc người ấy), hai bạn có thể sống thoải mái, cởi mở hơn về nó.
Truyền thuyết 4: Yêu đương giúp bạn tìm thấy chính mình
Trên thực tế, yêu đương không chỉ gói gọn trong phạm trù bạn “tìm thấy chính mình” mà còn là một quá trình phát triển bản thân. Theo triết gia Abraham Joshua Heschel, để có thể sống hạnh phúc, chúng ta phải hình thành sự nhạy bén trước những tình huống khác nhau.
Chẳng hạn bạn gặp vấn đề tâm lý và triệu chứng thường bùng phát một cách khó đoán. Trường hợp này bạn có thể xây dựng sự nhạy bén bằng cách để ý xem chúng dễ bùng phát trong hoàn cảnh nào, rồi ghi lại những đặc điểm hoàn cảnh đó.
Như vậy bạn đã có cuốn cẩm nang các địa điểm, mùi hương hay âm thanh cần tránh để không kích hoạt triệu chứng. Nó sẽ giúp bạn quản lý bệnh tình của mình, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Và nếu bạn chưa biết nên bắt đầu từ đâu, thì nên đi trị liệu hoặc giao tiếp cởi mở với đối phương về các triệu chứng của mình. Bạn không thể trị khỏi bệnh trong một sớm một chiều, nhưng luôn có thể học cách quản lý nó tốt hơn.
Truyền thuyết 5: Luôn có “người đúng” đang đợi bạn đi tìm
Đây là điều mà hầu như tất cả chúng ta đều được nghe, dù có vấn đề về tâm lý hay không. Vậy là mỗi lần hẹn hò, bạn đều mong tìm được “nửa kia” đích thực, để rồi thất vọng nếu đối phương không phải “người đúng” của bạn.
Câu hỏi đặt ra là, bạn còn định đi tìm “người đúng” đến bao giờ? Thay vì dành thời gian và năng lượng đi tìm họ, bạn có thể tạo ra một thế giới mà ở đó bạn dễ dàng thu hút họ về mình.
Điều này có nghĩa bạn lần xác định những gì mình muốn trong một mối quan hệ, và hành động theo đúng chí hướng đó. Bạn có thể làm điều này cả khi đang gặp vấn đề tâm lý; trên thực tế, đây là chiến lược giúp bạn xây dựng những mối quan hệ giúp cải thiện tinh thần.
Cần lưu ý bạn có thể phải lùi lại một bước trong mối quan hệ hiện tại, để hoàn toàn nhìn nhận nó một cách khách quan. Sau đó, bạn tự định nghĩa một mối quan hệ lý tưởng với mình. Nhớ rằng đó phải là những gì chính bạn thấy thoải mái, chứ không phải điều bạn thấy trên truyền thông hay được người khác gợi ý.
Bước tiếp theo, bạn tự rút ra những gì bản thân cần làm để có được mối quan hệ đó, và bắt đầu hành động. Điều này giúp bạn thu hút những ai cùng chí hướng, và có thể tìm thấy một người phù hợp để hẹn hò. Như vậy thay vì đi tìm đúng người, bạn tự trở thành “người đúng” để thu hút người phù hợp đến với mình.
Nhân dịp kỷ niệm 1 năm phát sóng Yêu Lành, Vietcetera và Thầy Minh Niệm mong muốn được đến gần hơn và tri ân các khán giả thông qua sự kiện Yêu Lành Offline.
Yêu Lành Offline không chỉ là không gian để nhìn lại dấu ấn của hành trình thực hiện Yêu Lành mà còn là một cơ hội để đem đến những góc nhìn, câu chuyện, cách thể hiện về tình yêu qua lăng kính của khách mời đặc biệt.
Thời gian: 13h-17h, ngày 04.11.2023
Địa điểm: Đại học Văn lang Cơ sở 3, 69/68 Đ. Đặng Thuỳ Trâm, Phường 13, Bình Thạnh, TP.HCM
Tìm hiểu thêm tại đây