Về quê biết nói chuyện gì với ông bà?
Đô thị hóa chóng mặt và nếp sống hiện đại khiến rất nhiều gia đình ngày nay trở thành các gia đình hạt nhân, tức chỉ có cha mẹ và con cái. Do đó, sự tiếp xúc giữa ông bà và các cháu thường ít ỏi. Cũng chính vì thế mà hai thế hệ này có phần xa cách nhau.
Bạn bè tôi khi về quê thường than chán vì chẳng có chuyện gì để nói với họ hàng và ông bà, vốn là những người sinh ra và trưởng thành ở một thời đại quá khác chúng ta.
Đây quả là một sự đáng tiếc, vì hiếm ai xung quanh dạy ta được những điều ông bà đã tốn cả đời để học. Nguồn tri thức và trải nghiệm ấy cũng không sẽ không ở trên đời mãi mãi. Sau đây là 12 câu hỏi giúp bạn trò chuyện với ông bà sâu hơn.
1. Bố mẹ và các cô chú hồi nhỏ tính cách như nào?
Khi chúng ta đủ lớn để có ý thức, bố mẹ và hầu hết các cô dì chú bác đã ở độ tuổi trưởng thành. Từ hai đến ba thập kỷ đầu của cuộc đời họ, chúng ta bỏ lỡ.
Ông bà thì không: họ biết được trước khi bố bạn trở thành người đàn ông đạo mạo ngày hôm nay, bố đã từng khóc nhè; trước khi lấy bố bạn, mẹ bạn đã yêu ai; và tại sao ai cũng khen bạn đẹp trai như bác X hồi còn trẻ.
Qua ông bà, chúng ta có thể kết nối với phần đời của những người ruột thịt mà chúng ta không chứng kiến. Từ đó, chúng ta có thể thiết lập một mối quan hệ gần gũi hơn với các cô dì chú bác.
2. Mọi thứ ra sao vào ngày cháu chào đời?
Có một bữa tiệc cực kỳ quan trọng với bạn nhưng bạn không được tham gia, đó là tiệc cưới của cha mẹ. Có một sự kiện cực kỳ quan trọng với bạn nhưng bạn không bao giờ nhớ được gì. Đó là khi bạn chào đời.
Ngày chúng ta ra đời, mẹ phải vật lộn với cơn đau đẻ. Còn cha thì cũng có lẽ thể quá hồi hộp và lo lắng cho mẹ và chúng ta. Ông bà chính là những người bình tĩnh nhất vào lúc đó. Vì thế ông bà là người biết rõ nhất chuyện gì đã xảy ra, chẳng hạn như mẹ bắt đầu chuyển dạ như thế nào, thái độ và nét mặt của cha ra sao, sinh con xong cha mẹ làm gì ngay sau đó.
Thời bây giờ, các cặp bố mẹ trẻ hay ghi hình lại ngày con chào đời để cho con xem lại khi con lớn. Thời bố mẹ chúng ta, ký ức của ông bà chính là những cuộn băng đó.
3. Cảm xúc của ông bà ra sao khi lần đầu tiên được xem tivi?
Những chiếc tivi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào đầu những năm 70. Nhưng phải mãi đến những năm 90 chúng mới phổ biến trong các gia đình Việt. Không biết cảm xúc của ông bà lần đầu xem tivi có giống chúng ta lần đầu chạm vào chiếc iPhone 11 không nhỉ? Và chiếc tivi đó đã thay đổi cả một xã hội như thế nào?
Trong thời đại 4.0, hơn bao giờ hết, chúng ta cần học cách đón nhận và thích nghi với công nghệ cùng những thay đổi khó lường mà công nghệ gây ra.
4. Ông bà có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt nào không?
Nếu ông bà có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, thể thao thì rất có thể bạn cũng có năng khiếu do di truyền mà bấy lâu nay không biết.
Thật tuyệt vời biết bao nếu ta được thừa hưởng những năng khiếu bẩm sinh đó. Chẳng hạn nếu ông/bà có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, bạn cũng có thể cảm nhận và thẩm âm tốt hơn hoặc thậm chí học chơi các loại nhạc cụ nhanh hơn những người bình thường.
5. Làm sao ông bà có thể ở bên nhau lâu đến như vậy?
Đổ vỡ trong hôn nhân là điều chẳng ai mong muốn. Nhưng ngày nay, tỷ lệ ly hôn của giới trẻ đang tăng dần. Họ có xu hướng chóng yêu và cũng chóng tan vỡ. Khi nhìn về thế hệ ông bà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tỷ lệ ly hôn thấp hơn rất nhiều.
Không thể cân đo tình yêu trong hai bối cảnh xã hội quá khác nhau, nhưng để duy trì cuộc sống hôn nhân hàng chục năm chắc hẳn ông bà ta cũng phải có những “bí quyết” riêng. Đó có thể là sự yêu thương, sự vị tha, sự nhẫn nhịn. Từ đó, bạn có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân để xây dựng cuộc sống hôn nhân lâu bền, hạnh phúc.
6. Những thú vui giải trí thời thanh niên của ông bà là gì?
Con người ở thời đại nào cũng có nhu cầu giải trí.
Ngày nay, giới trẻ chúng ta vui chơi, hẹn hò trong những trung tâm thương mại lớn, những rạp chiếu phim, quán cà phê, trà sữa.
Chắc cũng có rất nhiều người thắc mắc giống như tôi khi không biết ngày xưa ông bà ta đi xem chiếu bóng như thế nào? Không khí, quan cảnh của những buổi chiếu bóng đó ra sao? Có thức uống nào mà thời ông bà thành trend như trà sữa ngày nay?
Nghe câu chuyện của ông bà sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sinh động hơn về quá khứ. Đồng thời, nó có thể mở ra được những cơ hội nhằm khôi phục những loại hình giải trí đã bị quên lãng.
7. Thời ông bà còn trẻ, cảnh quan thiên nhiên và môi trường như thế nào?
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi ông bà ta còn trẻ, rất nhiều cảnh quan chưa bị phá hủy nặng nề bởi công nghiệp hóa như hiện nay. Có lẽ, trong ký ức của ông bà vẫn là cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, nơi ngày nay là những nhà máy, công xưởng ở quê hương ta.
Thời ấy, sinh hoạt hằng ngày vẫn chưa dựa quá nhiều vào nhựa như bây giờ. Các bà đi chợ còn mang làn theo chứ mấy ai mang về túi ni lông. Biết được ông bà ta sinh hoạt thế nào có thể giúp chúng ta xây dựng một nếp sống hạn chế nhựa.
8. Có điều gì về chiến tranh mà ông bà không thể quên được?
Ông bà sống qua thời cuộc mà chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội trải nghiệm trực tiếp. Bạn có bao giờ tự hỏi nếu mình được sinh ra vào năm 1944 thay vì 1994, mình sẽ là ai?
Trải qua giai đoạn khốc liệt nhất của lịch sử loài người, ông bà vẫn lao động, học hành, yêu nhau và lập gia đình. Chắc hẳn trong giai đoạn ấy sẽ có những khoảnh khắc hằn sâu trong tâm trí của ông bà chúng ta.
Có thể là một ký ức oai hùng trên chiến trận, hoặc cũng có thể là những khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết. Được nghe ông bà kể về những khoảnh khắc như vậy để phần nào đó chúng ta cảm nhận được một phần giai đoạn lịch sử đã qua của đất nước.
9. Trong họ nhà mình có căn bệnh di truyền nào không?
Gen di truyền là yếu tố khởi phát nhiều căn bệnh của con người. Nếu ông bà các bạn hoặc ai đó trong dòng họ đã từng mắc những căn bệnh về tim mạch, đường ruột, bệnh máu khó đông hoặc là bệnh trầm cảm thì không thể loại trừ khả năng bạn cũng có thể mắc những căn bệnh đó.
Sớm tìm hiểu những căn bệnh của ông bà đã mắc phải có thể giúp chúng ta chủ động trong việc thăm khám bác sĩ để được tư vấn phác đồ phòng và chữa bệnh hiệu quả.
10. Điều gì đáng được lưu giữ và phát huy trong gia đình chúng ta?
Mỗi gia đình có một truyền thống và lối sinh hoạt riêng. Đối với một số gia đình, dù ban ngày đi đâu, đến tối cũng phải về nhà ăn cơm. Đối với những gia đình khác, pha nước chấm phải cho nhiêu đây tỏi ớt mới là ngon. Những khác biệt nhỏ đó làm nên định nghĩa về “nhà” của họ, thế hệ này qua thế hệ khác.
Khi bạn lớn lên và sống tự lập, ghi tâm những điều nhỏ này sẽ giúp bạn thêm gắn kết với cội nguồn của mình. Khi bạn có gia đình nhỏ của riêng mình, những truyền thống này sẽ giúp bạn tái tạo một không gian gia đình ấm cúng hơn.
11. Điều gì ông bà rất muốn nhưng chưa thể làm được?
Mỗi người sinh ra đều mong muốn làm được những việc yêu thích và để lại những thành tựu cho xã hội. Có những giấc mơ được hoàn thành trọn vẹn, nhưng cũng có những giấc mơ còn dở dang.
Có thể thời cuộc và điều kiện xã hội không cho phép họ theo đuổi giấc mơ ấy. Và cũng có thể, bạn đang ở một vị thế hoàn hảo để tiếp tục ước nguyện của họ. Với những việc mà ông bà ta còn dang dở chưa thể hoàn thành, chúng ta có thể tiếp nối và giúp nguyện vọng của họ trở thành hiện thực.
12. Những ý nguyện của ông bà sau khi qua đời là gì?
Chúng ta chẳng muốn nghĩ tới ngày ông bà ra đi. Tuy nhiên, ông bà chắc hẳn cũng có những tâm tư nguyện vọng muốn dặn dò con cháu trước khi khuất núi. Vì thế, khéo léo hỏi những điều này để biết được mong muốn của ông bà và lo hậu sự cho họ một cách chu đáo để họ có thể yên lòng ở thế giới bên kia.
Nếu chẳng may ông bà ra đi đột ngột không để lại di chúc, hoặc không ngoại trừ khả năng có những người xấu làm giả di chúc, con cháu sẽ rất dễ nảy sinh những tranh chấp trong việc phân chia di sản.
Chính vì lẽ đó, chủ động hỏi ông bà về vấn đề di chúc có thể giúp chúng ta tránh khỏi những mâu thuẫn có thể xảy ra trong tương lai giữa những người thân trong gia đình.
Bài viết được thực hiện bởi Trương Tử Long.
Xem thêm:
[Bài viết] 2 Thập kỷ cãi nhau với bố dạy tôi điều gì?
[Bài viết] Trả lời cho câu hỏi muôn thuở: “Bao giờ sinh con?”