08 Thg 01, 2020Cuộc SốngThương

Vì sao bạn không duy trì được những mối quan hệ thân thiết?

Bạn - lúc là cả thế giới, lúc lại chẳng muốn nhìn mặt nhau. Làm sao để cảm xúc nhất thời không ảnh hưởng tình bạn cả đời? Xin gợi ý vài lời khuyên.

Tử Long
Vì sao bạn không duy trì được những mối quan hệ thân thiết?

Vì sao bạn không duy trì được những mối quan hệ thân thiết?

Bạn bè chính là gia đình mà chúng ta được quyền chọn lựa.
- theo lời Edna Buchanon, cây viết đạt giải Pulitzer năm 1986

Thật vậy, tình bạn có thể nói là một trong những điều đẹp đẽ và thiêng liêng nhất đối với mỗi con người. Việc có thêm một người bạn mới đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với sự hỗ trợ của công nghệ. Nhưng điều quan trọng hơn là làm sao duy trì và gắn kết bền chặt với những mối quan hệ quý giá đó khi đời sống ngày càng tất bật?

Lòng chân thành dĩ nhiên là bắt buộc. Nhưng bạn sẽ cần những hành động cụ thể và thực tế được duy trì thường xuyên để mối quan hệ này kéo dài. Những gợi ý sau có thể là cách hay để bắt đầu, trong trường hợp bạn đang muốn vực dậy hay hâm nóng liên kết với ai đó.

Phân biệt giữa bạn tri kỷ và bạn thông thường

Không phải mối quan hệ nào cũng đòi hỏi ta dành thời gian tương đương nhau. Tìm ra những liên kết thật sự quan trọng và ý nghĩa là cách để bạn biết nên tập trung đầu tư cho cá nhân nào giữa quá nhiều sự mời gọi từ cuộc sống.

Tri kỷ không dễ kiếm tìm, vì thế, nếu tìm được một người như vậy, hãy trân trọng họ và gìn giữ tình bạn này. Tri kỷ là những người kề vai sát cánh trong lúc bạn khó khăn, sẵn sàng có mặt nếu người còn lại cần hay ảnh hưởng lớn đến các quyết định trong cuộc sống của bạn. Họ luôn nằm trong danh sách ưu tiên nếu bạn buộc phải chọn lựa giữa các mối quan hệ.

Bên cạnh đó, chúng ta có bạn thông thường, những người giúp ta kết nối với nhiều trải nghiệm mới lạ và tránh cho ta khỏi cảm giác đơn độc trong một cộng đồng. Bạn thông thường có thể là người hàng xóm mà ta nhờ ngó nghiêng nhà cửa mỗi lần đi vắng, là cô nàng đồng nghiệp hợp tác trong một dự án dài hạn hoặc cậu bạn cùng tập gym hay khích lệ ta chăm chỉ hơn. Tuy sự liên kết với những người bạn thông thường này không sâu sắc bằng, nhưng họ vẫn đem lại nhiều điều tuyệt vời và ý nghĩa trong cuộc sống chúng ta. Một nghiên cứu cũng chỉ ra có càng nhiều người bạn thông thường chúng ta sẽ càng hạnh phúc.

Tri kỷ là người sẽ bên ta trọn đời nên luôn cần được đầu tư nhiều hơn để duy trì sự thấu hiểu sâu sắc và gắn kết bền chặt. Còn tình bạn thông thường chủ yếu để tìm kiếm sự bầu bạn trong ngắn hạn và không chi phối quá sâu sắc cuộc sống của ta nên mức độ quan tâm cũng sẽ ít hơn.

Đa số chúng ta đều nhận diện được tầm quan trọng giữa các mối quan hệ, nhưng nếu còn chút lăn tăn, nhà xã hội học Anna Akbari đưa ra một số gợi ý sau để bạn xác định ai là tri kỷ của mình:

  • Từ ai tôi có thể học hỏi thêm?
  • Từ ai tôi tìm được niềm khích lệ?
  • Với ai tôi có thể chia sẻ những điều thầm kín?
  • Và từ ai tôi được thêm thử thách?

Hãy nhìn lại cách bạn đang phân phối sự quan tâm cho các mối quan hệ. Liệu có phải việc một số tình bạn thân thiết dần phai nhạt là do bạn chưa đầu tư cân xứng với tầm quan trọng của chúng?

Nếu có thì dưới đây là những cách để bạn chuộc lại “công bằng” cho các tri kỷ và giúp họ nhận ra mình được trân trọng đến mức nào.

Điều một người bạn cần nhất từ bạn: thời gian

Với những bủa vây từ gia đình, sự nghiệp và nhu cầu cá nhân, thời gian biểu cho bạn bè có thể khá hạn hẹp. Vì thế việc sử dụng thời gian để duy trì tình bạn cần phải thật chiến lược. Hãy xen kẽ hợp lý và duy trì thường xuyên cho: những phút hỏi han ngắn gọn và các dịp gắn kết dài hơi.

Những hỏi han ngắn gọn là các hoạt động không chiếm quá nhiều thời gian trong ngày của bạn. Chúng có thể chỉ kéo dài 5 phút và không nhất thiết hai bên phải gặp mặt trực tiếp. Tuy vậy, chúng là cách hiệu quả và đơn giản để bạn bè biết ta luôn nhớ và nghĩ về họ:

  • Các tin nhắn hay cuộc gọi hỏi han tình hình của nhau.
  • Những chia sẻ trên mạng xã hội về những điều khiến bạn nhớ đến họ.
  • Những món quà be bé được tặng ngẫu hứng hay sau mỗi chuyến du lịch, công tác.
  • Những buổi hẹn ăn sáng hay cafe nếu hai người làm việc gần nhau.

Còn lại, các dịp gắn kết dài hơi sẽ là cơ hội để các bạn bày tỏ nỗi niềm hay giải tỏa những vướng bận đang chìm sâu trong lòng. Hãy lên lịch định kỳ cho những cuộc hẹn này và tạo thói quen duy trì chúng để được “sạc pin” đều đặn từ những người thực sự thấu hiểu và biết cách gợi ý những lời khuyên phù hợp. Luôn nhớ, dành toàn bộ sự chú ý cho đối phương, tốt nhất không sử dụng các thiết bị điện tử để tránh những vướng bận từ cuộc sống xen vào khoảng thời gian chất lượng của các bạn.

  • Những buổi hẹn hò ăn tối hàng tuần hay hàng tháng.
  • Những chuyến du lịch ngắn ngày mỗi tháng một lần.
  • Những dịp kỉ niệm đặc biệt của cả hai hay những ngày quan trọng của mỗi người.
  • Các buổi hẹn hò vận động, tham gia sự kiện hay học hỏi kĩ năng mới cùng nhau.

Kiểm soát cảm xúc và tranh cãi đúng cách

Bất cứ mối quan hệ nào cũng có thể xảy ra những lần tranh cãi vì mâu thuẫn. Không phủ nhận những cuộc cãi vã có thể làm rạn nứt tình bạn của chúng ta. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là cơ hội để hai bên thấu hiểu nhau hơn và giúp tình bạn thêm khăng khít nếu biết tranh cãi đúng cách.

Điều đáng tiếc nhất trong các cuộc cãi vã đó là hai bên không kiểm soát được cảm xúc và buông lời trách móc, phán xét hoặc thậm chí lăng mạ đối phương. Và chỉ cần một bên bước qua ranh giới, khả năng rất lớn sẽ kéo theo cả sự quá đà của người kia. Sức sát thương của những lời nói này rất lớn vì nó chỉ trích trực tiếp một cá nhân. Ngoài tức giận thì cảm giác bất công cũng tuôn trào vì cả con người và nhân cách bị đánh giá chỉ bởi một vài hành động, trong khi rất nhiều điều tốt đẹp đã hi sinh và xây dựng cùng nhau bị bỏ qua.

Vì thế khi tranh cãi nổ ra, hãy cố gắng không chỉ trích trực tiếp cá nhân đó. Thay vì nói những câu như “Tao không tin được là mày làm điều đó. Mày thật tồi tệ!” hãy chuyển qua nói về cảm xúc của mình: “Tao thấy tổn thương vì cảm nhận của tao bị bỏ qua. Tao muốn mày hỏi tao trước khi quyết định!”. Hoặc nếu thấy sự việc đã quá đà, hãy tìm một khoảng thở hay im lặng để cả hai bình tĩnh và suy nghĩ lại. Và những lúc đó, cố nhớ lại những điều người kia đã làm cho mình để lấy lại sự cân bằng trước những cảm xúc và suy nghĩ quá mức tiêu cực về đối phương.

Ngoài ra, có những hành động không bao giờ được phạm phải vì sẽ gây ra vết thương không thể lành:

  • Động tay động chân với đối phương.
  • Xúc phạm những người thân thiết của bạn.
  • Dùng từ ngữ miệt thị mà bản thân biết chắc gây tổn thương rất lớn đến người kia.
  • Đem chuyện mâu thuẫn của cả hai kể trên mạng xã hội và cùng người khác nói xấu họ.

Khi hai bên đã hòa giải, đừng bao giờ đem những câu chuyện của lần tranh cãi 6 tháng trước ra để nói lại. Nếu là những mâu thuẫn đã qua thì hãy để nó ngủ yên. Nhưng nếu bắt buộc phải nhắc lại thì hãy đi sâu vào nguyên nhân cốt lõi để giải quyết cho dứt khoát, đừng dùng chúng như một cái cớ để bắt bẻ hay “trên cơ” đối phương trong cuộc tranh cãi.

Luôn vị tha hơn

Chúng ta thường có xu hướng áp đặt quá nhiều kỳ vọng cho những mối quan hệ, trong đó có tình bạn. Và đôi khi điều đó gây ra những hụt hẫng và thất vọng. Đừng tủi thân, giận dỗi khi bạn thân quên ngày sinh nhật và không tặng quà cho mình. Cũng đừng trách cứ bạn mình vì hôm qua mình buồn nhưng rủ tới tâm sự mà nó từ chối.

Cuộc sống ai chẳng có lần vô tình bị những bận bịu và lo toan cuốn đi mà quên mất những điều như vậy. Những lúc ấy, hãy nghĩ về những món quà ý nghĩa bạn đã tặng mình lần trước, những lần hai đứa tâm sự suốt đêm với nhau về đủ thứ chuyện. Đừng để những giận hờn tạo ra những rạn nứt trong một tình bạn đáng quý, mà hãy bao dung và vị tha nhiều hơn với bạn mình. Chẳng phải Victor Hugo từng nói: “Vị tha là thứ tôn giáo tuyệt nhất” đó sao!

Thay vì trông đợi người khác giải tỏa cảm xúc cho mình, hãy tự xây dựng những cách lành mạnh và chủ động để đối mặt với cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, có thể xem những lúc không tìm được người bạn để sẻ chia là cơ hội để hiểu thêm về bản thân và thành thật với chính mình.

Trong trường hợp đã quá lâu không nhận được “sạc pin” từ đối phương, hãy thẳng thắn nói với bạn thân về cảm xúc của mình trong hoàn cảnh này. Biết đâu bạn mình sẽ có những chia sẻ, lời khuyên hữu ích để cả hai phát triển và trở nên tốt hơn. Hai cái đầu luôn sáng suốt hơn một mà, đúng không?

Keep smiling, keep shining
Knowing you can always count on me, for sure
That’s what friends are for

(Luôn tươi cười và tỏa sáng nhé, cứ trông cậy hết vào tớ vì bạn bè là thế mà!) – Trích lời bài hát “That’s what friends are for” trình bày bởi Dionne Warwick, Stevie Wonder, Elton John và Gladys Knight.

Bài viết được thực hiện bởi Tử Long, lấy cảm hứng từ bài viết của Tara Parker-Pope trên The New York Times.

Xem thêm:

[Bài viết] Muốn ngăn đứa bạn hay than ế, hãy giúp bạn có bồ

[Bài viết] 5 Kỹ năng mềm bạn có thể rèn luyện khi chơi thể thao


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục