11 Thg 10, 2022Thời TrangBeauty

Vì sao nàng Bạch Tuyết có làn da bánh mật?

Chúng ta nên làm gì trước việc làn sóng đa dạng hóa cái đẹp đã tràn đến những nhân vật cổ tích? Có phải tuổi thơ của người lớn đang bị chỉnh sửa?
Diệp Khoa
Làn da của Bạch Tuyết và những quan niệm về cái đẹp đang thay đổi cả với những nhân vật kinh điển | Nguồn: Disney

Làn da của Bạch Tuyết và những quan niệm về cái đẹp đang thay đổi cả với những nhân vật kinh điển | Nguồn: Disney

Bài viết đại diện cho quan điểm cá nhân của tác giả.

Thay đổi màu da, thay đổi quan niệm về cái đẹp

Disney đang có những hành động hưởng ứng phong trào đa dạng hóa màu da bằng nhiều việc gây tranh cãi. Chẳng hạn, công ty chọn hai diễn viên da màu là Rachel Zegler đóng vai Bạch Tuyết và chọn Halle Bailey đóng vai nàng tiên cá.

Những sự thay đổi này cho thấy quan niệm về cái đẹp đang có nhiều chuyển biến mới, tác động đến cả những hình tượng kinh điển tồn tại qua nhiều thế hệ.

Thật ra, Disney đều là khởi nguồn của việc truyền bá và xây dựng hình ảnh cho các nàng công chúa. Chính hãng phim này đã tạo nên những hình ảnh hoạt hình của Bạch Tuyết, tiên cá quá sâu đậm.

Để rồi nhà Chuột lại đột nhiên thay da đổi thịt cho những nhân vật tuổi thơ của hàng triệu người. Mặc dù chúng ta đang sống ở thời kỳ mà việc tôn vinh đa dạng ngày càng trở nên cần thiết nhưng việc đổi màu da không chỉ là câu chuyện của màu sắc. Sâu hơn, đó là cơ hội và cả thách thức khi thay đổi những quan niệm về cái đẹp từng quen thuộc.

Bên cạnh màu da, nhiều khán giả cho biết họ không thấy hai diễn viên kể trên xinh đẹp (như họ nghĩ về nhân vật đã từng đọc hay xem trên phim hoạt hình). Rõ ràng, câu chuyện giờ đây trở thành soi xét cái đẹp tổng thể, thế nào được gọi là đẹp của một nhân vật cổ tích.

Vấn đề kế tiếp là người lớn sẽ phải kể những câu chuyện cổ tích như thế nào cho các em nhỏ? Làm sao để giải thích chi tiết da nàng trắng như tuyết, tóc đen như mun, môi đỏ như son và hình ảnh một Bạch Tuyết da màu trên màn ảnh?

Quả thật, việc thay đổi màu da không chỉ tác động đến một tác phẩm điện ảnh, mà xa hơn, nó là sự tác động về cách nhìn cái đẹp của cả một thế hệ sau này.

Người lớn, con nít và nhận thức về cái đẹp

Cái đẹp là một khái niệm không hề cố định. Mỗi thời kỳ sinh sống của ông bà bố mẹ và thậm chí chúng ta lại có những quan điểm về cái đẹp khác nhau. Đây là thời kỳ mà quan niệm cái đẹp thay đổi trong mỗi tình huống cuộc sống.

Người viết từ nghe được cuộc trò chuyện giữa một cậu bé tầm 5 tuổi và một người mẹ trẻ ở một cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm. Anh chàng hỏi mẹ điều gì đó và người mẹ đáp lại với con là “mỹ phẩm thì không có phân biệt cho nam hay cho nữ đâu nha con.” Khi đó, cậu bé có hơi ngẩn ngơ và im lặng mất một lúc để suy nghĩ.

Đó có thể là một cách dạy con nít cảm nhận về cái đẹp ngay những thắc mắc đầu tiên. Nhưng cũng có một cô bạn cho rằng thật sự không biết nên giải thích với em gái vì sao Bạch Tuyết lại khác với mô tả trong truyện.

Khi có con, hay em nhỏ, người lớn bắt đầu đứng trước nhiều bài toán khó để giáo dục và giúp con nít cảm nhận cái đẹp một cách dễ chịu, dễ hiểu nhất và không mâu thuẫn quan niệm đẹp của từng thế hệ.

Làm người lớn ngày nay rơi vào nhiều thế khó. Chúng ta có quá nhiều lựa chọn về cái đẹp để giáo dục con cái. Trong thời đại FOMO, người lớn đứng giữa việc truyền đạt quan niệm cái đẹp theo đúng cảm nhận bản thân hay nương theo, cập nhật những quan niệm mới dẫu nó không thật sự khiến mình thoải mái.

Bạch Tuyết da màu có thể không đẹp trong mắt của người lớn, nhưng chúng ta có nói thật với con nít rằng trông nàng chẳng hề xinh đẹp hay sẽ dạy chúng một bài học “hợp thời” về sự đa dạng.

Có cần viết lại nhân dạng cho các nhân vật cổ tích?

Trẻ con thường hay sáng tạo lại những nhân vật mà mình biết. Bạn có thể thấy những bức vẽ mô tả Elsa với váy hồng, Bạch Tuyết da màu xanh hay thậm chí là bất kì nhân vật nào cũng có thể được thay đổi tùy theo trí tưởng tượng.

Sự đa dạng đã tồn tại sẵn, chỉ là người lớn chúng ta nhìn và đối diện với sự đa dạng này thế nào. Liệu ta có cân chỉnh lại là Bạch Tuyết thì da phải trắng, là Elsa thì đầm phải màu xanh?

Có lẽ điều khó hơn là làm sao để chính người lớn chấp nhận những nhân dạng mới của các nhân vật cổ tích mà ta đã quá quen thuộc. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên bắt ép ai đó phải thay đổi nhân vật tuổi thơ của họ. Sự tôn trọng màu da, vẻ đẹp của các nhân vật cổ tích mà ngày xưa đã quen thuộc cũng là tôn trọng đa dạng.

Người lớn cũng có quyền không thay đổi sở thích cá nhân của mình. Điều cần làm là học cách chấp nhận những nhân dạng mới dù ta không nhất thiết phải thích hình hài mới của các nhân vật tuổi thơ.

Thay vào đó, chúng ta nên nhìn về khía cạnh uyển chuyển của các câu chuyện cổ tích. Chúng vốn xuất hiện từ hàng nghìn năm trước và đã có không ít biến đổi, thậm chí là gia giảm tình tiết ghê rợn để hợp thời hơn. Với những kỳ vọng và thay đổi của xã hội hiện nay, việc một phiên bản mới xuất hiện cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra một cách tự nhiên.

Chẳng qua, việc này cần nhiều thời gian và cả cách làm khéo léo hơn. Việc Disney cho bay màu các nhân vật quá điển hình đã khiến cho quá trình bị rút ngắn và nhận nhiều phản ứng tiêu cực.

Để cuộc tranh cãi màu da nhẹ nhàng hơn, chúng ta có thể nghĩ rằng các nhân vật cổ tích cũng có một cuộc sống hợp thời.

Nàng Bạch Tuyết giờ đây có làn da bánh mật vì có lẽ nàng cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi môi trường, ít thoa kem chống nắng. Hoặc sành điệu hơn, có lẽ nàng đang chạy theo mốt “tanning” nhuộm nâu da mà giới trẻ đang yêu thích.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục