Vietnam Remote Workforce: Làm việc từ xa, đẩy lùi Corona
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Vietnam Remote Workforce ra đời nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, và các dịch vụ hỗ trợ cho việc chuyển sang mô hình làm việc từ xa.
Đã hơn ba tháng trôi qua kể từ ngày dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tính đến 17:00 ngày 27/03/2020, đã có 540.492 ca nhiễm, 24.279 ca tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, số ca dương tính với COVID-19 là 153.
Không chỉ đối mặt với một dịch bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh chóng, cả thế giới còn đứng trước bờ vực khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại và giảm doanh thu khoảng 25.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỉ USD. Các dây chuyền sản xuất điện tử, hàng dệt may và giày dép cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người làm doanh nghiệp trong nước phải đối diện với rất nhiều thử thách mới, buộc họ phải kịp thời thích ứng hay nguy cơ phá sản chỉ trong thời gian ngắn. Trong đó, hai thử thách lớn nhất chính là việc chuyển dịch từ mô hình làm việc truyền thống sang làm việc từ xa (Working Remote), cũng như làm sao để tận dụng tối đa nguồn lực công nghệ để vận hành doanh nghiệp.
Trước những diễn biến phức tạp đó, anh Hùng Đinh–Nhà sáng lập và CEO của các công ty công nghệ JoomlArt, Designbold đồng thời là Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm VIC Partners–đã nhanh chóng đưa ra quyết định cho toàn bộ nhân viên chuyển dịch sang làm việc tại nhà. Anh cho biết, hình thức làm việc từ xa tuy không còn mới tại các quốc gia phát triển, nhưng tại Việt Nam, chỉ đến khi dịch bùng phát, mọi người mới thật sự có cái nhìn đúng mức về hình thức làm việc này.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp truyền thống cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), việc số hoá doanh nghiệp theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Dự thảo Chương trình Chuyển Đổi Số Quốc Gia là điều không hề dễ dàng.
Nhận thấy khó khăn của nhiều doanh nghiệp, ngày 09/03/2020, anh Hùng thành lập một Facebook group mang tên Vietnam Remote Workforce (VRW), nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, và các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho công tác dịch chuyển sang mô hình làm việc từ xa.
Chỉ sau một ngày, group VRW đã thu hút sự tham gia của gần 4000 doanh nghiệp, với sự hỗ trợ ban đầu từ các doanh nghiệp, startup công nghệ hàng đầu Việt Nam, như Designbold, ELSA Speak, KiotViet, Base, Gotit, 1Office, LadiPage, TopCV, Haravan, Printgo, Matbao, Nhanhoa……
Đến thời điểm hiện tại, group đã có hơn 4.500 thành viên, trong đó bao gồm các chủ doanh nghiệp, nhà sáng lập, lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp công nghệ và truyền thống. Vietnam Remote Workforce cũng thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan báo đài quốc gia.
Với những tín hiệu khả quan cho thấy nhu cầu dịch chuyển mô hình làm việc của các doanh nghiệp, hưởng ứng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Chỉ thị số 16/CT-BTTTT ngày 25/3/2020, Vietnam Remote Workforce được Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT bảo trợ, đứng ra tập hợp cộng đồng cùng hình thành top 50 công cụ làm việc trực tuyến.
Hiện VRW gồm có 5 thành viên, gồm anh Hùng Đinh, anh Tony Lê (Head of UI/UX – BeGroup, Nhà sáng lập Eggcademy), anh Tuấn Võ (Remote Software Engineer -F-secure Finland), anh Tùng Trần (Nhà sáng lập Cloud Living và TK Media), và chị Thảo Lê (QA Leader — Tinh Vân Group, Product Manager — VP9.vn).
Bản thân anh Hùng đã từng có kinh nghiệm xây dựng một nền tảng dành cho những người làm việc tự do liên quan đến Opensource CMS với hơn 400.000 thành viên làm việc hoàn toàn trực tuyến, trong đó có 30% là freelancer đến từ Việt Nam, với doanh thu hàng tháng khoảng 400.000 USD. Nền tảng này được quản lý bởi hai nhân sự trong suốt 4 năm. Ngoài ra, anh cũng từng có kinh nghiệm quản lý toàn bộ 800.000 khách hàng, 30-80 nhân viên, cộng tác viên trong và ngoài nước sử dụng một nền tảng duy nhất để tập trung toàn bộ công việc.
Với sứ mệnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong giai đoạn chuyển dịch từ mô hình làm việc truyền thống sang làm việc từ xa và tối ưu hoá công nghệ trong các nhiệm vụ hằng ngày, VRW hiện đang vận hành theo mô hình Doanh nghiệp cộng đồng. Bản thân anh Hùng cũng đã đóng góp 200 triệu VND để chi trả chi phí vận hành ban đầu cho VRW.
Mới đây, VRW đã cho ra mắt website Remote.vn để đồng hành cùng các doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, Remote.vn sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam quyền truy cập miễn phí vào các công cụ làm việc và học tập từ xa nổi bật nhất. Remote.vn cũng sẽ chia sẻ các cẩm nang để có thể thiết lập và duy trì mô hình làm việc từ xa một cách hiệu quả, đồng thời thiết lập danh sách các công cụ cần thiết để duy trì doanh nghiệp vận hành trực tuyến cũng như kết nối doanh nghiệp với các bên liên quan để được hỗ trợ chuyên sâu hơn.
Hiện dự án đang hoạt động dưới hình thức phi lợi nhuận, vốn tài trợ chỉ sử dụng cho các chiến dịch truyền thông, quảng cáo, xây dựng thương hiệu, và marketing để tiếp cận và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn, hỗ trợ kinh phí cho nhân sự, và duy trì hoạt động hiệu quả cho website và fanpage trên Facebook.
Ngoài những giá trị thiết thực dành cho các doanh nghiệp truyền thống cũng như startup địa phương, VRW còn góp phần quảng bá và nâng cao nhận biết cho các công ty công nghệ có sản phẩm, dịch vụ tốt và hữu ích. Dự án này cũng là một giải pháp nhanh chóng đáp ứng nguyên vọng của Chính phủ nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Xem thêm:
[Bài viết] Tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn sống tốt trước COVID-19?
[Bài viết] Bảo vệ doanh nghiệp trước COVID-19: Lời khuyên chiến lược từ Vero