Vỏ hàu không để vứt đi

Nếu bạn biết chiếc vỏ hàu không dùng để vứt đi, mà nó có giá trị tới một phần ba con hàu không?

Thuỳ Minh
Vỏ hàu không để vứt đi

Nguồn: Cơ Nguyễn

Bạn có biết chiếc vỏ hàu không dùng để vứt đi, mà nó có giá trị tới một phần ba con hàu không? 

Chúng tôi đến Hạ Long trong những ngày mùa thu đẹp nhất. Trời trong xanh và nước biển ở trong vịnh không hề có sóng. Đi suốt một tiếng bằng ô tô rồi tiếp bốn lăm phút trên tàu, chúng tôi lạc một nơi không giống gì với suy nghĩ của mình. 

Chuyến đi là để thăm trang trại hàu sữa của BIM Group, một tập đoàn lâu năm trong ngành Thuỷ hải sản. Khi con hàu có nhiều trứng, hoặc béo thì trông giống sữa- dân gian gọi là hàu sữa. Vốn bản dĩ hàu Thái Bình Dương gốc ở Nhật Bản, di cư khắp nơi trên thế giới, 2006 mới được nhập nuôi ở Việt Nam. 



Lần gần nhất bạn hình dung về một trang trại nuôi hàu, là trông nó như thế nào? Hay mối quan hệ duy nhất của chúng ta với con hàu là lúc nó ở trên một bàn tiệc long lanh bên cạnh một ly champaign sành điệu? Có khi là lúc nó nằm trong gian đông lạnh của một siêu thị?

Thực ra một trang trại nuôi hàu Thái Bình Dương xịn nhất Đông Nam Á, điều cần nhất là nó…không có gì cả!

Nước biển là nơi hàu được nuôi lớn, nên nước càng trong, càng không có chất hoá học… càng tuyệt vời. Còn đặc biệt hơn nữa, nếu nước biển được lấy mẫu mỗi tuần để kiểm tra xem có lẫn các loại kim loại nặng, khuẩn, hợp chất kali… thì có lẽ đây là nơi duy nhất ở Việt Nam đang làm. Chỉ cần được thông báo có xuất hiện tảo độc, thì cả quy trình thu hoạch sẽ ngưng lại. 

Vì thế những người nông dân tuyệt đối không xả gì xuống biển, vì nước biển chính là nông trại của họ. Con hàu được treo thành chùm, ngâm dưới nước biển, sau 9 tháng đến một năm thì được nhấc lên. Bản thân hàu chống chọi được tốt nhất với các nhiễu động của biển, nên ngành này cũng được gọi là ngành chăn nuôi “không nhân công, không thức ăn”. 

Nhưng đây cũng là công đoạn đã “hái quả” của ngành nuôi hàu. Đứng giữa những bè tre trong khung cảnh hùng vĩ của Bản Sen, khi mà nhìn là bốn phía đều là những núi non chồng lên nhau đẹp đẽ của vịnh Hạ Long, những chùm hàu lấp lánh như kim cương được kéo lên khỏi mặt nước, thì bạn sẽ giống như tôi đấy, thấy con hàu mình ăn- chúng có nhiều giá trị, cũng bởi sự nên thơ này!

Bạn có tự hỏi, con hàu được sinh ra như thế nào?

Là loài lưỡng tính, nó quyết định mình là cái hay đực. Vì thế nhìn từ phía vỏ ngoài, bạn không thể phân biệt nổi. Rất nhiều trang trại chọn cách nuôi giống không tự nhiên, họ…ép hàu sinh ra bằng cách bóc tách lấy trứng và tinh trùng. Nơi trang trại chúng tôi tham quan, hàu được sinh ra như trong tự nhiên. Người ta đặt hàu bố và mẹ ở trong bể (cũng đôi khi tất cả đều là các bà mẹ, không có lấy một “ông bố” hàu, khiến vài ngày đợi, người ta sẽ phải thay bằng một mẻ mới.). Ở điều kiện lý tưởng, hàu sẽ bắt đầu sinh ra ấu trùng. 

Một nhà khoa học người Philippines đã ở Việt Nam 12 năm, miệt mài quan sát nhìn ấu trùng dưới kính hiển vi, có khi thức cả đêm để canh giờ. Khi ông ấy phát hiện ra ấu trùng đã mọc ra mắt và chân, là lúc họ sẽ nhúng chùm vỏ hàu vào trong bể. Những con ấu trùng sẽ bám tự nhiên thành những chùm vỏ hàu đã được đan sẵn. Rồi di chuyển ra trang trại và chờ ngày thu hoạch. 

Nơi vỏ hàu được cất, người ta canh giữ cẩn trọng

Cũng bởi vì vỏ chính căn nhà của hàu, như mọi loài thân mềm có vỏ khác. Khi ăn xong, bạn thường vứt nó đi. Có lẽ bạn sẽ không ngờ, đống vỏ có vẻ vô dụng đó thực ra có giá trị rất lớn với ngành nuôi hàu. Người nuôi hàu nhân giống lên càng ngày càng nhiều, bằng cách cho ấu trùng bám vào vỏ hàu (khoảng 4 đến 10 ấu trùng một vỏ hàu). Từ đó một vỏ hàu trở thành nhà của 4 đến 10 chú hàu. Một dây đan 10 vỏ hàu, sau một năm, nhân lên thành 40 đến 100 con.

Dân có thể đông, nhưng nhà có đủ không, luôn là vấn đề. Một con hàu có thể bắn ra một triệu trứng một lần, đồng nghĩa với việc ấu trùng có thể lên tới vài trăm ngàn con một lúc. Nhưng vỏ hàu thì lại có hạn. Đó là lý do ở nhiều nông trại, người ta đã để ấu trùng hàu bám lên lốp xe hoặc cột xi măng. Đó cũng là lý do đôi khi bạn ăn hàu sống sẽ ngửi thấy mùi hơi lạ hoặc gặp một cặn bám xi măng cứng nhắc- điều này cho thấy hàu đã không được ở trong căn nhà tự nhiên của chúng. 

Ở nhà máy của BIM Group, chị Nhung quản lý chia sẻ với chúng tôi rằng họ canh vỏ hàu như canh…vàng, nhà máy kín cổng cao tường, khắp nơi đều lắp đặt camera quan sát. Từ 4 giờ sáng, những người công nhân lớn tuổi trong vùng đã đến để làm sạch vỏ hàu rồi kết chúng lại thành chùm. Mỗi chiếc vỏ hàu chỉ được dùng thêm một lần nữa, nhưng sự tái sinh của chúng giúp nhân lên nhiều lần số lượng thu hoạch, và cũng đóng phần quyết định trong việc thành công của mô hình nuôi hàu ở Hạ Long.

Chuỗi liên kết dọc của nền kinh tế bền vững

Con hàu đã tồn tại 180 triệu năm nhưng chỉ mới 5000 năm trở lại đây loài người từ thời đồ đá mới bắt đầu ăn chúng với số lượng lớn. Người La Mã nhập khẩu hàu bằng thuyền trực tiếp từ Anh đến Ý và các Hoàng đế La Mã đã trả tiền cho chúng bằng vàng. Trong khi đó, Trung Hoa có lẽ là những người đầu tiên bắt đầu nuôi hàu nhân tạo và nghiền vỏ của chúng để dùng trong thuốc Đông Y. 

Ở Việt Nam, hàu vẫn là “món mới”. Từ thời điểm giống hàu Thái Bình Dương từ Nhật Bản được đưa về và nuôi thử cách đây 16 năm, giờ đã phát triển thành hơn 200 hecta cùng rất nhiều các nông trại tự lập khác của người dân, nghề nuôi hàu vì thế trở thành một ngạch Quốc tế dân sinh của Hạ Long. Ở BIM Group, nó được phát triển bền vững vì đã liên kết đủ các khâu của quá trình sản xuất. Khởi nghiệp từ giống, sau đó đến nuôi, thu hoạch, xử lý gia công chế biến và cuối cùng là đưa ra thị trường. 

Tất nhiên, bền vững nhất là giờ đây khi ăn xong con hàu, có thể bạn đừng nghĩ về chuyện vứt chúng đi! 




Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục