Vợ và chồng - Ai nên cầm tiền lương?
Lớn lên tại Việt Nam, tôi chứng kiến mẹ tôi (và rất nhiều người phụ nữ Việt khác) chịu trách nhiệm cầm tiền lương của chồng để lo toan cho cả gia đình. Chi tiêu rộng rãi thì bị nói: "Sao mà hoang thế?!". Chi tiêu tiết kiệm thì lại bị gièm pha: "Ki bo, tiền để quỹ đen hay sao mà hết nhanh thế?!".
Vì vậy, sau khi kết hôn, tôi kiên quyết không cầm tiền lương của chồng. Phần lương của ai người ấy tự nắm giữ. Mọi chi phí gia đình chia đôi sòng phẳng. Nhưng dần theo năm tháng, tôi nhận ra cách phân chia 50/50 này khiến vợ chồng thiếu đi sự gắn kết và sẻ chia để cùng cố gắng cho mục tiêu chung của gia đình. Đó là còn chưa kể tới những vấn đề bất cập do lương của hai người không đồng đều.
Sau một thời gian dài trăn trở với câu hỏi "Vợ và chồng, ai nên cầm tiền lương?", tôi nghĩ mình đã có được lời giải cho bản thân.
Bài viết dưới đây nêu lên ba kiểu quản lý lương phổ biến trong hôn nhân, mặt mạnh và yếu, cũng như cách khắc phục cho từng phương pháp. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn cũng sẽ tìm được câu trả lời hợp lý nhất cho việc quản lý chi tiêu trong gia đình.
1. Kiểu "Tay hòm chìa khoá"
Đây là kiểu một trong hai người (vợ hoặc chồng) giữ toàn bộ thu nhập, và đồng thời cũng là người phụ trách chi tiêu cho cả gia đình. Người kia thường chỉ nhận lại một khoản tiền nhỏ để phục vụ nhu cầu cá nhân mà thôi.
Điểm mạnh
Tiền lương được kiểm soát tập trung, chặt chẽ, dễ quản lý các khoản thu - chi hàng tháng.
Điểm yếu
Cán cân quyền lực và trách nhiệm không được cân bằng. Điều này dẫn đến áp lực trong mọi quyết định tài chính đè nặng lên một người; người còn lại dễ trở nên bàng quan, thiếu hiểu biết và thiếu sự sẻ chia với bạn đời.
Nếu mâu thuẫn tiền bạc nổ ra giữa hai người mà không được hoà giải thích đáng sẽ dẫn đến thiếu niềm tin sâu sắc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hôn nhân.
Giải pháp
Vợ và chồng cần có sự thống nhất ngay từ đầu để cả hai nắm rõ tình hình tài chính và xây dựng sự tin tưởng ở nhau. Tiền nên được giao cho người có khả năng quản lý tốt hơn để giữ và chi tiêu hàng ngày - chứ không nhất thiết phải là người vợ hay người kiếm được nhiều tiền hơn.
Người cầm tiền nên ghi chép thu - chi rõ ràng, minh bạch; khi có mục đích đầu tư, tiết kiệm nào lớn, cần thảo luận với bạn đời của mình để có sự đồng thuận trước khi thực hiện.
2. Kiểu "Thân ai nấy lo"
Đây là kiểu mỗi người tự quản lý phần tiền lương của mình và đóng góp cho chi tiêu chung của gia đình, dạng như "góp gạo thổi cơm chung".
Điểm mạnh
Cả vợ và chồng đều có sự tự do tuyệt đối, có thể làm mọi thứ mình muốn với đồng lương của mình (sau khi đã đóng góp) mà không phải báo cáo, xin xỏ hay hỏi han bất kỳ ai. Mọi thứ đều được phân chia độc lập, riêng rẽ, ít va chạm.
Điểm yếu
Vợ và chồng thiếu đi mối liên hệ mật thiết về tiền bạc. Người này có thể không biết người kia kiếm được bao nhiêu và chi tiêu những gì, dẫn đến việc cả hai thiếu đi cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính.
Nếu gia đình có những mục tiêu lớn cần thực hiện (như trả nợ, tiết kiệm mua nhà, đầu tư quỹ hưu trí...) thì rất khó có thể làm được một cách hiệu quả.
Ngoài ra, nếu mọi khoản chi và đóng góp được chia đôi thì có thể gây ra cảm giác bất công, bức bối lên người có thu nhập thấp hơn.
Giải pháp
Vợ và chồng công khai thu nhập, phân chia đóng góp trong gia đình theo tỷ lệ tiền lương hoặc chi tiêu của mỗi người. Chẳng hạn, hai người cùng trích ra 50% lương tháng của mình cho quỹ chung. Nếu một trong hai người có lương cao hơn, hoặc chi tiêu nhiều hơn, thì có thể chi theo tỷ lệ 60%-40%. Đồng thời, cả hai nên thường xuyên đối thoại về những mục tiêu tài chính chung cho cả gia đình.
Để có thể duy trì phương pháp quản lý lương tách rời này, vợ và chồng cần tin tưởng đối phương, và tôn trọng quyết định chi tiêu của mỗi người (miễn là không ảnh hưởng đến đóng góp cho gia đình và mục tiêu tài chính lâu dài). Hai người cũng nên tự trau dồi kiến thức về tài chính cá nhân để quản lý tiền tốt hơn.
3. Kiểu "Hai túi tiền thông nhau"
Đây là kiểu dung hoà cả hai phương pháp nói trên, tức là vợ và chồng hợp hai khoản tiền lương lại, cùng nhau quản lý và chi tiêu đồng đều. Thu nhập chung sẽ được phân chia cho các khoản chi hàng tháng cho gia đình, khoản tiết kiệm - đầu tư chung và cả khoản tiêu riêng cho mỗi người.
Điểm mạnh
Mọi thứ đều rõ ràng, minh bạch. Vợ chồng có tiếng nói chung, phấn đấu vì mục đích chung, mà vẫn duy trì được sự tự do nhất định cho từng người.
Điểm yếu
Chi tiêu không tập trung dẫn đến khó quản lý. Nếu một trong hai người không có kỹ năng quản lý tài chính tốt, không biết cách ghi chép thu - chi và trao đổi thường xuyên với bạn đời của mình về những quyết định lớn thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng tài chính chung của cả gia đình.
Giải pháp
Cả vợ và chồng cần trang bị kiến thức tốt về quản lý tài chính cá nhân, xây dựng niềm tin ở nhau và dựa vào điểm mạnh của từng người để đưa ra những quyết định tốt nhất.
Quan trọng hơn, cả hai cần có một hệ thống thông minh để quản lý chi tiêu hàng ngày. Ví dụ, sử dụng chung những ứng dụng thông minh như MoneyLover, Mint, EveryDollar, YNAB, Excel... để ghi chép chi tiêu trong cùng một hệ thống.
Vậy đâu là kiểu quản lý tối ưu nhất?
Câu trả lời phụ thuộc vào từng gia đình và từng hoàn cảnh cụ thể.
Đối với vợ chồng tôi, kiểu thứ ba ("Hai túi tiền thông nhau") là hợp lý nhất, vì chúng tôi đều có kiến thức tốt về tài chính và hoàn toàn thoải mái khi minh bạch 100% thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, vì gia đình tôi sống ở Mỹ, 99% chi tiêu hàng ngày dùng thẻ tín dụng nên chỉ cần kết nối thẻ với ứng dụng điện thoại (chúng tôi sử dụng EveryDollar với cùng một tài khoản login) là mọi khoản chi đều được tự động ghi lại dễ dàng.
Nếu khoản chi nào cần dùng tiền mặt, chúng tôi cũng lưu lại nhanh trên ứng dụng để có dữ liệu đầy đủ. Nhờ vậy, cả hai đều nắm được rõ ràng các khoản thu - chi hàng ngày và cùng "hợp sức" thực hiện những kế hoạch tiết kiệm - đầu tư lớn hơn cho tương lai.
Vợ chồng bạn có thể ở hoàn cảnh khác và có quan điểm khác về tài chính cá nhân. Vì vậy, bạn cần cân nhắc kỹ các phương pháp nói trên cho gia đình mình. Nếu có thể, hãy thử nghiệm cả ba phương pháp trong ít nhất một tháng, nghiên cứu xem bạn hợp nhất với phương pháp nào để theo đuổi lâu dài.
Nhưng dù bạn chọn kiểu quản lý lương nào đi chăng nữa, điều cốt yếu để tài chính gia đình (và cả hôn nhân) được bền vững là đôi bên thấu hiểu cho nhau, tin tưởng lẫn nhau và không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, quản lý cuộc sống của mình một cách hiệu quả hơn.