Vũ.: “Liệu 10-20 năm nữa, mọi người có còn nghe lại nhạc của Vũ.?”

"Bây giờ mình khác rồi, thế giới quan rộng hơn, mình viết được nhiều hơn."
Lê Lang
Vu Feature

Vu Feature

Vũ. - một người từ lúc chỉ viết về chuyện của mình, bị tiền bối chê “viết giai điệu ổn, nhưng viết lời thì kém cực”, đến khi “free writing” được cả một quyển sổ dày với rất nhiều câu chuyện của mọi người.

Giờ đây, Vũ. nói về việc thôi vin vào sự ngây thơ để viết nhạc và những sự từ bỏ khiến anh vỡ oà khi nhớ lại.

Hai năm trước trên tay Vũ. chỉ có hình xăm Hành tinh song song, bây giờ sao đã nhiều hơn?

*Chỉ vào hình xăm* Đây là lần đầu tiên mình khóc trên sân khấu, năm 2018. Hôm đấy, một bạn nhiếp ảnh chụp lại được đúng khoảnh khắc mình khóc trước 5.000 khán giả, trong liveshow của chính mình. Đó chính là thời khắc hạnh phúc nhất của một người nghệ sĩ như mình.

Sau đó mấy tháng, mình gặp một biến cố trong sự nghiệp. Đây là hình xăm Icarus đang rơi - biểu tượng của tuổi trẻ nông nổi. Trong thần thoại Hy Lạp, Icarus là con của nhà phát minh tài năng Daedalus. Icarus được bố làm cho một bộ cánh để có thể bay được. Ông dặn con trai đừng bay gần mặt trời quá, vì đôi cánh ấy làm bằng sáp ong và lông chim. Nhưng sự nông nổi đã thôi thúc Icarus bay gần đến mặt trời rồi rơi xuống và chết.

Vũ. xăm thêm cây đàn tượng trưng cho chính mình đã ngã từ đỉnh vinh quang của người nghệ sĩ xuống đánh rơi cả đàn, như một lời nhắc nhở mình không phạm phải những sai lầm này nữa. Nhưng mình cũng không hối tiếc mà chỉ coi đó là bài học.

Vũ. nghĩ gì về chuyện đàn ông khóc?

Vũ. hay khuyên những người em của mình: Đàn ông nếu khóc thì nên dành nước mắt cho đúng dịp. Nước mắt rơi ra phải đúng người, đúng thời điểm.

Câu chuyện mình khóc trên sân khấu thì thật ra tự nhiên nước mắt chảy. Lúc đó, mình nhận ra đó là tín hiệu của vũ trụ báo cho mình biết: đây là hạnh phúc của mình. Khoảnh khắc đó tuyệt vời đến nỗi không có gì sánh bằng, cứ nghĩ mình có thể vứt đàn rồi đi về luôn cũng được. Tuy vậy, có những khi gặp chuyện buồn, mình tự bảo mình khóc thì lại không khóc được.

Vũ. cũng từng khóc trong một chương trình trên VTV6...

Lúc ấy mình vừa mới trở về sau 6 năm trong quân đội, ngần ấy thời gian mình đã không nói chuyện với bố. Tự nhiên chương trình mang cho mình một hộp quà, trong đó có bảng tên đính ngực của Hoàng Thái Vũ, kèm theo đấy là một lá thư do bố viết.

Mình cũng muốn kìm lắm vì chương trình đang quay, nhưng rồi cũng bỏ hết, không còn gì quan trọng nữa rồi. Chả cần nói gì, mình đã khóc òa.

Nhưng có phải đàn ông hay nghĩ khóc là một sự yếu mềm?

Không, chẳng có gì mềm yếu cả. Mình nghĩ người đàn ông khóc rất đẹp.

Mình cứ nhớ mãi bộ ảnh Brad Pitt trên sa mạc sau khi chia tay với vợ. Lúc đấy, mình thấy hình ảnh một người đàn ông ngoài tứ tuần, mắt chỉ hơi rơm rớm, đầu tóc bạc phơ, đang tiếc nuối một cuộc tình. Mình thấy hình ảnh đấy không hề ủy mị.

Vũ. có vẻ thích sự tương phản của hình ảnh người đàn ông trông bề ngoài mạnh mẽ, nhưng lại có thể ngốc nghếch, vỡ vụn vì tình yêu?

Vâng. Mình nghĩ hình ảnh đó đẹp mà, như thể một tượng đài cũng có thể sụp đổ chỉ vì một người. Nhưng mình không cố gắng vận vào người để trở thành một hình tượng như thế.

Trong 2 năm qua, Vũ. đã thay đổi thế nào?

Mình thay đổi cách làm việc, thay đổi cả cách suy nghĩ. Ngày trước mình hay nghĩ chuyện gì xảy đến với mình cũng xấu, giờ thì mọi thứ đều được nhìn với một con mắt tích cực hơn.

Việc ký với một hãng đĩa lớn có khiến bạn phải thay đổi thói quen làm việc?

Không được thoải mái như hồi xưa là chắc chắn. Nhưng đến bây giờ mình vẫn tự dặn bản thân rằng các nghệ sĩ lớn khác vẫn đang làm việc như thế. Và đúng là mình đã quen dần với quy trình làm việc này.

Khó khăn lớn nhất của mình là ở Việt Nam, hãng đĩa chưa có giám đốc âm nhạc - người sẽ định hướng âm nhạc cho mình, nên mình vẫn đang phải tự làm. Đây là một cái vừa hay, vừa dở - dở vì mình vẫn muốn được làm việc với những người chuyên nghiệp hơn; còn cái hay thì âm nhạc vẫn là quyết định của mình

Tuy nhiên, Warner Music Vietnam đang mở rộng dần. Sắp tới sẽ có các giám đốc, nhà sản xuất âm nhạc để làm việc cùng mình. Còn lại mình thấy mọi thứ rất ổn, cực kỳ chuyên nghiệp. Đấy là lý do vì sao mình có thể viết được 9 bài trong một khoảng thời gian ngắn, không phải lo nghĩ gì nhiều nữa.

Vũ. có tên cho album sắp tới chưa?

Ban đầu mình định đặt tên cho album là Bước qua nhau, sau đó lại thấy cái tên này không mang nhiều yếu tố hình ảnh. Hôm trước mình xem lại phim Trương Quốc Vinh - Châu Tinh Trì thì có một câu đại loại là: “Rất tiếc, nếu anh được nói yêu em, anh sẽ cho kỳ hạn thêm một vạn năm nữa.” Mình lại nghĩ đến cái tên Một vạn năm (thì lại hơi giống Đen Vâu quá!).

Nên mình vẫn đang cân nhắc thêm một cái tên thứ 3, để kỷ niệm kết thúc của một kỷ nguyên “yêu đơn phương” và “hành tinh song song”. Đã tới lúc dừng lại việc vin vào sự ngây thơ để viết nhạc. Trong album sẽ có một số bài như là Sau chia tay ta còn gì, Nhường lại em, Cô ta thu mình lại... Bài chủ đạo sẽ là Bước qua nhau. Vũ. sẽ cố gắng làm nó giống một bộ phim nhất có thể.

Nếu không vin vào sự ngây thơ nguyên thủy đó thì sau này Vũ. sẽ viết thế nào?

Mình học được từ anh Thành Đồng một thói quen là khởi động trước khi vào viết, để không bị “chấn thương” trong âm nhạc. Anh bảo trước khi vào viết thì mình nên ngồi xuống khoảng 15 phút, viết ra bất cứ thứ gì đang diễn ra trong đầu, không suy nghĩ nhiều, rồi sau đấy đọc lại.

Mình và anh Thành Đồng đã lên Đà Lạt một tháng. Đó là chuyến đi để mình viết album này. Trước đấy, mình ở trong trạng thái không viết được gì vì tính mình thì chỉ khi thoát khỏi cuộc sống hằng ngày, không vướng bận gì, chỉ có âm nhạc, có câu chuyện cụ thể mình mới viết được.

Kể từ đó đến giờ quyển sổ cũng dày rồi, đọc lại thì thấy có cực kỳ nhiều những câu chuyện hay trong đó, những câu chuyện của mọi người. Sau này mình sẽ viết theo cách “free writing” như thế. Bây giờ mình khác rồi, thế giới quan rộng hơn, mình viết được nhiều hơn.

Sức ép thành công của việc chưa là ai mà tỏa sáng có nhiều không?

Chị Lê Cát Trọng Lý từng nói một câu mà mình nhớ mãi: “Vũ., em phải chọn. Hoặc là làm idol, hoặc là làm artist. Đừng cố gắng để cân bằng.” Mình nghĩ là mình đã chọn được.

Dĩ nhiên là mình áp lực chứ, nhất là khi cuộc sống của mình cũng không như ngày xưa nữa. Nhưng suy cho cùng, mọi áp lực đều có cách giải quyết. Mình cũng đã mất 2 năm để bỏ lại tất cả và được làm thứ nhạc mình thích. Khi ra mắt Bước qua mùa cô đơn và mọi người đón nhận, mình thấy rất vui.

Có câu hỏi gì mà bạn rất muốn biết câu trả lời?

Giờ mình chỉ canh cánh trong đầu việc sự nghiệp của mình có được như mình muốn không? Liệu 10-20 năm nữa, mọi người có còn nghe lại nhạc của Vũ.? Khi mọi thứ đã kết thúc, mình còn lại điều gì?

Nhiều người bạn trong giới nhạc hay tâm sự với mình là nhiều khi họ thấy bản thân giống như một con gà béo và đi rất chậm tới cái đích cuộc đời. Họ ước gì được làm thứ nhạc mình muốn, dù có phải làm con gà gầy, đi giật lùi cũng được.

Người nghệ sĩ cô đơn khi làm âm nhạc mình muốn mà lại không được đón nhận. Ở tuổi ngoài hai mươi, mình được đón nhận, mình đã biết mình thích dòng nhạc nào, thế mạnh của mình ở đâu - như thế đã đủ vui với mình rồi.

Hành trình đã qua, Vũ. có từng phải bỏ lại điều gì?

Ngày mình khóc trên VTV6, là mình nhận ra mình đã bỏ lại gia đình quá lâu. Đến bây giờ, cảm giác như hai bố con mình chỉ liên hệ qua tin nhắn, chứ không trò chuyện và chơi thể thao cùng nhau như ngày xưa được. Nghe bỏ lại gia đình thì hơi nặng nhưng chỉ là mình đã phải bỏ lại những thói quen cũ.

Vậy Vũ. nhận lại được điều gì?

Mình được gặp những người giúp mình mở mang đầu óc, đúng nghĩa đi một ngày đàng học một sàng khôn. Ra ngoài gặp gỡ nhiều người, mình có được nhiều câu chuyện quý giá làm chất liệu sáng tác.

Khi công khai mình hạnh phúc, Vũ. có sợ mất khán giả không?

Không. Thời điểm mình cầu hôn, nhiều người cũng hỏi mình như thế. Nhưng khán giả chỉ đơn giản ở lại vì muốn nghe câu chuyện mình kể - những câu chuyện uỷ mị của mình, những câu chuyện khi say mình kể lại. Họ ở lại vì tất cả những thứ đấy. Và mình cảm ơn khán giả vì đã luôn xem câu chuyện của mình như một liều thuốc chữa.

Hình ảnh gắn liền với cặp kính, vậy Vũ. chọn kính thế nào?

Mình cận tới 5 độ, không thể nào sống thiếu kính được, nên mình nghĩ cần đầu tư vào một cặp tròng kính thật tốt, vì cả đời mình sẽ phải nhìn qua nó. Mỗi ngày mình dành rất nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính và điện thoại, không để viết nhạc thì để xem phim, check mail. Vì vậy, mình chọn một cặp tròng kính không chỉ rõ nét mà còn có thể giúp thư giãn mắt khi nhìn gần quá lâu và tích hợp công nghệ chống ánh sáng xanh để bảo vệ cho mắt.

là thương hiệu tròng kính tiên tiến nhất thế giới từ tập đoàn Essilor (Pháp) – giúp bảo vệ và thư giãn mắt bạn khi tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số. Từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về phát minh đột phá và được tin dùng bởi hàng chục triệu người trên toàn thế giới, Eyezen tiếp thêm năng lượng cho đôi mắt để cùng bạn hướng đến những chân trời mới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục