Whistleblower - Thấy chuyện bất bình, quyết không làm thinh!
1. Whistleblower là gì?
Whistleblower là người tố giác cho cơ quan có thẩm quyền, hoặc tiết lộ cho đại chúng bí mật liên quan đến hành vi trái đạo đức hoặc bất hợp pháp của một cá nhân, tổ chức.
Các whistleblower thường làm việc trong tổ chức nơi hành vi sai trái đang diễn ra, tuy nhiên, đây không phải là điều kiện cần thiết để họ có thể thực hiện việc tố giác. Điều quan trọng là nếu họ không đứng ra tiết lộ về những hành vi kia thì chúng có thể sẽ không bao giờ được cộng đồng biết đến.
Ban đầu từ này chỉ được dùng trong trường hợp đối tượng bị tố giác là những công chức có hành vi quản lý yếu kém, lãng phí của công, hoặc tham nhũng. Nhưng hiện nay thuật ngữ đã bao hàm hoạt động của bất kỳ lĩnh vực công và tư nào đang gây cản trở lợi ích của đại chúng, gian lận hoặc tìm kiếm lợi nhuận.
2. Nguồn gốc của whistleblower?
Theo từ điển Merriam-Webster, khi mới được sử dụng vào đầu thế kỷ 19, whistleblower chỉ có nghĩa đen là “người thổi còi”. Đến cuối thế kỷ 19, từ này mới có ý nghĩa cụ thể hơn - họ là “trọng tài”, những người thổi còi trong các trận đấu thể thao, chứ không chỉ là bất kỳ người nào cầm còi và thổi.
Một khoảng thời gian ngắn sau đó, whistleblower mới có lớp nghĩa ẩn dụ gần với hiện nay, tức là kêu gọi sự chú ý đến một thứ gì đó, chẳng hạn như hành động phạm tội, được giữ bí mật. Trong khi đó, nếu muốn nói đến trọng tài, từ referee đã được dùng thay thế và phổ biến hơn.
3. Vì sao whistleblower trở nên phổ biến?
Nhiều báo cáo luật pháp cho thấy năm 2020 là năm thiết lập kỷ lục cho các vụ tố giác (whistleblowing). Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) thông báo họ đã trao 114 triệu đô-la, một con số chưa từng có, cho một whistleblower.
Hay trong những ngày gần đây, cả thế giới đang chứng kiến vụ việc một nhân viên cũ của Facebook đưa ra 10.000 trang báo cáo nội bộ, chỉ ra những hành vi được cho là lừa dối của công ty này. Nhiều chuyên gia đánh giá sự việc lần này có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của Facebook.
Giải thích về sự gia tăng whistleblower trong những năm gần đây, tổ chức Navex Global đề cập đến thực trạng nhiều quốc gia đang tăng cường quy định bảo vệ người tố giác, đồng thời mở rộng quy định ở cả khu vực tư, thay vì chỉ tập trung vào khu vực công như thường thấy.
Chẳng hạn, theo chỉ thị mới nhất của EU, các tổ chức có từ 50 nhân viên trở lên hoặc có doanh thu hàng năm hoặc tổng tài sản trên 10 triệu euro (khoảng 263 tỷ đồng), phải có một kênh báo cáo nội bộ an toàn và bí mật.
Tương tự tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản, Úc, cùng một số quốc gia khác đã bắt đầu áp dụng hình phạt đối với công ty nào không có “chương trình tố giác” (whistleblower programs). Nhân viên tiết lộ danh tính của người tố giác mà không có lý do chính đáng cũng có thể bị phạt hàng trăm ngàn đô-la.
Tại Việt Nam, ngoài việc còn thiếu các quy định luật pháp về tố giác trong khu vực tư, các yếu tố văn hoá và tính cách con người là những rào cản khó xô đổ khác. Việc tiết lộ về các hành vi sai trái vẫn còn xảy ra chủ yếu ở mức độ thân mật, chia sẻ qua người thân quen hay thông qua các hội nhóm tâm sự trên mạng xã hội. (Theo vietnameselawblog)
4. Cách dùng whistleblower?
Tiếng Anh
A: James, someone sung to mom about me smoking already. Do you know the whistleblower?
B: Sure, because it was me.
Tiếng Việt
A: James, ai đó nói với mẹ chuyện em hút thuốc rồi. Anh biết ai “thổi còi” không?
B: Tất nhiên rồi, đó là anh mà.