Facebook gặp biến to trước khi "sập nguồn" tối 04/10 | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Facebook gặp biến to trước khi "sập nguồn" tối 04/10

Nhà báo Scott Pelley, người phỏng vấn Haugen trong chương trình “60 Minutes" đã nói rằng: “Facebook dường như đang khuếch đại những điều tồi tệ nhất của con người.”
Facebook gặp biến to trước khi "sập nguồn" tối 04/10

Nguồn: PA

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Tối 04/10, Facebook cùng các ứng dụng chung nhà Messenger, Instagram và Whatsapp ngừng hoạt động toàn cầu. Điều này dẫn tới hiệu ứng domino khi hàng loạt người dùng cũng không sử dụng được các dịch vụ được đăng nhập bằng Facebook.

Sự cố sập nguồn này chỉ là một phần nhỏ trong cơn bão mà Facebook đang phải đối mặt. Trước đó vài tiếng, CBS vừa phát sóng chương trình “60 Minutes" phỏng vấn cô Frances Haugen, cựu Product Manager tại Facebook, về các bê bối đạo đức của công ty này.

Cô Haugen cũng đã đứng ra lộ mặt và thẳng thắn chia sẻ mình là người đã cung cấp 10.000 trang nghiên cứu về việc Facebook cổ vũ cho nội dung sai lệch, thù hận, bạo lực. Nội bộ Facebook biết rõ những điều này nhưng từ lần này qua lần khác, cái họ chọn vẫn là lợi nhuận.

2. Frances Haugen là ai?

Báo giới gọi Frances Haugen là whistle-blower - người tiết lộ bí mật của tập đoàn lớn. Haugen từng đảm nhận vị trí Quản lý sản phẩm của Facebook, cô đồng thời cũng là một kỹ sư khoa học dữ liệu. Cô gia nhập vào Facebook năm 2019 và làm việc tại Civic Integrity - phòng ban xử lý những thông tin sai lệch về đợt bầu cử tại Mỹ.

Tuy nhiên, phòng ban này đã bị xóa bỏ ngay khi đợt bầu cử kết thúc. Và vài tháng sau, vụ bạo loạn tại điện Capitol ngày 06/01 xảy ra. Điều này đã tác động tới quyết định nghỉ việc của Haugen. Mục đích ban đầu của cô ở Facebook là đấu tranh với các tin giả, tin sai lệch vì nó đã khiến cô mất đi một tình bạn quan trọng.

Những gì Facebook làm đi ngược lại hoàn toàn mục đích này. Vào tháng 5, Haugen nghỉ việc mang theo toàn bộ những nghiên cứu cô thu thập được về Facebook.

3. Những vấn đề được Haugen tiết lộ là gì?

WSJ đã dựa trên những tài liệu Haugen thu nhập được và ra mắt loạt phóng sự “The Facebook Files", bóc trần sự thật về gã khổng lồ công nghệ. Những vấn đề mà Facebook dù biết vẫn làm ngơ được nhắc tới gồm:

  • Luật của Facebook không dành cho mọi người mà thật ra ưu tiên một vài tầng lớp tinh hoa;
  • Thay đổi thuật toán gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng;
  • Facebook trở thành nền tảng mua bán của các băng đảng ma túy và buôn người;
  • Instagram gây ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên nữ;
  • Facebook luôn cố gắng để thu hút nhiều người dùng ở lứa tuổi vị thành niên.

Trong tập mới nhất của series này, Haugen đã tham gia phỏng vấn. Cô nhấn mạnh điều mình mong muốn là sửa chữa những sai lầm của Facebook thay vì tổn hại nền tảng này.

4. Facebook phản ứng như thế nào trước những cáo buộc?

Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, Nick Clegg cho rằng những gì Haugen tiết lộ rất dễ "gây hiểu nhầm". Về phía Facebook họ cũng cho rằng mình đem lại nhiều lợi hơn hại và chỉ ra sự hạn chế của những nghiên cứu và báo cáo đã được công bố.

Nguồn tin nội bộ cũng cho rằng Facebook đang phải gác lại nhiều dự án để tiếp tục thảo luận về cách thức hoạt động của các nhóm nghiên cứu của họ.

5. Facebook ưu tiên lợi nhuận như thế nào?

Năm 2018, Facebook đã thay đổi thuật toán của họ bằng cách ưu tiên cho những nội dung có nhiều tương tác. Hệ thống này hoạt động dựa trên việc tính điểm các like, share, comment, reaction rồi từ đó quyết định xem đâu sẽ là bài viết được xuất hiện trên newsfeed người dùng.

Các comment càng mang tính tranh luận cao càng nhận được cao điểm và dễ xuất hiện hơn | Nguồn: WSJ

Tài liệu của Haugen đã chỉ ra rằng đa phần các bài viết có tương tác cao đều mang nội dung thù ghét, bạo lực và gây tranh cãi. Lý do Facebook ưu tiên nội dung này vì nó giúp cho người dùng sử dụng ứng dụng lâu hơn, từ đó Facebook nhận được nhiều tiền quảng cáo hơn. Đây chính là cách Facebook đi ngược lại những gì họ tuyên bố, chọn người dùng thay vì lợi nhuận.

6. Tại sao scandal lần này của Facebook nghiêm trọng hơn?

Các chính trị gia trước giờ đã không hài lòng về cách Facebook nắm giữ quá nhiều quyền lực trong tay. Sự tiết lộ của tập hồ sơ này chính là cú đánh thẳng vào mặt Mark Zuckerberg khi chính CEO này trong những phiên điều trần trước đã nói những điều ngược lại.

Tập hồ sơ được tiết lộ đã thúc đẩy việc tiếp tục mở ra những cuộc điều tra lớn hơn nhằm kìm hãm Facebook cũng như quyền lực của các công ty công nghệ. Haugen cũng đã đồng ý tham gia điều trần trước Quốc hội về tác động của Facebook đối với người dùng trẻ.

Nhiều nhân viên cũ của Facebook cũng đã bắt đầu lên tiếng và thảo luận về những vấn đề của Facebook. Bản thân Haugen cùng các luật sư cũng đã nộp ít nhất 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Giao dịch và Chứng Khoán (SEC).

Các bằng chứng của Haugen cũng mang tính hợp pháp cao và không bị tính vào tội đánh cắp bí mật của công ty. Vì theo như đạo luật Dodd-Frank, không công ty nào có quyền cấm nhân viên của mình trao đổi và chia sẻ tài liệu nội bộ với SEC. Những gì Facebook sắp hứng chịu là cả một cơn bão pháp lý.

7. Liệu có cách nào để Facebook giải quyết vấn đề này?

Theo như Times, Facebook cần minh bạch hơn trong cách công ty này thay đổi các thuật toán và chính sách. Samidh Chakrabarti, cựu lãnh đạo Facebook’s Civic Integrity, cho rằng các nghiên cứu về tác động của Facebook nên được coi trọng hơn.

Việc trao cho những nhà nghiên cứu quyền được bảo vệ các tài liệu của mình sẽ tạo ra thay đổi trước ban điều hành. Điều này có thể giúp thay đổi hệ thống và cách thức hoạt động của Facebook. Bằng cách này người dùng có thể hiểu được cách Facebook đang ảnh hưởng tới cuộc sống của họ và tạo ra sự lựa chọn, thay vì thụ động làm một công cụ kiếm tiền của Facebook.