Xu hướng "e-sport hóa" thể thao: Cờ vua trên máy tính

Từ một boardgame tưởng như chỉ dành cho “mọt sách,” cờ vua đang tích hợp với những nền tảng công nghệ mới để thu hút những người chơi mới.
Sơn Hoàng
Kỳ thủ Lê Quang Liêm chuẩn bị thi đấu. | Nguồn: Champion Chess Tour

Kỳ thủ Lê Quang Liêm chuẩn bị thi đấu. | Nguồn: Champion Chess Tour

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 23/04, đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm đánh bại nhà vô địch thế giới Magnus Carlsen sau bốn ván với tỉ số 2.5 - 1.5 trong khuôn khổ giải đấu Oslo Esport Cup thuộc Champion Chess Tour.

Điểm nhấn của giải là việc các kỳ thủ phải tập trung tại một địa điểm thi đấu như một giải đấu truyền thống, nhưng không thi đấu trên bàn cờ vật lý mà qua màn hình máy tính.

Ngay cả khu vực thi đấu và cách bố trí không gian cũng rất khác so với những giải đấu truyền thống. Tên chính thức của giải đấu này, Oslo Esport Cup, gợi ý một hướng đi mới cho cờ vua với tư cách một bộ môn thể thao điện tử chuyên nghiệp.

2. Chơi cờ trên máy tính khác gì chơi trên bàn cờ?

Các vận động viên trong giải Oslo Esport Cup sẽ cùng có mặt tại một địa điểm và thi đấu thông qua nền tảng chơi cờ trực tuyến mang tên chess24. Đây giống như sự kết hợp của hai thể thức thi đấu vừa online, vừa trực tiếp.

Việc áp dụng hình thức “online trực tiếp” đã mang đến nhiều thay đổi trong khâu tổ chức và quá trình thi đấu. Thay vì chuẩn bị bàn cờ, đơn vị tổ chức nay phải chuẩn bị máy tính và một hệ thống mạng nội bộ ổn định. Công việc quản lý sự kiện thiên nhiều về khía cạnh phát sóng trực tuyến hơn là kiểm soát khu vực nơi sự kiện diễn ra.

Đối với các kỳ thủ, hình thức hỗn hợp này giúp giảm tải các công việc mà họ phải làm khi thi đấu truyền thống như ghi biên bản ván cờ và bấm đồng hồ lúc thi đấu. Không những vậy, các vận động viên còn có thể vừa thi đấu vừa nghe nhạc, điều vô tiền khoáng hậu trong những giải đấu cờ chuyên nghiệp từ trước tới nay.

Nền tảng thi đấu chess24 cũng là một công cụ linh hoạt hơn so với bàn cờ vua truyền thống có phần đơn điệu. Kỳ thủ có thể cá nhân hóa giao diện thi đấu theo ý thích của mình, đồng thời có thể sử dụng một số tính năng của nền tảng giúp việc tính toán nước đi thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, hình thức thi đấu này cũng tiềm ẩn những rủi ro rất “giời ơi đất hỡi,” ví dụ như vấn đề đường truyền, hỏng chuột, hay là việc kỳ thủ đi nhầm nước vì “bấm lộn” (mouse-slip).

3. Tại sao lại có sự thay đổi này?

Đây không phải lần đầu tiên chùm giải đấu Champion Chess Tour tổ chức theo hình thức hỗn hợp, nhưng là lần đầu tiên tất cả các kỳ thủ đều có mặt tại địa điểm thi đấu. Trước đó vào năm 2021, nhiều vận động viên không thể có mặt do ảnh hưởng của Covid-19, khiến giải đấu năm đó về cơ bản vẫn là một giải đấu online.

Sự thay đổi này tới từ sức hấp dẫn của các nền tảng chơi cờ trực tuyến. Trong hai năm qua, số tài khoản trên những nền tảng này đã tăng gấp nhiều lần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và series phim . Bên cạnh đó, nhiều kỳ thủ chuyên nghiệp đã trở thành streamer trên các nền tảng như Twitch và Youtube.

Sự hợp tác giữa đơn vị tổ chức với các công ty công nghệ và đơn vị tổ chức sự kiện e-sport đã hiện thực hóa thể thức thi đấu hỗn hợp này. Không dừng lại ở đó, giải còn liên kết với tiền ảo và xu hướng Metaverse, với ví dụ điển hình là việc trao một phần giải thưởng bằng bitcoin cho người thắng cuộc thi năm 2021.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt dẫn tới thay đổi là tham vọng thay đổi định kiến về cờ vua như một môn thể thao tẻ nhạt, buồn chán. Việc thêm các chi tiết như máy tính, không gian thi đấu, và bình luận trực tiếp kết hợp với thời lượng vừa đủ của mỗi ván đấu đã khiến cho cờ vua trở nên giống với thể thao điện tử.

Việc thi đấu trên nền tảng trực tuyến đã giúp quá trình theo dõi, phát sóng, và bình luận giải đấu trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc tập hợp các kỳ thủ tại một địa điểm tạo cho sự kiện tính thống nhất, và giảm thiểu nguy cơ xảy ra gian lận.

4. Đây có phải là hình thức thi đấu của tất cả các giải cờ vua?

Tới thời điểm hiện tại, đây là giải đấu duy nhất áp dụng hình thức thi đấu hỗn hợp. Các giải đấu khác vẫn tuân theo hình thức thi đấu trên bàn cờ (over the board), trong đó bao gồm cả những giải đấu thuộc hệ thống của Liên đoàn Cờ vua Thế giới.

Về cơ bản, hình thức hỗn hợp và những nỗ lực làm mới cờ vua nêu trên còn là những dự án riêng lẻ, chứ chưa được xem xét và hệ thống hóa ở cấp độ Liên đoàn. Bên cạnh đó, hình thức hỗn hợp yêu cầu một quy trình tổ chức hoàn toàn mới với những đối tác mới mà Liên đoàn Cờ vua không có (hoặc chưa có) ý định hợp tác cùng.

Ngoài ra, không phải khán giả nào cũng thích thú với cách tổ chức này. Họ cho rằng việc chơi cờ vua trên bàn cờ chính thống hơn so với chơi trực tuyến, giống như cách nhiều người thích đọc sách giấy hơn là sử dụng Kindle.

5. Tương lai nào cho cờ vua và e-sport?

E-sport đã góp mặt trong nhiều giải đấu thể thao chính thống như ASIAD, và cũng sẽ xuất hiện trong SEA Games 31 tới đây tại Việt Nam. Thể thao điện tử rõ ràng đã trở thành một ngành công nghiệp lớn, gắn liền với các nền tảng phát trực tiếp (streaming) và là một bộ môn đặc thù của một bộ phận giới trẻ.

Việc “e-sport hóa” cờ vua có thể là một ý tưởng hay để mang lại những sinh khí mới thay cho sự già cỗi và cảm giác hàn lâm mà bộ môn này gợi tả. Mặt khác, những liên kết mới từ việc "e-sport hóa" có thể mang tới cho cờ vua những khoản đầu tư mới.

Khi mà các nền tảng mạng xã hội đều đang đầu tư vào khả năng phát trực tuyến, thì bước nhảy của cờ vua có thể là một chiến lược thông minh. Tuy nhiên, chúng ta cần thêm thời gian và đánh giá để có thể xác định mức độ thành công của thể thao điện tử nói chung, và cờ vua như một bộ môn e-sport nói riêng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục