"Yêu kẻ thù" qua những điều bạn học được từ người đối lập

Thái độ đối diện với người đối thủ quyết định bạn sẽ học được gì từ họ.

Kim Nguyễn
bài học khi yêu kẻ thù

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Ngoài những người luôn ủng hộ bạn, cuộc sống vẫn xuất hiện thành phần ngược lại - những kẻ đối nghịch. Đó có thể là đối thủ cạnh tranh, người hay chỉ trích hoặc "không đội trời chung".

Chúng ta thường cho rằng đối thủ chỉ xuất hiện như vật cản và tạo ra các cuộc ganh đua chỉ để hơn thua. Nhưng khác với quan niệm đó, họ còn giúp bạn nhận ra nhiều bài học mới, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong công việc.

Cùng Vietcetera điểm qua những điều bạn có thể học được từ người đối lập thông qua cái nhìn tích cực về họ.

1. Kiểm soát cảm xúc trong mọi hoàn cảnh

Nếu ngày xưa chỉ một lời nói động chạm cũng đủ làm bạn “tím tái”, thì giờ đây, thái độ tích cực với đối thủ giúp bạn kiểm soát cảm xúc bất kể lời xúc phạm. Sự thay đổi này giữ bạn trong trạng thái bình tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe hơn là lập tức phản ứng. 

Khi kiểm soát cảm xúc, bạn có thêm thời gian để suy nghĩ trước khi hành động. Đồng thời đó cũng là cơ hội để bạn xem lại sự lựa chọn của mình và nguyên nhân gây ra kích động: vì lời nói của người đó hay do sự thiếu bình tĩnh của mình? 

Tìm hiểu kỹ năng này qua bài viết: Lắng nghe thấu cảm: tập trung cảm xúc vào câu chuyện

2. Rèn luyện tâm trí cởi mở

Nghiên cứu về chủ nghĩa giáo điều (dogmatism) cho thấy ta có xu hướng bảo thủ ý kiến khi nhận được nhận xét tiêu cực. Nhưng nếu chỉ nhìn nhận xét bằng cặp mắt không quan tâm, bạn sẽ không biết liệu điều họ nói có đúng hay không. 

Tìm hiểu 6 bí quyết đón nhận phê bình một cách tích cực hơn để rèn luyện một tâm trí cởi mở, hoặc bạn có thể áp dụng một vài bước sau đây:

  • Đặt thêm câu hỏi sàng lọc: Nhận xét này mang tính chất xây dựng hay chỉ muốn hạ bệ? Còn khía cạnh nào để xem xét vấn đề này không?
  • Tìm ra nguyên nhân hiềm khích: Nếu trong vị trí của đối thủ, họ sẽ có suy nghĩ gì? Họ có đang hiểu lầm do cách mình truyền đạt chăng?
  • Kiểm tra xem mình có đang vấp phải các thiên kiến hay không: Để bạn trở nên khách quan hơn khi đưa ra các phán đoán và đánh giá của mình.

Một tâm trí cởi mở giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn về người đối lập với mình, đón nhận những ý tưởng trải nghiệm mới, cũng như một tinh thần mạnh mẽ hơn. (Theo verywellmind)

3. Tranh luận lành mạnh

Những cuộc tranh cãi lớn tiếng không đem lại lợi ích gì mà còn “tốn công lao lực”. Thái độ thân thiện với người đối lập giữ bạn không bị cảm xúc lấn át, từ đó có thể tranh luận một cách lành mạnh hơn. 

Tranh luận lành mạnh là khi cả hai tập trung bàn luận vấn đề để đưa ra hướng giải quyết chung hơn là tấn công vào những yếu điểm của đối phương. Không phải cuộc tranh luận nào cũng sẽ chia phần thắng thua, đặc biệt khi hai bên đều có mong muốn khác nhau. 

Không những thế, một cuộc tranh luận tốt còn giúp bạn:

  • Cải thiện kỹ năng giao tiếp, thuyết phục.
  • Thấu hiểu mong muốn đối phương.
  • Đề ra phương án giải quyết của cả hai.

Cùng Vietcetera tìm hiểu cách phê bình, góp ý được lòng đôi bên.

4. Trạng thái luôn sẵn sàng

Chúng ta luôn cần một nguồn động lực để luôn giữ trách nhiệm trong công việc và tiếp tục phát triển. Mà người đối lập cũng có thể là một nguồn động lực hiệu quả. Lợi ích này dễ thấy trong các bộ môn thể thao như bóng đá, sự hiện diện của đội đối thủ giúp đội ta luôn trong trạng thái sẵn sàng, nỗ lực luyện tập để phát huy khả năng khi ra sân.

Khi xem đối thủ là động lực tích cực, bạn sẽ:

  • Chủ động học hỏi điều mới: thay vì tốn thời gian “đoán mò” bước đi tiếp theo của họ, bạn có thể tiếp tục rèn luyện thêm kỹ năng, kiến thức mới.
  • Chủ động tìm kiếm cơ hội mới: bạn sẽ không muốn ngồi yên và bị giành mất những cơ hội đáng giá. Động lực đó giúp bạn luôn tìm kiếm thách thức để làm mới bản thân.
  • Kịp thời phản ứng trong trường hợp khẩn: như ví dụ bóng đá ở trên, trạng thái chuẩn bị sẵn sàng giúp bạn kịp thời phản ứng nếu đối phương có sự thay đổi mà bạn không kịp đề phòng.

5. Nhìn nhận thiếu sót ở bản thân

Dù được xếp vào hạng mục “đối thủ”, nhưng khi bạn tiếp xúc nhiều với người ấy, hành vi và thái độ của họ cũng phản chiếu lên chính bạn. Theo hiệu ứng tắc kè hoa (từ gốc: Chameleon effect), chúng ta có xu hướng bắt chước các hành động, lời nói, thái độ của những người mà ta thường tiếp xúc. Việc này làm ta vô thức thay đổi hành vi sao cho tương ứng với người xung quanh. 

Nghiên cứu trên hiệu ứng Chameleon effect cũng cho thấy chỉ bằng việc nhận thức hành vi của người khác đã làm tăng khả năng ta thực hiện hành vi đó. Tương tự, nếu tiếp xúc nhiều với đối thủ của mình, rất có thể bạn cũng sẽ lặp lại những thái độ và hành vi mà bạn nhận thấy ở họ trong tương lai, dù là tốt hay xấu.

Vì thế, bạn có thể lấy điều đó để xem xét lại khuyết điểm của bản thân, từ đó khắc phục từ những lỗi lầm mà bạn đã nhìn thấy ở họ lẫn bạn.

6. Cơ hội “hóa thù thành bạn”

Nhà tâm lý học lâm sàng Jordan B. Peterson cho rằng bạn nên hy vọng những điều tốt đẹp đến với kẻ thù của mình. Nếu họ cũng sống có trách nhiệm, điều này cho thấy cả hai đều có thể “ngang vai” để cạnh tranh và hướng đến một mục tiêu cao hơn

Là con người, chúng ta có những nhu cầu khác nhau và một trong số đó là sống hòa hợp với mọi người để tạo nên một cuộc sống không xung đột, vì thế ta cũng muốn cải thiện các mối quan hệ xung quanh. Có thể tại thời điểm này bạn và đối thủ vẫn còn nhiều sự đối lập, nhưng biết đâu khi nhìn nhận được 5 điều trên, mối quan hệ của cả hai sẽ có sự chuyển biến tích cực.

Yêu người dễ yêu là điều ai cũng có thể làm, nhưng hãy thử tập yêu những người “khó yêu” để tìm ra những bài học ẩn giấu đằng sau bạn nhé.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục