2 Tuần ở khu hồi sức tích cực là 2 tuần dài nhất đời mình

Lần đầu tiên, mình biết phía sau một người ra đi vì COVID sẽ là những gì.
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Sunny

Nguồn: Sunny

Đợt Sài Gòn lên đỉnh dịch vào giữa tháng 7, mình cùng 4 bạn nữ cùng học điều dưỡng xung phong làm tuyến đầu chống dịch. Cả đám được phân đến một bệnh viện vùng ven thành phố. Ban đầu là làm ở những khoa nhẹ, rồi vì thiếu người nên được phân đến làm ở khu hồi sức tích cực (ICU).

Điều dưỡng làm ở khu này thì sẽ chăm những ca thở máy là chủ yếu. Công việc bao gồm làm thuốc theo y lệnh và lấy xét nghiệm. Nhưng ngoài chuyện chuyên môn ra, mình còn phải hỗ trợ bệnh nhân thay tã, hút đàm, vệ sinh cơ thể, cho ăn. Theo sau đó là phải liên tục theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và thực hiện các thuốc để duy trì sự sống.

Bệnh COVID mà, phải vào phòng ICU thì thần kỳ lắm mới có một ca qua khỏi. Còn lại, mình đã chứng kiến rất nhiều người sáng mới vào phòng mà chiều đã ra đi. Lúc ấy, điều dưỡng sẽ phải rút các ống thở, lau dọn vệ sinh sạch sẽ, đo lại điện tim lần cuối cùng rồi chụp hình. Mục tiêu của tụi mình luôn là dù bệnh nhân đã ra đi, nhưng vẫn phải cố gắng cho họ được sạch sẽ hết mức có thể.

Sau đó, bên kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ đến lo phần còn lại để mang họ xuống nhà hoàng. Đồ đạc của người ra đi, bọn mình sẽ dọn gọn gàng, giữ lại chờ người nhà đến lấy.

Những ngày đầu làm công việc này, cả mình lẫn bạn mình đều không ổn. Thậm chí, bạn mình bị sốc hồi lâu, phải ra ngoài ngồi hít thở cả buổi rồi mới dám quay lại tiếp tục công việc.

Trung bình phòng mình có 20 ca thở máy, nhưng chỉ 2 người đảm nhiệm công việc là mình và bạn mình. Bệnh viện không có nhân lực về ICU, thời điểm đó cũng là lúc khan hiếm y bác sĩ, nên dù mệt, mình vẫn tự nhủ phải cố gắng. Cả đám nghe tiếng máy móc kêu nhiều đến mức đêm ngủ bị ảo giác luôn.

Đó là 2 tuần dài nhất cuộc đời mình. Nhưng nhờ trải nghiệm ấy, mình mới biết quý trọng những gì nhỏ nhặt kề bên.

Tiếng "nhà" lúc đó thân thương lắm. Tất cả y bác sĩ đều gọi bệnh viện là nhà. Chúng mình sinh hoạt chung, làm việc gần như không nghỉ suốt 8 tiếng. Thỉnh thoảng ăn được tô mì có kim chi với nhau mà mừng rớt nước mắt. Vui nhất còn là thấy các ca âm tính ra về một loạt.

Những cuộc gọi, những lần nhắn tin ngắn ngủi cho đám bạn thân giúp mình vững tâm hơn vào cuộc đời. Có đứa thương quá tìm cách gửi con gấu bông to đùng cho mình ôm. Có đứa thì ship hẳn mấy ly trà sữa.

Có lẽ người mà mình lo nhất lúc ấy là mẹ. Mẹ ngày nào cũng gọi điện báo gần nhà có F0. Tự nhiên trong một phút giây nào đó, mình tủi thân. Mình thì lo cho người ta ở đây, còn mẹ thì ở nhà chẳng có ai lo cho...

Đợt gần Tết này, bệnh nhân COVID đã giảm đi đáng kể vì mọi người cũng đã được chích vaccine hết rồi. Chỉ có một số nhân viên bệnh viện sẽ trực điện thoại phòng trường hợp nhân viên y tế là F0 hoặc quá tải. Các điều dưỡng như tụi mình cũng sẽ trực 24 tiếng lần cuối rồi về ăn Tết. Đây là thời điểm tai nạn giao thông nhiều nhất, mà nhân lực cũng giảm nên xem như là 24 tiếng căng thẳng nhất trước khi được chút thảnh thơi.

Mình sẽ trực đêm Giao Thừa, rồi ùa về nhà với mẹ. Trải nghiệm hồi tháng 7 vừa rồi khiến mình chẳng ham đi du lịch nhiều như trước, mà chỉ muốn dành thời gian với mẹ nhiều nhất có thể. Kế hoạch đón năm mới của mình đơn giản lắm, cũng chỉ quanh quẩn giữa mẹ với bè bạn và làm những chuyện nhỏ nhặt.

Mình chẳng còn mong cầu gì xa xôi nữa. Còn sống vui khỏe được ngày nào là đã rất hạnh phúc ngày đó rồi!

(Chia sẻ từ bạn Sunny)

Nhật Ký là series kể lại những trải nghiệm khó quên. Bạn cũng có câu chuyện khó quên? Hãy kể cho chúng tôi tại .

Dọc theo hành trình vạn dặm, Manwah tự hào mang vị lẩu Đài nguyên bản đến với hàng triệu cuộc sum vầy của người Việt mỗi năm. Không chỉ đơn thuần là cùng nhau ăn một bữa, mà Thưởng Lẩu đã trở thành dịp để chúng ta chuyện trò & gắn kết thân tình. Tết này, cùng gặp mặt người thân kể chuyện tâm tình tại Manwah bạn nhé.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục