20/11, nghe chuyện 'dở khóc dở cười' của các thầy cô
Chúng ta đã kể nhiều câu chuyện cảm động về các nhà giáo nhân ngày 20/11, nhưng còn chuyện hài hước thì sao? Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Vietcetera dành tặng bạn những câu chuyện ‘khóc không được cười cũng không xong’ của các thầy cô.
Chuyện cô M. - Khi giáo viên ‘biết sợ’
Cô làm giáo viên dạy Văn tính đến nay cũng hơn 20 năm rồi. Đứa học trò nằm trong danh sách “cần phải nhớ” của cô tên là Khoa. Thằng nhỏ học tệ nhất môn Văn, viết sai chính tả liên miên. Có một lần Khoa viết “anh Tràng” thành “anh Chàng”. Cô giận quá, bắt nó chép phạt chữ “anh Tràng” 100 lần.
Khoa là đứa cô lo nhất dàn học sinh năm ấy vì sắp thi Đại học rồi mà còn không học thuộc dẫn chứng. Vậy là suốt ngày cô bắt nó chép phạt. 50 lần, 100 lần, rồi lúc nào ‘điên’ quá là 150 lần.
Kỳ thi năm ấy thằng bé đậu cao đẳng cảnh sát nhân dân. Cô chỉ nghe được tin và mừng thay, chứ cô trò không gặp lại nhau. Sau đó 10 năm, một ngày trời đẹp, cô đang chạy trên đường thì bị một anh công an giao thông ngoắc lại. Đang lo lắng giở khẩu trang với kính mắt ra thì cô phát hiện tự nhiên ‘anh công an’ cúi đầu chào mình, lại còn nói rõ ràng rành mạch: “Con chào cô M.”
Mất 5 giây đứng hình cô mới phát hiện ‘anh công an’ là Khoa. Thằng bé viết sai chữ “anh Tràng” thành “anh Chàng” ngày nào giờ đang ‘gọi cô vào nói chuyện’. Hai cô trò tâm sự một chút trong ánh mặt trời chói chang, rồi Khoa nói: “Cô ơi, đường này không cho rẽ phải khi đèn đỏ, cô nhớ cẩn thận nha.”
Lúc thằng bé mời cô về, cô vội vội vàng vàng dắt xe đi thẳng, không quay đầu luôn. Chứ để nó nhớ lại chuyện ngày xưa xong bắt mình chép phạt ngay tại đó thì… chết!
Chuyện thầy Lucas Luân Nguyễn - “Mình là giáo viên nha”
Mình có cơ hội được làm giảng viên khi tuổi cũng còn khá trẻ nên hay bị nhầm là sinh viên. Trường có quy định giảng viên được ưu tiên dùng thang máy, không phải xếp hàng. Mấy tuần đầu tiên đi dạy, lúc nào đi thang máy mình cũng bị 'liếc nhẹ'. Có lần, một bạn đảm bảo trật tự thang máy không cho mình bước qua cửa. Thế là lúc mình chưng hửng đưa ‘giấy chứng nhận giáo viên’ ra, bạn mới lật đật xin lỗi.
Hôm nọ, trường mình mời đạo diễn phim Ròm về giao lưu. Vốn cũng là “người trong ngành”, mình chơi nguyên bộ: áo Ròm, giày Ròm. Chắc tại nổi quá nên vừa bước vô cổng, mình đã được nguyên dàn sinh viên đứng thành hàng ngang, vừa vỗ tay, huýt sáo vừa chọc: “Ghê ta, ghê ta”, “Tới luôn bạn ơi”, “Thằng này được”...
Mình nghĩ tới lúc này nên có một plot twist cho mấy em sinh viên hết hồn chơi, vậy là sau khi bình thản cười cười đi qua hết dàn người “săn đón”, mình mới quay lại nói: “Mình là giảng viên nha mấy bạn ơi.” Sau đó? Không có sau đó.
Mỗi lần nghĩ tới chuyện này mình chỉ thấy mắc cười. Thời đại “cái gì cũng có thể xảy ra” này, tốt nhất nên cẩn trọng khi đùa cợt một người mình chưa biết đó là ai. Nhiều khi họ quay lại “chơi” một cú hết hồn, giống mình thì sao!
Chuyện cô T. - “Không dám nhìn vào mắt học trò”
Năm đó, cô là giáo viên dạy bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi môn Văn. Có một em học trò rất giỏi, gần như giỏi nhất đội ngũ học trò bồi dưỡng năm đó. Cô đặt nhiều kỳ vọng lắm. Vậy là cuối cùng… em rớt! Lúc nhận kết quả, em ấy khóc rất nhiều. Ngay khi biết kết quả, cô cũng chạy tới an ủi, cũng tiếc vì em không nhận được kết quả xứng đáng với thực lực của mình.
Chắc vì kỳ vọng vào bản thân và bị đặt kỳ vọng quá lớn, nên từ sau hôm nhận kết quả, mỗi lần gặp cô là… ẻm khóc. Bị cái cô dạy Văn trong lớp nó, mà lúc giảng bài lại thích nhìn vô mặt nó mới chết! Có đến cả tháng trời lúc giảng bài cô toàn phải nhìn trời, nhìn cửa sổ, nhìn mây, nhìn mấy đứa khác chứ tuyệt nhiên không dám nhìn ẻm. Cô cũng không dám gọi lên trả bài luôn, vì sợ đứa học trò mình khóc tiếp! Hồi còn trẻ tránh mấy anh gửi thư tình cho mình chắc còn chưa được như vậy.
Cô không tiếp tục dỗ dành em ấy cũng vì muốn để em hiểu rằng thực lực của em không bao giờ được xem xét chỉ qua một cuộc thi. Và không bất kỳ thầy cô nào đánh giá thấp khả năng của em chỉ qua một kết quả. Chặng đường đời còn rất dài, một cuộc thi không nói lên được gì cả. Nhưng tất cả điều đó, em cần tự nói với mình.
Giờ thì em vẫn tiếp tục tiến bước với giấc mơ viết lách của mình. Cô mừng vì điều đó. Đôi khi, tự đối mặt với nỗi đau của mình cũng là một cách để lớn khôn.
Chuyện thầy L. - “Trốn học trò không kịp!”
Năm đầu tiên đi dạy, thầy trót nhận một món quà ngày 20/11. Món quà đó là của một em học sinh trung bình. Vậy là thầy bị nói ‘nhận quà hối lộ’.
Từ đó về sau, quy tắc đi dạy của thầy là tuyệt đối không nhận quà. Ngặt nỗi, có mấy đứa học trò quý thầy nên cứ kì kèo tặng quà hoài. Vậy là mỗi ngày 20/11 với thầy là một cuộc rượt đuổi. Thầy nhớ năm đó, lễ xong là thầy ‘dọt’ thẳng. Đang đi bon bon trên đường thì thấy đằng sau có mấy chiếc xe cứ theo mình hoài, xem kỹ kính chiếu hậu mới biết là… tụi học trò lớp mình đang dạy. Hai hôm trước cả đám đã mè nheo đòi thầy nhận cái áo sơ mi mới, rồi kêu tại áo thầy cũ quá. Thầy la cả đám một trận. Vậy mà 20/11 cả bọn lại tính đuổi theo tới tận nhà.
Cả đời thầy chưa bao giờ bị ‘đuổi’. Vậy mà hôm đó phải vận dụng hết công lực nhớ đường để lách ngã này, quẹo chỗ kia, đi 3 vòng quanh cái bùng binh để tụi nó ‘biết khó mà lui’. Đường về nhà chỉ có 30 phút mà hôm đó thầy đi cũng gần 1 tiếng rưỡi. Sau đó phải nhờ một cái hẻm ngoằn ngoèo mới ‘cắt đuôi’ được mấy em. Như phim trinh thám tội phạm!
Năm đó thầy còn trẻ. Giờ nghĩ lại thấy mình cũng… dở. Hại tụi nhỏ chạy giữa đường cả tiếng, trong khi chỉ cần dữ hơn tí, đuổi cả đám về là được. Vậy là sau này thầy bảo 20/11 có thể về nhà thầy tổ chức tiệc thoải mái, còn tặng quà là thầy giận.
Thầy nghĩ việc học là việc cả đời. Các em học trò cần học kiến thức. Còn tụi thầy cũng cần học. Học cách ‘trồng’ các em sao cho đúng, cho tuổi trẻ của em không bị tổn thương. Tụi nhỏ sống trên đời đã có đủ thứ để stress rồi, là giáo viên, thầy không muốn cho các em thêm điều đó.