Trở thành tiên cá sau 20 giờ

Freediving (lặn tự do) là một cách để 'buông' và cảm nhận sự tự do cho cơ thể. Trong 20 giờ, Vietcetera mách cho bạn bí quyết để lặn biển như một tiên cá nhé.

Nga Lê
Nguồn: Unsplash.

Nguồn: Unsplash.

20Học là series học mọi thứ trong 20 giờ.

Bồng bềnh giữa không gian với tay chân thả tự do theo các hướng, cùng tiếng ùng ục nhỏ bên lỗ tai - Đó là điều tôi cảm nhận được khi ở độ sâu 10 mét dưới mặt nước biển. Đó cũng chính xác là điều các tiên cá cảm nhận được mỗi ngày trong suốt cuộc đời họ.

Tiên cá chỉ là cách tôi gọi vui hay cách các nhà truyền thông thủy cung giới thiệu những người lặn không dùng bình khí trong các bể cá khổng lồ của họ. Tên gọi chính thức của bộ môn này là: freediving hay lặn tự do. 

Thay vì sử dụng bình chứa khí cồng kềnh để cung cấp oxy như bộ môn lặn (scuba diving) bạn hay biết, những người lặn tự do sử dụng phổi của mình. Vì thế họ khá uyển chuyển trong nước và bạn hoàn toàn có thể lầm tưởng họ là một người cá nếu chưa tìm hiểu về môn thể thao này.

Vì sao tôi học làm tiên cá?

Vì tôi là đứa thích phá vỡ giới hạn của bản thân. Và quan trọng hơn, vì tôi tin chẳng có gì trên đời mà không học được. 

Với 20 giờ học, tôi không đặt mục tiêu chỉ ở việc lặn được xuống nước, mà phải tới được độ sâu 10 mét dưới mực nước biển. Lý do là tôi tìm hiểu được có những khóa dạy lặn có thể giúp ta đi xuống tận 20 mét chỉ sau 2 ngày. Vì thế 10 mét là con số hợp lý.

Để thành tiên cá cần trải qua những gì?

1. Chẻ nhỏ kỹ năng

2 điều căn bản nhất cần học khi muốn lặn tự do là: Hiểu được sự chuyển đổi vật lý trong cơ thể người khi lặn xuống và các kỹ thuật lặn. Trong đó, việc hiểu các biến đổi của cơ thể là quan trọng nhất, bởi khi lặn không có dụng cụ hỗ trợ (bình khí) thì đồng nghĩa, cơ thể phải trở thành thiết bị hỗ trợ của bạn. Hiểu và điều khiển được nó là cách duy nhất giúp bạn sống sót.

2. Biết được vai trò của từng kỹ năng

Để vận hành được “khối thiết bị” hay cơ thể trong nước, khá ngạc nhiên là tôi phải bắt đầu ở một hồ bơi con nít. 

Tại đó, tôi được học cách cảm nhận sự nâng lên, hạ xuống của cơ thể trong nước qua mỗi nhịp thở, cách lấy hơi đúng để nín thở lâu, cách khóa van phổi để khí không lọt ra ngoài và cả cách chịu đựng những sự bức bối khi sắp hết hơi.

Các bài tập trên đã giúp tôi phá vỡ những niềm tin về giới hạn của cơ thể người, mà tôi chắc chắn, bạn cũng sẽ ngỡ ngàng nếu biết được:

  • Cơ thể chúng ta không bao giờ chìm nếu thực sự thả lỏng - Tôi chứng thực được điều này khi úp mặt xuống nước và ngừng toàn bộ các hoạt động đang diễn ra, kể cả những suy nghĩ.
  • Bạn có thể dễ dàng nín thở đến 3 phút nếu biết lấy hơi đúng cách - Bí quyết của việc này là hít vào một hơi thật sâu, cho đến khi bạn thấy bụng và lồng ngực căng tức lên là được.
  • Cảm giác sắp hết hơi khi nín thở chỉ là báo động giả - Đúng vậy, việc bạn cảm thấy ngạt thở và co thắt chỉ là do nồng độ CO2 tăng lên quá cao, chứ thực chất O2 của bạn chưa giảm đến mức gây nguy hiểm cho cơ thể. 

Đây cũng là những kiến thức căn bản một người lặn cần ghi nhớ để kết nối và tin tưởng cơ thể. Chỉ khi đạt được điều này, một người mới có thể bắt đầu việc học lặn. Với tôi thì quá trình này mất tầm 3 tiếng.

3. Học cách tự sửa sai

Xong phần chuẩn bị về tinh thần, tôi chính thức bước vào các kĩ thuật lặn. 4 kĩ thuật bắt buộc phải có là: duck dive (mô phỏng cách lặn xuống của vịt); cân bằng tai (giải quyết áp lực của nước lên màng nhĩ khi lặn xuống sâu); đạp chân vịt; thở hồi phục sau lặn. 

Đây đều là các kỹ năng phải trải qua luyện tập mới thành thục, vậy nên thầy không bắt tôi hoàn hảo ngay buổi đầu. Thay vào đó, tôi được học cách nhận biết thế nào là đúng kỹ thuật.

  • Duck dive thì phải gập được cơ thể xuống vuông góc so với mặt nước. Nếu tập luyện trong hồ tôi có thể quan sát thành hồ, sao cho lúc lặn xuống, mắt tôi thấy cơ thể đang song song với thành hồ là được.
  • Cân bằng tai đúng thì tôi phải nghe được tiếng bụp bụp nổ ra 2 bên tai khi thổi khí hoặc nuốt nước bọt và không còn cảm giác tai bị đau nữa.
  • Đạp chân vịt thì khi hoàn thành phải thấy mỏi hai đùi, chứ không được đau nhức ở bất kỳ phần cơ hay khớp nào khác.
  • Thở hồi phục đúng thì phải cảm thấy cơ thể không bị hết hơi nữa chỉ sau 4-5 lần thực hiện.

Ban đầu, thầy tôi còn nhìn theo các kĩ thuật để đưa ra chỉnh sửa phù hợp. Nhưng sau 3-4 lần thì tôi bị bỏ lại một mình để tự luyện tập. Vì phải kết hợp cùng lúc cả 4 kĩ thuật, tôi cứ líu quíu hết cả tay chân, chưa kể việc sai kỹ thuật sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như sặc nước, chảy máu tai, sốc mũi, nên tập chưa được bao lâu, tôi phải ngừng lại.

Thầy tôi bảo cứ từ từ. Cách duy nhất để lặn giỏi là phải cảm thấy hoàn toàn thoải mái và thả lỏng trong nước. Thế nên tôi chỉ cần về nhà nghỉ ngơi và từ tốn tập luyện. Từ từ thì khoai cũng nhừ.

4. Phá bỏ mọi rào cản

Việc đi lặn một mình là cấm kỵ trong lặn tự do và đây cũng là rào cản lớn nhất cho việc tập luyện của tôi. Để phá bỏ rào cản này, tôi đã kết thân với một nhóm cũng đang bập bẹ tập lặn để có cơ hội sẽ rủ nhau đi chung và trông chừng, cũng như đánh giá kỹ thuật cho mình.

Một rào cản khác là ở tâm lý háo thắng của tôi. Tôi để ý, cứ mỗi lần tôi gồng mình quyết tâm sẽ thực hiện cho bằng được một kỹ thuật, là tôi lại thất bại thảm hại. Mỗi lần thất bại dĩ nhiên lại uống nước, lại hốt hoảng và sợ hãi.

Sau quá nhiều bàn thua, tôi đạt được đến một trạng thái “mặc kệ thế giới”. Tôi ngừng ép bản thân phải đúng hay phải ghi nhớ chính xác từng động tác. Tôi chỉ nhắm mắt và hít thở, cảm nhận cơ thể được nước bao bọc, cảm nhận bản thân nâng lên hạ xuống trên mặt nước mỗi lần hít vào thở ra.

Thế rồi tôi lướt đi, với đôi mắt vẫn nhắm. Tôi dựa hoàn toàn vào trực giác, để cơ thể quyết định mọi chuyển động. Khi cảm thấy tới đúng thời điểm thì tôi lặn xuống. Nhẹ nhàng và thư thái, tôi chạm xuống đáy hồ sâu 5 mét... 

Những lần sau đó, tôi tiếp tục để cơ thể mình làm chủ các động tác, và tôi dành cho mình thời gian chơi đùa dưới đáy hồ lâu hơn: 10 giây, 20 giây, 30 giây, 1 phút. Độ sâu tôi đạt được cũng nhanh chóng tăng lên và ở mỗi lần lặn xuống trong những chuyến lặn hồ tự nhiên, tôi đều phá vỡ kỷ lục trước đó của mình.

Cái đích 10 mét tôi đã vượt qua khá nhiều lần và nó cũng không còn là mục tiêu của tôi nữa. Việc thả lỏng trong lòng nước trở thành bản năng thứ hai của tôi và cũng trở thành mục đích về sau của tôi mỗi lần đi lặn.

Đến bây giờ đã đi lặn được 3 năm, tôi thích cái cảm giác ở trong lòng nước còn hơn cả việc hít thở trên bờ. Cả cơ thể nhẹ bỗng như đang bồng bềnh trong không gian và tôi có thể trôi đi theo bất kỳ hướng nào mình thích, không gì có thể trói buộc.

Giờ đây tôi nhận ra, bất kỳ kỹ năng nào, dù có khó khăn hay ngoài sức tưởng tượng đến đâu, nếu biết chia nhỏ và đặt một mục tiêu thật rõ ràng, chắc chắn ta sẽ đều đạt được. Và chặng đường đó chẳng tốn quá nhiều thời gian, chỉ cần 20 giờ mà thôi.

5. Học freedive ở đâu?

Ở TP. HCM, bạn có thể học lặn tại Viet Divers. Nhưng nếu có nhiều thời gian, hãy đến với các thành phố biển như Nha Trang, Phan Thiết và đặt một khóa học lặn 2-3 ngày với bất kỳ dive shop nào ở đây. Họ thường chủ động được các thiết bị lặn cũng như tàu thuyền đưa đón bạn tới những điểm lặn và giá cả thì phải chăng hơn nhiều.

Sẽ có một vài bệnh lý không phù hợp với việc học lặn (như tổn thương tai hoặc cảm sốt...), vì vậy tốt nhất là liên hệ trước với các dive shop để được tư vấn cụ thể trước khi đặt lịch học.

20Học là series học mọi thứ trong 20 giờ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục