3 Bài học về năng suất làm việc từ content creator mà nghề nào cũng nên biết

Càng tập trung vào năng suất bạn sẽ càng làm việc kém hiệu quả hơn?
Tường Nguyễn (Bamboo Careers)
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

Bạn có thấy kiệt sức vì công việc cứ chồng chất mãi không xong, mỗi ngày đều chật vật duy trì hiệu suất làm việc không rớt xuống dưới mức trung bình? Vậy thì hãy thử tham khảo những góc nhìn mới lạ hơn từ những người làm các công việc khác để tiếp cận vấn đề. Như là các content creator chẳng hạn.

Tại sao lại là các content creator?

Trong suy nghĩ của mọi người, content creator thường được nhìn nhận là một ngành nghề thoải mái, tự chủ thời gian, địa điểm và có thể kiếm tiền từ sở thích của mình.

Tuy nhiên, theo một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), đa số content creator đã thừa nhận bản thân đang bị quá tải trong công việc. Và so với phần đông dân số, tỉ lệ content creator gặp phải vấn đề về sức khỏe tinh thần cao hơn tới 15%.

Trong đó, 2 nguyên nhân hàng đầu gây ra sự kiệt sức ở content creator là do thay đổi thuật toán (65% người đồng tình) và liên tục phải đưa ra ý tưởng mới để đăng lên các nền tảng (51% người đồng tình). Với những sức ép như vậy, content creator là người thấm thía sâu sắc áp lực phải duy trì năng suất làm việc là như thế nào.

Vậy họ đã đúc rút được những bài học đắt giá nào mà chúng ta có thể học hỏi để giảm bớt lo lắng và làm tốt công việc của mình hơn?

1. Chọn thời điểm đọc feedback rất quan trọng

Content creator có lẽ là những người khó đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhất. Ngay cả việc lướt mạng xã hội, vốn là một hoạt động giải trí của mọi người thì với họ đó cũng là một phần công việc cần làm để cập nhật xu hướng và tìm kiếm ý tưởng.

Thậm chí, một hoạt động nhẹ nhàng như việc tranh thủ kiểm tra phần bình luận, tương tác với người theo dõi trước giờ đi ngủ cũng có thể biến thành một khủng hoảng tâm lý nếu đột nhiên content creator bắt gặp một bình luận tiêu cực.

Đây không phải một cách thức đúng để đón nhận những phản hồi. Tiến sĩ K. thuộc khoa tâm lý của Harvard cho biết rằng phản ứng của con người trước vấn đề là luôn tìm cách giải quyết ngay lập tức hoặc đánh lừa não vấn đề ấy đang được giải quyết. Nếu không, bạn sẽ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, và khi dồn nén quá lâu sẽ dễ gây ức chế.

Chúng ta rất hay gặp phải tình huống về nhà rồi đột nhiên lại nhận được tin nhắn của sếp: “Em ơi, chỉnh cho chị cái này” hay sắp đứng dậy đi về thì có một đồng nghiệp nhờ vả làm hộ anh cái kia. Khi đó chúng ta đang không ở trong một tinh thần thoải mái, tỉnh táo nhất để xử lý nó nhưng vẫn miễn cưỡng nhận lời.

Cuối cùng, kết quả công việc cho ra thường không tốt lắm lại còn tạo thêm áp lực tâm lý lên bản thân khiến bạn mệt mỏi hoặc thậm chí kiệt sức. Thế nên bạn cần đặc biệt lưu ý 3 điểm quan trọng sau trước khi nhận bất cứ phản hồi nào: thời điểm & cách thức, trạng thái cảm xúc lúc đó, giữ ý thức tỉnh táo trong quá trình xử lý.

Do đó, trừ khi có việc cực kỳ đột xuất, bạn không nên cưỡng ép bản thân đọc tin nhắn, email, xử lý công việc ngay lập tức nếu điều kiện lúc đó không cho phép như đang ở ngoài văn phòng, trước khi đi ngủ,... Thay vì như thế, hãy chọn ra một khung giờ cố định mỗi tuần cho việc đọc email, báo trước với mọi người thời gian mình sẽ “ngắt” kết nối hoàn toàn với công việc.

Đây không phải là lảng tránh trách nhiệm hay lười biếng, việc đặt ranh giới giữa công việc và cuộc sống thực chất là cách để giúp bạn cùng mọi người tập trung làm việc tối ưu hơn thay vì để dây dưa ra ngoài giờ.

2. Tập trung vào hiệu suất đôi khi sẽ phản tác dụng

Akwaaba Tùng - một blogger với 55K người theo dõi đã chia sẻ để sản xuất ra sản phẩm chất lượng liên tục là không thể. Có ba lý do đó là: không có cơ sở đánh giá chất lượng, kiệt sức sáng tạo (creative burnout) và sản phẩm thật sự có giá trị cần thời gian để “ngâm".

Khi một số content creator đưa ra định nghĩa chất lượng là “sản phẩm mình cảm thấy tự hào khi làm ra" thì sẽ có rất nhiều chướng ngại vật cần vượt qua để đạt được sự hài lòng ấy. Bởi vì sẽ luôn tồn tại cảm giác cần có một ý tưởng hay hơn, đoạn này phải chỉnh sửa thêm chút, hay bộ lọc màu hiện tại vẫn chưa đẹp… Việc tìm kiếm sự hoàn hảo ấy dễ gây ra sự thất vọng, khiến quá trình sản xuất cứ trì trệ mãi mới có thể hoàn thành.

Theo Inverse Performance Theory (tạm dịch: Thuyết hiệu suất đảo ngược), những sản phẩm bạn tự hào, hài lòng có khi lại không được người khác đón nhận. Bởi những cảm xúc tiêu cực thiếu tự tin, buồn bã trong lúc làm việc sẽ ảnh hưởng đến kết quả cho ra và người xem cũng có thể cảm nhận được nó.

Vòng lặp kiệt sức mọi người hay mắc phải cũng từ đây mà ra. Bạn dành nhiều tâm huyết cho một sản phẩm nhưng đem trình bày với sếp lại bị chê. Thế là những cảm xúc buồn bã kéo đến, bạn cứ trầy trật chỉnh sửa mãi không xong, thậm chí bước sang đầu việc mới vẫn chịu bóng đen tâm tâm lý từ quá khứ. Và rồi dù bỏ rất nhiều công sức nhưng bạn vẫn tự hoài nghi năng lực bản thân, lo lắng tới lui lần này sếp vẫn chẳng ưng đâu.

Nếu cứ như vậy chúng ta sẽ mãi giậm chân tại chỗ. Để đi được đường dài với nghề và đạt được những thành tựu như hiện tại, vlogger nổi tiếng Giang Ơi luôn tâm niệm: “Hoàn thành thì tốt hơn hoàn hảo”. Chúng ta cũng nên học hỏi tinh thần đó.

Thay vì chăm chăm vào hiệu suất gây ra tác dụng ngược, việc bạn có thể làm đó là tiếp tục làm công việc của mình với một tinh thần thoải mái, chấp nhận những kết quả có thể xảy đến và đúc rút kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Có khi những sản phẩm bạn ít kỳ vọng lại mang đến nhiều bất ngờ nhất hoặc không thì chí ít bạn cũng có thêm bài học.

3. Thay đổi cách trò chuyện với bản thân

Đối diện với văn hoá tẩy chay luôn thường trực, càng nổi tiếng càng chịu nhiều đánh giá soi xét từ dư luận. Content creator muốn gắn bó lâu với nghề buộc lòng phải khó tính với bản thân, họ cần tự “đánh giá” mình khắt khe để giảm thiểu tối đa những khủng hoảng truyền thông.

Khảo sát của Vibely còn cho thấy 51% content creator cảm thấy lo lắng khi theo dõi số followers của bản thân và hay so sánh với người khác. Vì với họ đây là thang đo để đánh giá mức độ thành công và năng lực của bản thân.

Cảm giác này là hội chứng tâm lý phổ biến kẻ giả mạo (Imposter Syndrome), bạn sẽ luôn cảm thấy mình không xứng đáng với thành công có được. Để học cách chấp nhận chuyện này, tiktoker Hà Vy (@Apinvy) đã chia sẻ về hành trình học cách đối thoại tích cực với bản thân.

Cô bạn kể rằng mặc dù làm nội dung về những khoảnh khắc đời thường của mình, Hà Vy chưa bao giờ gắn những nội dung mình làm là “tấm gương phản chiếu" toàn bộ con người mình, cũng như sự lan tỏa của một video không nói lên tất cả về năng lực bản thân. Bởi vì sự lan toả của các video không chỉ phụ thuộc vào mình, mà còn là thuật toán, cách khán giả tiếp nhận, hay trùng hợp bắt đúng một xu hướng đang lên.

Bạn có đang gặp tình huống tương tự? Có dự án thành công thì thấy mình chẳng giúp được gì toàn nhờ đồng nghiệp giỏi giang cáng đáng hết; còn dự án kết quả không tốt lắm là tự thấy tội lỗi, do mình chưa đủ tốt, làm ảnh hưởng tới mọi người?

Vậy thì bước đầu tiên bạn cần làm là xác lập lại mối quan hệ của bản thân với kết quả. Bạn nên tách biệt bản thân ra khỏi cả thành công lẫn thất bại, coi mình như một cá thể độc lập để có được cái nhìn khách quan nhất có thể. Sau đó nhìn nhận bản thân là một trong số tác nhân dẫn đến kết quả, nhưng bên cạnh đó còn những nguyên nhân nào nữa. Từ đó, xây dựng nên một bức tranh toàn cảnh đánh giá về kết quả mình đạt được.

Ngoài ra, trong quyển sách “Đánh bại hội chứng kẻ mạo danh” (Beating Imposter Syndrome), tác giả Mount & Tardanico đã đưa ra lời khuyên về việc tập thói quen viết ra mười điều bạn thấy mình làm tốt. Nếu tự mình đánh giả khó quá, bạn có thể nhờ thêm một người bạn hay đồng nghiệp đáng tin cậy giúp đỡ. Việc này sẽ giúp bạn dần nâng cao mức độ hài lòng với bản thân, giảm căng thẳng và tự tin giải quyết công việc hiệu quả hơn.

Kết

Làm việc hiệu suất không phải tất cả chỉ xoay quanh công việc, là dành nhiều thời gian và sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn. Làm việc hiệu suất còn là quá trình hướng về bản thân, rèn luyện thói quen sinh hoạt điều độ, cải thiện tâm trạng, cân bằng bản thân với công việc.

Trên hành trình sự nghiệp của mình, nếu bạn cần có thêm người bạn đồng hành thì Bamboo Careers - ứng dụng tra cứu lương và cố vấn sự nghiệp sẽ cung cấp thông tin và lời khuyên hữu ích giúp bạn tự tin hơn. Với chức năng soạn thảo văn bản bằng AI, Bamboo Careers sẽ giúp bạn có thể tự tin viết email trao đổi với sếp, thảo luận những chủ đề khó mở lời,... để chủ động lèo lái sự nghiệp của mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục