3 Bước kết nối để “ai cũng giúp mình”

Phương pháp giúp bạn tự tin tiếp cận với bất kì ai và luôn học được những điều giá trị.
Đan Nguyễn
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels


Trong 5 năm đầu đi làm, mình hay lân la xin làm quen với các anh chị CEO. Có vài lần mình bị cho leo cây, đợi cả tiếng rồi lủi thủi đi về. Còn có lần gặp lại "chẳng biết nói gì", ngồi như vậy được 10 phút chị ấy bảo đi vệ sinh rồi về luôn. Hay có anh quên hẹn nên thấy có lỗi, sau đó ngồi cả tiếng với mình, cho mình họp cùng, đến tối rủ mình đi nhậu cùng cả nhóm.

Nhìn chung mình thấy việc gặp được quý nhân hay không cũng khá may rủi. Có quý nhân giúp đỡ thì làm gì cũng dễ nhưng làm sao để tìm được thì chẳng dễ chút nào. Vấn đề thường là những người mình hâm mộ thì khó mà “với tới”. Nếu may mắn tiếp cận được lại ăn nói lóng ngóng, thành ra lần tới gặp mặt có khi đến tên mình họ còn chẳng nhớ.

Vì sao một người chẳng hề mặn mà chuyện giúp đỡ khi có người tới kết nối? Mình đã tự hỏi câu này nhiều lần. Sau khi thử nhiều cách tạo dựng mối quan hệ, mình đã rút ra được 3 bước hữu hiệu để bạn có thể tiếp cận với bất kì ai, luôn học hỏi được điều gì đó và quan trọng là tạo dựng nên mối quan hệ thực sự ý nghĩa.

Mình sẽ giải thích bằng một ví dụ thực tế của chính mình. Vài tháng trước mình muốn làm podcast mà tự thấy bản thân nói chưa tốt lắm nên muốn đi học thêm. Cao nhân mình tính xin thỉnh giáo là anh Vinh Giang - một diễn giả nổi tiếng thế giới, có trên 7 triệu người theo dõi, và hiện tại đang ở Úc cách mình ở Việt Nam tới hàng ngàn cây số.

Ban đầu, mình và anh Vinh là 2 người hoàn toàn xa lạ nhưng sau khi áp dụng 3 bước dưới đây, anh Vinh đã gọi mình là người anh em.

1. Tìm hiểu mọi thứ

Đầu tiên, trong phạm vi có thể hãy cố gắng tìm hiểu mọi thứ về người đó. Một vài cách tiêu biểu bạn có thể làm là:

  • Google tên và đọc kĩ 3 trang đầu.
  • Xem bài phỏng vấn, podcast, sách của họ.
  • Đọc những chia sẻ trên mạng xã hội của họ trong 6 tháng qua.

Điều quan trọng là đừng quan tâm họ có thể làm gì cho bạn mà thay vào đó hãy tập trung tìm hiểu về hành trình phát triển và giá trị họ xây dựng. Sau đó, bạn hãy trả lời thành thật câu hỏi: “Mình có muốn làm quen với người này dù họ sẽ chẳng giúp gì cho mình không?”

Nếu câu trả lời là không bạn nên dừng lại. Vì không có gì đảm bảo là họ sẽ giúp đỡ bạn cả. Hơn nữa, nếu như bạn cảm thấy những giá trị, quan điểm họ theo đuổi không thực sự phù hợp với mình thì việc tiếp tục tiếp cận sẽ chỉ tạo nên những tình huống khó xử và cả hai bên không giúp gì được cho nhau.

Thật ra lúc đầu mình chỉ tính làm quen anh Vinh để xin mã giảm giá khóa học thôi. Nhưng sau khi xem vài chục video mình thấy anh Vinh thật ngầu, cho dù anh sẽ không giúp mình trong việc làm podcast đi chăng nữa thì quá trình tìm hiểu về anh cũng tạo điều kiện để mình học được nhiều điều. Cho nên câu trả lời của mình là có. Khi đó chúng ta sẽ chuyển sang bước tiếp theo.

2. Cho đi trước

Bước này mọi người có thể thắc mắc tại sao đang muốn nhận sự giúp đỡ mà lại cho đi trước? Có 3 lý do chính cho việc này:

  • Có đi có lại thì mới tạo nên mối quan hệ bền vững.
  • Giữa một xã hội ai cũng muốn xin giúp đỡ, nhờ vả, việc bạn cho đi trước sẽ tạo cho người bạn đang tiếp cận, và cả chính bạn một tâm thế thoải mái hơn khi kết nối.
  • Cuối cùng, người sẵn sàng cho đi nhiều thường sẽ nhận lại được nhiều.

Đừng nghĩ đi tìm cao nhân thì mình ở thế thấp hơn, đâu có gì để giúp người ta mà cho đi. Sự thật là bạn sẽ có nhiều thứ để cho hơn bạn nghĩ, quan trọng là bạn có nỗ lực để tìm ra.

Bạn có thể đào sâu vào ngách chủ đề mà bạn thông thạo để cùng trao đổi với họ. Hoặc cho họ phản hồi từ góc nhìn của khách hàng, ứng viên hay người theo dõi, bạn thấy có điểm gì họ có thể làm tốt hơn. Như bản thân mình đã dành ra 1 tuần để nghiên cứu và đưa ra 3 đề xuất giúp anh Vinh hoàn thiện khóa học hơn.

Nếu nghĩ mãi mà không có gì để cho? Vậy thì có thể người này đang ở quá xa và chưa phù hợp để giúp bạn ở thời điểm này. Học từ người trước mình 2 bước, đừng học từ ai trước mình 10 bước.

Bởi vì lời khuyên của những người ở "gần" sẽ thiết thực và trúng vào tình huống của mình hơn, dễ triển khai áp dụng luôn vào vấn đề mình đang mắc phải. Những quý nhân quan trọng nhất của mình đều thuộc dạng ở gần rồi “lỡ va vào nhau” như thế, đó là một người quen nào đó, đồng nghiệp, quản lý…

Ở bước này bạn đã có thể nhận được phản hồi từ người mình muốn làm quen. Đó là khởi đầu tốt để bạn tiếp tục phát triển mối quan hệ và học hỏi nhiều hơn. Nhưng nếu đã chân thành và cho đi nhiều nhưng người ta vẫn im lặng vậy thì bạn có thể thực hiện bước số 3.

3. Mình giúp mình

Theo mình thấy, thường có 3 lý do cho sự im lặng:

  • Chưa đúng thời điểm: Cái này cần sự kiên nhẫn lớn từ bạn, không phải bạn liên hệ một lần là sẽ nhận được phản hồi ngay. Với mình, mình sẽ cho phép bản thân thử tối đa 3 lần. Quá tam ba bận, nếu người ta vẫn im lặng là chưa đủ duyên mình sẽ dừng lại.
  • Chưa đúng người: Có thể là người bạn muốn làm quen đã rơi vào một trong hai trường hợp là họ có giá trị và quan điểm khác bạn hoặc họ ở quá “xa” bạn. Tựu chung lại là chưa thực sự phù hợp, người ta cũng nhìn ra được nên sẽ từ chối khéo hoặc giữ im lặng luôn.
  • Bản thân bạn chưa sẵn sàng: Biết là bạn nhìn ra thiếu sót thì mới muốn tạo quan hệ để trau dồi, học hỏi thêm. Nhưng muốn theo thầy giỏi thì trò cũng phải có tiềm năng. Nếu bạn chưa thể theo học thầy này hãy tự rèn giũa mình trước. Khi nào người học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện.

Sau cùng thì lý do nào cũng không còn quá quan trọng bởi vì mình đã trở thành phiên bản tốt hơn. Đi qua bước 1, trong quá trình tìm hiểu, mình đã có thêm kiến thức. Đi qua bước 2, mình cho đi, mình đã tự thực hành những kiến thức mình tìm hiểu và rèn luyện được một thái độ tốt hơn, có tư duy đúng đắn hơn.

Thứ thực sự quan trọng là bạn tự nhìn nhận lại và đúc rút bài học từ hành trình đã qua. Trong quá trình tìm người giúp mình, bạn đã có thể tự giúp chính mình. Bởi vì chúng ta có thể tự chủ động học hỏi từ bất kỳ một ai chứ không cần phải đợi có một mối liên kết đủ gần với họ mới có thể học được.

Mặc dù anh Vinh có phản hồi và gọi mình là người anh em (brother) nhưng đó chỉ là một phản hồi đơn giản và hai bên chưa hề có sự kết nối sâu hơn. Tuy nhiên với mình thế là đủ. Trong quá trình này mình đã học được nhiều và cũng hy vọng đã giúp anh phần nào. Nếu có dịp mình sẽ rủ anh đi cà phê, còn không thì sẽ tiếp tục ủng hộ từ xa.

Kết

Tóm tắt lại, để tạo được mối quan hệ chất lượng giúp đỡ bạn hãy tìm hiểu kĩ vì không phải ai thành công cũng phù hợp để giúp mình. Tiếp đến là cho đi trước để nhận lại sau, không từ người ta thì cũng từ chính mình. Bởi mình có thể tự giúp mình là tốt nhất.

Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng những cách thức mình đã chia sẻ cho các bạn là để bổ trợ thêm, chứ không thể thay thế được sự chân thành và kiên nhẫn là những điều kiện tiên quyết trong mọi mối quan hệ lâu dài.

Thế nên mình luôn trân trọng những người đã có duyên gặp gỡ. Những người chưa có duyên mình sẽ cố học hỏi từ xa. Quan trọng nhất là tự trau dồi mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt hơn và để có thể gặp được những người thật tuyệt.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục