3 Hiểu lầm về sức mạnh ý chí khiến bạn khó hình thành thói quen mới

Việc xây dựng thói quen bằng cách phụ thuộc vào sức mạnh ý chí là một "canh bạc" khi bạn không giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc.
Ngọc Hà
Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera.

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera.

Cứ năm mới Tết đến chúng ta lại thường dành thời gian để nhìn lại một năm đã qua và đặt ra những mục tiêu mới, bao gồm việc lên kế hoạch hình thành những thói quen tốt.

Tuy nhiên, khi nhìn lại danh sách mục tiêu từ năm trước, không phải ai cũng có thể tự tin nói rằng mình đã hoàn thành được hết những điều đó.

Trong đó, nhiều người thường cho rằng việc hình thành thói quen đòi hỏi nhiều sức mạnh ý chí. Nhưng cụ thể sức mạnh ý chí quyết định thế nào trong việc chúng ta hình thành thói quen?

Dựa trên nội dung từ cuốn Hello, Habits của tác giả Sasaki Fumio, hãy cùng gạt bỏ những hiểu lầm thường gặp về sức mạnh ý chí nhé.

Hiểu lầm 1: Người có sức mạnh ý chí thì lúc nào cũng kiên nhẫn, kiên trì

Thực tế cho thấy sức mạnh ý chí sẽ bị giảm đi khi được sử dụng thường xuyên. Nhà tâm lý học Roy Baumeister đã nghiên cứu về hiện tượng này thông qua thí nghiệm bánh quy và củ cải với một nhóm sinh viên đại học đang đói lả vì đã nhịn ăn trước đó.

Họ được đưa vào căn phòng tràn ngập mùi thơm của những chiếc bánh quy vừa ra lò. Nhưng trước mặt họ không chỉ có một hộp bánh quy mà còn có một chén củ cải muối. Các sinh viên được chia thành 3 nhóm: một nhóm được phép ăn bánh quy, một nhóm chỉ được ăn củ cải (vì được hứa hẹn sẽ có bánh quy trong thí nghiệm tiếp theo), và một nhóm không được ăn bất kỳ món nào.

Sau thử thách này, các sinh viên được đưa đến một căn phòng khác để giải những câu đố. Họ nghĩ mình đang được kiểm tra trí thông minh, nhưng thực chất là các nhà nghiên cứu muốn xem họ có thể tập trung giải những câu đố này trong bao lâu vì chúng đều rất khó.

Nhóm sinh viên được phép ăn bánh quy đã giải câu đố trong khoảng 20 phút, tương đương với thời gian mà nhóm sinh viên không được ăn giải quyết câu đố. Tuy nhiên, nhóm sinh viên ăn củ cải đã từ bỏ thử thách này chỉ sau 8 phút, một sự khác biệt rõ rệt so với hai nhóm còn lại.

Các nhà nghiên cứu đã cho rằng nhóm sinh viên chỉ được phép ăn củ cải đã sử dụng hết sức mạnh ý chí để chống lại cám dỗ của bánh quy. Khi đối diện với những câu đố, họ không còn đủ năng lượng để tiếp tục trong thời gian dài.

Sức mạnh ý chí là một nguồn năng lượng có hạn, như chiếc bình xăng trong một chiếc xe hơi: khi dùng càng nhiều, nguồn năng lượng có sẵn càng giảm. Khi bị cạn kiệt năng lượng ý chí, chúng ta không đủ sức để đưa ra những quyết định sáng suốt và phức tạp nữa.

Điều rút ra là: Nếu muốn thực hành một thói quen mới, hãy làm điều đó sớm trong ngày, khi bạn chưa phải sử dụng nhiều năng lượng để đấu tranh tư tưởng cho hàng trăm lựa chọn khác trong ngày.

Hiểu lầm 2: Sức mạnh ý chí suy giảm khi ta làm quá nhiều việc

Thực tế là sức mạnh ý chí không chỉ suy giảm khi não bộ bị quá tải, nó cũng có thể bị tác động vì những việc ta không làm, hay vì ta "không làm gì cả".

Đó là bởi vì sức mạnh ý chí có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Khi ta chọn "không làm gì" như một cách trì hoãn những đầu việc cần làm, hoặc không làm những điều đáng lẽ ra phải làm theo kế hoạch, ta dễ cảm thấy hối hận và tự ti về bản thân.

Việc bất an về khả năng của bản thân này cũng đồng nghĩa chúng ta đang rơi vào trạng thái có ít serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng ổn định tinh thần. Mà theo một nghiên cứu làm tăng/ giảm lượng serotonin trong não người, người ta thấy rằng khi có ít serotonin, chúng ta sẽ muốn tận hưởng ngay các phần thưởng trước mắt, thay vì kiên nhẫn với mục tiêu.

Điều rút ra là: Việc xây dựng thói quen bằng cách phụ thuộc vào sức mạnh ý chí là một "canh bạc" khi bạn không giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc.

Nghỉ ngơi (nhưng với tâm trạng dằn vặt) không giúp bạn bảo toàn sức mạnh ý chí. Hãy thử quy định một khoảng thời gian nghỉ ngơi cố định trong ngày, để tới giờ đó bạn sẽ tự bật "mode" thoải mái, không bị ám ảnh với những đầu việc chưa làm.

Hiểu lầm 3: Người có sức mạnh ý chí mạnh mẽ vốn không bao giờ bị cám dỗ

Sự thật là những ý nghĩ cám dỗ vẫn xuất hiện trong suy nghĩ của họ, nhưng thời gian đấu tranh với chúng thường ngắn hơn những người khác, và tần suất cũng ít hơn.

Một thí nghiệm ở Đức đã nghiên cứu điều này dựa trên số lượng cám dỗ mà chúng ta phải đối mặt mỗi ngày. Mỗi người tham gia sẽ đeo một chiếc máy nhắn tin. Chiếc máy này sẽ kêu ngẫu nhiên 7 lần một ngày. Khi đó, người tham gia sẽ báo cáo loại cám dỗ mà họ đang phải đấu tranh hoặc đã đấu tranh không lâu trước đó.

Kết quả thu được cho thấy những người tham gia (với các mức sức mạnh ý chí khác nhau) đều phải đối mặt với các cám dỗ ít nhất 4 giờ mỗi ngày. Trong đó có mong muốn ngủ "nướng" nhiều hơn một chút, muốn ra ngoài chơi thay vì làm việc, muốn ăn món ăn trông thật hấp dẫn.

Thí nghiệm này cũng đưa ra kết luận rằng những người có sức mạnh ý chí cao sẽ trải qua thời gian đấu tranh tư tưởng ngắn hơn, chứ không phải họ có thể cắt đứt mọi cám dỗ.

Điều rút ra là: Hãy hạn chế đặt mình vào những hoàn cảnh phải đấu tranh tư tưởng, bởi càng để ý thức xuất hiện và càng đặt mình vào hoàn cảnh phải đấu tranh, khả năng bản thân sẽ làm điều không mong muốn càng cao hơn.

Bạn có thể làm điều này bằng cách tham gia vào câu lạc bộ những người đã hình thành được thói quen mà bạn đang mong muốn, để có quán tính thực hiện chúng.

5AM là sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Vietnam Airlines, SpaceSpeakers Group và Vietcetera với sự tham gia của dàn nghệ sĩ nổi tiếng từ SpaceSpeakers như Binz, Soobin, Rhymastic, Gonzo,16 Typh, OSAD, Pháo...

Tại đây, người tham gia không chỉ “chill sớm” cùng âm nhạc mà còn khám phá bản thân thông qua những hoạt động chào buổi sáng thú vị như chạy bộ, Yoga, hít thở.

Thời gian: 5h00 - 9h00 Thứ Bảy 20.01.2024
Địa điểm: Saigon South Marina Club, 9A Trần Văn Trà, P. Tân Phong, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.

Tham gia ngay tại đây!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục