3 Phim điện ảnh đầu tay tiêu biểu của thập kỷ

Điều gì đã giúp 3 bộ phim đầu tay sau thành công?
Lê Nghĩa
Hình ảnh từ 3 phim đầu tay tiêu biểu của thập kỷ. | Nguồn: Open Road Films, Universal, A24

Hình ảnh từ 3 phim đầu tay tiêu biểu của thập kỷ. | Nguồn: Open Road Films, Universal, A24

Phim đầu tay cũng đóng vai trò rất quan trọng với một đạo diễn. Đó là khi họ mang những góc nhìn tươi mới nhất, đôi khi có phần điên rồ nhất để truyền tải câu chuyện đầu tiên của mình.

Làm một bộ phim đầu tay đòi hỏi rất nhiều từ một đạo diễn. Ngoài yêu cầu sự sáng tạo để tác phẩm mang nét độc đáo và thu hút nhất là còn cả một vài chục những vấn đề khác cần lo. Từ việc tìm được đội ngũ nòng cốt hợp cạ và hiểu ý nhau, tới chỉ đạo một đoàn phim vài trăm người; từ khả năng quản lý ngân sách, tới việc tìm cách biến những điều không thể thành có thể,...

Khó khăn như thế nên phần lớn các bộ phim đầu tay đều không thành công. Thế nhưng có một số trường hợp ngoại lệ, tới từ những đạo diễn đặc biệt. Sau đây là những bộ phim đầu tay và đạo diễn tiêu biểu của thập kỷ vừa qua.

Nightcrawler - đạo diễn Dan Gilroy

Nightcrawler là bộ phim đầu tay, được viết kịch bản và chỉ đạo bởi Dan Gilroy. Bộ phim xoay quanh Lou Bloom, một người đàn ông đang chật vật với cuộc sống khó khăn. Lou Bloom là kiểu người sẽ làm mọi thứ để kiếm tiền, kể cả ăn trộm.

Trong một hôm đang túng thiếu, Lou bỗng phát hiện một hình thức kiếm tiền mới: trở thành một “nightcrawler”, người chuyên săn tư liệu video về tai nạn cho các hãng tin tư nhân.

Những hình ảnh máu me, hoang tàn rất được chú ý bởi người xem, vì vậy các hãng tin sẵn sàng trả giá cao cho những thước phim tai nạn từ nightcrawler.

Với bản tính của mình, Lou có thể làm mọi cách để có được những thước phim gây sốc nhất trong thời gian ngắn nhất. Và Lou đã làm mọi cách. Mọi cách.

Từng phân cảnh, từng dòng đối thoại trong Nightcrawler đều rất gãy gọn và hiệu quả, đem đến một bộ phim hình sự - tâm lý mang cảm giác lạnh lùng tới rợn gáy. Vì đã có kinh nghiệm viết kịch bản lâu năm, Dan Gilroy luôn biết chính xác ý nghĩa và thời điểm của từng câu thoại.

Đối với việc xử lý khung hình, vừa theo sát hành động của Lou, Dan Gilroy vừa giữ khán giả ở một khoảng cách đủ xa để chúng ta vừa tò mò vừa ghê sợ nhân vật này.

Từ đây, bộ phim liên tục đặt ra những dấu hỏi về tính nhân đạo của con người, những chuẩn mực đạo đức nghề báo. Dù không thể dung thứ cho những hành động tiếp theo của Lou, người xem vẫn không thể rời mắt khỏi màn hình. Đạo diễn Dan Gilroy muốn khán giả nhìn thấy quá trình tự xóa mờ những giới hạn đạo đức khi một người sống quá cực đoan, ích kỷ và vụ lợi.

Get Out - đạo diễn Jordan Peele

Get out là bộ phim đầu tay của đạo diễn Jordan Peele, vốn được biết đến trước đó với vai trò là một diễn viên hài khá thành công.

Và đó là lý do khi tác phẩm điện ảnh đầu tiên của anh tạo được tiếng vang, lại càng khó tin khi nó thuộc thể loại kinh dị.

Chuyển đổi sở trường không phải là bước đi mạo hiểm duy nhất của Jordan Peele. Get Out còn là tác phẩm kinh dị đầu tiên xoay quanh chủ đề phân biệt sắc tộc. Đây là bộ phim khắc họa trải nghiệm đáng sợ mà người da đen phải đối mặt với nạn phân biệt.

Bộ phim kể về Chris trong chuyến đi ra mắt gia đình bạn gái lần đầu tiên. Chris là một người da màu, và bạn gái anh, Rose, chưa từng đề cập thông tin này với gia đình da trắng của cô. Sắc tộc là một chủ đề nhạy cảm tại Mỹ, vì vậy Chris có chút lo lắng về điều này.

Và nỗi lo càng dâng cao khi vừa đặt chân tới nhà bạn gái. Bầu không khí trong gia đình này có gì đó không ổn. Qua những hành động nhỏ của các thành viên nhà Rose, có thể lờ mờ thấy rằng họ đang nhìn nhận anh bằng một cách rất kỳ lạ.

Và rồi họ bắt đầu hành động.

Get Out là kiểu phim “thấm từ từ”, vì đạo diễn kiêm biên kịch Jordan Peele cứ từng bước đem đến cho người xem những chi tiết chỉ ra sự bất ổn trong các tình huống phim. Bộ phim truyền tải một cảm giác rất đặc biệt của những người được coi là “khác biệt”: đó là cảm giác lạc lõng, vừa bị từ chối, lại vừa bị kìm kẹp, sở hữu

Để miêu tả những cảm giác trừu tượng này, Jordan Peele đã viết nên một kịch bản có sự phát triển tình tiết có logic, sử dụng hiệu quả các yếu tố thị giác trong khung hình, điều phối tài tình các diễn viên để đem tới cảm giác hồi hộp chủ đề của bộ phim.

Hơn nữa, anh đã làm được điều này chỉ với kinh phí sản xuất dưới 5 triệu đô, một con số rất nhỏ so với mặt bằng Hollywood.

Đơn cử, vì thiếu tiền trả diễn viên quần chúng trong phân cảnh bữa tiệc, Jordan đã nghĩ ra cách điều phối đường đi của các diễn viên anh có theo một nhịp điệu nhất định. Đây là một quyết định cực kỳ thông minh, vì không chỉ tiết kiệm kinh phí, chuyển động “được lập trình” này đã tạo ra một cảm giác cực kỳ thiếu tự nhiên của gia đình da trắng xung quanh nhân vật chính, khiến người xem chột dạ và lo lắng vì những gì sắp xảy ra.

Sau Get Out, Jordan Peele được đà và cho ra đời phim kinh dị tiếp theo mang tên Us.

Hereditary - đạo diễn Ari Aster

Hereditary là tựa phim kinh dị đầu tay của đạo diễn Ari Aster. Với kinh phí 10 triệu đô, bộ phim thu về 80 triệu và được đón nhận tích cực bởi cả khán giả lẫn các nhà chuyên môn. Với Hereditary, Ari đã chứng tỏ mình là một đạo diễn và biên kịch tài ba khi đưa ra những quyết định sáng suốt để truyền tải tác phẩm của mình.

Hereditary kể câu chuyện của gia đình Graham, vừa trải qua một biến cố lớn với sự ra đi của một người thân trong gia đình. Mất mát này đã ảnh hưởng đến tâm lý các thành viên của một gia đình vốn đã có nhiều vấn đề trong việc kết nối với nhau. Dù cùng huyết thống và chung một mái nhà nhưng họ thường che giấu cảm xúc của mình trước những người còn lại.

Sau đám tang người thân nọ là một chuỗi những biến cố khác xảy đến với gia đình Graham. Dường như có một thế lực đen tối nào đó đang phủ bóng lên cuộc sống gia đình họ, bắt họ phải gánh chịu những nỗi đau ngày càng bị nén chặt.

Hereditary không phải kiểu phim kinh dị thường thấy với những màn dọa ma “mất hồn”. Đây không phải là cách mà Ari Aster chọn để truyền tải nỗi sợ. Dù là phim kinh dị, nhưng về cơ bản đây là một bộ phim về tấn bi kịch gia đình. Vì thế nỗi sợ sự đau đớn tâm lý rất mơ hồ nhưng luôn bao trùm lấy các nhân vật và khán giả trong một bong bóng màu xám, ngày càng co hẹp lại và khiến người ta khó thở.

Ari Aster có ý tưởng mới mẻ, kịch bản chặt chẽ với nhiều tình tiết bất ngờ, khai thác được diễn xuất tài tình của các diễn viên qua những tầng cảm xúc từ vô vọng, đau đớn tới sợ hãi. Ngoài ra bộ phim còn kết hợp tài tình những thủ pháp điện ảnh liên quan đến thiết kế âm thanh, dựng và đặc biệt là chuyển động máy quay để đem tới khán giả chính xác ý đồ của đạo diễn.

Những thước phim của Ari Aster đặc thù với các cảnh toàn (long shot), sử dụng chuyển động quay phim để chuyển cảnh thay vì cắt cảnh. Đó là những cảnh quay được "dằn dứ" một cách có chủ ý, tạo cảm giác bất ổn trườn dần vào tâm trí người xem.

Cũng với phong cách này, Ari Aster cũng đem tới một phim kinh dị khác cũng xuất sắc không kém Hereditary Midsommar.

#HồiMột là series kể câu chuyện về hành trình thực hiện tác phẩm điện ảnh đầu tay của các đạo diễn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục