4 Thông tin cần biết trước để ngồi vững trên bàn đàm phán lương
Dù đàm phán lương là hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân người lao động khi ứng tuyển, nhưng theo một khảo sát của Glassdoor, có đến hơn 54% ứng viên không hề thực hiện điều này.
Payscale, công ty hàng đầu về tư vấn lương và định giá nhân sự tại Mỹ, khẳng định lý do lớn nhất tạo nên thực trạng ấy là sự không thoải mái đến từ tâm lý “lo được lo mất" của ứng viên khi đàm phán lương.
“Lúc nhảy việc đương nhiên mình muốn có mức lương và đãi ngộ tốt hơn công ty cũ, nhưng mình luôn sợ bị chê ngạo mạn, hét giá” - Khánh Hà, 25 tuổi, có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing chia sẻ. Hà thường lấy lương hiện tại + 10% rồi đưa ra con số đó với nhà tuyển dụng kèm theo lý do rất chung chung rằng em thấy mình xứng đáng .
Cũng như Khánh Hà, nhiều ứng viên khi đề xuất mức lương thường mang nặng tính cá nhân và thiếu dẫn chứng, nên nhà tuyển dụng sẽ không có bất kỳ căn cứ gì để thấy thuyết phục. Khi đó ứng viên phần nào sẽ bị mất điểm và mất cả cơ hội hưởng đãi ngộ như mong muốn ở công ty mới.
Vì vậy, trong trường hợp không biết con số cụ thể từ doanh nghiệp, người lao động cần nắm chính xác 4 yếu tố sau để đàm phán lương hiệu quả:
1. Dải lương trên thị trường là bao nhiêu?
Dải lương (salary range) của một vị trí trên thị trường gồm mức lương thấp nhất và cao nhất mà các công ty đang trả cho vị trí đó. Độ chính xác của con số này phụ thuộc vào độ lớn của nguồn dữ liệu sử dụng để soi chiếu; càng có thông tin của nhiều doanh nghiệp thì hai mốc trần và sàn lương sẽ càng đàng tin cậy.
Do đó, có 02 nguồn thông tin người lao động nên lựa chọn để tham khảo.
Đầu tiên là Bản Hướng dẫn về lương (Salary Guide) được xuất bản bởi các công ty tư vấn nguồn nhân lực hàng đầu trên thị trường, dựa trên nghiên cứu số lượng lớn doanh nghiệp, thường ra mắt vào đầu tháng 2 hàng năm.
Tài liệu này cung cấp dữ liệu về dải lương của các vị trí phổ biến nhất chia theo ngành hàng (ví dụ Tiêu dùng nhanh, Bất động sản, Y tế,...), lĩnh vực (Tài chính, Kỹ thuật máy móc, Marketing & Sales,...) và cấp bậc (Chuyên viên, Quản lý, Giám đốc,...). Qua đó ứng viên sẽ biết mức thu nhập mình có thể đạt được nằm trong khoảng nào.
Hiện nay ở Việt Nam, bản Salary Guide của một công ty thuộc top 4 trong lĩnh vực tư vấn nguồn nhân lực đang được sử dụng phổ biến nhất. Tham khảo ấn phẩm 2024 tại đây.
Kế đến là mục “Khám phá mức lương” trên một số website tuyển dụng lớn, thường được tổng hợp từ dữ liệu thực tế của nhân sự và nhà tuyển dụng trên đó. Ví dụ, cách tra cứu từ website Vietnamworks như sau:
- Bước 1: Nhập vị trí cần tìm kiếm vào ô trống dưới dòng “KHÁM PHÁ MỨC LƯƠNG CỦA BẠN", sau đó nhấn nút “Tìm Kiếm” bên phải. Cần thử bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để không bỏ sót từ khoá.
- Bước 2: Sau khi website trả kết quả, điều chỉnh bộ lọc ở góc trái với 3 thông tin: Cấp Bậc, Quy mô công ty và Đơn vị tiền tệ phù hợp với lựa chọn cá nhân.
Sau khi hoàn thành, người lao động sẽ nhận về một kết quả tổng hợp chi tiết bao gồm: dải lương phổ biến nhất cho công việc này, con số lương trung bình cùng biểu đồ phân bổ lương thể hiện mức lương này đang có ít hay nhiều người được nhận.
2. Cùng một vị trí, lương cao lương thấp do đâu?
Cùng một vị trí, trong cùng một ngành tại sao những mức lương lại không hề đồng nhất. Lý do phía sau có thể được tìm thấy khi xem các bản mô tả công việc (JD).
- Bước 1: Tìm ít nhất 20 JD có mức lương khác nhau của các công ty trong ngành mình đang ứng tuyển.
- Bước 2: Đọc kỹ phần Mô tả công việc và Yêu cầu ứng viên, sau đó lọc ra những nội dung chung ở 02 phần này trong tất cả các JD đã tìm được. Đó là các yêu cầu cơ bản để bạn đạt được mức thu nhập thấp nhất trong dải lương.
- Bước 3: Xếp các JD theo mức lương tăng dần và chia thành 4-5 khoảng lương nhỏ. Trong mỗi khoảng đó, lọc ra các nội dung khác nhau trong 2 mục Mô tả công việc và Yêu cầu ứng viên - đó là các yếu tố giúp mức lương tăng lên dần dần.
3. Bộ kỹ năng của tôi xứng đáng với mức lương nào?
Sau khi có được bộ kỹ năng cần thiết để đạt được từng khoảng lương, người lao động cần so sánh và đánh giá xem kỹ năng cũng như kinh nghiệm của mình đang ứng với yêu cầu ở mức thu nhập nào.
Song song với đó, bạn cũng nên nhìn nhận lại bản thân (self-reflection) để đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho từng kỹ năng bạn nhận định mình đang sở hữu.
Ví dụ, nếu nghĩ mình có kỹ năng giải quyết vấn đề ở mức tốt, ứng viên phải định nghĩa được những đặc điểm gì tạo nên sự “tốt" đó, đồng thời liệt kê cụ thể những tình huống trong công việc mà bản thân thể hiện được các đặc điểm ấy. Đây sẽ là nền tảng để người lao động hoàn thiện CV và tự tin bước vào vòng phỏng vấn cũng như đàm phán lương.
4. Công ty có thể trả bao nhiêu cho tôi?
Ứng viên nên tìm hiểu về khả năng chi trả thực tế của công ty cho vị trí mình đang ứng tuyển để đưa ra các thoả thuận hợp lý nhất. Có rất nhiều cách nhưng phổ biến nhất là lục lại các JD công ty từng tuyển vị trí ấy trước đây.
Bạn cần xem có bài tuyển dụng nào từng ghi rõ mức lương không, tìm contact nhân sự nội bộ hoặc nhân sự cũ thông qua các mối quan hệ để hỏi thông tin, kiểm tra trên các trang thông tin review lương hoặc ứng dụng tra cứu lương.
Để tăng độ chính xác, bạn có thể kiểm tra cả tình hình phát triển chung của ngành thông qua các báo cáo kinh tế vĩ mô; cũng như của công ty trong năm gần nhất thông qua báo cáo tài chính, các thông tin mua bán hay sáp nhập. Nếu có ghi nhận tăng trưởng tích cực thì đương nhiên bạn có thể kỳ vọng mức thu nhập cao, thậm chí chạm đỉnh dải lương và ngược lại.
Kết
Sau khi đã hiểu được toàn bộ các thông tin như trên, trong buổi phỏng vấn ứng viên chỉ cần tóm gọn và liệt kê theo thứ tự. Cách này thậm chí vẫn hiệu quả khi người lao động biết mức lương của công ty mình muốn gia nhập, nhưng muốn đàm phán lại con số này.
Giờ thì bạn đã có trong tay công cụ deal lương, đừng chỉ nói “Em tin em xứng đáng với mức lương này" trong buổi phỏng vấn tiếp theo bạn nhé.