5 Đạo diễn với vũ trụ điện ảnh riêng biệt
Khi nói đến điện ảnh, đạo diễn có thể là một yếu tố giúp bạn quyết định xem một bộ phim. Những thủ pháp điện ảnh như màu sắc, hiệu ứng âm thanh hay góc quay ấn tượng,... là thứ giúp người đạo diễn tạo ra "đặc sản" của riêng mình. Từng khung hình được sắp đặt và dẫn dắt cảm xúc đến mức, đôi lúc ta như chìm đắm trong thế giới họ tạo ra.
Sau đây là 5 vị đạo diễn với 5 phong cách điện ảnh không-thể-lẫn-vào-đâu. Họ đã làm gì để đem đến những trải nghiệm xem phim độc nhất?
Tim Burton
Được mệnh danh là “gã phù thuỷ quái gở”, đạo diễn Tim Burton đánh dấu phong cách làm phim không giống ai trong điện ảnh. Dù là hoạt hình hay phim người lớn, ông đều vẽ ra những vũ trụ đầy ma mị, nhưng lại đi kèm mạch truyện giàu cảm xúc.
Vũ trụ nhuốm màu đen tối
Phong cách làm phim của Tim Burton mang ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa biểu hiện và lối kể chuyện nhuốm màu Gothic. Ông dựng lên những khung hình được cách điệu cực độ, với phong cảnh méo mó, sự vật dị dạng cùng màu sắc tương phản cao, tạo cảm giác u ám, rùng rợn.
Điển hình nhất là cách tạo hình của Corpse Bride (2005), hay bối cảnh của thành phố Gotham trong Batman (1989), với các toà nhà theo lối kiến trúc Trung Cổ.
Nỗi cô đơn trong vẻ ngoài kỳ dị
Các nhân vật trong vũ trụ của Tim Burton đều có ngoại hình dị thường, mang trong mình nỗi cô độc nhưng len lỏi đâu đó là khát vọng sống và yêu mãnh liệt. Nếu phong cách hậu kỳ là thứ làm người xem choáng ngợp, nhân vật sẽ là linh hồn của bộ phim. Burton xem giá trị nhân văn là điều cốt lõi và không bao giờ bỏ quên nó trong tác phẩm của mình.
Các phim tiêu biểu:
- Edward Scissorhands (1990)
- Corpse Bride (2005)
- Charlie And The Chocolate Factory (2005)
- Alice In Wonderland (2010)
Wes Anderson
Là bậc thầy trong việc kết hợp màu sắc lẫn bố cục, Wes Anderson là viên ngọc hiếm có của làng điện ảnh. Ông là một trong những người hiếm hoi có thể làm người xem nhận ra phim của mình, chỉ sau 5 phút vào phim.
Bố cục phẳng với tỉ lệ đối xứng hoàn hảo
Trong hội họa, nhiếp ảnh và cả điện ảnh, bố cục đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Wes Anderson luôn đặt chủ thể vào chính giữa khung hình, ở góc nhìn trực diện nhất, với bối cảnh được dàn xếp với tỉ lệ đối xứng.
Bố cục đối xứng sẽ tác động trực tiếp tới thị giác người xem, khiến chúng ta tập trung vào phân cảnh phim với với chủ thể ở giữa là thứ quan trọng nhất. Bố cục đối xứng dễ thấy nhất qua Mr. Fox (2009) hay The Grand Budapest Hotel (2014).
Mỗi khung hình là một bảng màu rực rỡ
Vũ trụ điện ảnh của Wes Anderson giống như một màn trình diễn thị giác ấn tượng, với lối phối màu táo bạo. Wes yêu thích những gam màu nóng, nhất là vàng và đỏ.
Các gam màu nóng sẽ giúp duy trì sự tập trung tốt hơn khi xem phim, đồng thời mang lại cảm giác tích cực và nhiều năng lượng. Đây cũng là một dấu ấn làm nên phim của Anderson, giúp khán giả liên hệ đến phong cách điện ảnh của ông dễ dàng.
Nhân vật máy móc
Tuy sống trong những thế giới rực rỡ và đa sắc, các nhân vật mà Wes Anderson tạo ra lại có những tính cách máy móc và lạnh nhạt.
Họ có góc nhìn độc nhất về thế giới. Họ nói chuyện và hành động nhanh gọn. Nhưng cũng vì vậy mà họ luôn phản ứng thái quá trước thực tại, khi mọi việc không diễn ra như những gì họ hình dung.
Các phim tiêu biểu:
- The Darjeeling Limited (2007)
- Mr.Fox (2009)
- Moonrise Kingdom (2012)
- The Grand Budapest Hotel (2014)
Zack Snyder
Khi nói đến phim siêu anh hùng, Marvel và DC là hai cái tên không thể bỏ qua. Nếu Marvel có màu sắc tươi sáng, DC lại là một vũ trụ đen tối, tập trung khai thác nội tâm của nhân vật và mang nhiều chiều sâu. Nếu bạn chưa biết, Zack Snyder chính là cha đẻ của những thước phim trong vũ trụ DC.
Bậc thầy phim chuyển thể
Khoảng 80% các phim của Snyder đều được chuyển thể từ tiểu thuyết hoặc truyện tranh. Snyder là một trong số đạo diễn có khả năng truyền tải tác phẩm chân thật nhất. Ông làm sống dậy các nhân vật tưởng chừng như chỉ tồn tại trên trang giấy, khiến người xem cảm giác như họ đang thật sự hữu hình.
Kỹ xảo snap zoom
Nói đến dòng phim siêu anh hùng, kỹ xảo là yếu tố góp phần tạo nên sức nặng cho bộ phim. Ở Snyder, cái đặc sắc của ông là sử dụng snap zoom — những cảnh quay hành động dài kết hợp với hiệu ứng thu phóng đột ngột. Snap zoom dễ dàng khiến bạn nghẹt thở qua những pha hành động kịch tính hay những trận chiến sống còn.
Các phim tiêu biểu:
- 300: The Rise Of An Empire (2006)
- Watchmen (2009)
- Man Of Steel (2013)
- Batman vs Superman: Dawn Of Justice (2016)
Quentin Tarantino
Ngoài Marvel hay DC, điện ảnh còn có một vũ trụ cũng kỳ lạ không kém mang tên Quentin Tarantino. Chính nghệ thuật trào phúng cùng phong cách bạo lực thái quá trong phim ông đã để lại dấu ấn sâu sắc.
Lấy bạo lực làm đặc sản
Thay vì mang lại những nỗi sợ và sự căng thẳng tăng dần, những cảnh bạo lực trong thế giới của Tarantino lại diễn ra hiển nhiên đến mức... bất ngờ. Với ông, bạo lực trong đời thực và trong điện ảnh là hai thứ hoàn toàn khác nhau.
Trong một bài báo năm 1993, ông nói: "Sau cùng thì tôi không phải là người chịu trách nhiệm cho việc người ta sẽ làm gì sau khi họ xem phim. Tôi chỉ có một trách nhiệm thôi. Đó là tạo ra nhân vật, và làm cho họ chân thật nhất có thể."
Một tình yêu âm nhạc bất tận
Tarantino xây dựng kịch bản và nhân vật xung quanh âm nhạc. Các thước phim của ông được trau chuốt bằng hiệu ứng âm thanh và các bài nhạc giúp định hình cốt truyện, dẫn dắt người xem đến từng cung bậc cảm xúc khác nhau.
Góc quay POV/trunk shot trứ danh
Point of view (POV) shot hay trunk shot là góc quay thấp và cận rõ vào gương mặt nhân vật. Góc quay này ra đời nhằm thể hiện phản ứng của nhân vật khi đang nhìn vào một thứ gì đó. Tarantino sử dụng góc quay này nhiều đến mức nó trở thành một trong những yếu tố giúp người xem nhận ra phim của ông.
Các phim tiêu biểu:
- Reservoir Dogs (1992)
- Pulp Fiction (1994)
- Kill Bill: Volume 1 (2003)
- Django Unchained (2012)
Vương Gia Vệ
Vương Gia Vệ là đạo diễn nổi tiếng với những thước phim nặng tâm lý, thể hiện nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời. Ông là một trong những cái tên mà giới điện ảnh luôn hoài nhắc đến.
Màu sắc và chuyển động máy luôn song hành
Vũ trụ Vương Gia Vệ tạo nên là một vũ trụ trầm buồn. Hầu hết, đó là những màn độc thoại nội tâm của người trẻ đang lạc lối trong tình yêu và cuộc sống. Dẫu kiệm lời, ông dùng màu sắc và chuyển động của máy quay làm thứ dẫn chuyện. Khung hình của ông phần lớn luôn tràn ngập trong những sắc màu khơi cảm xúc.
Những bộ màu sắc nổi bật (đỏ - cam - vàng hay lục - lam - tím) kết hợp với chuyển động camera dập dìu theo nhịp nhạc sẽ đưa người xem tới không gian nội tâm của nhân vật: khi thì cháy bỏng với tình yêu, khi lại trầm buồn trong cô quạnh. (Nguồn: calgarycinama.org)
Khai thác vẻ đẹp từ những thứ tầm thường nhất
Tư duy mỹ thuật của Vương Gia Vệ là điều giúp phim của ông luôn sống mãi trong tim khán giả. Ông biến những chi tiết rất đỗi bình thường thành những khung hình ước lệ đáng nhớ, giúp khán giả sẽ tìm thấy sợi dây liên kết giữa nhân vật và chính mình.
Điển hình là hình ảnh Kim Thành Vũ bên món dứa đóng hộp — món ăn yêu thích của cô bạn gái cũ trong Chungking Express (1994); hay cái ngõ hẹp u buồn mà Trương Mạn Ngọc và Lương Triệu Vỹ chạm mặt nhau trong In The Mood For Love (2000).
Các phim tiêu biểu:
- As Tears Go By (1988)
- Chungking Express (1994)
- Happy Together (1997)
- In The Mood For Love (2000)