5 Điều cần làm để giữ duyên khi chụp ảnh màn hình

Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định phát tán ảnh chụp màn hình.
Varie Le
Nguồn: Shutterstock

Nguồn: Shutterstock

Nhiều sự kiện gần đây khiến ta phải nhìn nhận lại về văn hóa chụp ảnh màn hình (screenshot). Điển hình là việc MC VTV kiêm giảng viên công khai email sinh viên. Khi chụp màn hình và đăng tải lên trang cá nhân kèm một dòng bình luận, người thầy giáo đã nhận về nhiều chỉ trích. Sau đó, anh phải xóa dòng trạng thái và viết status xin lỗi sinh viên.

Theo tờ Atlantic, những tấm screenshot có nội dung xỉ nhục người khác thường được quan tâm bậc nhất. Điều này lý giải vì sao, cứ dăm ba bữa, chúng ta lại bắt gặp những screenshot “thị phi” đầy rẫy trên Facebook. Đa phần, các bài đăng này thường có tỉ lệ tương tác cao.

Ai cũng có quyền được chụp ảnh màn hình, máy tính, nhưng khi bạn quyết định chia sẻ công khai, sự kiểm soát không còn thuộc về bạn nữa. Nếu đó là một tin nhắn có nội dung nhạy cảm, không chỉ người phát ngôn mà chính bạn cũng bị ảnh hưởng. Vậy khi quyết định chụp màn hình và chia sẻ công khai, chúng ta nên chú ý những gì?

1. Hỏi ý kiến của người liên quan

Bạn đã bao giờ đăng tin nhắn giữa bạn và bạn thân lên story chưa? Bạn không quên che tên họ, nhưng có thể, bạn quên chưa xin phép họ.

Đối với những mối quan hệ thân thiết, một số người dễ bỏ qua “quy tắc” - coi việc nhỏ như xin phép chụp màn hình là câu nệ. Tuy vậy, mối quan hệ càng thân thì càng cần nhiều tôn trọng, thấu hiểu.

Không phải lúc nào bạn bè cũng thoải mái với nội dung bạn đăng tải, có những câu chuyện họ chỉ muốn nói với riêng bạn, khi bạn chụp lại và đăng lên, bạn đang chia sẻ với 100 tài khoản Instagram khác.

Nếu đối phương chưa từng nói họ thoải mái với việc này, chúng ta nên xin phép họ trước, nhất là khi ảnh chụp màn hình chứa thông tin nhạy cảm. Có thể ban đầu họ sẽ hơi bất ngờ: “Cái này cũng cần phải hỏi hả?”, nhưng đây cũng là cách để bạn gửi đi một thỏa thuận ngầm: “Từ giờ, hãy xin phép nhau trước khi chụp ảnh màn hình và đăng lên trang cá nhân nhé”.

Lần tới, khi bạn thân muốn công khai một bức ảnh “thời còn phèn” của bạn (mà bạn muốn chôn vùi đi từ rất lâu) nhân dịp sinh nhật, biết đâu họ sẽ nghĩ lại lần hai và hỏi bạn trước.

2. Che đi thông tin cá nhân

Với trường hợp đặc biệt như khi bạn vạch trần hành vi sai trái của một ai đó (tố cáo tin nhắn quấy rối tình dục chẳng hạn), tin nhắn đóng vai trò như một bằng chứng buộc tội, bạn phải gửi đi cho các cơ quan chức năng xử lý. Nếu bạn quyết định công khai trên mạng xã hội, đừng quên che các chi tiết tiết lộ nhận dạng cá nhân của người trong cuộc.

Nhận dạng cá nhân ở đây bao gồm một số thông tin như: Tên, khuôn mặt (đặc biệt ảnh gia đình hoặc có trẻ nhỏ), số căn cước công dân, mã số sinh viên, địa chỉ nơi ở hoặc nơi làm việc, số đơn hàng, số tài khoản. Khi những thông tin này bị lộ, cuộc sống cá nhân của họ và cả gia đình họ có thể bị đe dọa. Hơn nữa, tiết lộ thông tin cá nhân của người khác được coi là hành vi phạm pháp.

3. Cân nhắc việc phát tán thông tin

Năm 2016, khi Đỗ Mỹ Linh đăng quang hoa hậu, nhiều người lục tung Facebook của cô, tìm một dòng trạng thái cô đăng năm 16 tuổi, chụp lại, truyền đi khắp nơi, và họ dùng đó làm bằng chứng đánh giá tư cách đạo đức của cô.

Việc lùng sục trang cá nhân của người nổi tiếng đã diễn ra quá nhiều đến nỗi, ta coi đó là một sự hiển nhiên. Theo cuốn Thiện Ác Smartphone của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, có một sự khác biệt giữa nhu cầu tìm hiểu thông tin chính đáng của dư luận và sự tọc mạch của đám đông.

Trong trường hợp của Đỗ Mỹ Linh, bới móc, xúc phạm quá khứ của cô đồng nghĩa với việc phủ nhận mọi nỗ lực sau này của cựu hoa hậu, và quan trọng hành vi này chỉ để thỏa mãn tính tọc mạch, soi mói của cộng đồng mạng, đó không phải là nhu cầu thông tin chính đáng.

Vậy còn những hành động mang tính “vạch trần” thì sao? Bất bình trước hành động hoặc tin nhắn phản cảm của ai đó, bạn lập tức muốn “nhân danh công lý” - chụp màn hình lại, tố cáo người kia trên các hội nhóm. Trước khi làm vậy, bạn cần nghĩ đến tính xác thực của thông tin và hậu quả mà họ có thể hứng chịu. Liệu thông tin này có đúng sự thật? Họ có bị cộng đồng tấn công, rủa xả? Con cái của họ có bị ảnh hưởng?

Để giao tiếp văn minh hơn, tiến sĩ tâm lý học Chris Willard đề cập đến phương pháp THINK, phương pháp này gồm 5 câu hỏi:

  • ‍T – Is it Truthful? (Đây có phải sự thật?): Nội dung này có thật, hay nó đã bị cắt ghép, chỉ kể một nửa sự thật?

  • H – Does it Help? (Việc này có ích không?): Nội dung có giúp ích cho mọi người? Nếu nó chỉ thỏa mãn niềm vui cho riêng bạn nhưng ảnh hưởng tới người khác, thì bạn không nên nói ra.

  • I – Am I the one to say it? What are the Intentions and Impact? (Tôi có phải là người duy nhất nói điều này? Mục đích và tầm hưởng của nó là gì?): Trước khi lên tiếng hãy cân nhắc mục đích là gì và ai có thể bị tác động bởi quyết định của bạn.

  • N – Is it Necessary, Now? (Bạn có cần thiết phải nói ra lúc này?): Sẽ có thời điểm ta cần lên tiếng, có lúc im lặng là cần thiết.

  • K – Is it Kind? (Việc làm này có tử tế không?): Nội dung này có khiến người khác khó chịu và cảm thấy bị tổn thương?

4. Nghĩ đến "phản ứng ngược"

Nếu bạn có thói quen thường đăng tải tin nhắn riêng tư lên trang cá nhân, một số bạn bè của bạn sẽ bật “chế độ phòng thủ”, họ lo ngại rằng một lúc nào đó bạn sẽ chụp màn hình tin nhắn của họ và gửi đi nơi khác. Khó ai có thể thoải mái mở lòng với một người thích công khai tin nhắn riêng tư.

Tờ Vice từng so sánh những tấm screenshot như những bức ảnh tự sướng không có mặt (faceless selfie). Nói cách khác, chúng đang thể hiện tính cách của mỗi chúng ta. Bạn thường xuyên đăng tải nội dung vui vẻ? Bạn có thể được bạn bè nhìn nhận là một người hài hước, tích cực. Nếu story và trang cá nhân của bạn phủ đầy bài đăng thị phi showbiz, đánh ghen, bạn có thể bị đánh giá là người thích hóng chuyện thiên hạ.

Khi đăng ảnh selfie, bạn luôn mong muốn nhận về lời khen chứ không phải chỉ trích ngoại hình. Ảnh screenshot cũng vậy, nếu không muốn hình ảnh bản thân xấu đi trong mắt người khác, hãy hạn chế chia sẻ nội dung tiêu cực, phản cảm.

5. Thử tìm phương án khác

Trong nhiều trường hợp, chụp màn hình không giải quyết triệt để vấn đề. Thay vì chụp màn hình gửi bạn hay đăng tải công khai, bạn hãy thử dùng chính tấm ảnh đó để đối chất với người làm bạn cảm thấy bất bình. Cách làm này ít ồn ào và ít gây thiệt hại hơn nhưng vẫn mang tính răn đe, cảnh cáo. Nếu vẫn không hiệu quả, bạn mới cần cân nhắc đến biện pháp mạnh tay hơn.

Kết

Giáo sư Jacob Gaboury của trường Đại học California tại Berkeley cho hay: “Chúng ta thường coi nhẹ ảnh screenshot, rằng screenshot một thứ gì đó rất cá nhân - chỉ mình mình chụp, mình mình biết, nhưng thật ra có rất nhiều người đang chụp ảnh màn hình hằng ngày. Chúng ta không nghĩ quá xa vì chúng ta thường không nhìn thấy hết ảnh chụp màn hình của người khác”.

Bạn có thói quen lưu trữ ảnh chụp tin nhắn, nhưng biết đâu ai đó ngoài kia cũng lưu trữ hàng trăm tin nhắn như bạn, và họ cũng từng gửi tin nhắn của bạn cho một người khác. Sự thật này khiến screenshot thú vị, nhưng đồng thời cũng là một ẩn số đáng sợ.

Tính năng chụp màn hình có nhiều lợi ích, chúng lưu lại thông tin quan trọng, trữ những tin nhắn dễ thương, hoặc truyền đạt thông tin chính xác hơn.

Nhưng tính năng này, cũng như rất nhiều tính năng công nghệ khác, có thể trở thành vũ khí nguy hiểm khi bị lạm dụng. Suy cho cùng, screenshot chỉ là một phần của vấn đề lớn hơn - hành động lưu trữ và phát tán các thông tin online. Vì vậy, để xây dựng một môi trường mạng văn minh, mỗi chúng ta nên hiểu rõ vai trò của mình trong thế giới ảo và hành động khéo léo hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục