5 Không gian cho dân sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh
Trong những năm gần đây, bối cảnh nghệ thuật và sáng tạo tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang ngày càng nở rộ. Các nhà hoạt động nghệ thuật ngày càng chú trọng đến không gian phát triển và khích lệ tiếng nói của các bạn trẻ hơn. Chính sự đa dạng và cởi mở đó đã thu hút đông đảo giới trẻ hứng thú và tìm hiểu về nghệ thuật. Giờ đây, bên cạnh những địa điểm giải trí thông thường, các bạn trẻ sẵn sàng tìm kiếm và trải nghiệm những hoạt động mới mẻ tại các không gian sáng tạo.
Theo nghiên cứu của Trương Uyên Ly, một không gian sáng tạo có thể là không gian vật lý như quán cafe, thư viện, phòng tranh, hoặc phi vật lý như các dự án phát triển cộng đồng, buổi tọa đàm, hội thảo, lớp học chia sẻ kiến thức được thực hiện ở nhiều địa điểm hay chỉ hoạt động trên mạng xã hội. Tuy nhiên, tất cả đều hướng tới một mục đích chung, đó là thu hút và kết nối cộng đồng sáng tạo, văn hoá, công nghệ, qua đó phát triển kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực.
Với quan điểm sáng tạo không biên giới, những không gian trên đang hoạt động ngày càng mạnh mẽ, tạo thành những địa điểm ‘lưu trú’ mới, truyền cảm hứng cho cộng đồng sáng tạo trẻ. Trong bài viết này, Vietcetera sẽ liệt kê những địa điểm nổi bật mà giới sáng tạo Sài thành thường lui tới.
Cà Phê Thứ Bảy Trẻ – Salon văn hoá học thuật cho người trẻ
Nhắc đến những buổi cà phê sáng thứ bảy, ta nghĩ ngay đến thời gian thảnh thơi sau một tuần học tập và làm việc mệt mỏi, trò chuyện xuyên chủ đề cùng bạn bè và người thân bên ly cà phê thơm nồng. Cà Phê Thứ Bảy Trẻ được thành lập bởi nhạc sĩ Dương Thụ cũng hướng tới mục đích tương tự, đó là tạo ra không gian để người trẻ thoải mái trao đổi và học hỏi.
Diễn ra đều đặn vào buổi tối thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần, các hoạt động của Cà Phê Thứ Bảy Trẻ bao gồm nhiều chuỗi tọa đàm, chiếu phim, trình diễn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn học, nghệ thuật, triết học, cho đến những vấn đề nổi cộm của xã hội.
“Công chúng đến với Cà Phê Thứ Bảy Trẻ vì tri thức, bởi những vấn đề đưa ra thường khá hàn lâm. Những bạn trẻ đến đây là những người được chọn, cái chọn của chính chủ đề, của diễn giả và cái chọn của người tham gia,” nhạc sĩ Dương Thụ cho biết.
Nếu bạn yêu thích một không gian, nơi tri thức là sợi dây kết nối con người, nơi không có đúng sai mà thay vào đó là ý kiến và góc nhìn mới, hãy thử dành một buổi sáng thứ Bảy ghé thăm không gian sáng tạo này xem sao.
Địa chỉ: 264 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ: Facebook
The Factory Contemporary Arts Centre – Sân khấu của nghệ thuật đương đại Việt
Một số bạn trẻ thường e ngại thuật ngữ ‘nghệ thuật đương đại’, nhưng thật ra The Factory Contemporary Art Center được hình thành đơn giản như một sân khấu chung. Không những là nơi tụ họp của các bạn trẻ muốn tìm hiểu về nghệ thuật, không gian triển lãm phong cách nhà xưởng rộng hơn 500 mét vuông này còn tạo điều kiện tốt nhất cho những nghệ sĩ Việt Nam trình diễn các dự án của mình. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như nghệ sĩ Bùi Công Khánh, Tuấn Miami, Tuấn Andrew Nguyễn, và nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên – người từng đoạt giải thưởng nghệ thuật danh giá Signature Art Prize 2018.
Được thành lập bởi nhà thiết kế Ti-A Thủy Nguyễn với mong muốn thúc đẩy nền nghệ thuật đương đại nước nhà, The Factory không ngừng biến hình vạn trạng thành nhiều hình thức triển lãm khác nhau, với những tác phẩm được giám tuyển kỹ lưỡng và các buổi hội thảo chuyên sâu.
Bên cạnh đó, The Factory còn tổ chức những tour nghệ thuật nhằm giúp người xem hình dung về những ý tưởng đằng sau các tác phẩm, cũng như tìm hiểu cách các nghệ sĩ hoàn thiện triển lãm của mình.
Địa chỉ: 15 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ: Facebook | Website | Instagram
Xinê House – Nhà của người làm phim
Xinê House được thành lập và dẫn dắt bởi đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, người đứng sau thành công của những bộ phim Việt như “Em là bà nội của anh” và “Cô gái đến từ hôm qua”. Xinê House là kết quả xuất phát từ chính nhu cầu cá nhân của anh về một không gian để trò chuyện cùng bạn bè, cũng như kết nối với nhiều bạn trẻ khác trong lĩnh vực phim ảnh.
Sau gần một năm thành lập, Xinê House đang dần trở thành một địa điểm nổi bật trong cộng đồng các bạn trẻ yêu điện ảnh tụ tập vào mỗi dịp cuối tuần. Hiện nay Xinê House tập trung vào hai hoạt động chính, gồm: screen talk (chiếu phim và thảo luận) và tổ chức những lớp học dạy làm phim.
Ngoài ra, Xinê House dự kiến sẽ ra mắt series ‘Linh Tinh Lang Tang’ trong năm nay. Tại đó, các bạn trẻ có thể trình bày một ý tưởng làm phim, hoặc câu chuyện khoảng ba phút để mọi người cùng góp ý và thậm chí tham gia thực hiện chung. “Với không gian sáng tạo Xinê house, mọi thứ đều bắt đầu từ câu chuyện, không chỉ gói gọn trong lĩnh vực phim ảnh mà là visual storytelling (kể chuyện bằng hình ảnh) nói chung,” đạo diễn Nhật Linh bổ sung.
Địa chỉ: Phòng 1404 Lô D, Chung cư Phạm Viết Chánh, Số 79 Phạm Viết Chánh, Phường 19, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ: Facebook
Toong Coworking Space – Trạm dừng xanh giữa lòng Sài Thành
Trong lúc thị trường khởi nghiệp và làm việc tự do tại Sài Gòn đang ngày một sôi nổi, các không gian làm việc chung cũng dần khẳng định được sự tối ưu của mình trong nhiệm vụ ươm mầm các dự án và những mối quan hệ hợp tác tiềm năng. Bắt nhịp được xu hướng của thị trường, nhà sáng lập kiêm CEO Dương Đỗ đã thành lập nên chuỗi không gian làm việc chung , phá vỡ quan niệm về văn phòng làm việc thông thường.
“Thay vì đóng khung các cộng đồng, Toong khuyến khích sự tương tác trong cùng một không gian giữa nhiều nền tảng khác nhau, chẳng hạn như công nghệ, truyền thông, mạng và bán lẻ. Thay vì cắm cúi làm việc, chúng tôi muốn chính bạn phá vỡ bức tường vô hình ngăn cách mỗi cá nhân và bắt đầu một cuộc trò chuyện mới.”
Với mục tiêu tạo ra sự tương tác ba chiều giữa con người – thiên nhiên – không gian, Toong tìm cách kết nối cả ba đối tượng này trong từng chi tiết thiết kế. Bên cạnh không gian làm việc chung, Toong còn tích hợp không gian cafe và sự kiện, nơi thường xuyên tổ chức các workshop, hội thảo và triển lãm thu hút đông đảo các bạn trẻ sáng tạo.
Địa chỉ: 126 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ: Facebook | Website | Instagram
Cái Tổ Nhỏ – Niềm vui ứng tác
“Là một đạo diễn sân khấu, yêu sân khấu và hiểu rằng giá trị đặc biệt của loại hình nghệ thuật này không chỉ dừng lại ở các tác phẩm biểu diễn, tôi muốn đem kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của mình ứng dụng vào các hoạt động vì mục tiêu phát triển con người và cộng đồng.”- Cô chủ An Lê chia sẻ với chúng tôi.
Song song với tốc độ phát triển nhanh chóng của xã hội, An tin rằng mỗi con người cần học cách kết nối lại với bản thân, với cộng đồng và với thiên nhiên để hướng đến cuộc sống hạnh phúc bền vững. Trong đó, nghệ thuật hay nghệ thuật sân khấu nói riêng chính là công cụ giúp An truyền tải thông điệp đó. Và thế là Cái Tổ Nhỏ ra đời.
Cái Tổ Nhỏ mang đến cho cả người lớn và trẻ em phương pháp giáo dục và phát triển con người thông qua nghệ thuật. Với những buổi workshop và khóa học về kịch ứng tác, kịch tâm lý, khám phá chuyển động, múa, và vẽ sáng tạo, Cái Tổ Nhỏ như cỗ máy thời gian đưa người lớn quay trở về tâm tưởng trẻ thơ, đồng thời tạo ra một không gian mở giúp con người kết nối, chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn.
Địa chỉ: 193/31 Nguyễn Đình Chính, Phường 11, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ: Facebook
Xem thêm
[Bài viết] Đi – Ăn – Chơi vòng quanh Việt Nam: Tháng 3/2019
[Bài viết] Loanh Quanh – Ăn chơi, nghĩ về đời cùng Dustin Phúc Nguyễn