5 Phim "cách ly" cho mùa cách ly

“Nhân vật chính” trong các tác phẩm dưới đây chính là những cuộc đối thoại.
Tule
Before Sunset

Khi những cuộc chuyện trò là tâm điểm. | Nguồn: Before Sunset

Có những phim trong lịch sử được đầu tư kỹ lưỡng ở mặt sản xuất, hình ảnh siêu thực hay không gian rộng lớn. Có những tác phẩm khác, lại chỉ tập trung vào lời thoại và bối cảnh ở một nơi chật hẹp

Mâu thuẫn giữa các nhân vật được đẩy lên cao trong các cuộc thoại, thường là trong quá trình tranh luận về một vấn đề nào đó. Những tác phẩm như vậy mang nặng các yếu tố triết học và/hoặc tâm lý, lời thoại chân thực (realistic dialogue) để gửi gắm góc nhìn của đạo diễn đến với người xem. 

Khó có thể nào đánh dấu được thời điểm mà thể loại này chính thức ra đời. Trước khi ta có điện ảnh, có nhiều vở kịch sân khấu đã tận dụng tối đa phần lời thoại. Trên màn ảnh, có thể lấy cột mốc năm 1940, năm His Girl Friday của đạo diễn Howard Hawks ra mắt. 

Phim sử dụng những trope như phá vỡ bức tường thứ tư, hay các diễn viên nói chen lên lời nhau một cách tự nhiên. Bộ phim khi ra mắt đã phá vỡ các quy cách thường thấy và đặt tiền đề cho dòng phim dialogue-driven (phim lấy nền tảng là lời thoại). 

Nếu như bạn là một nhà biên kịch hoặc đang học để trở thành, các phim dưới đây của Vietcetera có thể sẽ giúp các bạn hiểu thêm những quy cách viết thoại trôi chảy. Từ đó, ta có thể tận dụng được tối đa tài nguyên và kinh phí để dựng một cốt truyện đáng nhớ. 

12 Angry Men (1957)

Ở trong 12 Angry Men, 12 người trong bồi thẩm đoàn ngồi trong một căn phòng thảo luận về vụ án xét xử cậu bé bị buộc tội giết cha mình bằng một chiếc dao bấm. 11 người trong số đó không ngần ngại đi đến kết luận cậu bé là kẻ sát nhân. Xuyên suốt phim, bồi thẩm đoàn thứ 4 (do Henry Fonda thủ vai) phải thuyết phục từng người rằng cậu bé vô tội bằng những lý luận thỏa đáng của mình. 

Ở thời điểm ra mắt, 12 Angry Men được đánh giá là đột phá vì lời thoại vô cùng chân thực, khác xa so với những phim cùng thời bị bám vào lối diễn rập khuôn và “kịch”. 

Ngoài ra, phim cũng đề cập đến vấn nạn phân biệt chủng tộc của nước Mỹ ở thập niên 1950. Thông qua đó, phim gửi gắm bài học về tư duy phản biện (critical thinking), đặc biệt khi nó liên quan đến pháp lý và sinh mạng con người.

Before Sunrise (1995), Before Sunset (2004), Before Midnight (2013)

Khó có thể nào nhắc đến những phim nặng về lời thoại mà không nhắc đến Before Trilogy (Before Sunrise, Before SunsetBefore Midnight). Đạo diễn bởi Richard Linklater, bộ ba phim Before được quay cách nhau 9 năm mỗi phần. 

Jesse (thủ vai bởi Ethan Hawke) và Celine (thủ vai bởi Julie Delpy) gặp nhau qua mối lương duyên trên một chuyến tàu. Qua từng phim, cặp đôi “trước lạ sau quen” đi dạo vòng quanh Châu Âu và trò chuyện về nhiều chủ đề khác nhau: từ triết học, tôn giáo cho đến hôn nhân và các định kiến xã hội. 

Phim đề cập đến những rắc rối tâm lý thường gặp, tiêu biểu là quan điểm sống của ở độ tuổi 20 (và về sau là tuổi trung niên) với tình yêu. Không chỉ vậy, hai phần kế tiếp còn khắc họa được sự biến đổi của các quan điểm này qua từng giai đoạn cuộc sống. Ta được thấy sự phát triển về tính cách (character development) của họ mà thông qua đó, có thể sẽ đúc kết được những bài học cho chính bản thân mình sau khi thưởng thức.

My Dinner with Andre (1981)

My Dinner With Andre là bộ phim ra mắt năm 1981 bởi đạo diễn Louis Malle. Cả bộ phim là cuộc hội thoại giữa Wallace Shawn và André Gregory (hai người đều đóng vai chính mình) trong một quán ăn. Họ ngồi trong một quán ăn và thảo luận về rất nhiều vấn đề: từ những bất cập của xã hội hiện đại, “cuộc đua tư bản”, cho đến những ý tưởng, góc nhìn về triết học. 

Bộ phim đã ảnh hưởng lên dòng phim dialogue-driven (những phim tập trung vào lời thoại) về sau và cũng được tri ân nhiều về sau trong các tác phẩm đại chúng.

My Dinner With Andre là hành trình tìm kiếm lại những giá trị cốt lõi của con người, được gói gọn trong cuộc trò chuyện kéo dài 1 tiếng 30 phút của hai người đàn ông.

Hơn 40 năm, My Dinner with Andre vẫn là một tuyệt tác của dòng phim dialogue-driven nói riêng và của điện ảnh nói chung.

Rope (1948)

Rope là tác phẩm sản xuất năm 1948 của “bậc thầy kinh dị” Alfred Hitchcock về một vụ án mạng bằng dây thừng. Bộ phim dài 1 tiếng 20 phút và được quay chỉ trong một căn phòng, sử dụng kỹ thuật quay một mạch xuyên suốt (continuous shot) còn mới lạ ở thập niên 40. 

Bộ phim chỉ có bốn diễn viên với những hội thoại liền mạch. Với sự góp mặt của James Stewart, Rope đánh dấu lần đầu tiên Stewart phối hợp với Hitchcock. Về sau, Stewart tiếp tục xuất hiện trong các phim kinh dị tâm lý của Hitchcock như Rear WindowThe Man Who Knew Too Much.

The Man From Earth (2007)

Bộ phim độc lập The Man From Earth đạo diễn bởi Richard Schenkman sản xuất năm 2007.

Nhân vật chính, John Oldman (tên họ là cách chơi chữ của “old man”) thủ vai bởi David Lee Smith, tự xưng với mọi người trong căn phòng là người “bất tử”. John Oldman nhận rằng đã sống được hơn 14 thiên niên kỷ. “Người không tuổi” tiếp tục nói rằng là mình đã trải qua nhiều thời đại khác nhau. 

Cứ mười năm, John nói, anh lại thay đổi địa điểm để không ai để ý về việc anh chẳng thể lão hóa. Anh từng là cảm hứng cho câu chuyện của Chúa Jesus, là bạn của Van Gogh và đã có khoảng thời gian giong buồm cùng Columbus.

Trong căn phòng nhỏ, gồm 6 người với những ngành nghề và niềm tin tín ngưỡng khác nhau. Kẻ hoài nghi, người thì thấy câu truyện của anh thú vị và xứng đáng làm đề tài cho một cuốn tiểu thuyết. 

Dưới đây là một đoạn trích trong The Man From Earth, phân cảnh John Oldman trò chuyện cùng những người khác về Thiên Chúa Giáo:

Kết.

Những phim kể trên lấy không gian chật hẹp với lời thoại chiếm phần lớn là “món ăn” với các tín đồ điện ảnh “lắm lời” và là những case study đáng để xem xét đối với các nhà làm phim. 

Trong thời điểm tất cả chúng ta đều ra sức chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, Vietcetera hi vọng các bộ phim “cách ly” trong bài viết sẽ giúp các bạn vượt qua được mùa cách ly một cách an toàn.

 


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục