5 TED talks giúp bạn lấy lại cảm hứng làm việc
Hậu đại dịch COVID-19, mọi người đã thích nghi với trạng thái "bình thường mới" và trở lại làm việc. Tuy nhiên, công việc của bạn chắc hẳn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Hãy đọc 5 bài TED Talk dưới đây để giúp bạn tìm thấy nguồn năng lượng và cảm hứng mới trong công việc.
1. Why you will fail to have a great career? - Larry Smith
Xem tại đây: Tại sao bạn không có một sự nghiệp tuyệt vời?
Trong video này, giáo sư kinh tế Larry Smith đã giải thích về vai trò của đam mê với công việc: đam mê là “tình yêu lớn nhất cuộc đời", và là thứ duy nhất giúp bạn có một sự nghiệp tuyệt vời.
Đam mê sẽ giúp bạn làm việc liên tục mà vẫn thấy hạnh phúc. Bạn sẽ luôn có động lực để tìm những ý tưởng mới. Mỗi ngày làm việc là một niềm vui và chắc chắn bạn sẽ không ngừng phấn đấu để hoàn thành mục tiêu.
Khi làm việc với đam mê, bạn không “phải” đi làm một ngày nào cả. Larry cũng đưa ra lời khuyên:
Hãy ra ngoài kia để tiếp xúc với thế giới, đọc nhiều hơn, làm nhiều hơn, rồi chắc chắn một ngày bạn sẽ tìm ra thứ mà bạn luôn luôn nghĩ về nó bất kể đêm ngày.
2. How to make work-life balance work - Nigel Marsh
Xem tại đây: Làm thế nào để cân bằng công việc và cuộc sống?
Mở đầu bài diễn thuyết, Nigel Marsh đã tự nhận mình là một “chiến binh công sở” đích thực: ăn rất nhiều, rượu bia rất nhiều, làm việc cật lực nhiều giờ và hoàn toàn lơ là gia đình. Anh đắm chìm trong công việc đến mức quên mất cuộc sống riêng tư.
Sau một thời gian dài nghỉ ngơi, anh nhận ra sự mất cân bằng này không phải do các doanh nghiệp gây ra. Tất cả các công ty, dù tốt hay xấu, cũng được thiết kế để tận dụng tối đa sức lao động của cá nhân.
Chính phủ hay các doanh nghiệp sẽ không bao giờ giải quyết được các vấn đề riêng tư của mỗi người. Anh nói rằng:
Nếu bạn không tự thiết kế cuộc sống của mình, người khác sẽ thiết kế nó cho bạn. Và bạn có thể không thích ý tưởng của họ về sự cân bằng cho lắm.
Tuy nhiên, cân bằng không có nghĩa là bạn phải dành 50% thời gian cho công việc, 50% thời gian cho cuộc sống riêng tư.
Những điều nhỏ bé và dễ dàng như hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, nhắn tin chúc mừng sinh nhật một người bạn lâu không gặp, cùng vợ nấu một bữa tối… đều giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp bạn tìm lại sự cân bằng, bình yên trong tâm hồn.
3. The Career Advice You Probably Didn’t Get - Susan Colantuono
Xem tại đây: Lời khuyên nghề nghiệp ít ai nói với bạn
Bạn tự tin rằng mình làm việc chăm chỉ và tạo ra được nhiều sản phẩm tuyệt vời. Nhưng bạn không hiểu sao mình mãi chưa được thăng tiến?
Bạn xây dựng công ty có chế độ đãi ngộ tốt, quy mô doanh nghiệp ngày càng mở rộng. Nhưng vì sao nhân sự trong công ty cứ liên tục “nhảy" việc?
Trả lời câu hỏi đó, cô Susan Colantuono đã chỉ ra rằng: mỗi cá nhân, dù ở vị trí nào, cũng cần nhìn thấy bức tranh tổng thể của doanh nghiệp.
Hãy trả lời những câu hỏi: Tầm nhìn của tổ chức bạn là gì? Tổ chức bạn đang muốn đi đến đâu? Và vai trò của mỗi cá nhân là gì trên hành trình đạt tới mục tiêu đó?
Với những nhân sự đang tìm kiếm sự thăng tiến trong công việc, cô Susan đưa ra lời khuyên:
Hãy hành động như những người làm chủ.
"Chỉ khi có tư duy chiến lược đó, bạn mới tạo ra được sự đột phá và thực sự tiến xa trong sự nghiệp." - Susan tiếp lời.
Còn nếu bạn là một người lãnh đạo, cách tốt nhất để giữ chân nhân tài là gắn liền sứ mệnh công ty với mục tiêu cá nhân của nhân sự.
Để làm được điều đó, bạn phải thiết kế cho họ một lộ trình phát triển bản thân rõ ràng trong công việc. Đồng thời cũng luôn phải giải thích rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của mọi nhiệm vụ mà họ đang làm.
4. How to Get Better at the Things You Care About - Eduardo Briceño
Xem tại đây: Cách gì giúp bạn làm những điều mình thích tốt hơn?
Eduardo Briceno chỉ ra một quy luật: sau vài năm làm việc, năng lực của chúng ta sẽ đạt đến đỉnh điểm mà không thể tạo ra thành quả vượt trội nữa. Công việc ngày nào cũng giống nhau, kết quả không quá tệ mà cũng không quá xuất sắc.
Đó là lúc chúng ta bắt đầu cảm thấy chán nản, thiếu động lực phát triển.
Để giải thích điều này, Eduardo đưa ra khái niệm về hai giai đoạn trong công việc mà chúng ta sẽ trải qua:
- Vùng học hỏi (Learning zone): Trong giai đoạn này, chúng ta phải cố gắng nâng cao năng lực bản thân bằng cách cải thiện những kỹ năng chưa thành thạo. Chúng ta cho phép bản thân mắc sai lầm vì biết rằng mình sẽ học hỏi được từ những sai lầm đó.
- Vùng thể hiện (Performance zone): Đây là lúc chúng ta thể hiện những kỹ năng đã thành thạo vào công việc. Chúng ta cũng cố gắng để giảm thiểu tối đa sai lầm.
Khi bắt đầu cảm thấy công việc thiếu thử thách, hãy dành nhiều thời gian hơn ở “khu vực học hỏi".
Bạn cần tự đánh giá xem kỹ năng nào mình chưa thực sự tốt hoặc kỹ năng nào có thể phát triển thêm. Hãy phát triển bản thân với những thử thách mới, và chủ động tìm đến những chuyên gia để nhận được lời khuyên, góp ý.
Sau khi đã thuần thục kỹ năng đó, quy luật tự nhiên là bạn sẽ chuyển sang “khu vực thể hiện". Nhưng cũng đừng ở đó quá lâu, hãy luôn tìm ra một điều mới mẻ nào đó để bạn tiếp tục học tập.
5. The happy secret to better work - Shawn Achor
Xem tại đây: Hạnh phúc dẫn dắt thành công
Phần lớn mọi người đều tin vào công thức: làm việc, có tiền để thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, rồi mới tận hưởng cuộc sống hạnh phúc.
Diễn giả Shawn Achor đã đưa ra một ý tưởng ngược lại trong bài nói của mình: chính hạnh phúc trong cuộc sống mới là động lực thúc đẩy năng suất lao động của chúng ta.
Bộ não ở trạng thái tích cực sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với trạng thái tiêu cực hay áp lực.
"Bạn thông minh hơn, sáng tạo hơn, nhiều năng lượng hơn" - Achor chỉ ra.
Cụ thể, nhân viên bán hàng có tư duy tích cực sẽ đạt doanh số cao hơn bình thường 37%. Bác sĩ sẽ chuẩn đoán bệnh chính xác hơn và, các thao tác nghiệp vụ sẽ nhanh hơn đến 19%.
Như vậy, hạnh phúc không nên là đích đến, mà nên tồn tại trên cả hành trình. Và bạn cần phải tìm thấy điều đó trong mỗi bước đi của mình.
Hãy rèn luyện não bộ như cách bạn rèn luyện thể chất: dành ít nhất 2 phút mỗi sáng nghĩ về những điều khiến bạn vui vẻ và bình an, viết ra ba điều mới mẻ và thú vị mỗi ngày mà bạn muốn đạt được, thực tập thiền định để biết cách sống trong từng giây phút trong hiện tại.
Chia sẻ từ người viết
Slogan nổi tiếng của chương trình Ted Talk là “Idea worth spreading” (những ý tưởng đáng để lan tỏa).
Những chia sẻ từ TED Talk là một nguồn cảm hứng để bạn có tư duy khác đi, hướng đến những điều tích cực hơn. Cần lưu ý rằng nó không phải là lời chỉ dẫn chính xác hay những bí quyết chắc chắn giúp bạn thành công hay phát triển sự nghiệp.
Thông qua 5 bài TED Talk kể trên, người viết có một thông điệp muốn gửi tới các bạn đọc: Hãy luôn làm chủ cuộc sống và sự nghiệp của mình.
Chủ động chọn lối sống tích cực, chủ động theo đuổi những đam mê và không ngừng học hỏi để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.