6 Kiểu can đảm giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn
Chúng ta thường được khuyên nên rời khỏi vùng an toàn để phát triển bản thân tốt hơn. Nhưng những nỗi sợ vô hình luôn khiến ta chùn bước và trì hoãn kế hoạch, đặc biệt khi chúng lớn dần theo năm tháng.
Song điều đó không có nghĩa bạn nên bất chấp tất cả để nhảy ngay khỏi vùng an toàn. Chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cách tôi luyện lòng dũng cảm. Như vậy nỗi sợ sẽ không còn ngáng đường ta trước bất kỳ thách thức nào.
Sau đây là 6 kiểu can đảm (The Six Types of Courage) do nhà tâm lý Lisa Dungate và nhà văn Jennifer Armstrong đúc kết giúp bạn vượt qua nỗi sợ của chính mình từ bài đăng trên Lion' whiskers.
1. Can đảm thể chất
Sự can đảm thể chất là động cơ giúp bạn đối mặt với nguy cơ tổn hại về thân thể hoặc thậm chí tính mạng trong các tình huống nguy hiểm.
Cơn đau là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp nguy hiểm, vì vậy việc bạn sợ đau và bảo vệ phần cơ thể bị thương là bình thường. Tuy nhiên khi nỗi sợ đau lớn dần theo thời gian, nó sẽ biến cơn đau thành mãn tính và gây thêm căng thẳng cho cơ thể. Điều này cản trở sức khỏe thể chất và khả năng phục hồi của chính bạn, vì vậy việc rèn luyện lòng can đảm thể chất là cần thiết.
Bài tập gợi ý: Tập các môn thể thao như leo núi, chạy bộ, gym và bơi lội. Các môn này sử dụng rất nhiều sức lực, thúc đẩy bạn vượt qua giới hạn về thể lực và ý chí. Dần dần bạn sẽ đạt được mục tiêu và tiếp tục phấn đấu. Nên tìm một người bạn đồng hành hoặc huấn luyện viên để tạo ra áp lực nhỏ, giúp bạn tăng tính tự giác và cam kết với lựa chọn của mình.
2. Can đảm cảm xúc
Kiểu can đảm này giúp bạn mở lòng đón nhận mọi khía cạnh cảm xúc và sẵn sàng chấp nhận khả năng bị tổn thương.
Cảm xúc là cách cơ thể chúng ta thích nghi để tồn tại. Ở mức độ vô thức cao, hệ thống kiểm soát cảm xúc limbic sẽ tạo ra một cảm xúc cố định gắn liền với một hành động được lặp lại thường xuyên. Bạn có thể tận dụng điểm này để đánh lừa não bộ khi phải làm một việc khiến bạn sợ hãi.
Bài tập gợi ý: Tập thuyết trình trước một tập thể nhỏ (lớp học hoặc công ty). Bạn có thể vừa làm vừa “niệm chú” rằng mình có thể làm được. Cách này khi lặp lại nhiều lần sẽ khiến não bộ tin rằng bạn thật sự có thể. Bạn cũng có thể nghĩ đến những ký ức vui vẻ khi thực hiện để làm sao nhãng sự tập trung của não bộ vào nỗi sợ.
3. Can đảm trí tuệ
Sẵn sàng học hỏi, mở rộng tầm nhìn và thay đổi quan điểm cá nhân với tư duy cởi mở, linh hoạt chính là sự can đảm trong trí tuệ.
Kiểu can đảm này đặc biệt quan trọng khi Internet tràn ngập tin giả và các thuật toán củng cố thiên kiến xác nhận (confirmation bias) của chính bạn. Để rèn luyện, bạn cần kiểm tra tính xác thực và hình thành tư duy phản biện với các thông tin nhận được.
Bài tập gợi ý: Bạn thử tìm hiểu và phản biện về một hiện tượng bị nhiều định kiến ở xã hội Việt Nam (ví dụ sống thử hay xăm mình). Khi tranh luận, bạn cố gắng giữ thái độ tôn trọng với người có quan điểm khác bạn. Cách này giúp bạn không ngừng phát triển bản thân và hình thành tư duy ngược chiều về mọi vật quanh mình.
4. Can đảm xã hội
Lòng can đảm xã hội giúp bạn vượt qua sự phán xét hay định kiến xã hội để tự tin thể hiện con người thật của mình.
Điều này nghĩa là bạn dám theo đuổi điều mình thích, dù nó khác biệt hẳn với quy chuẩn xã hội ở nơi bạn sinh sống. Để làm được như vậy, bạn nên ngừng quan tâm đến áp lực đồng trang lứa và tập trung vào phát triển điểm mạnh của bản thân. Bạn có thể bước chậm so với đám đông, nhưng bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn.
Bài tập gợi ý: Thử một kiểu tóc/trang phục mà bạn luôn muốn thử nhưng e ngại bị người khác đánh giá. Đến một lúc bạn sẽ nhận ra mọi người thực tế không chú ý đến bạn nhiều như bạn nghĩ. Điều này là do hiệu ứng tâm điểm thao túng, khiến bạn hình thành suy nghĩ người khác luôn soi xét và chờ cú trượt chân từ bạn. Thực tế, chỉ có bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.
5. Can đảm đạo đức
Lòng can đảm đạo đức giúp bạn sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, ngay cả khi việc đó khiến bạn bị chế giễu hoặc trừng phạt. Whistleblower là một ví dụ điển hình của kiểu can đảm này.
Để có được lòng can đảm đạo đức, cần có sự nhất quán giữa suy nghĩ và hành động của bạn khi gặp chuyện bất bình. Bạn cũng cần ý thức được hệ quả của việc bảo vệ lẽ phải để lên phương án hành động phù hợp, tránh để liên lụy đến những người vô can.
Bài tập gợi ý: Bạn có thể can thiệp khi thấy chuyện bất bình hoặc giúp đỡ người gặp tai nạn khi tham gia giao thông. Ai cũng biết đây là điều nên làm, song nếu thiếu sự can đảm đạo đức, mọi người dễ bị hiệu ứng người ngoài cuộc (bystander effect) tác động, dẫn đến tâm lý chờ người khác làm thay. Cuối cùng sự việc không có ai giải quyết và người bị nạn cũng không được giúp đỡ kịp thời.
6. Can đảm tâm linh
Kiểu can đảm này giúp bạn đối mặt với những nghi ngờ về đức tin của bản thân. Tâm linh luôn là vấn đề nhạy cảm, vì vậy bạn cần vững tâm để đối mặt với những lý lẽ có thể làm suy yếu niềm tin trong bạn. Kể cả khi không theo tôn giáo nào, bạn vẫn cần lòng can đảm tâm linh để xây dựng niềm tin vững mạnh vào lý tưởng sống của bản thân.
Can đảm tâm linh thường xoay quanh các câu hỏi về danh tính và mục đích tồn tại mà ta không thể tìm ra đáp án trong một sớm một chiều. Tuy vậy, điều quan trọng là bạn có tinh thần đối mặt với chúng và tập trung vào hành trình tìm kiếm mục đích sống của mình.
Bài tập gợi ý: Trò chuyện với người từ các tôn giáo khác cũng như tích cực tìm hiểu về tôn giáo. Việc này giúp bạn hiểu được sự khác biệt giữa các tôn giáo, học được cách tôn trọng đức tin của người khác mà vẫn vững tâm với niềm tin của chính mình.