Vì sao không nên vội vàng nhảy ra khỏi vùng an toàn? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 08, 2019
Tâm Lý Học

Vì sao không nên vội vàng nhảy ra khỏi vùng an toàn?

Nhiều người khuyên để phát triển bản thân, chúng ta cần nhảy ra vùng an toàn. Nhưng nếu chưa chuẩn bị kỹ mà đã vội nhảy ra thì bạn sẽ dễ bị ngã trong đau đớn và khó lòng đứng dậy. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn một hướng đi mới, cụ thể hơn trên con đường khám phá tiềm năng và phát triển bản thân.

Vì sao không nên vội vàng nhảy ra khỏi vùng an toàn?

Nếu muốn phát triển bản thân, bạn cần phải nhảy ra khỏi vùng an toàn — đây là lời khuyên thường thấy nhất mà bạn có thể bắt gặp trong hàng loạt bài viết về phát triển bản thân. Tuy nhiên, chẳng mấy ai nhắc đến những rủi ro khi bạn vội vàng thử thách bản thân mà thiếu sự chuẩn bị. Nếu chỉ chăm chăm sống theo châm ngôn này, không ngừng đẩy bản thân vào tình thế khó khăn, nói “có” với những điều vượt quá xa khả năng của mình, có cải thiện được bản thân hay không chưa biết, nhưng chắc chắn bạn sẽ luôn phải sống trong căng thẳng và kiệt sức.

Nếu bạn nhận nhận thấy điểm thiếu hụt này và muốn vạch ra một hướng đi mới, cụ thể hơn trên con đường khám phá tiềm năng và phát triển bản thân, thì đây là bài viết dành cho bạn.

Nguyên nhân không nên vội nhảy ra vùng an toàn

Một người bạn của tôi hồi nhỏ từng được bố dạy bơi bằng cách ném ra giữa hồ sâu để tự bơi vào. Vì quá đột ngột không kịp chuẩn bị, kết quả là bạn tôi đuối nước. Trải nghiệm cận kề cái chết ấy đã khiến cậu không dám nhảy xuống nước nữa. Bị buộc nhảy quá xa vùng an toàn đã mang đến cho cậu một hậu chấn tâm lý, hay trong tâm lý học còn gọi là “rối loạn stress sau sang chấn” (PTSD).

Đây là một dạng rối loạn tâm lý có thể xảy ra ở những người đã trải qua hoặc chứng kiến các biến cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần hoặc thể chất. Biểu hiện dễ thấy nhất là né tránh các địa điểm hoặc hoạt động gợi nhớ đến sự kiện gây sang chấn. Ví dụ như người bạn của tôi từng suýt chết đuối nên không dám xuống nước một thời gian dài, mãi về sau mới có thể học bơi. Hay một người bị tấn công vào ban đêm có thể sẽ không muốn ra ngoài đường khi trời tối dù đã được đảm bảo an toàn.

Như vậy, nếu bạn vội vã ném bản thân vượt vùng an toàn thì có thể sẽ nhận lấy những tổn thương về mặt tâm lý. Đồng thời bạn cũng dễ gặp thất bại do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi hành động. Cái cây muốn đơm hoa kết trái phải cần một thời gian dài tưới nước, bón phân. Con người để thành công không thể thiếu thời gian chuẩn bị và đi từng bước kiên trì.

Thagravenh cocircng cần coacute thời gian chuẩn bị vagrave đi từng bước kiecircn trigrave sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Thành công cần có thời gian chuẩn bị và đi từng bước kiên trì.

Điều gì đang đợi bạn ở ngoài vùng an toàn?

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Để chuẩn bị tốt cho hành trình vượt vùng an toàn thành công thì bạn cần biết những gì đang đợi bạn ở bên ngoài. Có 3 vùng mà bạn cần chinh phục, đó là: vùng sợ hãi, vùng học tập và vùng phát triển.

Ở trong vùng an toàn, bạn sẽ đối mặt với nhiều thử thách dẫn bạn bước vào vùng sợ hãi. Khi đó bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin, dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác và muốn tìm cớ quay về vùng an toàn. Nhưng vùng sợ hãi là nơi bạn bắt đầu cải thiện tư duy. Nếu tìm được sự can đảm và tự tin để ngừng tìm cớ, vượt qua những ảnh hưởng từ người khác, bạn sẽ sớm bước vào vùng học tập.

Vùng học tập là nơi của những trải nghiệm. Bạn sẽ gặp nhiều thử thách và vấn đề mới mẻ cần phải đương đầu. Từ đó, bạn học được các kỹ năng và kinh nghiệm cho phép bạn mở rộng sang vùng phát triển và bắt đầu làm những điều mà bạn chưa từng nghĩ mình có khả năng làm được.

Cuối cùng, bạn chạm đích tại vùng phát triển. Đây là nơi không thoải mái và ít an toàn nhất, nhưng để phát triển bản thân, bạn buộc phải đến vùng này và bắt đầu thay đổi. Ở giai đoạn này, bạn sẽ có một tư duy mới. Bạn tìm thấy mục đích sống, đặt ra các mục tiêu mới và chinh phục chúng bằng sự tự tin bạn thu thập được từ vùng sợ hãi.

Đó là những gì sẽ chờ đợi bạn ở bên ngoài vùng an toàn. Bạn không chỉ cần nhảy ra mà còn nên mở rộng vùng bên ngoài bằng cách đi theo trình tự 3 vùng trên, từ sợ hãi, đến học tập và cuối cùng là phát triển. Mỗi khi tiến thêm một bước, bạn sẽ dần quen với nỗi sợ ban đầu và nó sẽ càng ít ngăn trở bạn hơn. Cứ thế vượt qua từng rào cản, và vùng an toàn của bạn sẽ dần được mở rộng.

Tôi từng có cơ hội được đi du học Nhật Bản. Nhưng với bản tính nhút nhát và tự ti, dù được tiếp xúc với môi trường mới nhưng tôi vẫn rất thụ động. Trong giờ học, tôi ngồi im không dám phát biểu. Ngoài giờ học, tôi không tham gia hoạt động nào mà chỉ muốn về nhà, trốn trong góc phòng an toàn của mình. Tôi lo sợ năng lực của mình không tốt, nói ra bị người khác cười chê. Chính vì thế mà tiếng Nhật của tôi cứ mãi dậm chân tại chỗ.

Nhưng tôi nhận thấy cứ tiếp tục như thế thì khoảng thời gian du học quý giá này sẽ trở nên vô ích. Tôi bắt đầu chủ động phát biểu ý kiến trong lớp học. Lúc đầu tôi khá sợ hãi, lời nói ra còn vấp chỗ này chỗ kia. Nhưng qua nhiều lần, tôi dần thoải mái và tự tin hơn khi nói chuyện với thầy cô và các du học sinh khác.

Mỗi khi tiến thecircm một bước bạn sẽ dần quen với nỗi sợ ban đầu vagrave noacute sẽ cagraveng iacutet ngăn trở bạn hơn Cứ thế vượt qua từng ragraveo cản vagrave vugraveng an toagraven của bạn sẽ dần được mở rộng sizesmaxwidth 1024px 100vw 1024px
Mỗi khi tiến thêm một bước, bạn sẽ dần quen với nỗi sợ ban đầu và nó sẽ càng ít ngăn trở bạn hơn. Cứ thế vượt qua từng rào cản, và vùng an toàn của bạn sẽ dần được mở rộng.

Vượt qua được rào cản đầu tiên, tôi bắt đầu tìm kiếm thêm cơ hội giao lưu ở bên ngoài để nâng cao kỹ năng tiếng Nhật. Tôi đăng ký tham gia chương trình giao lưu quy mô dài ngày ở một tỉnh khác và ở homestay với người Nhật. Đó là trải nghiệm mà chắc chắn tôi của trước kia sẽ từ chối tham gia. Tôi được tiếp xúc với nhiều người đến từ nhiều quốc gia. Tôi được hòa vào cuộc sống sinh hoạt của người Nhật, được tiếp cận văn hóa, cách ứng xử, giao tiếp của họ trong đời thường. Tất nhiên tôi không tránh khỏi vài lần sai sót, nhưng tôi xem nó như những bài học cuộc sống quý giá. Tôi nghĩ là mình đã vượt qua được vùng sợ hãi và đang khám phá vùng học tập của mình.

Như vậy, khi vùng an toàn của bạn được mở rộng thì điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn học được các kỹ năng mới. Có như thế, bạn mới vượt qua các trở ngại và thử thách trong cuộc sống, tăng khả năng thích ứng với sự thay đổi của thời đại.

Nên làm gì trước và sau khi bước ra vùng an toàn?

Daniel Pink, tác giả của cuốn sách ăn khách “Drive: The Surprising Truth About What Motivates Us”, đã viết rằng: “Nếu bạn quá thoải mái, bạn sẽ không làm việc hiệu quả. Nếu bạn quá căng thẳng, bạn cũng không làm việc hiệu quả”. Vậy để bước ra vùng an toàn đúng cách, bạn nên làm những việc dưới đây.

Trước hết bạn không được nóng vội. Đừng vì mong mở rộng vùng an toàn nhanh mà vội vàng nhảy quá xa, để rồi tiếp đất thất bại. Ngay từ đầu bạn cần xác định tư duy “bước từ từ, nhưng phải bước mỗi ngày”.

Tiếp theo, bạn nên biết mình đang ở vùng nào. Khi đã xác định được rồi thì hãy phân tích xem mình có những điểm mạnh nào cần phát huy, điểm yếu nào cần khắc phục để thoát khỏi vùng bạn đang đứng và tiếp tục mở rộng ra. Nếu bạn vẫn đang ở vùng an toàn, tôi khuyên bạn nên bắt đầu bước ra bằng những hoạt động nhỏ mà bình thường không bao giờ muốn làm. Ví dụ như tham gia cuộc thi hùng biện hay tập dậy sớm chẳng hạn.

Môi trường xung quanh ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển bản thân. Nếu những người xung quanh bạn chỉ muốn ở trong vùng an toàn suốt quãng đời còn lại thì bạn khó tạo ra được những thay đổi tích cực. Điều bạn cần làm là đi tìm trải nghiệm trong môi trường mới. Tại đây, bạn sẽ gặp được những người có cùng chí hướng thoát khỏi và mở rộng vùng an toàn như bạn. Như vậy bạn sẽ có động lực và nguồn năng lượng tích cực hơn.

Mocirci trường xung quanh ảnh hưởng trực tiếp đến việc phaacutet triển bản thacircn Nếu cảm thấy mocirci trường hiện tại khocircng tạo được ảnh hưởng tiacutech cực hatildey mạnh dạn tigravem kiếm mocirci trường mới phugrave hợp hơn sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Môi trường xung quanh ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển bản thân. Nếu cảm thấy môi trường hiện tại không tạo được ảnh hưởng tích cực, hãy mạnh dạn tìm kiếm môi trường mới phù hợp hơn.

Cuối cùng, khi đã ra ngoài vùng an toàn và tiến đến những vùng khác, bạn nên duy trì sự cân bằng giữa cảm giác thoải mái và thử thách điều mới. Mở rộng vùng an toàn đồng nghĩa với việc mở rộng nơi khiến bạn cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, sau khi “chinh chiến” và giành được “lãnh thổ của địch”, nếu bạn sinh ra cảm giác thỏa mãn để rồi chủ quan chìm đắm trong sự thoải mái đó, bạn sẽ vô thức tự đi lùi và trở về vùng an toàn ban đầu lúc nào không hay.

Ngược lại, nếu bạn quá đam mê thách thức mình ở những trải nghiệm vượt quá giới hạn của bản thân thì sẽ dễ sinh ra căng thẳng, lo âu, gây tác dụng ngược. Cán cân nghiêng về bên nào cũng đem lại kết quả xấu, nên tốt nhất là giữ sự cân bằng, không ngủ quên trong chiến thắng và biết đâu là giới hạn của mình.

Có ai đó nói rằng: “Con tàu rất an toàn khi neo đậu ở cảng nhưng người ta đóng tàu không phải vì mục đích đó”. Tôi muốn bổ sung thêm là con tàu cũng có thể giảm thiểu sự nguy hiểm khi ra khơi nếu được đóng bằng vật liệu tốt, trang bị kỹ thuật tiên tiến và được chèo lái bởi người có kinh nghiệm. Bạn đã sẵn sàng nhổ neo để ra ngoài biển lớn chưa?

Bài viết này được thực hiện bởi Ngân Huỳnh.

Xem thêm:
[Bài viết] Câu thần chú giúp bạn yên tâm sống
[Bài viết] Khi thế giới quá bận rộn để lắng nghe bạn