6 tiếng đồng hồ với 'Oppenheimer - Bên trong vỏ kén vàng'
Cho dù là vĩ nhân hay người phàm, hai người đàn ông trong và Bên trong vỏ kén vàng đều rơi vào cuộc khủng hoảng hiện sinh và đối diện với nội tâm đang giằng xé của mình để trả lời cho câu hỏi, “ta là ai trong vũ trụ này?”
6 tiếng đồng hồ cho Oppenheimer và Bên trong vỏ kén vàng, vì vậy với tôi là một trải nghiệm điện ảnh khác thường. Hai bộ phim mà sau khi tập trung cao độ hoặc thả lỏng để đắm chìm vào chúng, tôi chợt thấy ưu tư bởi sự đa thanh và tiếng ngân vang của đoạn kết còn ở lại thật lâu...
Dĩ nhiên mọi sự so sánh giữa Oppenheimer và Bên trong vỏ kén vàng đều khập khiễng và đơn giản là không thể đặt lên bàn cân, giữa một bom tấn Hollywood với đạo diễn và diễn viên đều là ngôi sao hạng A và một bộ phim “arthouse” kiểu “điện ảnh độc lập” của Việt Nam, với một ê kíp sáng tạo trẻ tuổi gần như vô danh trước đó.
Tuy nhiên, việc trình chiếu hai bộ phim này trong cùng một thời điểm, và việc tập trung để thưởng thức chúng khiến tôi nhận ra một điểm tương đồng về cảm giác thưởng thức điện ảnh thuần túy. Cả hai tác phẩm xuất sắc này đều khiến tôi không ngừng suy tư về chúng, cả về tổng thể của bộ phim lẫn một khoảnh khắc bừng sáng nào đó, về niềm tin và đức tin của con người trước thế giới mà ta đang sống.
Lưu ý: Nội dung sau đây có thể tiết lộ nội dung phim.
"Ta là thần chết, kẻ huỷ diệt thế giới!"
Ba tiếng đồng hồ của Oppenheimer khiến ta phải tập trung cao độ để thưởng thức chúng, vì các mốc thời gian phi tuyến tính dễ gây đảo lộn, vì hệ thống nhân vật (và diễn viên tên tuổi) quá nhiều và vì cả những câu thoại dày đặc dễ gây phân tâm.
Nhưng “món quà” cho sự tập trung cao độ đó là ta được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh đỉnh cao, một trong những bộ phim rất hiếm mà nói như giới phê bình phương Tây, “không chỉ hay nhất mà còn quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta.”
Oppenheimer là một tác phẩm “tầm cỡ” ở tất cả mọi nghĩa; một bộ phim khiến ta nghĩ đến những tác phẩm lớn mà Hollywood từng mang đến cho khán giả, như Citizen Kane của Orson Welles, The Godfather của Francis Ford Coppola hay The Schindler’s List của Steven Spielberg. Mỗi bộ phim trong số này đều tạo nên những cột mốc cho điện ảnh, và tôi tin Oppenheimer cũng thế, vì đặt ra những chủ đề đầy sức nặng của thân phận con người trước thời đại mà họ sống.
Với tài năng kể và kiểm soát những câu chuyện lớn của con người trước một thế giới đầy biến động, Christopher Nolan đã làm nên một bộ phim đầy sức nặng về chủ đề, về tư tưởng mà kịch bản, diễn xuất, quay phim, nhạc nền, âm thanh… đều ở chất lượng đỉnh cao của chúng.
Tất cả sức nặng ấy được cộng hưởng đã làm nên một bộ phim về một vĩ nhân và một nạn nhân trong một ván bài chính trị, mà kẻ thua cuộc, dĩ nhiên thuộc về Oppenheimer, cho dù ông có thức tỉnh kịp thời đi nữa. Đó cũng chính là một bi kịch lớn của một Prometheus thời hiện đại.
Bộ phim mở đầu bằng một câu trích dẫn về vị thần Hy Lạp này: “Prometheus đã đánh cắp lửa từ các vị thần và trao nó cho con người. Vì điều này, anh ta bị xích vào một tảng đá và bị tra tấn vĩnh viễn."
Câu trích dẫn đó đã ngay lập tức thiết lập sức nặng cho chủ đề của bộ phim, đồng thời đưa ra tình thế lưỡng nan của J.Robert Oppenheimer, một nhà vật lý lý thuyết thiên tài bị giằng xé giữa mong muốn tạo ra một vũ khí nguyên tử giúp nước Mỹ chiến thắng trong Thế chiến thứ 2 (hay nói cách khác là kết thúc chiến tranh) nhưng đồng thời cũng gây ra những cái chết cho hàng trăm ngàn sinh linh vô tội ở bất cứ một đất nước nào khác.
Câu trích dẫn đó, phần nào đã được ảnh hưởng từ cuốn sách American Prometheus của hai tác giả, hai nhà sử học Kai Bird và Martin J. Sherwin mà Nolan chuyển thể (lấy chất liệu và cảm hứng thì đúng hơn), nhưng được đạo diễn đào sâu hơn để làm nổi bật tình thế hiện sinh của Oppeinheimer trước những câu hỏi đầy nhức nhối về niềm tin và đạo đức của ông.
Nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc và đau khổ này qua màn hóa thân của Cillian Murphy với đôi mắt sâu thẳm và đầy bất an đã lột tả rất nhiều nỗi ám ảnh của một thiên tài trước tình thế lưỡng nan của mình: Một thành tựu vĩ đại nhất đôi khi lại trở thành một niềm hối tiếc lớn nhất. Một anh hùng quốc gia đôi khi lại trở thành một kẻ tội đồ, phản quốc. Và hơn cả thế, là một “vĩ nhân” trong thân xác của một “người phàm”, giữa những lý tưởng cao cả và niềm vui xác thịt tầm thường như bao kẻ khác.
Rõ ràng ta hiểu được động cơ của Oppenheimer khi ông bước vào chính trường, trở thành giám đốc của phòng thí nghiệm Los Alamos để trở thành thủ lĩnh của dự án Manhattan. Nỗ lực chế tạo bom nguyên tử của ông hoàn toàn bị thúc đẩy bởi sứ mệnh đạo đức. Là một người Do Thái, ông hiểu hơn ai hết nỗi ám ánh nếu Đức quốc xã của Hitler phát triển một loại vũ khí khí có khả năng hủy diệt con người.
Thế nhưng, giai đoạn cuối của Thế chiến 2, khi Hitler đã thất bại và sự ám ảnh đã giảm nhẹ, Oppenheimer vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình, vì nghĩ rằng việc triển khai hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki sẽ chấm dứt chiến tranh ở Thái Bình Dương và tất cả các cuộc chiến khác, như câu nói của ông: “Họ sẽ không sợ nó cho đến khi họ hiểu nó. Và họ sẽ không hiểu nó cho đến khi họ sử dụng nó."
Nhưng đó là một niềm tin ngây thơ của Oppenheimer trong một bàn cờ chính trị nhiều toan tính của những kẻ cầm đầu nước Mỹ trong một thế giới đã xoay trục. Vừa kết thúc cuộc chiến ở Thái Bình Dương với Nhật Bản, họ đã nghĩ ngay tới cuộc chiến với Liên Xô, mà chỉ có vũ khí nguyên tử mới giúp họ chiến thắng. Không chỉ bom A, họ còn thúc đẩy việc chế tạo hom H, với sức mạnh hủy diệt gấp nhiều lần.
Trong bộ phim, Lewis Strauss (Robert Downey Jr.) là kẻ thúc đẩy Oppenheimer cho việc nghiên cứu này, nhưng bị ông từ chối, dẫn đến mối thù bất cộng đái thiên của tay chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ đối với Oppenheimer khi giật dây cho phiên điều trần an ninh, trong giai đoạn chủ nghĩa McCarthy cuồng loạn chống cộng sản đầu thập niên 50.
Bản thân Oppenheimer cũng trải qua một cuộc chiến nội tâm dữ dội giữa một nhà khoa học với mục đích chân chính, nhưng kết quả do ông tạo ra lại “hủy diệt thế giới”, như màn độc thoại nội tâm của ông: “Ta đã trở thành tử thần, kẻ hủy diệt hoàn cầu.”
Đó là một thứ cảm xúc choáng ngợp và đôi lúc khó diễn đạt được thành lời ở bên trong ông, khi chứng kiến niềm vui của người Mỹ đang ăn mừng chiến thắng và sự giày vò, ám ảnh đến cùng cực khi nghe tin rằng hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki có thể giết chết tới hơn 200.000 người dân vô tội Nhật Bản, tưởng tượng đến những nạn nhân bị “lột da” bởi sức tàn phá kinh hoàng của chúng…
Giữa một hệ thống nhân vật dày đặc với sự thủ vai của nhiều ngôi sao, diễn viên danh tiếng, tôi nhớ tới hai cuộc đối thoại rất ngắn trong phim, do hai diễn viên kỳ cựu đóng. Nó cũng thể hiện rất rõ sự mỉa mai sâu cay và ẩn ý của Nolan trong một bộ phim bom tấn mà sức mạnh về tâm lý của nhân vật và chủ đề tư tưởng của bộ phim vượt qua sức mạnh của chất hành động, điều khiến tác phẩm này khác biệt với các siêu phẩm trước đây của ông.
Cuộc đối thoại thứ nhất là Tổng thống Harry S. Truman (do nam diễn viên từng đoạt Oscar Gary Oldman đóng). Truman mời Oppenheimer đến Nhà Trắng để “khen thưởng” khi ông xuất hiện trên bìa báo Time với dòng tít “Cha đẻ của bom nguyên tử”. Oppenheimer có vẻ không vui vẻ gì với danh hiệu đó, ông nói rằng: “Bàn tay tôi đang nhuốm máu”; Truman thể hiện một hành động vừa đểu giả vừa lố bịch khi rút chiếc khăn tay và định trao nó cho ông.
Còn để đáp lại sự dày vò của Oppenheimer sau khi hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Truman bảo rằng: "Anh nghĩ rằng những kẻ đang chết ấy quan tâm đến ai là người chế tạo ra quả bom nguyên tử à, họ chỉ quan tâm đến người ra lệnh thả nó xuống, và người đó là tôi". Và sau khi Oppenheimer rời Nhà Trắng, Truman gọi ông là "crybaby" (đừng bao giờ để gã mít ướt ấy đến gặp tôi một lần nữa.)
Đối lập với cuộc đối thoại giúp Oppenheimer nhận ra bản chất thực sự của chính trị, một đoạn thoại khác ở cuối phim, giữa Oppenheimer và Albert Einstein (do diễn viên kỳ cựu người Scotland Tom Conti đóng), như một lời nhắn gửi sâu xa của vĩ nhân đã qua thời cho một tài năng đương thời. Chỉ vài câu ngắn ngủi, được ẩn giấu trong suốt bộ phim và để lại một tiếng vang đa thanh cho đoạn kết.
“Khi họ trừng phạt anh đủ rồi, họ sẽ phục vụ anh món salad cá hồi và khoai tây, cho anh đọc diễn văn, trao huân chương và vỗ vào lưng anh nói rằng tất cả đã được tha thứ. Nhưng hãy nhớ rằng, họ làm điều đó không phải dành cho anh, mà cho chính họ!”
Đó cũng là lúc ta nhận ra, thiên tài hay vĩ nhân nào cũng vậy thôi, cuối cùng cũng chỉ là một quân cờ trong bàn tay của quyền lực chính trị.
Và quyền lực đó, “luôn ở trong bóng tối”, như câu nói của tay chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ Lewis Strauss qua màn diễn xuất tỏa sáng của Robert Downey Jr.!
Ta có bỏ rơi linh hồn mình?
Xem Oppenheimer khiến tôi phải tập trung cao độ để theo dõi bộ phim, vì nếu bỏ lỡ một khoảnh khắc, một đoạn đối thoại nào đó, ta có thể bị bỏ qua một phân đoạn quan trọng được đạo diễn cài cắm ở đó. Còn với Bên trong vỏ kén vàng, 3 tiếng đồng hồ của bộ phim thuần Việt này khiến tôi thực sự chìm đắm vào thứ khí quyển điện ảnh nửa hư nửa thực của nó. Cũng là sự tập trung, nhưng sự tập trung trong Vỏ kén vàng khiến tôi được thả lỏng, được chiêm nghiệm, được “thiền” trong một thứ điện ảnh thuần khiết theo kiểu nước chảy mây trôi.
Nếu Oppenheimer cho ta thấy bi kịch của một vĩ nhân trước những xung đột dữ dội về đạo đức thì Bên trong vỏ kén vàng là những chất vấn nội tâm của một “người phàm” trước cuộc khủng hoảng mang tính hiện sinh về đức tin và giá trị sống của anh ta.
Cuộc khủng hoảng đó, có thể có ở bất cứ một ai trong chúng ta và phần nào cũng giống như lời tự sự của đạo diễn Phạm Thiên Ân trong bài trả lời phỏng vấn của tôi trên Vietcetera:
“Khi còn trẻ, tôi vào Sài Gòn để học và làm việc. Không nhận ra, tôi đã dấn thân vào một cuộc chạy đua vô nghĩa, nó lặp đi lặp lại để kiếm tiền và đạt được thành công. Cuối cùng tôi đối mặt với không có gì ngoài sự thất vọng, bối rối và bất an.
Để thoát khỏi, tôi cảm thấy cần phải trở nên sáng suốt hơn, trở thành một con người mới và sống thật với chính mình. Tôi phải đấu tranh chống lại những cám dỗ trống rỗng ngay từ đầu đã lôi kéo tôi vào vòng tròn bất tận này
Với Bên trong vỏ kén vàng, tôi muốn xem hành trình của một người đàn ông trở về quê hương dẫn anh ta kết nối lại với quá khứ của mình như thế nào. Lần trở về quê hương này cho thấy mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, giữa đức tin mà anh ấy đã bỏ bê và một cuộc sống hiện tại vô cùng bất mãn.
Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều hướng về tinh thần để vượt qua sự hối hả của xã hội hiện đại bề ngoài. Dù tin vào Chúa hay không, người ta không tránh khỏi việc đặt câu hỏi mình là ai trong vũ trụ này”.
Cuộc “chạy đua vô nghĩa” đó, ta có thể thấy rõ trong khoảng 30 phút đầu tiên của bộ phim, với Thiện, một gã thanh niên làm nghề quay phim/chụp ảnh đám cưới với thứ công việc tẻ nhạt, khuôn mẫu mà anh ta chán ghét; với những thú vui vô bổ, tầm thường trong một đời sống đô thị mà anh ta không thể ngoài cuộc.
Và cái chết bất thình lình vì tai nạn của người chị dâu khiến Thiện sực tỉnh và nhận ra sự trống rỗng như kẻ đánh mất linh hồn của mình. Hành trình đưa linh cữu của người chị dâu trở về quê để tổ chức đám tang theo nghi lễ của Thiên Chúa giáo, vì vậy cũng là một hành trình kết nối giữa “thân” và “tâm” của Thiện, với một thứ đức tin mà anh ta đã bỏ bê từ lâu rồi.
Tối giản mà tinh tế, tự nhiên mà chắt lọc, hiện thực mà chạm vào siêu nghiệm, Phạm Thiên Ân đã thể hiện những tố chất tài năng hàng đầu của một đạo diễn phim theo dòng điện ảnh chậm, điện ảnh thơ, điện ảnh thiền.
Ở đó, một khung hình có khả năng đánh thức cảm giác và khơi gợi nhiều suy tưởng từ bên trong, chứ không nhất thiết phải mang tới một cái nghĩa nào đó. Những cú máy dài miên man, tĩnh, hoặc chuyển động rất chậm, những âm thanh tự nhiên của cuộc sống được vang lên ở hậu cảnh, đều có khả năng tạo tác một cảm giác siêu hình hoặc đánh thức một cảm giác nào đó ở trong ta, đôi lúc “cảm” thật rõ nhưng thật khó để nắm bắt.
Tôi nhớ chiếc mỏ há ra chờ thức ăn của con chim non lạc mẹ và bốn bàn tay của hai cậu cháu Thiện chôn nó, ánh mắt hoảng loạn của đàn trâu trong cánh rừng buổi sáng, tiếng gà gáy sáng chênh chao, tiếng quẫy nước của những con cá mắc cạn trong chiếc chậu cạn và nông. Nhớ con đường dài quanh co buổi sáng chìm trong thứ sương mù dày đặc của vùng cao được chiếu sáng bởi ánh đèn pha ngược chiều, nhớ một cung đường khác có một kẻ qua đường dừng lại giúp đỡ một kẻ đơn độc hỏng xe dọc đường…
Tôi nhớ cảnh bước chân xiêu vẹo trong một tâm thế vật vã của Thiện của một buổi sáng mưa trên con đường mòn dấp dính, rồi chuyển sang một cảnh như thanh lọc thanh tâm với đàn bướm trắng con đậu con bay chấp chới trên tàng cây cổ thụ. Cảnh phim siêu nghiệm đó khiến tôi nhớ tới một câu nói, rằng, loài bướm là minh chứng của tạo hóa cho chúng ta cơ hội được sống một cuộc đời mới.
Xem Bên trong vỏ kén vàng khiến tôi nhớ tới nhiều bộ phim thuộc dòng điện ảnh siêu nghiệm nơi hiện thực đôi khi hòa trộn vào giấc mơ, quá khứ và hiện tại đan xen để cùng nhập vào một dòng suy tưởng miên man không bến bờ của nhân vật, như Eternity and a Day (Thiên thu và một ngày) của bậc thầy điện ảnh Hy Lạp Theodoros Angelopoulos, một đạo diễn mà Phạm Thiên Ân thừa nhận chịu nhiều ảnh hưởng.
Tạm Kết
Trong kiệt tác kinh điển từng đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1998, tôi nhớ mãi một đoạn độc thoại của nhân vật nam chính, người đàn ông cũng đang trong cuộc khủng hoảng hiện sinh, nói với người mẹ đang nằm trên chiếc giường bệnh chờ chết mà như bộc bạch với chính mình:
“Mẹ ơi, tại sao không có gì xảy ra như chúng ta mong cầu? Tại sao người ta phải thối rữa trong sự im lặng giằng xé giữa nỗi đau và sự ham muốn? Tại sao con lại phải sống một cuộc đời lưu vong? Mẹ ơi hãy nói cho con biết tại sao con người không thể học cách yêu thương?”
Có những bộ phim điện ảnh mà sau khi xem xong, chúng ta không ngừng ngẫm nghĩ hoặc suy tư về chúng, vì dường như chúng đã “chạm” hoặc “đánh thức” một điều gì đó sâu kín bên trong ta.
Và 6 tiếng đồng hồ của hai bộ phim Oppenheimer & Bên trong vỏ kén vàng đã “chạm” vào tôi như thế, theo cách hoàn toàn khác nhau.