7 Kiểu hấp dẫn lý giải cách mà bạn thích một người
Trong tâm lý học, định nghĩa của “hấp dẫn” là sự quan tâm và yêu thích của một cá nhân này tới một cá nhân khác, hoặc sự quan tâm và yêu thích lẫn nhau giữa hai hoặc nhiều cá nhân. Thông thường khi nói đến sự hấp dẫn, chúng ta hay liên tưởng đến hấp dẫn về ngoại hình, tình cảm lãng mạn hay tình dục. Nhưng trên thực tế, sự hấp dẫn cũng có nhiều phiên bản khác nhau mà bạn có thể đã trải qua nhưng chưa gọi tên.
Sau đây là tên gọi và tính chất của 7 kiểu hấp dẫn trong cuộc sống của bạn. Biết được kiểu hấp dẫn của mình, bạn có thể dễ dàng phân loại mối quan hệ để lựa chọn hành động chăm sóc phù hợp.
1. Hấp dẫn tình cảm lãng mạn (romantic attraction)
Hấp dẫn tình cảm lãng mạn là mong muốn được ở trong mối quan hệ lãng mạn với người bạn yêu. Tình cảm lãng mạn trong kiểu hấp dẫn này sẽ thúc đẩy hai bạn hướng tới mối quan hệ có tính cam kết cao hơn như hẹn hò, kết hôn, xây dựng gia đình và con cái,…
Bạn cần lưu ý, kiểu hấp dẫn này hoàn toàn đơn thuần là tình cảm lãng mạn và không nhất thiết phải kèm theo sự hấp dẫn tình dục. Ví dụ khi bạn thích một người nổi tiếng, bạn có thể cảm nhận được hấp dẫn ngoại hình của họ nhưng không hề muốn lập gia đình vì đơn giản bạn không có hấp dẫn tình cảm lãng mạn với người đó.
Nếu bạn không cảm thấy mình có kiểu hấp dẫn này với bất cứ ai, đừng quá lo lắng vì bạn có thể là một người vô ái (aromantic). Người vô ái vẫn có nhu cầu kết nối xã hội thông thường qua những mối quan hệ tình bạn, gia đình. Họ chỉ đơn giản không có nhu cầu hẹn hò hay kết hôn và vẫn có cuộc sống tinh thần khỏe mạnh như tất cả các xu hướng tính dục khác.
2. Hấp dẫn ngoại hình (aesthetic attraction)
Có thể nói, sự hấp dẫn ngoại hình là loại hấp dẫn phổ biến nhất vì nó trực tiếp thu hút thị giác của chúng ta. Ngoại hình thu hút thường được liên hệ với những ưu điểm về mặt xã hội như thông minh, khỏe mạnh, đáng tin cậy và hòa đồng. (Nguồn: nobaproject.com)
Thực tế, bản chất cốt lõi của hấp dẫn ngoại hình chỉ gồm yếu tố thẩm mỹ. Khi bạn khen một người đẹp, không nhất thiết là bạn muốn tiếp xúc vật lý hay tình cảm với họ. Bạn thấy họ hấp dẫn đơn thuần vì bạn cảm thấy ngoại hình người đó hợp với cảm quan thẩm mỹ của mình – giống với việc bạn thưởng thức một bức tranh đẹp.
Tuy nhiên, hấp dẫn ngoại hình lại là một chất hóa học (chemistry) xúc tác cho khá nhiều hấp dẫn khác như tiếp xúc vật lý, cảm xúc, tình cảm lãng mạn, tình dục. Vì khi tiếp xúc với người có ngoại hình hấp dẫn (cụ thể như một gương mặt đẹp) não bộ sẽ kích thích cơ chế trao thưởng bằng dopamine – chính là loại hormone tạo ra sự hưng phấn của tình yêu trong não bộ.
3. Hấp dẫn tình dục (sexual attraction)
Hấp dẫn tình dục là cảm giác hoặc mong muốn về tình dục với một đối tượng, thường là với đối tác tình dục hoặc người yêu. Cụ thể hơn, hấp dẫn tình dục là sự thôi thúc được kết nối thể xác và tâm hồn với một người thông qua hoạt động quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, sự khao khát này của bạn sẽ khác biệt giữa những đối tượng, hoàn cảnh trong những thời kỳ khác nhau. Vì qua thời gian, nhận thức của mỗi người đều sẽ phải thay đổi. Từ đó, tiêu chuẩn tạo nên sự hấp dẫn tình dục của bạn cũng sẽ biến động theo trong quá trình bạn trưởng thành.
Ví dụ, sự hấp dẫn tình dục của bạn năm 20 tuổi có thể đến từ ngoại hình, cách nói chuyện “thả thính” hài hước, trẻ trung. Nhưng khi đã qua 30, những đặc điểm này với bạn có thể sẽ không còn quá hấp dẫn nữa mà thay vào đó sẽ là sự tinh tế hay kinh nghiệm từng trải của bạn tình.
Những người không cảm thấy hấp dẫn tình dục với người khác được gọi là người vô tính (asexual). Cũng tương tự như người vô ái, những người vô tính vẫn có thể cảm nhận các kiểu hấp dẫn khác bình thường.
4. Hấp dẫn tiếp xúc vật lý (physical attraction)
Hấp dẫn tiếp xúc vật lý còn gọi là hấp dẫn gợi cảm là trạng thái được chăm sóc, quan tâm đối xử bằng hành động mang đầy tình cảm yêu thương. Sự hấp dẫn này có mặt ở cả các mối quan hệ có và không có yếu tố lãng mạn (bạn bè, gia đình và cả thú cưng).
Thuở bé, chúng ta nhận được rất nhiều sự hấp dẫn này từ bố mẹ khi được họ chăm sóc. Khi lớn lên, chúng ta trao nhau những cái ôm động viên giữa bạn bè, đồng nghiệp. Đi làm về, bạn về nhà vuốt ve bé thú cưng của mình để giải tỏa âu lo. Tất cả điều đó đều là những biểu hiện của sự hấp dẫn tiếp xúc vật lý trong thực tế.
Một điều bạn cần đặc biệt lưu tâm trước khi tiếp xúc vật lý với bất cứ đối tượng nào là đảm bảo họ đã đồng thuận với bạn. Hãy lịch sự đặt câu hỏi xin phép trước khi chạm vào họ, nếu không bạn sẽ gây hiểu lầm mình đang xâm phạm đến quyền riêng tư thân thể của người khác.
5. Hấp dẫn tình bạn (platonic attraction)
Hấp dẫn tình bạn là loại hấp dẫn bạn dành cho một người không vì bản năng tình cảm hay tình dục mà chỉ đơn thuần bạn yêu mến bản chất con người họ (Psychologytoday.com). Đây cũng là kiểu hấp dẫn cơ bản nhất giữa con người với nhau. Tình bạn, trong quan niệm của người Hy Lạp còn được coi là một loại tình yêu với tên gọi Philia.
Để có cho mình những tình bạn chất lượng, hãy dành cho nhau sự sẵn sàng thấu hiểu khi cần thiết. Vì đừng quên tình bạn chính là một yếu tố quan trọng trong vòng tròn mối quan hệ hỗ trợ cho bạn trước muôn vàn thử thách từ cuộc sống.
6. Hấp dẫn cảm xúc (emotional attraction)
Hấp dẫn cảm xúc là mong muốn được thể hiện cảm xúc với người còn lại, thường qua hành động tâm sự, trải lòng.
Mấu chốt cho một mối quan hệ tạo ra nhiều hấp dẫn cảm xúc chính là niềm tin. Vì thế, hãy luôn chân thành trong bất cứ mối quan hệ nào có sự hấp dẫn cảm xúc. Ngoài ra, bạn nên xây dựng hệ thống mối quan hệ mà bạn được thoải mái thể hiện cảm xúc chân thật nhất như gia đình, bạn thân, người yêu,... Hệ thống đó chính là nền tảng cho một đời sống tinh thần khỏe mạnh về lâu dài của bạn.
7. Hấp dẫn trí tuệ (intellectual attraction)
Kiểu hấp dẫn này có phần “khác hệ” với các kiểu hấp dẫn trên vì nó yêu cầu điều kiện tinh thần ở mức độ cao là trí thông minh của người đó.
Để bạn dễ hình dung hơn, khái niệm “sapiosexual” là một biểu hiện của kiểu hấp dẫn này. Thay vì mong muốn thân mật, người thuộc kiểu hấp dẫn này lại thích trò chuyện về những chủ đề "khó nhằn" như điện ảnh, triết học, chính trị,... Họ thưởng thức việc hiểu biết và tư duy của mình được thách thức.