7 Từ tiếng Anh để hiểu về sự kiện Trung Quốc cấm Bitcoin
Sau nhiều lần bày tỏ thái độ không hài lòng với cơn sốt Bitcoin, Trung Quốc lần này đã thẳng tay đưa ra lệnh cấm toàn diện với việc sử dụng tiền mã hóa ở quốc gia này.
Trung Quốc một lần nữa đưa ra lệnh truy quét và cấm toàn bộ các giao dịch liên quan tới tiền mã hóa (crypto). Những hoạt động này bao gồm cả việc khai thác, trao đổi và giao dịch. Theo như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), những người vi phạm "sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra lệnh cấm khi từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu tuyên chiến với thị trường tiền mã hóa. Những quy định mới lần này được cho là mạnh mẽ hơn khi tấn công trực diện vào thị trường tiền mã hóa. Nhất là khi hiện tại Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ giao dịch và khai thác Bitcoin cao nhất thế giới.
1. Financial Sector (Khu vực tài chính)
Khu vực tài chính là một bộ phận cấu thành nền kinh tế, được tạo ra từ những công ty cung cấp dịch vụ giao dịch tài chính (chuyển tiền, gửi tiết kiệm, cho vay,...). Những khu vực này bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và bất động sản.
Trung Quốc cho rằng sự tồn tại của các giao dịch phi tập trung của tiền mã hóa có khả năng tạo ra rủi ro cho khu vực tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Các giao dịch tiền mã hóa có đặc điểm là dễ dàng, khó truy vết và không tốn phí mấy khiến nó trở thành đối thủ mạnh so với các hình thức giao dịch truyền thống.
Fan Yifei, Phó thống đốc PBOC, cho biết Trung Quốc lo ngại về mối đe dọa gây ra bởi sự phát triển các loại tiền kỹ thuật, nhất là khi nó nằm ngoài hệ thống tài chính được quản lý. Các giao dịch bất hợp pháp, đầu cơ hay rửa tiền bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành mối đe dọa cho sự phát triển bềnh vững của nền kinh tế Trung Quốc.
2. ICO (Đợt phát hành coin đầu tiên)
ICO (Initial Coin Offering) có định nghĩa tương tự như khái niệm IPO trong chứng khoán. Khác biệt duy nhất là việc huy động vốn lần đầu thực hiện qua tiền điện tử thay vì cổ phiếu. Các dự án, sản phẩm mới (đa phần là game) đang phát triển thường sử dụng phương thức này để kêu gọi vốn từ nhà đầu tư qua nhiều đợt bán khác nhau.
Năm 2017, 90% tổng giao dịch Bitcoin toàn cầu tới từ Trung Quốc. Điều này đã khiến Bắc Kinh lo ngại và quyết định cấm ICO. Tuy nhiên, lệnh cấm này dường như không hiệu quả khi các nhà đầu tư cá nhân vẫn có thể giao dịch trên các sàn nước ngoài.
3. Blanket Ban (Lệnh cấm toàn diện)
Blanket Ban là một lệnh cấm có quy mô lớn, tác động lên mọi đối tượng trong một nhóm hoặc khu vực. Khác với những quy định trong quá khứ, lệnh cấm mới của Trung Quốc mạnh tay đàn áp sức ảnh hưởng của tiền mã hóa.
Cụ thể, lần này có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý mạnh mẽ bao gồm cả ngân hàng trung ương, đánh thẳng vào không chỉ Bitcoin mà còn các loại tiền mã hóa khác. Nó tạo áp lực lên cả các doanh nghiệp, cổ phiếu có liên quan tới tiền mã hóa.
4. CBCD ( Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương)
CBDC (Central Bank Digital Currency) là tiền tệ kỹ thuật số được phát hành bởi ngân hàng trung ương của một quốc gia - trong trường hợp của Trung Quốc là PBOC. Đây chính là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.
Lệnh cấm toàn diện của Trung Quốc lên tiền mã hóa được cho là tạo điều kiện cho việc phát triển đồng Nhân dân tệ số (digital renminbi). Không như Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác, thứ vốn hoạt động mà không phụ thuộc vào sự kiểm soát của một bên nào, CBDC chịu kiểm soát bởi chính phủ.
Ngân hàng trung ương vốn sở hữu quyền lực có khả năng điều phối và kiểm soát tiền mặt của một quốc gia cũng như thiết lập chính sách tiền tệ. Vậy nên, chính phủ cũng có thể ngăn chặn các giao dịch tài chính bất hợp pháp.
Theo Forbes, Trung Quốc phát triển CBCD với mục đích muốn dành lấy vị trí đơn vị tiền tệ thương mại toàn cầu của USD trong tương lai.
5. Stablecoin (Đồng tiền ổn định)
Stablecoin là một loại tiền kỹ thuật số có giá trị ổn định cao, dựa trên một tài sản như vàng hay tiền pháp định (fiat currency) như USD, EUR. Chính vì lý do này mà stablecoin có tính chất toàn cầu và ít biến động (volatility).
Stablecoin vẫn nằm trong danh sách bị cấm giao dịch của Trung Quốc dù nó không gây ảnh hưởng trực tiếp lên đồng Nhân dân tệ. Có thể thấy stablecoin đã bắt đầu bị các nhà cầm quyền để ý khi mà trước đây các lệnh cấm chủ yếu chỉ xoay quanh Bitcoin hay Etherium.
6. Hash rate (Tỷ lệ “băm")
Hash rate là tốc độ mà thiết bị “đào" tiền mã hóa hoạt động. Nói cách khác đây là thước đo khả năng và sức mạnh của máy tính được dùng để giải các thuật toán. Phần thưởng khi giải các thuật toán này chính là tiền mã hóa.
Tới tháng 4 năm nay thì tỷ lệ đào coin của Trung Quốc vẫn chiếm tới 46% trên thế giới. Tuy nhiên, trước những lệnh cấm dồn dập từ đầu năm 2021, rất nhiều “thợ mỏ" đã phải chuyển nhà sang nước khác. Những đòn tấn công này cũng đã dẫn tới sự tụt giảm của hash rate cũng như giá trị của cá đồng tiền mã hóa trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Sparkpool, bể khai thác tiền mã hóa Ethereum lớn thứ 2 thế giới vừa qua cũng đã đưa ra quyết định tạm dừng quyền truy cập của các thành viên ở Trung Quốc sau lệnh cấm.
7. Energy efficiency (Hiệu suất năng lượng)
Energy efficiency đề cập đến việc sử dụng năng lượng cần thiết cho các sản phẩm và dịch vụ một cách hợp lý và tiết kiệm. Việc khai thác và giao dịch Bitcoin lại tạo ra lượng khí thải carbon lớn ra ngoài môi trường. Bill Gates cũng từng nói rằng các giao dịch này tốn điện năng hơn bất kỳ cách giao dịch nào mà nhân loại từng biết.
Trước lệnh cấm, 75% hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn thế giới tập trung ở Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số carbon của nước này. Tiền mã hóa vốn đã là cái gai trong mắt chính phủ Trung Quốc từ trước nay lại trở thành quả tạ, ngăn cản Trung Quốc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030.