7749 Chuyện khôi hài về giáo dục giới tính cách đây 2 thập kỷ

Không biết ngày xưa, các phụ huynh hay các cô chú của Gen Z đã học giáo dục giới tính thế nào?
Sơn Hoàng
Nguồn: SGK Sinh học 8

Nguồn: SGK Sinh học 8

Để không còn những câu chuyện bi hài như ngày nay vẫn có nhiều người cảm thấy sợ sệt ngay cả khi tìm hiểu về cơ chế tình dục của cơ thể mình, giáo dục giới tính phải được coi trọng. Nhưng đề cập đến chuyện tình dục trong sư phạm chưa bao giờ là dễ dàng, dù là ngày nay hay ngày xưa.

Trong quá khứ, giáo dục giới tính cũng là một vấn đề nóng hổi. Đằng sau những chương trình giáo dục hiện đại là hơn hai thập kỷ chật vật của nền giáo dục Việt Nam trước câu hỏi: dạy những gì, và dạy thế nào về vấn đề sinh sản và nam-nữ?

Trong hai thập kỷ ấy, đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng cũng có những lầm tưởng khiến học sinh hiểu sai, thậm chí hoang mang và sợ hãi về cơ thể của mình cũng như của người khác giới. Để gỡ bỏ những ẩn ức đó và hướng tới một chương trình giáo dục giới tính hoàn thiện hơn, ta cần nhìn lại xem người ta đã nói và dạy những gì trong hai thập kỷ bối rối ấy.

Học về giới tính trên... báo

Vào những năm cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này, người ta đã nói về một cuộc “cách mạng” giáo dục giới tính. Tỉ lệ nạo phá thai và HIV/AIDS tăng vọt trong lứa tuổi vị thành niên khiến các nhà giáo dục và nhà nghiên cứu nhận ra rằng họ không thể tiếp tục lảng tránh vấn đề giáo dục giới tính bằng những thứ như “sinh ra từ nách” được nữa.

Dù sớm đặt vấn đề nhưng tới những năm 2000, nhiều nhà giáo vẫn lảng tránh không dạy về giới tính, và đây tiếp tục là lỗ hổng lớn trong tri thức của nhiều học sinh. Hầu hết các tiết học về giới tính, sinh sản, và đặc điểm nam nữ được các giáo viên gói gọn trong hai từ: tự học. Ngay cả khi dạy, nhiều giáo viên chỉ “dạy rất qua loa, đại khái” và “nói một cách ngượng ngùng.”

Vào năm 1999, Báo Hoa Học Trò khi đó đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn về thái độ của học sinh với giáo dục giới tính. Phần đông người được hỏi, đặc biệt là nữ giới, cho rằng tiết học này khá “kinh dị” và làm họ “ngượng chín cả mặt,” trong khi các bạn nam thì “rú lên ầm ầm.”

Bên cạnh đó, dường như chương trình giáo dục giới tính tập trung vào nữ nhiều hơn nam. Đó là chia sẻ của một học sinh mang tên T.T với báo Hoa Học Trò vào năm 2004, rằng nếu không có chương về sinh sản trong chương trình Sinh học 9, thì có lẽ các bạn nam chẳng rõ mình sinh ra bằng cách nào.

Cách tiếp cận mập mờ và phương pháp không phù hợp khiến các học sinh của 20 năm trước không những ghét bỏ giáo dục giới tính, mà trở nên hoàn toàn xa lạ với cơ thể của mình. Sự xa lạ này nghiêm trọng tới mức có bạn đã thốt lên sau khi đọc các kiến thức về giới tính và sinh sản trên báo rằng “ngỡ họ đang viết về một loài người khác, chứ không phải loài người trên hành tinh chúng ta.”

Vậy nếu trường học không thể giải đáp thỏa đáng câu hỏi về giới tính, thì những học sinh của 20 năm trước học ở đâu? Câu trả lời nằm ở các chuyên mục giải đáp và tư vấn trên các báo như Hoa Học Trò với mục Chuyện riêng tư hay Mực Tím với Tuổi chúng mình.

Trên những trang viết này, các kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản bước ra từ những trang sách khô khan và biến thành những thông tin sinh động và dễ tiếp nhận cho các bạn trẻ.

Từ gỡ rối những thắc mắc như “khi nào con trai bắt đầu có rừng rậm nhiệt đới” tới các phóng sự về giáo dục giới tính ở các quốc gia trên thế giới, những chuyên mục này trở thành nơi cung cấp những mảng kiến thức mà nhiều phụ huynh và nhà trường còn lảng tránh.

Cần cởi mở thay vì mập mờ và cấm đoán

Trên thực tế, người ta đã đặt ra vấn đề giáo dục giới tính từ đầu những năm 90. Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện còn lưu trữ một bản luận án phó tiến sĩ từ năm 1991 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội mang tên Những yếu tố tâm lý trong sự chấp nhận giáo dục giới tính của thanh niên học sinh, cho thấy cuộc thảo luận về giáo dục giới tính đã sớm xuất hiện trên bình diện nghiên cứu.

Tuy nhiên, giáo dục giới tính không chỉ có chuyện sinh nở, chuyện dương vật và âm đạo, mà còn là các quan niệm về tình yêu, tình dục, cũng như các kỳ vọng về chuyện nam và nữ phải hành xử như thế nào. Ở giai đoạn vắt giữa hai thế kỷ, nơi tư duy cũ về tình dục và tình yêu còn đậm nét, người ta thường coi tình dục như một thứ “taboo.”

Ví như năm 2002 tại Hà Nội, có một tư tưởng mang tên “Yêu sạch” nhằm ngăn chặn quan hệ tình dục trước hôn nhân như một biện pháp giảm tỉ lệ nạo phá thai ở giới trẻ. Bên cạnh việc cổ vũ tình dục an toàn, tư tưởng này nhấn mạnh vào thứ “tình yêu không tình dục.” Tình dục trở thành vùng cấm không thể chạm tới, tới mức người ta cố tách nó ra khỏi chuyện nam nữ bằng một lý do khá ngược đời: “Để tình yêu là mãi mãi.”

Không rõ tư tưởng này có sức lan tỏa tới đâu, nhưng vấn đề quan hệ tình dục tuổi vị thành niên thì vẫn nóng hổi. Hoa Học Trò từng kể nhiều câu chuyện về những cặp đôi bắt chước băng đĩa vì tưởng rằng “còn bé thì không việc gì,” hay đáng buồn hơn là câu chuyện có bầu nhưng “không biết ai là tác giả” vì quan hệ với nhiều người cùng một lúc.

Chính tâm lý cấm đoán, mập mờ, và lảng tránh chủ đề tình dục đã đẩy trí tò mò của các bạn nhỏ lên một giới hạn mới. Việc này không những vô tình thúc đẩy giới trẻ “tự tìm hiểu với nhau,” mà còn khiến kiến thức về tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản bị xem nhẹ. Hệ quả là chúng ta có những trường hợp như bạn H. sau đây:

Do quan niệm cấm kỵ về tình dục, môn học giáo dục giới tính vốn rất nhạy cảm và cần nhiều sự tinh tế, trở thành môn học khô khan nặng về kiến thức thuần túy. Học sinh được xem băng hình về kinh nguyệt, được biết bao cao su trông như thế nào, nhưng tuyệt nhiên không ai giải thích tại sao phải đeo bao, và cũng chẳng ai nói gì về quan hệ tình dục an toàn.

Việc coi giáo dục giới tính đơn thuần là sự truyền thụ kiến thức đã làm mất đi khía cạnh thấu cảm cần thiết giữa người học và người dạy trong một chủ đề nhạy cảm. Chính vì thế, cả học sinh lần giáo viên đều không cảm thấy an toàn khi học và dạy về tình dục và giới tính.

Để giáo dục giới tính không còn là nỗi ám ảnh

Không nhiều người biết rằng từ những năm 30 của thế kỷ trước, có một cái tên đã miệt mài chứng minh tầm quan trọng của giáo dục giới tính và sự cởi mở về chủ đề tình dục, đó là Vũ Trọng Phụng. Các tác phẩm như Lục xì (1937) hay Làm đĩ (1936) đã công khai nói về các chủ đề mại dâm, yêu đương nam nữ, ham muốn của con người, hay các vấn đề giới tính.

Thời ấy, người ta đã chê Vũ Trọng Phụng là tà dâm, là ô uế, là xuyên tạc. Người ta không muốn ông nói lớn, nói to về chuyện tình dục và giới tính và lo sợ rằng tiểu thuyết, phóng sự của ông sẽ đầu độc giới trẻ. Quan điểm của Vũ Trọng Phụng ngược lại hoàn toàn: muốn giới trẻ hiểu đúng về tình dục, phải nói thật to và thật rõ.

Ngày nay, người ta đã nghĩ khác về giáo dục giới tính. Nhưng câu chuyện của Vũ Trọng Phụng vẫn mang tính thời sự, bởi các quan niệm cũ về tình dục như một thứ cấm kỵ có thể ngăn cản chúng ta nói chuyện với giới trẻ một cách an toàn và cởi mở về phổ chủ đề này.

Lợi thế của chúng ta so với Vũ Trọng Phụng là công nghệ và tri thức. Chỉ cần cởi mở và thay đổi quan niệm, thì những công nghệ và tri thức ấy sẽ khiến giờ học giáo dục giới tính không còn ám ảnh, thay vào đó sẽ là không gian an toàn cho các bạn trẻ tìm hiểu về bản thân mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục