09 Thg 05, 2021Cuộc SốngThương

8 Nỗi ám ảnh khiến tình yêu chẳng hề dễ dàng

Philophobia - nỗi sợ tình yêu - khiến một người thấy khó khăn khi hình thành cảm giác gắn bó với người khác. Ngoài ra còn những phobia phổ biến nào về tình yêu?
Trân Lê
Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Theo Merriam-Webster phobia là nỗi sợ quá mức, phi logic và không thể giải thích trước một đồ vật, con vật và tình huống cụ thể. Chẳng hạn như sợ nhện, sợ lỗ, sợ đứng trước đám đông,... Một người sẽ cảm thấy khó thở, tim đập nhanh, mồ hôi túa ra khi tiếp xúc với điều mình sợ hãi tột độ.

Nhưng bạn có biết ngay cả tình yêu, điều thường được nhìn nhận là đẹp đẽ, cũng gây nên lắm nỗi sợ? Sau đây là 8 loại phobia khiến tình yêu trở nên khó khăn với nhiều người.

1. Philophobia - Sợ tình yêu

Philo bắt nguồn từ chữ “filos” có nghĩa là “yêu hoặc được yêu”. Người mắc philophobia có nỗi sợ trong việc hình thành cảm giác gắn bó với người khác.

Mở lòng là một điều khó khăn đối với người có nỗi sợ này. Vì thế, họ khước từ tình cảm với người khác hoặc không thể duy trì mối quan hệ nào lâu dài.

Những người đã từng trải qua mối quan hệ độc hại hoặc thất bại trong tình cảm có thể hình thành chứng philophobia. Chứng kiến cảnh bố mẹ mình cãi vã, bạo lực và tan vỡ cũng dẫn đến việc sợ yêu.

2. Philemaphobia - Sợ hôn

Trong tiếng Hy Lạp, từ “philema” có nghĩa là “hôn”.

Hôn là một cử chỉ thể hiện sự thân mật trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Lo âu trước khi phải hôn ai đó là một điều hết sức bình thường, đặc biệt nếu bạn có ít kinh nghiệm. Nhưng đối với người mắc philemaphobia, chỉ nghĩ đến việc hôn hoặc nhìn thấy cảnh hôn trên TV cũng khiến họ rùng mình.

Nguyên nhân của philemaphobia khá đa dạng, mà thường là từ nỗi sợ khác. Một số thì bắt nguồn từ nỗi sợ vi trùng (mysophobia) và cho rằng việc hôn tiềm ẩn nguy cơ truyền bệnh. Số khác thì quan ngại về vấn đề vệ sinh răng miệng và hơi thở của mình hoặc đối tác. Ngoài ra, người sợ sự thân mật cũng có nỗi sợ này bởi vì việc tiếp xúc cơ thể khiến họ cảm thấy không thoải mái.

3. Cherophobia - Sợ hạnh phúc

“Chero” xuất phát từ chữ “chairo” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “niềm vui”. Người mắc cherophobia thường lo sợ trước cảm xúc tích cực như vui vẻ và hạnh phúc.

Nghĩ về niềm vui khiến họ có cảm giác mình như một người tồi tệ. Một số người còn cho rằng việc hạnh phúc đồng nghĩa với một điều tồi tệ sắp sửa xảy đến. Vì thế họ thường từ chối những cuộc vui hoặc bỏ qua cơ hội khiến mình hạnh phúc, ví dụ như cơ hội đến với người mình yêu.

Nguyên nhân của cherophobia thường bắt nguồn từ sang chấn tuổi thơ. Chẳng hạn như một người thân trong gia đình khiến họ cảm thấy tội lỗi mỗi khi hạnh phúc. Hoặc họ đã trải qua một điều tồi tệ sau niềm vui lớn, như chứng kiến sự ra đi của người thân yêu.

4. Genophobia - Sợ tình dục

Genophobia là nỗi sợ quan hệ thể xác với người khác. Từ “geno” nghĩa là “con cái” trong tiếng Hy Lạp.

Khác với phần lớn loài động vật, con người quan hệ tình dục không chỉ để duy trì nòi giống mà còn bởi vì họ thích việc đó. Nhưng đối với người mắc genophobia, họ tìm mọi cách để tránh né sự thân mật về thể xác bởi cảm giác lo âu tột độ. Họ cũng không thoải mái với những cuộc trò chuyện về chủ đề này.

Những yếu tố như niềm tin, giáo dục và trải nghiệm trong quá khứ có thể dẫn đến genophobia. Chẳng hạn như đối với một số tôn giáo và nền văn hóa, tình dục được coi là tội lỗi và cấm kỵ. Thiếu kiến thức về tình dục an toàn cũng khiến nhiều người e dè trước khả năng bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Ngoài ra, trải nghiệm bị xâm hại cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của cá nhân về tình dục.

Ngoài sợ quan hệ tình dục, có những người còn mắc sarmassophobia - chứng sợ “màn dạo đầu”.

5. Gamophobia - Sợ kết hôn

“Gamo” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hôn nhân”. Khác với người sợ tình yêu, người sợ hôn nhân vẫn có khả năng ở trong một mối quan hệ lâu dài, họ chỉ có vấn đề với ý nghĩ kết hôn.

Những người này thường lo lắng cực độ trước áp lực hôn nhân và tỏ ra lảng tránh khi đối phương hoặc những người xung quanh đề cập đến việc này.

Sợ kết hôn khá phổ biến ở nhiều người trẻ hiện nay. Điều này bắt nguồn từ mong muốn tự do phát triển sự nghiệp, nỗi lo tài chính, áp lực phải sinh con - điều thường được cho là tất yếu sau khi kết hôn.

6. Chiraptophobia - Sợ động chạm

Chiratophobia hay còn gọi là haphephobia chỉ nỗi sợ khi phải tiếp xúc cơ thể với người khác.

Người có nỗi sợ này thường cảm thấy lo âu khi bị người khác xâm chiếm không gian cá nhân và có những hành động như ôm, hôn, nắm tay, thậm chí là ngồi gần mình. Họ thường sẽ cố gắng cô lập bản thân và tránh các địa điểm hoặc tình huống phải tiếp xúc với nhiều người.

Nỗi sợ này có thể được di truyền từ thế hệ trước hoặc bắt nguồn từ việc bị lạm dụng, đánh đập từ thuở bé. Khi một người bước vào mối quan hệ lãng mạn, chiratophobia có khả năng cản trở họ trong việc thân mật với đối tác.

7. Arrhenphobia - Sợ nam giới/Gynophobia - Sợ nữ giới

Arrhenphobia/ gynophobia khiến đối tượng gặp khó khăn trong việc hẹn hò, thân mật và bắt đầu mối quan hệ với người khác giới.

Nỗi sợ này bắt nguồn từ sự ác cảm với người thuộc giới còn lại - hệ quả từ mối quan hệ tiêu cực với cha mẹ hoặc từng bị người khác giới lừa dối tình cảm.

8. Metrophobia - Sợ thơ ca

Tuy kỳ lạ nhưng đây là một nỗi sợ khá phổ biến. Nhiều người hình thành nỗi sợ thơ ca bởi sự ám ảnh dành cho bộ môn ngữ văn khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Người sợ thơ ca thường không thích đối tác thì thầm những lời lãng mạn với mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục