Mai Hương Trần, "Ra đi để tìm ra hệ giá trị của riêng mình."
A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.
Chị Mai Hương Trần là đồng sáng lập của thương hiệu thời trang nhanh Coco Sin và sau đó là Fiber — thương hiệu chuyên xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ. Năm 2016, ở thời điểm mà mọi người hay gọi là “đỉnh cao sự nghiệp", chị quyết định gác lại tất cả về đến Mỹ để hoàn thành bậc Thạc sĩ ngành Retail Management. Chị chia sẻ, “Vì muốn xem quan điểm và giá trị nào thực sự là của mình, nên mình cần phải đi.”
Lần đầu chúng tôi trò chuyện cùng chị Mai Hương Trần là vào tháng 5, qua một cuộc điện thoại giữa hai đầu New York và Sài Gòn. Khi ấy, dù đang ở giữa những sự bất ổn đang diễn ra trên nước Mỹ, chị vẫn vô cùng bận rộn với công việc. Bởi đối với chị, đây là cơ hội tìm kiếm hướng đi mới cho những lĩnh vực như F&B và Retail mà chị gắn bó trong nhiều năm qua. Mới đây, chị vừa đồng ý gia nhập một startup về AI, đồng thời chị cũng ấp ủ những ý tưởng kinh doanh mới cùng với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Trong bài viết lần này, cùng chúng tôi tìm hiểu lý do tại sao chị quyết định tìm đến một vùng đất mới, và hệ giá trị mà chị tìm thấy tại đây.
Ba giá trị chị không bao giờ thoả hiệp trong công việc là gì?
Hương đề cao uy tín, trách nhiệm, và lòng biết ơn.
Chị có thể chia sẻ con đường sự nghiệp của mình từ những ngày đầu tiên đến hiện tại được không?
Năm 2012, Hương và một người bạn từ thời cấp 3 của mình cùng nhau thành lập Coco Sin, một thương hiệu thời trang nhanh. Cả hai đã có một chặng đường khởi nghiệp đáng nhớ. Sau đó, Hương bán lại cổ phần và xây dựng một mô hình khởi nghiệp khác, chuyên về đồ trang trí nhà cửa, mang tên Fiber.
Năm 2016, Hương chuyển đến New York để theo học chương trình Thạc sĩ ngành Quản lý bán lẻ. Cũng tại đây, mình thành lập 8870 Link, một đơn vị chuyên tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng thị trường.
Cách đây một tháng, mình vừa gia nhập một startup về AI và mùa thu năm nay mình sẽ dạy lớp Entrepreneurship tại St. Francis College — một trong những trường cao đẳng tư thục lâu đời nhất tại New York City (NYC).
Đạt được một số thành công nhất định tại Việt Nam, tại sao chị vẫn quyết định chuyển đến NYC học Thạc sĩ? Thời điểm đấy chị có phải đấu tranh tư tưởng nhiều không?
Năm 25 tuổi, mình gặp một giai đoạn khủng hoảng giá trị sống. Mọi quan niệm về thành công lúc 20 tuổi của bản thân bỗng chốc hoá vô nghĩa. Tuổi đôi mươi, không bệnh tật, một sự nghiệp tươi sáng, một đối tác tuyệt vời, được làm điều mình muốn — vậy mà mình không hạnh phúc. Điều này với mình thật vô lý. Rõ ràng có điều gì đó từ gốc rễ thật sự không ổn.
Tìm ra điều không ổn đó là một quá trình gần giống như việc tự lần mò trong một đường hầm dài, ở đó không ai có thể chỉ cho mình lối ra. Quá trình đó cần nhiều thời gian để tự vấn, đối diện và chấp nhận sự thật bản thân là ai, từ đó mình mới hiểu ra mình cần một quan điểm mới.
Chúng ta luôn nghĩ mình là một cá thể độc lập với tư duy và quan điểm sống độc lập. Nhưng thực chất, con người là một giống loài xã hội. Cách ta nhìn nhận cuộc đời phần lớn ảnh hưởng bởi xã hội xung quanh ta. Hương muốn xem quan điểm, giá trị nào thực sự là của mình. Nên mình cần phải đi.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của NYC và Việt Nam khác nhau như thế nào?
Trong một hệ sinh thái phát triển như New York, vòng đời của startup được xác định rất rõ ràng. Hệ sinh thái hàng tỉ USD này được thiết kế để ươm mầm ý tưởng, nhào nặn ý tưởng thành doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng và sắp xếp những thương vụ “exit” khổng lồ. Nhà đầu tư và thị trường vốn không thiếu, nhưng cạnh tranh khốc liệt để lấy được một phần nhỏ của một thương vụ “exit” lớn. Do đó, họ săn tìm những người sáng lập có tham vọng lớn, rồi áp lực để họ lái giá trị công ty lên cao trong thời gian ngắn nhất.
Nói nôm na, có thể so sánh như nông trại nơi bò công nghiệp được vỗ béo để tăng trưởng khổng lồ. Sự kỳ vọng này là thực tế và không có gì sai, nhưng người sáng lập cần hiểu rõ luật chơi.
Ở Việt Nam, ý tưởng khởi nghiệp nảy sinh một cách tự nhiên hơn. Có rất nhiều việc phải làm, nhiều ngành cần cải tiến và mỗi sự cải tiến có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Dĩ nhiên, hệ sinh thái chưa phát triển cũng có nghĩa là startups thiếu thốn cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ hơn. Làm cho việc tăng trưởng thử thách hơn rất nhiều. Nhưng một khi đã vượt qua được giai đoạn này, giá trị tạo ra lớn nhất nằm ở lợi ích của người tiêu dùng hơn là lợi suất đầu tư.
Theo chị, những mô hình khởi nghiệp nào sẽ có tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới?
Người Việt có xu hướng tự doanh cao. Một phần có thể là do văn hoá, nhưng tôi nghĩ phần lớn là do trách nhiệm và phúc lợi xã hội của chúng ta không được thiết kế chặt chẽ như ở Mỹ. Chúng ta phải tự lo cho những nhu cầu an sinh cơ bản nhất như y tế, giáo dục. Vì thế mà chúng ta muốn chủ động về thu nhập của mình. Mình nghĩ tương lai sẽ thuộc về những nền tảng cho phép mọi người dù bất kể là ai, làm ngành nghề nào, cũng có thể kinh doanh khả năng đặc biệt của mình.
Các nền tảng như Uber và Grab cho phép người tham gia chủ động thu nhập và thời gian. Tuy nhiên tài xế không có công cụ để kinh doanh kỹ năng đặc biệt của mình. Nghĩa là làm càng nhiều giờ càng tăng thu nhập, nhưng không thể sáng tạo để làm tốt hơn. Do đó chỉ phù hợp với công việc chuyên môn thấp. Hương tin rằng các nền tảng cho phép người lao động với chuyên môn cao có thể kinh doanh lợi thế cạnh tranh của mình sẽ châm ngòi cho sự bùng nổ của xu hướng làm việc tại gia.
Hương lấy ví dụ. Giáo dục là một trong những hạng mục chi tiêu lớn nhất ở Châu Á. Dù là một gia đình đang cần tìm gia sư toán cho con hay một anh văn phòng muốn học bổ túc nghề kế toán, có rất nhiều người giỏi nghề có thể đáp ứng nhu cầu này. Một thị trường cung ứng dịch vụ tay nghề cao và có nhiều cạnh tranh, công việc của nền tảng là phải giúp người mua đánh giá được lựa chọn phù hợp, mặt khác giúp người bán tiếp thị được thế mạnh của mình. Ở đây, có thể là tính năng thiết kế khoá học, giới thiệu tư liệu giảng dạy, học thử và đánh giá của học viên,... Những nền tảng làm được việc này sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm và càng đẩy mạnh làn sóng tự kinh doanh.
Tình hình hiện tại ở Mỹ có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp của chị? Và chị làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp của mình cũng như các đối tác mà mình tư vấn?
Đã 5 tháng kể từ ngày lệnh đóng cửa được ban hành tại Mỹ, đại dịch đã làm trì hoãn khá nhiều dự định của mình cho năm nay.
Tuy nhiên, Hương lại thấy đây là cơ hội tuyệt vời để tư duy lại về tương lai. Nhất là ngành bán lẻ và dịch vụ mà tôi gắn bó từ trước đến nay. Chỉ cần một gián đoạn nhỏ đã làm tê liệt cả cả ngành hàng thì có lẽ đã đến lúc chúng ta tư duy lại về toàn bộ chuỗi cung ứng. Có nhiều ý tưởng khác nhau để giải quyết việc này, mình hy vọng sẽ đóng góp một phần cho sự tư duy lại tương lai.
Mặt khác, đây cũng là lúc chúng mình cần giúp đỡ những người bạn, đối tác đang gặp khó khăn. Hương và đồng nghiệp của mình ở 8870 Link đã khởi xướng một dự án phi lợi nhuận, hợp tác với những tổ chức như Moosh NYC, James Beard Foundation và nhiều đầu bếp Michelin star để giúp các nhà hàng dịch vụ ở NYC tái cấu trúc, gọi vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cuộc đời dài lắm. Chúng mình tự nhủ ưu tiên hàng đầu là sống còn qua giông bão, nhưng đừng vì thế mà quên những người xung quanh. Những người ta giúp đỡ trong lúc này sẽ là những người sẽ xuất hiện khi ta khó khăn.
Theo chị, đối với những bạn mới khởi nghiệp lần đầu, họ cần trang bị cho mình tư tưởng và những kỹ năng như thế nào?
Thứ nhất, bạn không cần đợi đến lúc rành rẽ tất cả mọi chuyên môn để khởi nghiệp. Mình tin rằng có những thứ mình không cần phải biết tường tận, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Tiếp đến, hãy học cách tin tưởng vào đội ngũ của mình. Khi bạn mới khởi nghiệp, bạn phải nhúng tay vào tất cả mọi thứ. Nhưng khi bạn đã có đội ngũ, hãy học cách tin tưởng đồng đội của mình. Tin tưởng rằng họ sẽ tìm ra cách. Để họ vấp ngã và mắc sai lầm. Vì bạn cũng vậy thôi! Cõng cả công ty trên lưng sẽ không đi được xa.
Cuối cùng, lựa chọn sai là hết sức bình thường. Trong cuộc sống, chúng ta đưa ra hàng trăm quyết định mỗi tuần, mỗi tháng. Đa số là quyết định nhỏ. Chỉ một vài trong số đó là quyết định lớn. Trước đây mình dễ hồi hộp với những quyết định lớn. Sau này nhìn lại chẳng có gì là quá lớn. Mình hài lòng với những quyết định cả sai và đúng. Thật ngạo mạn nếu nghĩ rằng cuộc đời sẽ thưởng hay phạt ta chỉ vì một lần quyết định. Vũ trụ không xoay quanh bạn và cuộc sống là chuỗi những lựa chọn hình thành con đường mà ta đi.
Kế hoạch sắp tới của chị là gì?
Đây quả là giai đoạn lịch sử mà chúng ta được chứng kiến. Nó tác động đến tất cả mọi người và phơi bày rất nhiều điều về xã hội. Điều này làm mình nhớ đến bộ phim Titanic khi con tàu đang chìm. Có người hoảng loạn nhảy xuống nước. Người thanh thản cầu nguyện chấp nhận cái chết. Những người quả cảm và lạc quan nhất là người bình tĩnh hướng dẫn mọi người sang thuyền cứu hộ. Hãy tìm những người này và hợp tác với họ. Bởi chính họ sẽ là người kiến tạo nên tương lai.
A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.