Ăn chay hoặc ăn giảm thịt cũng giúp bảo vệ môi trường

Hai trên bốn lý do chính khiến con người khai thác rừng quá mức đều liên quan tới việc chăn nuôi động vật để lấy thịt. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu bớt ăn thịt hoặc chuyển hẳn sang ăn chay có giúp bảo vệ môi trường không? Câu trả lời là có.

Rosie-Ân Hồ
Ăn chay hoặc ăn giảm thịt cũng giúp bảo vệ môi trường

Việc lạm dụng khai thác rừng là nguyên nhân chính dẫn đến việc cháy rừng Amazon trong thời gian vừa qua. Thế tại sao chúng ta lại khai phá đất rừng nhiều đến thế?

Ceres tổng hợp ra 4 nguyên do chính, theo thứ tự là: lấy đất nuôi động vật lấy thịt, lấy dầu cọ, lấy đất để trồng đậu nành với phần lớn sản lượng để làm thức ăn cho động vật, và lấy gỗ. Hai trên bốn lý do — đồng thời cũng là những lý do quan trọng nhất — đều liên quan đến việc chăn nuôi động vật để lấy thịt.

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu bớt ăn thịt hoặc chuyển hẳn sang ăn chay có giúp cứu rừng — những lá phổi xanh của thế giới không? Câu trả lời là có.

1. Bài toán 20%

Trong quyển sách “Vì sao động vật quan trọng: Án đấu tranh để bảo vệ động vật” (Why Animals Matter: The Case For Animal Protection) có đề cập rằng tính đến năm 2007, nhu cầu ăn thịt tăng 20% so với năm 1995. Số liệu mà Mitsui & Co. tổng kết lại tính đến năm 2011 cũng cho ra kết quả tương tự với 27%.

Từ những năm 1990 đến nay, tỉ lệ đất nông nghiệp dùng cho việc nuôi nông sản cho chăn nuôi động vật lại tăng đến hơn 18%. Đồng thời, 20% dân số trên thế giới thuộc nhóm người nghèo phải chặt cây phá rừng, biến đất sở hữu của họ thành đất trồng nông sản cho động vật hoặc đất chăn nuôi động vật để phục vụ nhu cầu tăng cao. Theo Liên Hiệp Quốc thì gần 1 tỉ người nghèo trên thế giới vẫn cần dựa vào chăn nuôi động vật để bán lấy vốn sống.

Sự thật rằng hơn 80% các vụ cháy ở vùng rừng Amazon là do những hoạt động chăn nuôi động vật. Số đất cần dùng sẽ không giảm nếu như nhu cầu ăn thịt của con người cứ tăng cao.

Đầu năm 2019, CNN từng đưa tin về việc thay đổi thực đơn hằng ngày của chúng ta sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường. Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada và Úc, người dân đã bắt đầu tiêu thụ thức ăn từ thực vật nhiều hơn. Tỉ lệ người ăn chay cũng tăng đáng kể và đa phần mọi người đều ăn vì sức khỏe và môi trường.

2. Tốn rất nhiều đất nông sản cho chăn nuôi, nhưng lượng thịt thu được không tương xứng

Dựa trên số liệu từ trang thống kê Our World In Data, tổ chức One Green Planet đã tổng kết được rằng 71% diện tích trái đất là có thể sinh sống, trong đó hết 50% là dành cho nông nghiệp. Theo Our World In Data, tính đến năm 2016 thì có 4.86 tỉ hecta đất được dùng cho các mục đích nông nghiệp. Một phần ba trong số đó được dùng để trồng nông phẩm cho người tiêu dùng, còn lại 3.28 tỉ hecta dùng để trồng các loại ngô, hạt và thức ăn cho động vật được chăn nuôi.

Bên cạnh đó, lúc được bán ra trung bình một con bò sẽ nặng khoảng 545 kg, chúng cần ăn khoảng 12.7 kg thức ăn mỗi ngày. Chỉ có khoảng 220 kg thịt từ một con bò là ăn được. Trong khi đó, trung bình một người chỉ ăn khoảng 2kg mỗi ngày.

Xét về số liệu, trên tổng đất nông nghiệp để nuôi động vật, lượng thịt, trứng, sữa, nội tạng thu được chỉ đáp ứng 17% nhu cầu về calories và 33% nhu cầu về chất đạm của toàn thế giới. Chúng ta tốn nhiều đất trồng thực phẩm nuôi gia cầm, gia súc. Thế nhưng lượng thịt chúng ta thu lại được thì ít hơn thế gấp nhiều lần.

3. Chăn nuôi động vật tốn từ 4 đến 26 lần số nước sinh hoạt của con người trên toàn thế giới

Nước là một nguồn tài nguyên quý giá mà trái đất ban tặng cho chúng ta. Nguồn nước sạch mà chúng ta có để uống và sinh hoạt hằng ngày còn đáng quý hơn nữa. PETA — tổ chức quốc tế lớn chuyên về bảo vệ động vật cho biết, cần đến 9000 lít nước chỉ để sản xuất nửa kí thịt.

Cụ thể hơn, chúng ta phí đến: hơn 15.000 lít cho một tấn thịt bò, hơn 4000 lít cho một tấn thịt gà, gần 6000 lít cho một tấn thịt heo, gần 9000 lít cho một tấn thịt cừu và dê. Trong khi đó, để sản xuất mỗi tấn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như các loại hạt, đậu, ngũ cốc, rau, củ, trái cây,…, chỉ tổng cộng chỉ mất gần 20.000 lít nước.

Theo tổ chức Environmental Protection, chất thải từ các xưởng và nông trại nuôi động vật là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm nguồn nước, cả nước ngọt lẫn nước mặn. Không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước biển, sông, suối và hồ, các hóa chất và chất bẩn cũng sẽ thấm vào lòng đất và làm ô nhiễm đến nguồn nước ngầm. Các hóa chất đó đến từ xà phòng, chất tẩy rửa, thuốc tăng trưởng, phân bón cho nông sản dành cho động vật.

Với sự ô nhiễm ấy, cây trong tự nhiên mà không sống được nhờ nước sạch thì chúng cũng sẽ sớm trở nên héo mòn, càng hủy diệt nền sinh thái đang yếu dần mỗi ngày.

Theo Our World In Data thì tính đến năm 2015, 6.69 tỉ người có nước sạch để dùng. Nhưng dù tài nguyên có nhiều đến đâu, nếu cứ xài hoang phí thì cũng sẽ cạn kiệt. Ngoài ra, vẫn còn 665.55 nghìn người không biết nước sạch là gì. Họ phải uống chung nguồn nước mà động vật họ chăn nuôi dùng để uống và tắm. Họ vẫn cần phải chăn nuôi vì họ cần bán thịt cho người giàu hơn kiếm tiền. Vì thế nên nguồn nước sẵn có của họ đã bẩn lại càng bẩn.

4. Khí thải từ chăn nuôi động vật là một trong những nhân tố đầu độc bầu khí quyển nặng nề nhất

Tổ chức United Nations đã đưa ra một bảng thống kê các nghiên cứu quốc tế uy tín về lượng khí thải từ việc chăn nuôi và trồng trọt. Trong đó, 41% lượng khí metan (CH4) trên toàn cầu là do chăn nuôi bò để lấy thịt, lấy sữa và các mục đích khác.

Khí metan tồn đọng trong bầu khí quyển trung bình khoảng một thập kỷ, ít hơn nhiều so với khí CO2. Thế nhưng, khí metan lại độc gấp 28-36 lần so với khí CO2. Đồng thời, chúng hấp thụ nhiều nhiệt lượng hơn và trong 20 năm vừa qua, chúng gây hiệu ứng nhà kính gấp 86 lần CO2.

Theo trang Science Daily, một website cập nhật thông tin về khoa học mỗi ngày, một con bò có thể sản xuất ra 70 – 120kg khí metan trong một năm. Cũng theo số liệu của tổ chức United Nations, có ít nhất là gần 1.6 tỉ con bò được chăn nuôi trên toàn thế giới tính đến năm 2017. Tuy các nhà khoa học vẫn tìm kiếm lý do gia tăng đột biến của metan gây biến đổi khí hậu, nhưng không thể phủ nhận việc chăn nuôi bò là tác nhân rất lớn.

Khí nitơ-oxit (N20) hay còn gọi là khí cười cũng là một trong những khí thải độc hại nhất gây nên hiệu ứng nhà kính. Chúng độc gấp 265 đến 298 lần khí CO2 và có thể tồn đọng nơi bầu khí quyển ít nhất là một thế kỷ. Khí N2O chủ yếu là khí thải của ngành nông nghiệp trồng trọt, cụ thể là do lượng phân bón được cho vào đất. Cứ mỗi lượng phân bón có nitơ được sử dụng thì 1% khối lượng N2O tương ứng sẽ được thải ra không khí, một phần khác sẽ được pha lẫn vào nguồn nước ngầm.

Như đã đề cập ở mục trước, phần lớn đất trồng trọt trên toàn thế giới là dùng để chăn nuôi gia cầm và gia súc. Hãy tưởng tượng một viễn cảnh hoàn hảo là chúng ta cắt bớt phần đất dùng để chăn nuôi động vật thì chúng ta sẽ cắt giảm được một lượng N2O đáng kể đang và sẽ đầu độc môi trường.

5. Giảm khí thải y tế ra môi trường nhờ việc thay đổi thức ăn hằng ngày

Tháng 6 năm 2019, trang Carbon Brief cho biết ngành y tế chiếm đến 5% lượng khí thải toàn cầu gây hư tổn bầu khí quyển. Theo so sánh, con số này còn cao hơn lượng khí thải từ các chuyên cơ và máy bay.

Y tế phát triển là một tín hiệu khả quan cho việc giữ gìn sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của người dân. Tuy nhiên, trừ những căn bệnh di truyền, đa phần các bệnh án khác đều do thói quen sống và lối sống tạo thành.

Trang Nutrition Facts cho biết, ăn chay giúp hạn chế các nguy cơ ung thư (tổ chức Dana-Farber và nhiều tổ chức về ung thư khác công nhận). Họ cũng đề cập rằng thực đơn chú trọng về thực dưỡng có thể hạn chế nguy cơ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tránh đột quỵ, hạn chế tiểu đường, chống béo phì và giảm lượng mỡ trong máu.

Các nhà nghiên cứu khẳng định, chuyển sang ăn chay sẽ giúp con người khoẻ mạnh hơn, từ đó góp phần lớn trong việc hạn chế khí thải và chất thải y tế gây độc tới thiên nhiên và môi trường. Tuy nhiên, những thông tin này không được nhiều người biết đến vì ngành y tế tạo doanh thu nhiều hơn từ việc điều trị bệnh thay vì phòng chống bệnh.

Biến đổi khí hậu không phải là một trò đùa. Cứu giúp môi trường đang bị ô nhiễm nặng không chỉ còn là công việc của các tổ chức lớn mà còn là công việc của mỗi cá nhân. Nếu thay đổi thực đơn hằng ngày của bạn dù chỉ một chút cũng đã có thể ảnh hưởng tích cực đến bầu khí quyển, giảm cháy và phá rừng, thế thì tại sao lại không cân nhắc?

Bài viết này được thực hiện bởi Rosie-Ân Hồ.

Xem thêm:
[Bài viết] 5 Ý tưởng về bảo vệ môi trường độc đáo trên nền tảng online
[Bài viết] 7 Vật dụng hàng ngày gây hại cho môi trường mà bạn không biết


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục