Ứng dụng Design Thinking trong đổi mới thương hiệu cùng Doodle Brands
Nhằm hiểu thêm về quá trình xây dựng agency đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thành công phương pháp Design Thinking này, Vietcetera đã tìm đến để được trò chuyện cùng hai nhà sáng lập của Doodle Brands--anh Chris Elkin và chị Như Võ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng tại Sài Gòn, mức độ cạnh tranh cũng đang ở mức “nảy lửa” hơn bao giờ hết. Các thương hiệu luôn phải đứng trước nhiều thử thách trong việc xây dựng và phát triển tên tuổi của mình, song song với đó là giữ gìn mối quan hệ với những khách hàng sẵn có cũng như tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Thấu hiểu được những khó khăn đó, Doodle Brands (agency vừa ra mắt tại Việt Nam) tiên phong vận dụng phương pháp Design Thinking (Tư duy thiết kế), nhằm lắng nghe và cung cấp giải pháp đổi mới thương hiệu cho khách hàng. Doodle Brands đồng hành cùng thương hiệu để hiểu họ thực sự cần gì, xác định lý do tại sao họ tồn tại, sứ mệnh cũng như tầm nhìn mà họ có. Rồi từ đó cả hai cùng nhau hoạch định những đường hướng phát triển phù hợp nhất cho thương hiệu, góp phần nâng cấp trải nghiệm khách hàng trong tương lai.
Nhằm hiểu thêm về quá trình xây dựng agency đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thành công phương pháp Design Thinking này, Vietcetera đã tìm đến để được trò chuyện cùng hai nhà sáng lập của Doodle Brands–anh Chris Elkin và chị Như Võ.
Giả sử chúng tôi là một khách hàng tìm đến Doodle Brands, anh chị sẽ giới thiệu về mình như thế nào?
Chúng tôi là nhà sáng lập của Doodle Brands, một công ty Đổi mới thương hiệu vận dụng Design Thinking. Đây là một phương pháp tư duy nhằm xác định và giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo.
Tại sao anh chị lại quyết định thành lập agency tại Việt Nam?
Cho dù là người làm agency hay là khách hàng, chúng tôi luôn tin rằng những thay đổi nhanh chóng và phức tạp mà chúng ta đang trải là cơ hội để đột phá. Khách hàng cần những tư duy và phương pháp có thể giúp họ cải tiến và chuyển mình, từ ngoài vào trong. Trong khi đó, agency cần những góc nhìn mới để vận dụng “khoa học” hoặc những insights thực tế vào sự sáng tạo của họ.
Và chúng tôi là một trong những agency đầu tiên ở Việt Nam có thể hoàn thành tốt điều này thông qua việc ứng dụng Design Thinking. Chúng tôi thường tự gọi mình là ‘người hỗ trợ đột phá’ (the disruptor enabler).
Trong công việc, điều gì tạo ra động lực khích lệ cho anh chị?
Như Võ: Đó chính là những cá nhân chúng tôi may mắn được gặp thông qua các dự án. Ngoài đội ngũ nòng cốt của mình, công ty chúng tôi được xây dựng và phát triển dựa trên hình thức ‘kinh tế kết nối’ (network economy). Chúng tôi luôn muốn được kết nối với những người trong cùng lĩnh vực. Sau khoảng thời gian hợp tác, các đối tác này trở thành những người bạn thân thiết của chúng tôi. Vì thế, động lực không phải điều gì xa vời, mà đối với tôi chính những ‘doodler’ xung quanh mình.
Chris Elkin: Còn với tôi, niềm tin có thể mang đến cho mọi người sự thay đổi, trở nên sáng tạo và cải tiến một cách thường xuyên hơn. Đó chính là động lực. Không chỉ trong công việc, mà ngay cả khi ở nhà, tôi cũng mong muốn mọi người có thể tạo dựng thương hiệu, thiết kế trải nghiệm, dịch vụ, sản phẩm, thiết lập hệ thống và hàng loạt các thứ khác bằng nhiều cách khác nhau. Đó chính là khoảnh khắc mọi người nhận ra rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể đóng góp, làm nên những thay đổi tích cực.
Hãy chia sẻ một bài học chuyên môn mà anh chị áp dụng được cho cuộc sống cá nhân của mình?
Như Võ: Theo tôi, có lẽ là theo hướng ngược lại. Là người vừa mới đảm nhận thiên chức làm mẹ, vừa điều hành công ty, bản thân tôi tự đúc kết được rất nhiều bài học từ việc chăm sóc con và áp dụng những điều bản thân học được đó vào công việc.
Gần đây tôi đọc một bài báo của Richard Brason với chủ đề tương tự. Ông đề cập đến ‘sự uỷ nhiệm’ trong việc xây dựng tổ ấm và tạo dựng cơ nghiệp. Một trong những bài học tiêu biểu về hai vai trò mà tôi có thể ngắn gọn chia sẻ ở đây là: “Đừng e sợ tổn thương. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp. Uỷ thác. Tận hưởng cuộc hành trình và sống trọn từng khoảnh khắc.”
Chris Elkin: Ở nhà, tôi thường xuyên ‘sắm vai’ người hùng, để luôn sẵn sàng nhảy vào san sẻ và giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh nhất có thể. Trên thực tế, ‘siêu năng lực’ tôi sở hữu được xuất phát từ Design Thinking, chính là cố gắng để bản thân không rơi vào việc thúc ép đưa ra giải pháp khi đang vội.
Xuất phát từ cách tập trung vào yếu tố con người, bản thân tôi luôn ưu tiên dành nhiều thời gian và nỗ lực để định hình các vấn đề tiềm ẩn thực sự của con người. Có câu “A well-framed problem is half solved.” (Nhận diện được vấn đề có nghĩa là đã giải quyết được một nửa vấn đề đó).
Cách anh chị giữ cho mình sự tươi mới và duy trì năng lượng sáng tạo là gì?
Như Võ: Tôi thường chọn cách ra ngoài, đến những nơi mới lạ, gặp gỡ nhiều người mới và luôn luôn đặt câu hỏi tại sao và tiếp đến là gì cho mình.
Chris Elkin: Đó chính là giữ cho mình bản tính tò mò, tư duy cởi mở, hạn chế phán xét, không ngừng đặt câu hỏi và có góc nhìn thực tế. Theo đó là tinh thần hợp tác cũng như đồng cảm với mọi người xung quanh. Tôi cũng là người yêu thích du lịch. Tôi luôn để bản thân–từ thể chất đến tinh thần–được tự do thả mình khi đặt chân đến bất kỳ đâu, cũng như khi đọc, xem hay lắng nghe bất kỳ điều gì. Thật vui khi nhìn những gì bản thân trải qua có thể khơi dậy những ý tưởng mới mẻ tiếp theo.
Dự án nào Doodle Brands từng thực hiện khiến anh chị tự hào nhất cho tới thời điểm hiện tại?
Chúng tôi thích được làm việc cùng các khách hàng có sự ‘ăn khớp’ với mình về lối suy nghĩ cũng như tư duy. Chẳng hạn như nhà sản xuất chocolate Puratos Grand Place Vietnam, không chỉ giúp họ đổi mới, lấy người tiêu dùng làm nền tảng và chuyển đổi văn hoá của họ theo hướng cải tiến hơn, mà giữa chúng tôi còn phát triển đến sự đồng nhất tuyệt vời về tư duy lãnh đạo thông qua Design Thinking. Chúng tôi gọi vui, “đó là khi các hành tinh trong vũ trụ thẳng hàng.” Một khi suy nghĩ của chúng ta thay đổi, phần còn lại sẽ biến chuyển theo. Và chúng ta có thể làm nên những biến đổi, mang sức ảnh hưởng cùng nhau.
Một dự án khác khiến chúng tôi tự hào là khi được hợp tác cùng Pizza Hut Vietnam. Tại lần hợp tác đó, chúng tôi hỗ trợ cải tiến phần trải nghiệm thương hiệu của họ, bao gồm ‘tái cơ cấu’ trải nghiệm của trẻ em khi cùng bố mẹ tổ chức cũng như đến dự tiệc tại cửa hàng.
Chúng tôi đã sử dụng một số chiến thuật sprint factory cùng hàng loạt Test Labs nhằm hướng đến sự phát triển truyền thông tại điểm bán hàng một cách hiệu quả. Đó là quá trình làm việc trực tiếp cùng tất cả các nhóm và phòng ban, bao gồm CEO.
Anh chị có thể giải thích Design Thinking cho ai những chưa biết? Và tầm quan trọng của nó đối với việc đổi mới thương hiệu?
Nó là một khái niệm hoặc cụ thể hơn là một chuyên môn khoa học tập trung vào yếu tố con người để định hình và giải quyết vấn đề của khách hàng. Đó là lí do tên gọi của nó được kết hợp giữa ‘design’ (thiết kế) và ‘thinking’ (tư duy). Một cách đơn giản, đây là phương pháp giải quyết vấn đề theo đường lối sáng tạo nhằm đáp ứng tối đa mức độ hài lòng của khách hàng.
Design Thinking quan trọng vì điều một thương hiệu cần không chỉ là ‘vẻ ngoài’, mà còn bao gồm ‘ý nghĩa’ và ‘cách thức’ để thu hút và duy trì mối gắn kết với khách hàng. Design Thinking không mới. Đổi mới thương hiệu cũng vốn không còn xa lạ. Nhưng khi cả hai được kết hợp sẽ tạo nên một giải pháp quyền lực và đột phá. Từ đó tạo dựng nên những giá trị mới cho khách hàng cũng như giúp thương hiệu đạt được thành công.
Là một trong những người tiên phong tại Việt Nam, anh chị thường gặp phải những thách thức nào trong việc thuyết phục khách hàng của mình?
Thách thức chúng tôi gặp phải thường có xu hướng đến từ tư duy. Có thể hình dung cách thức hoạt động của phương pháp Design Thinking đôi khi giống như một tàu lượn siêu tốc. Chúng tôi triển khai theo cách phân kỳ, rồi sau đó tụ hội. Để mọi giải pháp của chúng tôi đều có thể phù hợp với thương hiệu và người tiêu dùng, đôi khi yếu tố nghệ thuật của trí tưởng tượng đóng vai trò quyết định. Và đôi khi yếu tố khoa học của việc xem xét các chi tiết lại chính là nền tảng trọng yếu.
Với những khách hàng có ‘tư duy cố định’, Design Thinking khiến họ cảm thấy ‘thiếu thoải mái’. Bởi họ luôn muốn nhanh chóng đạt được kết quả. Trong khi đó, đối với khách hàng có ‘tư duy tăng trưởng’, họ lại tìm thấy được ở phương pháp này sự hấp dẫn, khích lệ và quan trọng hơn hết là được trao quyền.
Một cách ngắn gọn, khi được hỏi các lĩnh vực nào cần đến Design Thinking, chúng tôi luôn trả lời là bất kỳ lĩnh vực nào, bất kỳ công ty nào có tư duy mong muốn được đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm nắm bắt những vấn đề thực sự họ đang gặp phải. Để từ đó, chúng tôi cùng nhau đưa ra các giải pháp tối ưu.
Anh chị có thể điểm ra một số thay đổi hay xu hướng gần đây trong thị trường ảnh hưởng đến công việc của mình? Theo anh chị, chúng ta cần làm gì để theo kịp với thế giới?
Mọi người hiện nay đang bàn về ‘cuộc đổ bộ’ của AI, cho nên chúng tôi đang nghĩ đến việc tận dụng nó trong lĩnh vực của mình.
Khi nào thì có chiến lược thương hiệu tiếp theo? Thông điệp và chiến dịch quảng cáo tiếp theo có thể sẽ được thiết lập và điều hành dựa trên Big Data và Machine Learning là gì? Tất cả đều là những dự định, có thể sẽ được triển khai trong tương lai.
Tuy nhiên, dù công ty chúng tôi có trải qua bao nhiêu cuộc đổi mới nào, yếu tố bất biến không thể thay thế vẫn là ‘con người’–cách chúng tôi tư duy, định hình và giải quyết mọi vấn đề theo hướng sáng tạo. Đó là lý do chúng tôi bền bỉ theo đuổi những gì mình đang làm bây giờ bằng cách sử dụng Design Thinking. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng trong tương lai dù là doanh nghiệp hay lãnh đạo nào ở bất cứ đâu trên thế giới đều cần sở hữu tư duy và bộ kỹ năng quan trọng này. Đây đồng thời là những gì chúng tôi muốn truyền tải cho thế hệ sau.
Do đó, để theo kịp thế giới, chúng ta không nên quên đổi mới. Bởi mọi thị trường đều tồn tại hàng tá vấn đề và tốc độ thay đổi luôn có xu hướng tăng nhanh theo thời gian. Thay vì phàn nàn, chúng ta nên chủ động nắm bắt, hành động và tìm ra giải pháp để giải quyết nó. Đó chính là cách để ta tồn tại và phát triển!
Bài viết được dịch bởi Kỳ Thơ