Bạn có một "nơi an toàn" cho tâm hồn không?
Khi nói đến cụm từ “nơi an toàn,” chúng ta vẫn thường tự động nghĩ tới một nơi ẩn náu dùng để tránh những hiểm nguy, giống như hình ảnh thường thấy trong các bộ phim hành động.
Tuy nhiên, có một nơi an toàn khác (ít được nói đến hơn) cư trú trong tâm hồn của mỗi người. Trong cuộc sống có những khi chúng ta cảm thấy mình thật lạc lõng, thậm chí là sợ hãi giữa chốn đông người. Ta ước mình có thể nhắm mắt, rồi vài giây sau mở mắt ra là đã đến một nơi chốn khác, tĩnh lặng, bình yên.
Bạn không cần sở hữu năng lực “đi xuyên không” để làm điều này. Thực tế nó là một kỹ thuật hoàn toàn có thể xảy ra trong đời thực mà mình đã được học trong quá trình điều trị tâm lý, và muốn chia sẻ lại cho các bạn qua bài viết này.
Đã có một thời gian mình phải đối diện với trầm cảm và rối loạn lo âu
Ở thời điểm đó, có một chuyện xảy ra trong quá khứ cứ ập đến dày vò mình. Nó kéo dài trong một thời gian khiến mình rơi vào trầm cảm và rối loạn lo âu. Nhưng mình chưa bị nặng đến mức độ phải uống thuốc hay phải đi bệnh viện, mà thay vào đó được chỉ định đến gặp chuyên gia tâm lý hằng tuần.
Trong các buổi tư vấn, mình được yêu cầu làm một thứ mà đối với mình thực sự rất khó – đó là phải nhớ đi nhớ lại mảnh ký ức “kinh khủng” kia. Họ hỏi mình cảm thấy thế nào khi đặt bản thân trở lại vào thời điểm đó và có điều gì mình muốn thay đổi. Nói ngắn gọn thì mình được học cách đối diện với quá khứ.
Và để giúp cho việc đối diện này không quá tổn thương, mình được hướng dẫn thực hiện hai bước để bình tâm. Hai bước này bạn hãy xem như thông tin tham khảo, vì nó có thể không phải là lộ trình đúng cho tất cả mọi người và mình cũng không phải là chuyên gia tâm lý. Nếu bạn cảm thấy tâm lý của mình bất ổn, khó sinh hoạt được như bình thường, hãy đến gặp những người có chuyên môn để gỡ rối bạn nhé.
Hai bước tìm về “nơi an toàn”
Bước 1: Tưởng tượng ra một chiếc rương đựng ký ức
Hãy bắt đầu ở tư thế tĩnh, hít thở sâu và hình dung trong đầu về chiếc rương ấy càng cụ thể càng tốt. Nó lớn ôm vừa một vòng tay, hay nhỏ vừa lòng bàn tay? Nó có màu gì, xanh, đỏ, nâu, trắng? Chiếc rương được làm bằng kim loại, gỗ hay bằng một chất liệu nào khác? Nó có hoa văn gì đặc biệt không?
Hình dung tương tự với chiếc ổ khoá của chiếc rương.
Đây sẽ là chiếc rương chứa những ký ức không vui của bạn, và chỉ có mình bạn là người biết được mật khẩu để mở khoá nó.
Bắt đầu buổi trị liệu, người tư vấn sẽ yêu cầu mình “mở” chiếc rương ấy và lấy ra những ký ức. Thông thường khi buồn, chúng ta hay che giấu cảm xúc của mình và theo bản năng muốn chạy xa khỏi thứ khiến mình cảm thấy tiêu cực đúng không? Nhưng ở đây, mình sẽ liên tục được hỏi về những mảnh ký ức mình không muốn nhớ đến.
Buồn là phản ứng bình thường khi mình ở bước này. Có những buổi mình không cầm được nước mắt, thậm chí cứ khóc hoài, khóc hoài. Khi đó mình sẽ được dẫn đến bước tiếp theo.
Bước 2: Nghĩ về một nơi chốn bạn cảm thấy an toàn
Nó có thể là một nơi có thật ngoài đời, hoặc hoàn toàn xuất phát từ trí tưởng tượng của bạn. Nó có thể ở quá khứ, hiện tại, tương lai, hoặc ở một nơi không nhất thiết phải xác định thời gian rõ ràng.
Ở đó sẽ có những đồ vật, màu sắc, âm thanh, độ sáng phù hợp mang lại cho bạn cảm giác bình yên. Bạn được là chính mình mà không bị đánh giá, đe dọa bởi bất kỳ điều gì.
Khi thấy mình đã bình ổn hơn nhờ nghĩ đến nơi an toàn này, chuyên gia trị liệu mới nói với mình: Hãy đặt ký ức đau buồn của cô trở lại chiếc rương, khoá nó lại và cất nó đi.
Trong cả quá trình này nhiều lúc mình cảm giác như bị thôi miên, thế nên bây giờ nếu bạn hỏi thì mình không thể kể lại chính xác bác sĩ đã hỏi mình những gì để gợi mở ký ức cũng như đóng chúng lại. Mình chỉ biết rằng khi thực hành 2 bước này trong một thời gian, những ký ức đau buồn của mình không còn sắc bén, đay nghiến mình như trước nữa. Chúng mờ đi dần, thậm chí là biến mất đi nhiều phần.
Sau tất cả, điểm mấu chốt là bạn phải mở khoá ký ức và đối diện với quá khứ. Và tốt hơn hết, nếu bạn có dấu hiệu của trầm cảm hay rối loạn lo âu, hãy làm điều đó với sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.
Kết
Trong cuộc sống hằng ngày, kể cả bạn có vấn đề về tâm lý hay không thì mình nghĩ một nơi an toàn trong tâm hồn là điều ai cũng nên có. Nó giúp chúng ta có thể lấy lại được sự bình tĩnh nhanh chóng hơn và đối diện với thực tại tốt hơn.
Nhưng nếu bạn cảm thấy không áp dụng được bài tập này thì mình cũng hy vọng là chí ít, thông qua bài viết này bạn hiểu được một phần của quá trình trị liệu tâm lý, cũng như tầm quan trọng của việc thường xuyên chăm sóc sức khỏe tinh thần!