Bạn phải làm việc với người không hợp cạ? 3 Nguyên tắc để “mưa thuận gió hoà”
“Tại sao mình cứ phải làm việc chung với mấy người như vậy?” Đó là lời than thở thường trực của Huyền. Là quản lý trẻ của một công ty đa quốc gia, riêng chuyện xử lý công việc hàng ngày đã đủ khiến Huyền mệt đầu. Thế nhưng năng lượng của cô bạn còn liên tục hao hụt khi đụng phải những đồng nghiệp không “hợp gu”.
Từ việc chuyên môn không đủ vững vàng, thiếu tôn trọng ý kiến người khác, hay thậm chí là những vấn đề tế nhị như hơi thở có mùi, tính tình thảo mai... Câu chuyện trên không phải là trường hợp cá biệt của riêng Huyền.
Theo một khảo sát năm 2023 của FlexJob trên 8400 nhân sự, có tới 87% chia sẻ bản thân từng phải làm việc cùng đồng nghiệp/cấp trên khó chịu. Bất hoà trong công sở là vấn đề phổ biến hơn bạn nghĩ.
Tuy nhiên, nghỉ việc, rời dự án hay công khai vẫn chưa hẳn là lựa chọn tối ưu. Huyền đã cố gắng cả tháng trời để được làm dự án mơ ước, cô không muốn từ bỏ chỉ vì một đồng nghiệp không thấy hợp. Khi rơi vào tình huống bắt buộc phải chọn cơ hội công việc thay vì sự thoải mái trọn vẹn của bản thân, chúng ta nên nhớ một số điều sau để vun vén trọn cả đôi đường.
1. Một điều nhịn chưa chắc đã là chín điều lành
Phần lớn người xung quanh đều khuyên Huyền nên gạt cảm xúc tiêu cực qua một bên để tránh ảnh hưởng chất lượng công việc. Nhưng thực tế, lời khuyên này khá… phản khoa học.
Khi không thích ai đó trong buổi họp chẳng hạn, chúng ta sẽ bỗng nhiên thấy khó tập trung, dễ quên thông tin và không thể phân tích vấn đề khi người ấy lên tiếng. Lý giải cho điều này, các nghiên cứu khoa học thần kinh chỉ ra rằng cảm xúc tích cực ảnh hưởng sâu sắc tới khả năng nhận thức của con người, thúc đẩy sự tập trung, trí nhớ; năng lực giải quyết vấn đề được nâng lên. Ngược lại, với cảm xúc tiêu cực, tất cả lợi ích trên sẽ đi xuống.
Vì vậy, việc trì hoãn xử lý sự khó chịu gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực làm việc. Thay vào đó, có một số biện pháp để ta xử lý cảm xúc tiêu cực dễ dàng hơn như sau:
Giải pháp tức thời
Thông thường, trực tiếp đối thoại hoặc tìm một người đáng tin cậy để "nấu xói" là các cách dễ nhất để "dập lửa". Tuy nhiên, trong tình huống cần sự tế nhị hơn (ví dụ đang họp), chúng ta nên tìm đến phương pháp nhanh nhất giúp thúc đẩy cảm xúc tích cực tạm thời - đó là thở & vận động.
Huyền thường xuyên áp dụng phương pháp này bằng cách xin ra ngoài 5-10 phút giải toả cảm xúc. Nửa thời gian đầu, Huyền leo cầu thang bộ. Cô bạn thường sẽ đặt mục tiêu thời gian là một con số cụ thể và đếm giây khi hít thở theo bài tập 4-7-8: Hít sâu vào trong 4 giây, nén 7 giây rồi thở ra trong 8 giây, lặp lại 10 lần.
Trong quá trình đó thay vì nghĩ đến những điều tiêu cực, tâm trí Huyền sẽ cố dịch chuyển sự chú ý sang đếm thời gian và nghĩ về việc vận động mạnh sẽ giúp mình giải phóng hormones hạnh phúc. Cuối cùng, cô bạn sẽ uống 1 cốc nước và quay lại buổi họp với nội tâm êm xuôi hơn.
Giải pháp dài hạn
Hãy công nhận sự tồn tại của cảm xúc tiêu cực và lắng nghe chúng. Nếu đã xem bộ phim hoạt hình Inside Out, bạn sẽ hiểu rằng mọi xúc cảm đều cần được lắng nghe, dù đó là sự tức giận hay buồn chán.
Các chuyên viên tham vấn tâm lý thường gợi ý một số phương pháp để giải toả năng lượng tiêu cực như gọi tên chúng qua việc viết nhật ký cảm xúc hàng ngày, trò chuyện với những người mình tin tưởng và không có liên quan đến nguồn cơn tiêu cực để tránh bị đánh giá. Bạn nên chủ động dành thời gian áp dụng những cách này mỗi ngày cho hiệu quả cao nhất.
Viết nhật ký cảm xúc là phương pháp hiệu quả để lắng nghe cảm xúc tiêu cực
2. Ghét nhau thì hãy giúp đỡ cho nhau
Benjamin Franklin - một trong 8 người sáng lập nên nước Mỹ, từng phải hạ cảm xúc xuống để nhờ tới sự giúp đỡ của người ông không ưa từ khi cùng nghiên cứu luật tại Pennsylvania. Benjamin Franklin đã viết một bức thư bày tỏ khao khát được mượn những cuốn sách quý của người kia vì nó rất quan trọng với ông, và nhờ chính địch thủ mang tới cho mình.
Cuối cùng, người kia không chỉ cho Benjamin Franklin mượn sách mà còn dần yêu quý ông, hai người có thêm nhiều lần hợp tác và trở thành bạn thân đến cuối đời. Từ câu chuyện trong cuốn hồi ký của Benjamin Franklin, các nhà tâm lý học đã tìm ra một hiệu ứng lấy tên ông: Khi giúp một người mình ghét làm điều gì đó, ta sẽ yêu quý người đó hơn.
Có 2 cách áp dụng hiệu ứng Benjamin Franklin vào công việc: Một là nhờ đối phương hỗ trợ việc gì đó, hai là tìm cách giúp đối phương trong những nhiệm vụ khó khăn. Vì thế cách Huyền thường làm gần đây là sẽ thử nhìn vào bối cảnh của người đang gây cảm xúc khó chịu cho mình và cố giúp đỡ để hiểu hành động của họ.
Chẳng hạn, khi sếp bác bỏ ý kiến của mình, bị từ chối thì chẳng dễ chịu gì, nhưng cứ ôm mãi cảm xúc đó còn nặng nề hơn. Bởi vậy, cô bạn sẽ cố nghĩ thoáng ra rồi gặp sếp để hỏi kỹ hơn mình có thể làm gì cho dự án.
Quá trình đó giúp Huyền hiểu hơn về gánh nặng kết quả mà cấp trên phải chịu trách nhiệm. Thế nên, sếp mới khó chấp nhận phương án hoàn toàn mới của cô bạn khi độ khả thi của nó chưa rõ ràng. Chứ cũng chẳng phải là sếp bảo thủ, khó tính như Huyền từng nghĩ.
3. Công tư phân minh, công trạng nhớ rõ
Đây là điều rất khó thực hiện khi cảm xúc rõ ràng có ảnh hưởng lớn tới tư duy và hành động của con người. Vì vậy, nếu bạn đã quá bực mình với ai đó đến mức họ… hít thở cũng khiến bạn thấy phiền mà vẫn phải làm việc cùng người ta, bạn buộc phải dùng tới phương pháp ám thị bản thân về mục tiêu.
Chẳng hạn, bạn hãy thử lặp đi lặp lại câu này trong đầu: “Dù tôi không thích, nhưng tôi cần người đó lúc này.” Mục đích là để não bộ chỉ tập trung vào mục tiêu công việc, ghi nhận mọi điểm tốt mà người bạn không ưa đem lại cho mục tiêu chung, dù là kinh nghiệm, kiến thức hay kỹ năng.
Nếu có vấn đề khiến bạn khó chịu đến mức không thể ám thị bản thân được nữa, hãy tìm hướng góp ý cho đối phương một cách chuyên nghiệp. Bí quyết để làm được điều này là hãy gắn vấn đề bạn cần phê bình vào một tình huống liên quan đến công việc chung.
Lựa chọn này giúp bạn giữ được tính khách quan, buộc bản thân nhìn nhận vấn đề từ góc độ công việc thay vì để cảm xúc chi phối. Hơn nữa nó khiến cuộc trò chuyện có tính xây dựng hơn, giúp đối phương dễ tiếp thu, vì họ cảm thấy được hỗ trợ để giải quyết vấn đề, chứ không phải bị tấn công cá nhân.
Chẳng hạn, khi góp ý về giọng nói quá điệu đà, âm vực quá cao của cấp dưới, Huyền sẽ bắt đầu với một đề tài lớn, chia sẻ về mục tiêu giao tiếp trong dự án là để hai bên tin tưởng, có cảm tình với nhau. Sau đó, Huyền đưa ra dẫn chứng từ các chuyên gia về giao tiếp và giọng nói để chứng minh rằng giọng nói trầm ấm, nghiêm túc sẽ tạo được thiện cảm và niềm tin khi đối thoại ở môi trường chuyên nghiệp.
Cuối cùng, bạn gợi ý vài cách để nhân viên khắc phục vấn đề như luyện tập giọng bụng, chuẩn bị kỹ hơn để khống chế cảm xúc khi nói, điều chỉnh nhịp độ thuyết trình chậm lại… Kết quả, cấp dưới của Huyền không chỉ cải thiện giọng nói, mà còn thuyết trình tốt hơn. Một kết thúc có hậu cho cả hai bên.
Kết
Thực tế, nếu bạn coi trọng sự hòa hợp trong cuộc sống và cảm thấy rằng những hành vi của đồng nghiệp đang phương hại trực tiếp đến lợi ích, công việc hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bạn có quyền quyết định không làm việc với họ. Đôi khi, việc rút lui khỏi một môi trường không phù hợp cũng là lựa chọn chính đáng để bảo vệ sự cân bằng của bản thân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh và biến động, sự linh hoạt có thể trở thành yếu tố quan trọng giúp bạn nắm bắt cơ hội phát triển. Khi ghi nhớ những phương pháp trên, bạn không chỉ tránh được việc đè nén cảm xúc hay phải giả tạo quá mức, mà còn củng cố được mối quan hệ công việc một cách lành mạnh, bền vững.
Và hơn hết, việc làm chủ cảm xúc và duy trì sự chuyên nghiệp sẽ giúp bạn vượt qua những thử thách trước mắt với đồng nghiệp, để hướng tới sự phát triển lâu dài ở doanh nghiệp.