Bắt nạt công sở: Tại sao nơi làm việc cũng có thể trở nên "độc hại"
"Làm công ăn lương" không phải là một việc dễ dàng. Việc tiếp xúc giữa người với người đôi khi cũng gây nên nhiều vấn đề. Một trong những điều tệ nhất vẫn đang tồn tại trong môi trường công sở, đó chính là vấn nạn "bắt nạt".
Vậy "bắt nạt công sở" là gì và nó tác động đến chúng ta như thế nào?
Thế nào được gọi là bắt nạt công sở?
Bắt nạt công sở, tương tự như bắt nạt học đường, là khi một hoặc một nhóm người cố ý làm tổn thương người khác.
Những đối tượng bị bắt nạt tại nơi làm việc thường là những người có năng lực, được nhiều người yêu quý hoặc yếu thế và dễ bị tổn thương.
Bắt nạt công sở có thể đến từ:
- Lời nói: đây có thể là những lời “nói đểu", hạ thấp, đùa cợt quá trớn, đồn thổi vô căn cứ,...
- Hành động: điều này bao gồm đe dọa, cô lập, soi mói, xâm phạm quyền riêng tư, đổ lỗi, phá hoại hoặc cản trở công việc của người khác, ăn cắp ý tưởng, tranh công,...
- Thể chế công ty: có thể kể đến KPI không thực tế, buộc nhân viên làm thêm giờ, gạt bỏ người không bắt kịp tiến độ,...
Tại sao bắt nạt nơi làm việc có thể xảy ra?
Sự mất cân bằng quyền lực
Những người bắt nạt đa số sẽ là cấp trên của bạn. Họ thường có nhiều ảnh hưởng trong môi trường làm việc. Một số tận dụng những điều này để khống chế người khác.
Do là mối hệ "cấp trên-cấp dưới" nên hiển nhiên sẽ tồn tại sự chênh lệch quyền lực giữa bạn và họ.
Biểu hiện của những vị sếp thích bắt nạt có thể là:
- Liên tục "vạch lá tìm sâu" gây khó dễ cho bạn khi thực hiện nhiệm vụ của mình
- Thường xuyên kiểm tra và yêu cầu gặp gỡ dù không có lí do cụ thể
- Hay yêu cầu bạn làm những công việc "khó nhằn" hoặc “vô nghĩa” mà không có chỉ dẫn rõ ràng
Bởi vì là cấp dưới, nạn nhân thường gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ mình.
Sự đố kỵ
Đối với nhiều người, thành tựu và điểm mạnh của đồng nghiệp khiến họ cảm thấy bị đe doạ. Hành động bắt nạt chính là cách để họ giảm sự bất an của bản thân.
Những đối tượng này thường cố gắng hủy hoại danh tiếng của đồng nghiệp như gieo rắc tin đồn nhảm, bôi xấu, đổ lỗi,...
Không kiểm soát được sự bốc đồng của bản thân
Có những lúc tình trạng bắt nạt nơi làm việc xảy ra khi một người không kiểm soát được hành vi của bản thân. Họ là người dễ thay đổi cảm xúc và có xu hướng trút nó lên người khác.
Trong trường hợp này, họ có xu hướng sử dụng lời lẽ xúc phạm và tiêu cực, các bình luận chỉ trích và châm biếm.
Hành động mang tính hệ thống
Đối với một số môi trường công sở, việc bắt nạt tồn tại lâu ngày và dần trở thành một loại "văn hóa". Nó không chỉ xảy ra một lần mà còn diễn ra thường xuyên và kéo dài. Đặc biệt là còn mang tính hệ thống khi "lây lan" từ người này sang người khác.
Đó có thể là cùng một hành động lặp đi lặp lại như đặt biệt danh, mắng mỏ và công kích. Hoặc nhẹ nhàng hơn, bạn bị buộc làm việc thêm giờ mà không có sự giúp đỡ, kể cả khi đã yêu cầu.
Bắt nạt công sở để lại ảnh hưởng thế nào?
Trên thực tế, ai cũng có khả năng bị bắt nạt tại nơi làm việc, không phân biệt chức vụ hay giới tính.
Về mặt công việc, điều này có thể dẫn đến tình trạng người bị bắt nạt trở nên mất tập trung, giảm hiệu suất, gặp khó khăn trong việc ra quyết định,...
Về mặt sức khỏe tinh thần, người bị bắt nạt có thể gặp các vấn đề như trầm cảm, lo âu, khó ngủ, suy giảm lòng tự trọng, rối loạn ăn uống,...
Đối với công ty, điều này có thể dẫn đến những tổn thất tài chính, sụt giảm năng suất và chất lượng, tỉ lệ nghỉ việc tăng, đánh mất lòng tin và sự trung thành từ nhân viên,...
Làm thế nào để đối phó khi bị bắt nạt tại nơi làm việc
1. Hãy lên tiếng từ sớm
Nếu bạn không phản kháng, điều này sẽ khiến cho những kẻ bắt nạt "được nước làm tới".
Khi bắt gặp những hành vi như đặt biệt danh, đùa cợt không phù hợp, lớn tiếng hãy lịch sự nói với họ là bạn không thích điều đó và muốn họ dừng lại.
2. Có cho mình một vài "đồng minh"
Bắt nạt công sở không phải là điều mà ai cũng thấy "vừa mắt", và đây là những người mà bạn có thể hỏi xin sự giúp đỡ.
Sự giúp đỡ này có thể là về mặt tinh thần, lời khuyên từ bên thứ ba. Hoặc đơn giản là việc có một vài người "đứng cùng chiến tuyến", sẽ khiến những kẻ thích bắt nạt "dè chừng" bạn hơn.
3. Ghi lại những gì đã xảy ra
Nếu bạn bị đe dọa hoặc cảm giác e ngại, thì có thể ghi lại các hành vi bắt nạt đó. Cụ thể:
- Điều gì đã xảy ra
- Việc đó diễn ra lúc nào
- Việc đó diễn ra ở đâu
- Lời nói và hành động cụ thể nào đã được thực hiện
- Người nào đã làm điều đó với bạn
- Ai đã chứng kiến những hành vi này
- Bạn đã phản ứng như thế nào
Đây sẽ là những bằng chứng để bạn tiến hành bước tiếp theo.
4. Gửi khiếu nại đến phòng nhân sự
Bạn có thể gửi văn bản/email đến phòng nhân sự, liệt kê chi tiết những sự kiện đã diễn ra và yêu cầu được giải quyết bằng văn bản/email. Và đừng quên giữ lại bản sao khiếu nại của bạn và các phản hồi mà bạn có được từ công ty.
5. Cân nhắc về công việc này
Nếu đây là vấn đề mang tính hệ thống và bạn hoàn toàn đơn độc trong cuộc chiến, thì có lẽ đó không phải một môi trường làm việc phù hợp.
Lúc đó, bạn nên cân nhắc đến việc “dứt áo ra đi” để bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân. Suy cho cùng, bạn cũng không thể nào làm tốt nghĩa vụ của mình nếu lúc nào cũng trong tâm trạng tồi tệ.