Bị Oscar bỏ quên, 7 bộ phim này vẫn xứng đáng được bạn thưởng thức
Vậy là chặng cuối cuộc đua gay cấn nhất trong thế giới điện ảnh đã chính thức bắt đầu, khi vào ngày 23/1 vừa qua, Viện Hàn lâm Mỹ đã công bố danh sách đề cử Oscar 2024. Không có quá nhiều bất ngờ khi phần lớn những bộ phim chúng ta chờ đợi quả thực đều đã được xướng tên.
Thế nhưng như mọi mọt phim đều biết rõ, năm nào cũng vậy, sẽ luôn có những bộ phim hay vô tình bị bỏ quên bởi Oscar, vì bất kể lý do nào đi chăng nữa.
Hãy cùng Vietcetera điểm qua 7 bộ phim không nhận được bất cứ một đề cử tượng vàng nào tại Oscar năm nay, nhưng vẫn đáng được bạn thưởng thức.
The Iron Claw
Với cựu nam thần Disney Zac Efron trong vai chính, “The Iron Claw” tái hiện lại câu chuyện có thật đầy bi kịch của gia đình Von Elrich, một thời được mệnh danh là vương triều sáng giá nhất trong bộ môn đô vật Mỹ.
Dưới sự huấn luyện của người bố nghiêm khắc tới cực đoan, những chàng trai nhà Von Elrich cùng nhau chiến đấu hết mình, khao khát đi tìm vinh quang trên võ đài. Thế nhưng dường như gia đình này từ lâu đã bị ám ảnh bởi một lời nguyền, và tất cả những gì họ tìm được chỉ là mất mát và đau thương.
Đã có thể được đề cử ở hạng mục: Nam chính Xuất sắc.
Màn trình diễn xuất thần của Zac Efron có lẽ là cơ hội “ngon ăn” nhất để “The Iron Claw” nhận về một đề cử tượng vàng. Lột tả sắc nét cả yếu tố nội tâm và ngoại hình của Kevin Von Elrich, Efron đã phải trải qua quá trình tập luyện đầy khốc liệt, và thổi vào nhân vật của mình một vẻ yếu đuối và vụn vỡ khiến người xem phải cay lòng.
Song có vẻ như xưởng phim A24 đã lựa chọn tập trung toàn bộ nguồn lực cho hai tác phẩm “Past Lives” và “The Zone of Interest”, và do vậy sự vắng bóng của “The Iron Claw” trong các chiến dịch quảng bá đã khép lại khả năng nhận được đề cử của bộ phim này.
All of Us Strangers
Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Ijintachi to no natsu” của nhà văn Taichi Yamada, “All of Us Strangers” là một hợp thể độc đáo của thể loại tâm lý, lãng mạn và kỳ ảo, để khắc họa nên bức tranh đầy dịu dàng và cay đắng về nỗi đau mất mát và sự cô đơn.
Nhân vật chính của bộ phim, Adam, đêm nọ tình cờ bắt gặp một chàng trai bí ẩn trong căn chung cư hiu quạnh của mình. Ngay khi mối quan hệ với chàng trai này đang dần phát triển, Adam vô tình tìm về được căn nhà thơ ấu và gặp lại bố mẹ mình thời trẻ, những người đã qua đời từ cách đó hơn 30 năm.
Đã có thể được đề cử ở hạng mục: Nam chính Xuất sắc, Quay phim Xuất sắc, Kịch bản Chuyển thể Xuất sắc.
“All of Us Strangers” đang càn quét tại quê nhà Anh Quốc, nhận được tới 6 đề cử tại lễ trao giải BAFTA sắp tới. Màn trình diễn nặng trĩu nỗi đau của nam chính Andrew Scott cũng mang về cho diễn viên người Ireland một đề cử tại đêm trao giải Quả cầu Vàng, nhưng tiếc rằng nhường đó có vẻ là chưa đủ để đưa anh vào tầm mắt của Viện Hàn lâm.
Những phân cảnh huyền ảo, nửa mộng nửa thực của “All of Us Strangers” xứng đáng được vinh danh trong hạng mục Quay phim, và biết đâu tác phẩm đã có thể được đề cử giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, nếu “Barbie” không bị thay đổi hạng mục vào phút chót.
Monster
Kore-eda Hirokazu từ lâu đã được mệnh danh là bậc thầy trong việc khắc họa vẻ đẹp từ những khoảnh khắc nhỏ nhặt nhất của cuộc sống. Với bộ phim “Monster”, vị đạo diễn người Nhật có vẻ đã có thêm cho mình một tuyệt tác, một tác phẩm sâu lắng và đau đớn tới tột cùng.
Bộ phim kể về người mẹ đơn thân Saori một ngày chợt nhận ra con trai mình bắt đầu hành xử lạ lùng, và phát hiện ra thầy giáo của cậu bé là người đã khiến cậu trở nên như vậy. Thế nhưng, giống như cách mà tác phẩm kinh điển “Rashomon” đã làm, “Monster” từ từ đưa khán giả qua điểm nhìn của từng nhân vật khác nhau, dần làm sáng tỏ những góc khuất mơ hồ của câu chuyện, trước khi tiết lộ toàn bộ sự thật đằng sau.
Đã có thể được đề cử ở hạng mục: Phim Quốc tế Xuất sắc.
Khác với những bộ phim trong danh sách này, “Monster” thực chất không thể được đề cử tại Oscar năm nay, vì ngay từ đầu, tác phẩm của Kore-eda đã phải nhường chỗ cho bộ phim “Perfect Days” để đại diện cho Nhật Bản đi tranh tượng vàng.
Còn quá sớm để biết “Perfect Days” liệu có mang về giải Oscar hay không, nhưng “Monster”, với đề cử Cành cọ Vàng và giải thưởng cho Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes, chắc chắn đã có thể là một đối thủ nặng ký nếu được Nhật Bản lựa chọn.
Asteroid City
“Asteroid City” nói về một chương trình truyền hình, quay lại một vở kịch, về quá trình viết ra một vở kịch khác, kể câu chuyện các cư dân một thị trấn hẻo lánh giáp mặt sự sống ngoài Trái đất.
“Asteroid City” là tác phẩm hoài bão và siêu thực nhất của Wes Anderson tính tới thời điểm này. Nhưng ẩn sâu trong những sự kỳ quặc đó, là một câu chuyện mang tính cá nhân tới lạ thường, về nỗi đau, sự cô đơn, và cách chúng ta đối diện với những câu hỏi không có lời giải đáp trong cuộc sống.
Đã có thể được đề cử ở hạng mục: Thiết kế sản xuất, Trang điểm và Làm tóc, Thiết kế trang phục, hoặc Quay phim.
Wes Anderson đã nhận được một đề cử tại Oscar năm nay với bộ phim ngắn “The Wonderful Story of Henry Sugar”, và rất có thể sẽ mang về tượng vàng. Tác phẩm còn lại của ông, “Asteroid City” có vẻ đã bị lãng quên trên đường đua vì công chiếu từ quá sớm, và cũng là bộ phim chia rẽ giới phê bình bậc nhất trong sự nghiệp của Anderson.
Thế nhưng không thể phủ nhận vẻ đẹp kỳ lạ, như bước ra từ một tấm áp-phích cổ điển của “Asteroid City” đã có thể đem về cho bộ phim một đề cử Oscar.
Fallen Leaves
Aki Karismäki từng là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất châu Âu trong thập niên 80 và 90, với tần suất làm phim nhiều tới trong mặt, và cái tên được khắc trên hàng tá các giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim Cannes và Berlin.
Năm nay, nhà làm phim người Phần Lan một lần nữa đưa nét hài hước khô khan tới khó xử và tông màu bắt mắt - những yếu tố đã tạo nên phong cách đặc trưng của ông - vào tác phẩm “Fallen Leaves”, xoay quanh hai con người cô đơn cố gắng vượt qua các rào cản cá nhân để xây dựng một mối quan hệ, khi mà cuộc sống xung quanh họ dường như đang ngày một vụn vỡ.
Đã có thể được đề cử ở hạng mục: Phim Quốc tế Xuất sắc.
“Fallen Leaves” đã được Phần Lan lựa chọn làm đại diện chính thức để tham dự Oscar, và vào tháng 12 năm ngoái đã thành công giành được một suất trong danh sách rút gọn gồm 15 bộ phim cho hạng mục Phim Quốc tế xuất sắc nhất.
Việc vắng mặt trong danh sách đề cử cuối cùng hoàn toàn không phải yếu tố đánh giá chất lượng phim, mà chỉ đơn thuần cho thấy các bộ phim được đề cử cùng hạng mục còn xuất sắc hơn.
Air
Tại Hollywood, hiếm có “đôi bạn cùng tiến” nào thành công như Ben Affleck và Matt Damon. Hơn 20 năm sau chiến thắng đầu tiên tại Oscar với “Good Will Hunting”, bộ đôi này lại cùng nhau tái xuất trong một tác phẩm theo mô-típ “chiến thắng của kẻ yếu thế” kinh điển trong dòng phim chủ đề thể thao.
“Air” xoay quanh cuộc đàm phán lịch sử giữa công ty Nike và chàng tân binh trẻ Michael Jordan, từ đó cho ra đời dòng giày Air Jordan tới nay vẫn được coi như chiếc “chén thánh” của dân bóng rổ và giới sneakerhead toàn cầu.
Đã có thể được đề cử ở hạng mục: Phim Xuất sắc, Nam diễn viên chính Xuất sắc.
Bộ phim đạt đủ các tiêu chí vốn vẫn lấy lòng được Viện hàn lâm: một tác phẩm tiểu sử dựa trên câu chuyện có thật, được yêu thích bởi cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng, hội tụ một dàn sao hạng A thuộc hàng ngũ quý tộc của Hollywood,...
“Air” cũng đã nhận được hai đề cử tại lễ trao giải Quả cầu Vàng, dành cho bộ phim và nam chính Matt Damon. Song như các fan điện ảnh đã biết, đề cử Quả cầu Vàng chưa bao giờ là sự đảm bảo cho đề cử Oscar.
Priscilla
Hiện thân của Elvis Presley trên màn ảnh vẫn luôn là một thứ gì đó khổng lồ và hết sức lộng lẫy. Nhưng như cuộc đời của mọi ngôi sao khác, sẽ vẫn luôn có những góc khuất của Elvis mà không nhiều người biết tới.
Đạo diễn Sofia Coppola đã nhìn ra điều này khi bà quyết định chuyển thể cuốn hồi ký “Elvis and Me” của Priscilla Presley, người vợ cũ của ông hoàng nhạc Rock’n Roll. Đặt dưới lăng kính thấu hiểu và đa cảm của một người phụ nữ, “Priscilla” tường thuật lại cuộc hôn nhân đầy hỗn loạn và có phần độc hại của Elvis và Priscilla.
Đã có thể được đề cử ở hạng mục: Nữ diễn viên chính Xuất sắc, Kịch bản Chuyển thể Xuất sắc.
Nữ chính Cailee Spaeny là một trong những ngôi sao trẻ sáng giá nhất của điện ảnh năm vừa qua, tinh tế thủ vai nàng Priscilla với toàn bộ vẻ đoan trang nhã nhặn, bọc bên ngoài sự sắc bén và ao ước phiêu lưu đầy hoang dã.
Màn hóa thân này đã mang về cho Spaeny giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Venice cùng một đề cử Quả cầu Vàng. Bên cạnh đó, Sofia Coppola cũng đã là chủ nhân của một tượng vàng cho bộ phim “Lost in Translation”, nhưng có vẻ như năm nay vẫn chưa là dịp để nữ đạo diễn tới từ gia tộc quyền quý bậc nhất Hollywood tái xuất trên sân khấu Oscar.